Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 05.12 đến ngày 10.12.2022

0
9

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 05.12 đến ngày 10.12.2022 

05.12.2022

THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG

Lc 5,17-26

Lời Chúa:

“Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật.” (Lc 5,17)

Câu chuyện minh họa:

Đức Tổng Giám Mục Helder Camara của Braxin, có lần đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Tôi có người anh lớn hơn tôi 5 tuổi, đã rửa tội từ lúc mới sinh, và từng theo học nhiều năm trong trường dòng. Nhưng lớn lên anh bắt đầu bê trễ, bỏ đọc kinh, bỏ dự lễ, và cuối cùng là bỏ… đạo. Sau khi tôi thụ phong linh mục, anh cùng với tôi sống chung với người chị độc thân. Mỗi lần biết tôi sắp đi giảng tĩnh tâm, anh lại hỏi:

– Hôm nay chú nói về đề tài gì?

Tôi lại có dịp giải thích cho anh những điều mình sắp giảng.

Anh chỉ lắng nghe, không bình luận.

Tám năm sau, anh bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại và nói:

– Lâu nay tôi để ý quan sát, thấy không có sự cách biệt giữa lời chú giảng và việc chú làm. Vậy xin hỏi chú, tôi có thể dựa vào đức tin của chú để rước lễ không?

Tôi trả lời:

– Em tin là Chúa lòng lành vô cùng sẽ đoái thương anh.

Bấy giờ anh tôi nói trong nỗi xúc động:

– Ngay bây giờ thì chưa được đâu, vì tôi chưa xưng tội.

Tôi định tìm cho anh một linh mục khác nhưng anh đòi xưng tội với tôi. Sau khi rước lễ xong, anh thều thào trong nước mắt:

– Tôi tin, tôi tin, chú ạ. Bây giờ tôi tin không phải dựa vào đức tin của chú, mà tôi thực sự xác tín rằng Chúa yêu thương tôi!

Ít phút sau đó anh đã ra đi trong bình an, thanh thản.

Suy niệm:

Chúa Giêsu không những chữa trị các bệnh tật nơi thân xác nhưng còn chữa các bệnh tật nơi tâm hồn con người nữa. Ngài muốn chúng ta trông cậy vào quyền năng của Ngài, vì Ngài biết chúng ta đau khổ thế nào khi gặp những khó khăn, thử thách, bệnh tật… Để chứng tỏ quyền năng và để người khác nhận biết Chúa là Đấng có quyền tha tội, Ngài đã làm phép lạ ngay trước mắt các ông, cho người bại liệt đứng dậy trước sự kinh ngạc của đám đông.

Lạy Chúa, xin cho con luôn vững tin vào Chúa, vì Ngài là Đấng hằng yêu thương và chữa lành mọi vết thương nơi thể xác và trong tâm hồn.

06.12.2022

THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG

Mt 18,12-14

Lời Chúa:

“Thiên Chúa không muốn những kẻ bé nhỏ này phải hư vong” (Mt 18,14).

Câu chuyện minh họa:

Trên một chuyến tàu khách vượt biển, trời bỗng nổi sóng gió, một cậu bé vì mê chơi đã không kịp vào khoang tàu, những ngọn sóng như những tấm màn quá khổ vút cao trùm xuống con tàu hất tung cậu xuống biển. Bất chấp tất cả người cha lao mình theo. Sau nửa giờ tìm kiếm đội cứu hộ đã tìm ra hai cha con trong tình trạng bất tỉnh.

Sau khi được phục hồi. Viên thuyền trưởng đến chúc mừng và hỏi người cha: “ông không sợ nguy hiểm sao?” người cha cười trả lời: “Rất sợ, nhưng tôi sợ mất con tôi hơn”.

Suy niệm:

Chúa Giêsu đến rao giảng nước Thiên Chúa và Người dùng hình ảnh người mục tử quen thuộc để minh họa tình yêu Cha trên trời. Chúa Giêsu chính là người mục tử nhân lành hết mình vì đoàn chiên, Người không để con nào phải mất, như Lời Chúa đã nói: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Bởi vì, Thiên Chúa thương yêu hết mọi người, Ngài không chê bỏ ai, Thiên Chúa luôn tìm kiếm đón nhận và vui mừng khi tìm lại được một tâm hồn lầm lạc.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn yêu mến Chúa, tin nhận Chúa chính là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người để chia sẻ kiếp người với chúng con. Nhờ đó, chúng con mau mắn đến với Chúa và gặp gỡ tha nhân hơn. Amen.

07.12.2022

THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG

Thánh Ambrôsiô, giám mục, Ts. HT

Mt 11,28-30

Lời Chúa:

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)

Câu chuyện minh họa:

Một buổi chiều nọ, đang khi ngồi trong tiệm sửa xe, tôi có dịp quan sát khung cảnh náo nhiệt của một đoạn đường trong thành phố. Bỗng một chiếc Honda của một thanh niên từ trong hẻm lao thẳng ra và tông vào xe của một thiếu nữ. Rất may, cả hai người đều không bị thương tích; nhưng chiếc giỏ bên tay xe của chị bị đứt quai. Những trái hồng văng tung toé trước mặt họ. Hối hận vì hành động của mình, anh thanh niên vội bước đến xin lỗi và nhặt những trái hồng lên cho chị. Với thái độ điềm tĩnh, chị mỉm cười nói: “Xin lỗi anh, tôi thắng không kịp”.

Suy niệm:

Lời mời gọi của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cốt lõi của đạo. Đạo là chính Chúa, là tình yêu nhập thể. Sống đạo là sống bằng sức sống thần linh của Ngài, sống đạo là làm chứng và chia sẻ tình yêu của Ngài cho mọi người. Đó là cuộc cách mạng đích thực mà Chúa Giêsu muốn thực thi qua Giáo hội và qua mỗi người chúng ta.

Một bộ luật nặng nề và không hồn đã trở thành nhẹ nhàng nhờ có linh hồn là tình yêu thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng của tình thương. Chỉ có tình thương mới là khí giới lật đổ được bất công, và xây dựng được một xã hội công bằng thật sự. Chỉ có tình thương mới thực sự giải phóng con người khỏi mọi áp bức.

Lạy Chúa, xin Chúa biến đổi con từng ngày giúp con luôn sống tinh thần khiêm nhường và hiền lành như Chúa dù có phải đi ngược dòng.

08.12.2022

THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG

Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lc 1,26-38

Lời Chúa:

Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai” (Lc 1,31).

Câu chuyện minh hoạ:

Trong một nhà thờ tại Rôma, linh mục đang cử hành thánh lễ mừng Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong số các người dự lễ, có một bà già. Lễ xong, bà đến gặp vị linh mục và giao cho cha năm ngàn quan tiền Ý để xin dâng một thánh lễ. Linh mục bỡ ngỡ vì số tiền quá lớn. Bà già cắt nghĩa: đó là số tiền bà đã dành dụm trong vòng 5 tháng. Ý nghĩa của bà: Tạ ơn Chúa vì Chúa đã làm cho Đức Mẹ trở nên quá đẹp đẽ, quá tuyệt vời.

Thật thế, Đức Mẹ quá đẹp, quá tuyệt vời: ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Thánh Cha Piô IX long trọng tuyên bố tín điều: Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta được diễm phúc Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hơn nữa, tại Lộ Đức, Đức Maria hiện ra cùng thánh Bernadette khi chị hỏi: “Thưa bà, bà là ai”. Mẹ khẳng định: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Suy niệm:

Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến với Đức Maria, với lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Qua lời chào này giúp chúng ta biết rằng: nơi Mẹ Maria, ơn Chúa tràn đầy. Thật vậy, Mẹ cần được ân sủng Chúa nâng đỡ để có thể hoàn toàn tự do trong đức tin mà đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, để qua hai tiếng “Xin vâng” của Đức Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, và ở giữa chúng ta.

Hơn nữa, lời chào của sứ thần Gabriel còn cho chúng ta thấy nơi Mẹ, không vương vấn tội lỗi, Mẹ được ơn Chúa gìn giữ cách riêng, là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương Đức Maria luôn biết vâng nghe theo ý Chúa, để Chúa làm chủ cuộc đời chúng con. Amen.

09.12.2022

THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG

Mt 11,16-19

Lời Chúa:

“Tôi phải ví thế hệ này với ai?” (Mt 11,16)

Câu chuyện minh họa:

Truyện vui kể rằng: Một nông dân nghèo được vào thiên đàng, ông nhìn thấy người ta mang những vật rất kỳ lạ vào trong nhà bếp. Ông thắc mắc và lên tiếng hỏi:

– Cái gì thế? Có phải để nấu súp không?

– Không phải. Đó là những cái tai của con người. Khi sống ở trần gian, tai giúp họ nghe những điều tốt lành, nhưng họ không làm điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có tai của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.

Một lát sau, người nông dân lại nhìn thấy người ta mang vào nhà bếp những vật kỳ lạ khác. Ông cũng lên tiếng hỏi:

– Cái gì thế? Có phải để nấu súp không?

– Không phải. Đó là những cái lưỡi của con người. Khi sống trên đời, lưỡi khuyên bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ lại không sống; không làm những điều tốt lành đó. Khi chết, chỉ có lưỡi của họ được vào thiên đàng thôi, những phần khác của cơ thể thì không được vào.

Suy niệm:

Chúa Giêsu so sánh thế hệ của Ngài với lũ trẻ trái tính trái nết: khi chúng chơi trò đám cưới, “thổi sáo”, thì đòi người ta cũng chơi theo trò đó; khi chúng chơi trò đám ma thì cũng thế. Nghĩa là chúng chỉ muốn bắt người ta theo ý riêng của chúng, ai không theo thì chúng phê phán, trách móc.

Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đều đến để dạy dân Do Thái con đường cứu độ. Nhưng vì điều đó không hợp với sở thích của họ nên họ luôn khước từ và còn phê phán, hai ngài làm gì cũng bị họ chê: Gioan sống khắc khổ thì họ chê là “bị quỷ ám”; Chúa Giêsu sống hoà mình ăn uống với mọi người thì họ chê là “tay ăn nhậu”.

“Nhưng đức Khôn ngoan được biện minh bằng hành động”: giá trị thật của một người không tuỳ vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tùy vào chính hành động, vào lối sống của người đó. Người ta nói Gioan Tẩy Giả “bị quỷ ám”, nói Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu”. Không sao, hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài.

Lạy Chúa, xin biến đổi con để con biết nhận ra Chúa đang hiện diện trong mọi biến cố của cuộc đời và trong mỗi anh chị em con, và cho con biết sử dụng thật tốt những ơn lành Chúa ban.

10.12.2022

THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG

Mt 17,10-13

Lời Chúa:

“Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra,…” (Mt 17,12)

Câu chuyện minh họa:

Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức dậy sớm. Anh quyết định sửa soạn chiếc xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng chờ vị khách quý. Và người khách đó không ai khác là Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, ngài đã hiện ra và báo cho anh biết ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

Người thợ giầy ngồi đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng người đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa mà là người phát thư.

Sáng hôm đó là ngày cuối đông cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để người phát thư run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

Người thợ giầy vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn ra cửa sổ anh thấy có một em bé khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy tờ giấy viết vài chữ để trên bàn báo cho người khách quí mình phải đi ra ngoài.

Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện dễ và nhanh chóng. Mãi đến chiều tối anh ta mới tìm thấy nhà đứa bé, và khi anh về đến nhà thì phố xá đã lên đèn.

Vừa bước vào nhà anh thấy có người đang đợi nhưng không phải là Chúa mà là một người đàn bà với dáng tiều tụy. Suốt mấy ngày bà đã không có gì bỏ bụng. Vì bị đói như thế cho nên bà cũng không còn sữa cho con bú. Anh thợ giầy tận tụy lo lắng cho cả hai mẹ con.

Công việc xong xuôi thì đã quá nửa đêm. Mệt quá anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

Thế là một ngày đã qua mà chưa thấy Chúa đến, nhưng đột nhiên trong giấc ngủ người thợ giày nghe thấy tiếng Chúa nói với anh:

– Cám ơn con đã dọn trà nóng cho ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an ta. Cám ơn con đã tiếp đón ta trong ngày hôm nay.

Ý nghĩa của câu chuyện quá rõ ràng: mỗi lần chúng ta tiếp đón một trong các người anh em là chúng ta tiếp đón Chúa.

Suy niệm:

Elia là hiện thân của một cuộc tranh đấu không nghỉ ngơi cho công bằng và quyền con người. Ngài đã mở ra một thế hệ các tiên tri luôn lên tiếng tố cáo, những bất công và kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những người cùng khổ, bị áp bức. Chúng ta cũng bắt gặp dung mạo ấy trong vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước là Gioan tẩy giả. Chúa Giêsu cũng đã đến vào thời của vị tiên tri này. Ngài là tiên tri của các tiên tri, Ngài không những lên tiếng tố cáo bất công, mà còn đề cao quyền và phẩm giá cao trọng của con người nơi những bé mọn, bị đẩy ra bên lề xã hội.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra Chúa trong cuộc đời con, nhất là nơi những anh chị em bất hạnh, những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho