Vương quốc vĩnh cửu- Suy niệm Lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ- Năm C
Vua là người đứng đầu một vương quốc, là người có quyền lực trong mọi lãnh vực và được người ta tôn sùng. Tuy vậy, lịch sử cũng chứng kiến có những vị vua bị lật đổ vì nhiều lý do. Có thể do chính bản thân vị vua thiếu tài thiếu đức, nhưng cũng có thể do thay đổi chế độ, những người “chiến thắng” muốn phế bỏ một hệ thống chính trị mà họ coi như lỗi thời.
Hôm nay, Chúa nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo Hội suy tôn Chúa Giêsu với tước hiệu “Vua vũ trụ”. Người là Vua không giống như một vị tổng thống do cử tri bỏ phiếu bầu ra, cũng không giống một vị vua được phong vương sau khi đã chiễm lĩnh một vùng lãnh thổ. Chính Thiên Chúa Cha đã ban cho Người “mọi quyền năng trên trời dưới đất” (Mt 28, 18). Khi nghe nói đến Đức Giêsu với tước hiệu “Vua vũ trụ”, nhiều người trong chúng ta cũng liên tưởng ngay đến những vị vua mặc hoàng bào, ngồi trên ngai, có triều thần hầu cận với biết bao cung nữ cung phụng. Trong khi đó, Phụng vụ lại giới thiệu cho chúng ta một vị vua hoàn toàn khác: bị đánh bầm dập đến nỗi người thân không nhận ra, trần trụi không một mảnh vải che thân và bị hành hình treo trên thập giá. Thập giá là một hình khổ làm cho người bị xử vừa đau đớn vừa nhục nhã. Vị vua Giêsu không có lễ phong vương huy hoàng. Vị vua ấy đã tự nguyện hy sinh, bị hạ xuống tận cùng cùng nhuốc nhơ đau khổ. Chính trong hoàn cảnh này, Người được tôn làm người đứng đầu một vương quốc, mà người tôn vinh ấy là một người trộm cũng bị kết án tử hình và bị thi hành án cùng với Người: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Qua lời cầu xin này, người kẻ trộm nhận ra vương quyền và vương quốc của Chúa. Xuyên qua một con người bị hành hình, anh ta nhận ra Người là Vua, là chủ một vương quốc và có quyền năng đón nhận những công dân mới vào vương quốc đó. Trong khi các thủ lãnh và một số người Do Thái muốn phế bỏ Đức Giêsu, vì họ coi Người như một tên phản loạn nhìn theo khía cạnh tôn giáo cũng như xã hội, thì một người trộm cùng hoàn cảnh với Người lại nhận ra Người là Vua. Cũng thế, trải dài suốt bề dày của lịch sử, có những người khôn ngoan uyên bác phủ nhận giáo huấn và vương quyền của Chúa Giêsu, thì có tầng tầng lớp lớp những người bé mọn và khiêm nhường lại tôn nhận Người là Vua và là lý tưởng của cuộc đời, và nhờ đó họ tìm thấy sự bình an hạnh phúc. Hãy nhìn hai người trộm cùng bị hành hình với Chúa Giêsu: một người tôn nhận vương quyền của Chúa; người kia lại phủ nhận quyền năng của Người. Nói như thế không có nghĩa là trong số những người tôn nhận Vương quyền của Đức Giêsu chỉ những người bình dân thất học. Không phải vậy, có rất nhiều nhà khoa học, những học giả trong nhiều lãnh vực khác nhau đã “nhìn thấy Thiên Chúa” qua những công trình nghiên cứu, và họ đã trở nên những tín hữu đạo đức, thánh thiện.
Vị Vua Giêsu hạ mình sâu thẳm đến mức “hủy mình ra không” để cứu vớt những con người đắm chìm trong tội lỗi. Người chuốc lấy đau khổ của nhân loại để nhân loại được hạnh phúc. Người mang lấy tội lỗi nhân gian để nhân gian được tha thứ. Đó chính là nét đặc thù làm cho vị Vua Giêsu hoàn toàn khác với các vua chúa trần gian. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tuyên bố điều ấy. Qua lời tuyên bố này, Chúa Giêsu khẳng định Người là Thiên Chúa cao cả và quyền năng. Mặc dù có bị đánh bầm dập, trần trụi, đau khổ, Người vẫn là Thiên Chúa và vẫn có quyền chấp nhận một người, dù nhiều tội lỗi, trở thành công dân của vương quốc vĩnh cửu.
Thiên Chúa là Đấng vô hình. Con người không thể thấy Ngài. Tuy vậy, qua Đức Giêsu, con người có thể nhận ra khuôn mặt bao dung và đầy lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định với chúng ta: “Thánh Tử (Đức Giêsu) là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình”. Qua Đức Giêsu, con người có thể “chạm tới” tình thương Thiên Chúa và nhận ra Ngài đang hiện diện.
Bài đọc I giới thiệu cho chúng ta vua Đavít, là một gương mặt điển hình trong hàng ngũ các vua của lịch sử Do Thái. Đavít cũng là hình ảnh của vị Vua Giêsu trong tương lai. Nếu Đavít đã đi vào lịch sử Do Thái bằng những chiến công hiển hách tiêu diệt quân thù, và một đời sống đạo đức cầu nguyện gương mẫu, thì vị Vua Giêsu lại hy sinh mạng sống để cứu chuộc con người, phục hồi phẩm giá của họ và mặc cho họ sự thánh thiện cao sang. Chúa Giêsu không phải là một vị vua của quá khứ, cũng không phải là vị vua tương lai, mà là vị vua của hiện tại đang cai trị hoàn vũ này và cai trị các tâm hồn bằng tình yêu thương. Người mời gọi chúng ta hãy đón nhận vương quyền của Người để tâm hồn được thanh thản, và để gánh nặng cuộc đời trở nên nhẹ nhàng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Mang lấy ách” là một kiểu nói diễn tả sự đón nhận, tâm tình yêu mến và thiện chí noi gương bắt chước một bậc thầy.
Tạ ơn Chúa cho chúng ta trở nên công dân của Vương quốc vĩnh cửu, qua Bí tích Thanh tẩy. Xin cho chúng ta biết trân trọng danh hiệu cao quý ấy, đồng thời cố gắng rập khuôn đời mình theo gương Vua Giêsu, để cùng chung hưởng vinh quang với Người, như lời Người đã hứa với người trộm lành năm xưa.
ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên