NIỀM VUI CHÚA ĐẾN- Suy niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng C

0
67

AgnusDei

Tôi vẫn suy nghĩ, nhưng vẫn chưa hiểu tại sao lúc sinh ra, khi cất tiếng chào đời, chẳng có em bé nào cười mà chỉ có khóc. Ngay những giờ phút đầu tiên trong cuộc sống con người đã khóc, phải chăng đó là dấu chỉ cho thấy cuộc đời này có quá nhiều đau khổ? Mới sinh ra đã khổ, rồi bệnh cũng khổ, già cũng khổ, mà chết cũng khổ; không được điều mình ước muốn cũng là khổ. Như thế, phải chăng đời chỉ là bể khổ. Và nếu đời chỉ là bể khổ thì cuộc sống của con người trong thế giới này có ý nghĩa gì?

Nhưng cho dù cuộc sống có nhiều đau khổ, người kitô hữu vẫn không tuyệt vọng. Chúng ta vẫn luôn tin tưởng và hy vọng, vì chúng ta biết rằng: có một Thiên Chúa quyền năng và yêu thương đang ở bên cạnh để nâng đỡ chúng ta. Xác tín điều đó, thánh Phaolô khẳng định với các tín hữu Roma: “Nếu Thiên Chúa phò ta, ai sẽ chống lại ta?” (Rm 8, 31). Như thế, đối với thánh Phaolô: có Thiên Chúa là có bình an và niềm vui. Chính Thiên Chúa sẽ nâng đỡ giúp chúng ta vượt qua tất cả những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Tiếp tục niềm tin đó, trong thư gởi tín hữu Philipphê hôm nay, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên”.

Để có thể luôn sống trong niềm vui của Chúa, chúng ta cùng nhìn lại các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay.

  1. Vui trong đức tin:

Trước hết, chúng ta cùng trở lại với bài đọc một được trích từ sách ngôn sứ Sophonia. Ngôn sứ Sophonia hoạt động vào khoảng thế kỷ VII tcn, tại miền Nam – Giuđa. Mảnh đất nhỏ bé, quê hương ông nay thì sợ quân đội của Assirie từ phía Bắc tấn công, mai lại sợ quân Ai Cập phía Tây Nam tiến đánh. Cả đất nước chao đảo, phập phồng lo sợ chẳng biết còn mất lúc nào. Thế nhưng, giữa cảnh hỗn loạn ấy, ngôn sứ Sophonia vẫn hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng đã từng giải thoát và đưa dân của Ngài từ Ai Cập trở về. Đây không chỉ là một niềm tin bình thường, nhưng là một xác tín vững chắc, đến nỗi nó giúp vị ngôn sứ vượt qua được tâm trạng lo lắng, bất an một người đang sống trong thời buổi loạn lạc và thốt lên lời reo vui: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn!”.

Chính trong niềm hân hoan, vui mừng đó, vị ngôn sứ đã loan báo cho dân một tin vui: “Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa… Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi”. Như thế, niềm vui mà vị ngôn sứ loan báo, chính là niềm vui của người được tha thứ. Thiên Chúa không còn kết án dân Người nữa. Với tình yêu, Người đã tha thứ hết mọi tội vạ cho dân. Hơn thế nữa, Người còn đến hiện diện ở giữa dân, gìn giữ họ khỏi mọi thế lực của quân thù. Đây quả là niềm vui tuyệt diệu. Vâng, còn gì vui hơn khi chúng ta lỗi lầm mà được tha thứ. Và không chỉ được tha thứ, chúng ta còn được Thiên Chúa đến để cùng chúng ta.

Cùng chung niềm vui đó, tác giả Thánh vịnh cũng cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Đây Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Đấng tôi ca ngợi. Nguời trở nên phần rỗi của tôi”. Tin tưởng vào sức mạnh của Thiên Chúa, chúng ta không còn phải sợ hãi khi phải đối diện với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Chúng ta không cũng không còn cô đơn khi phải chiến đấu với những cơn cám dỗ, thử thách vì đã có Thiên Chúa ở cùng. Ngài chính là sức mạnh và là phần rỗi của chúng ta.

Niềm vui có Chúa ở giữa dân Người quả thật đã được thực hiện khi Chúa Giêsu Nhập Thể làm người. Chúa Giêsu chính là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23) như lời các ngôn sứ đã báo trước. Tuy nhiên, trong lần đến thứ nhất, Chúa Giêsu vẫn còn mang thân phận yếu hèn của con người. Do đó, cử hành Mùa Vọng còn tiếp tục mời gọi chúng ta hướng đến ngày Ngài trở lại lần thứ hai trong vinh quang. Lúc đó, tất cả những ai còn vững tin và trung thành với Ngài sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn.

  1. Vui vì Chúa gần đến:

Chính vì luôn vững tin vào ngày Chúa Giêsu trở lại, nên cho dù hiện tại đời sống của các tín hữu Philipphê đang gặp nhiều khó khăn. Họ đang bị chính quyền La mã bắt bớ, giết hại, thánh Phaolô vẫn mời gọi họ: “Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên…, vì Chúa đã gần đến”. Lời mời gọi vui lên của thánh Phaolô, tôi thiết nghĩ cũng đang được gởi đến chúng ta hôm nay.

Thật vậy, cuộc sống hiện tại của chúng ta, cho dù không còn những cuộc bách hại dữ dội như các tín hữu thuở ban đầu, nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với biết bao những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Hàng ngày, chúng ta đang phải đầu tắt, mặt tối để kiếm từng miếng cơm, manh áo cho gia đình. Đó là chưa nói đến những băn khoăn, lo lắng về tương lai của con cái và chính bản thân mình. Khó khăn này chưa giải quyết xong, khó khăn khác đã ập tới. Nhưng cho dù hiện tại không có gì để chúng ta vui, thì thánh Phaolô vẫn mời gọi chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên…, vì Chúa đã gần đến”. Chúng ta chỉ có thể vui, nếu chúng ta luôn ở trong Chúa. Tâm hồn chúng ta vui và bình an vì có Chúa đang ở với chúng ta. Ngài sẽ đến để giúp chúng ta vượt thắng tất cả những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống và ban thưởng cho tất cả những ai trung thành. Cũng như dân Do Thái xưa, Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng của tất cả chúng ta hôm nay. Chúng ta hy vọng vì chắc chắn rằng Ngài sẽ đến để giải thoát tất cả chúng ta khỏi gánh nặng của tội lỗi như lời loan báo của Gioan: “Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, …Chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa”. Trong tâm tình tin tưởng và hy vọng đó, thánh Phaolô nhắc bảo chúng ta: “Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng lời kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ”.

Nhận được niềm vui có Chúa ở cùng, chúng ta không thể chỉ giữ cho riêng mình. Niềm vui đó cần được chia sẻ và loan báo cho mọi người. Xác tín điều đó, tác giả Thánh vịnh đã cất tiếng ngợi ca: “Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu Thánh Danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người…Hãy hát mừng Chúa vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu”. Theo gương Gioan, chúng ta loan báo niềm vui trước hết, bằng chính đời sống khiêm tốn của chúng ta: “Tôi thì lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Kế đó, là sống tinh thần bác ái, sẵn sàng chia sẻ với tha nhân với cả tấm lòng thành của mình như lời mời gọi của Gioan: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng làm như vậy”.

Ước gì cũng như ngôn sứ Sophonia khi xưa, cho dù hiện tại cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng từng người chúng ta vẫn luôn có bình an và tràn đầy niềm vui, vì xác tín rằng: chúng ta đang có Chúa ở cùng. Nhờ đó, vào ngày Chúa đến, tất cả chúng ta sẽ cùng hân hoan ra đón Người. Amen.

Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn