NGÔN SỨ- Suy niệm Chúa nhật IV Thường niên C

0
104

1

Ngày xưa các sĩ tử bỏ ra bao công sức để dùi mài kinh sử, đợi đến khi nhà vua mở khoa ứng thí thì kéo nhau về kinh để thi cử. Ai đỗ đạt thì làm ông Cống, ông Nghè, ông Trạng. Đỗ đạt làm quan là một vinh dự tột bậc cho các sĩ phu. Họ sẽ về quê để “vinh quy bái tổ” trong sự đón tiếp nồng hậu của bà con đồng hương. Đó cũng chính là sự hãnh diện cho kẻ đỗ đạt, và là sự tự hào của dân làng đồng hương. Nhưng đôi khi sự hãnh diện và tự hào đó trở thành sự vênh vang và tự cao tự đại. Như câu chuyện dân gian kể lại như sau :

Ngày xưa có một người học trò nghèo nhưng siêng năng và học giỏi được Ngọc Hoàng trên Thiên Đình ghi tên vào sổ Thiên Tào cho đậu tiến sỹ, làm quan Thượng Thư. Ngọc Hoàng báo mộng cho ông Từ một ngôi đền mà người học trò thường ghé chân nghỉ ngơi. Ông Từ cho người học trò biết tin vui ấy. Từ đó trở đi, anh ta vênh váo tự đắc với hết mọi người. Anh ta từ bỏ người vợ xấu xí, đe dọa dân làng và hàng tổng, huênh hoang tự phách lối với hết mọi người. Ngọc Hoàng thấy vậy liền gạch tên anh ta trong sổ Thiên Tào, không cho đỗ đạt nữa. Quả nhiên, sau đó người học trò thi mãi không đỗ, đành mất vợ, mất cả cửa nhà.

Từ câu chuyện này, dân gian mới có câu tục ngữ : “Chưa đỗ Ông Nghè đã đe hàng Tổng”.

Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Luca kể lại câu chuyện Chúa Giêsu trở về Nazareth là quê hương mình và giảng dạy trong Hội Đường.

Có lẽ những người đồng hương của Chúa đã tự hào coi Chúa như Ông Nghè về làng “vinh quy bái tổ”. Họ mong Chúa làm vài phép lạ như Chúa đã từng làm ở những nơi khác, như Capharnaum chẳng hạn, để cho họ được “nở mày nở mặt”.

Nhưng khác với người học trò trong câu chuyện, Chúa Giêsu không phải là loại “ông Nghè” khoa bảng, mong chiếm được bảng vàng để được bả vinh hoa phú quý, kênh kiệu với mọi người, nhất là đối với những người đồng hương.

Chúa Giêsu cũng khác với các ông Biệt Phái, các thầy Pharisiêu, các Tiến Sỹ luật, là những loại “ông Nghè” luôn tự đắc về “tài cao đức trọng” của mình mà kiêu hãnh với mọi người.

Chúa Giêsu trở về Nazareth, thật khiêm tốn như một Ngôn Sứ Của Sự Thật.

Cũng như ngôn sứ Giêrêmia, được diễn tả trong bài đọc thứ nhất, và cũng giống như các ngôn sứ khác, Chúa Giêsu đóng đúng vai trò của một ngôn sứ : là kẻ phải chấp nhận những hy sinh gian khổ, chấp nhận bị xua đuổi, bị chống đối, và thậm chí bị giết chết, để tuyên rao lời Thiên Chúa, để nói sự thật cho mọi người.

Chúa nói thẳng nói thật : “Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”. Chúa muốn phá tan niềm kiêu hãnh của những người trong gia đình và thân tộc muốn dựa vào “Con ông cháu cha” để tự mãn với mọi người. Chúa cũng muốn phá vỡ não trạng ích kỷ và vụ lợi của họ: “Một người làm quan cả họ được nhờ”.

Vì vậy, Chúa nêu lên hai trường hợp dân ngoại được Thiên Chúa cứu chữa :

Một là trường hợp bà góa tại Sarepta được Chúa cứu đói thời tiên tri Êlia.

Hai là trường hợp ông Naaman, người Syria được Chúa chữa khỏi bệnh phong cùi thời tiên tri Êlisêô.

Như thế, Chúa khẳng định rằng : tình thương của Thiên Chúa được ban cho hết mọi người, mọi dân tộc. Ơn cứu độ luôn mang tính phổ quát.

Những lời nói thật của Chúa Giêsu đã dẫn đến một hậu quả phũ phàng : Dân chúng lòng đầy căm phẫn, trục xuất Ngài ra khỏi thành, dẫn Ngài lên triền núi và xô Ngài xuống vực thẳm. Nhưng Ngài rẽ qua giữa họ mà đi. Đây chính là kết cục tất yếu của cuộc đời vị ngôn sứ : trả giá bằng đau khổ vì đã làm chứng cho sự thật.

Hôm nay, chúng ta được mời gọi để đi theo Vị Ngôn Sứ Tối Cao là Chúa Giêsu :

Hãy biết nói sự thật dù “sự thật mất lòng”. Không chỉ “mất lòng” mà còn mất nhiều thứ : mất việc, mất khách, mất mối, đôi khi bị mất mặt hoặc làm mất mặt người khác. Vì sợ mất cái này, cái khác, nên người ta sợ nói sự thật. Nhưng các ngôn sứ còn chấp nhận mất cả mạng sống để nói và bảo vệ sự thật thì sao ?

Hãy biết nghe sự thật vì “thuốc đắng giã tật”. Sự thật là liều thuốc tốt cho xã hội hôm nay, một xã hội còn nhiều giả dối : hàng giả, giấy tờ giả, tiền giả, thuốc giả, ngay cả trên thân xàc cũng có nhiều thứ giả,…Người ta sợ nghe sự thật thì phải thay đổi nếp suy nghĩ, cách làm việc, cách sống…Nhưng càng ít nghe sự thật, con người càng đánh mất chính mình và đến lúc cũng tự lừa dối cả chính mình.

Hãy biết hành động theo sự thật dù “sống thiệt thì thiệt thân”. Từ suy nghĩ không thật, nên hành động không thật. Vì thế, mới có những vụ lừa đảo, “giật hụi”, “chiếm dụng tài sản”, “chiếm dụng của công”. Sống gian dối trở thành một thói quen được mọi người dễ dàng chấp nhận hơn là sống chân thật. Muốn hành động đúng, hãy biết suy nghĩ đúng, nói và nghe đúng. Có thế, chúng ta mới luôn đi đúng đường.

Khi dân chúng định xô Chúa Giêsu từ trên triền núi xuống vực thẳm thì Chúa đã “rẽ qua giữa họ mà đi”. Chúa muốn mở ra một ngã rẽ mới, mở ra con đường chân lý, con đường thập giá của người ngôn sứ. Chúa mời gọi chúng ta đi theo con đường ấy.

Đi theo con đường sự thật và sống tinh thần một ngôn sứ, chúng ta phải chấp nhận hy sinh từ bỏ chính mình, chấp nhận mất mát, thiệt thòi, và chấp nhận cả sự thật này : con đường thập giá luôn luôn dẫn đến đỉnh đồi Calvê.

Người ta kể lại rằng : vào năm 1889, khi ông kỹ sư người Pháp là Gustave Eiffel, xây dựng ngọn tháp nổi tiếng mang tên ông, tháp Eiffel, thì có nhiều người đã chê bai, phê bình chỉ trích về kiểu dáng và chất liệu của ngọn tháp như một đống sắt giữa thủ đô Paris tráng lệ. Trong số những người không thích tháp Eiffel có nhà văn Guy de Maupassant.

Nhưng người ta cũng rất ngạc nhiên khi thấy ngày nào ông ta cũng lên tháp ngồi ngắm cảnh. Người ta hỏi ông : “Tại sao ông không thích tháp Eiffel mà ngày nào ông cũng lên tháp ngồi ?”. Ông ta đã trả lời : “Đi đâu tôi cũng phải nhìn cái tháp này. Vì thế, cách tốt nhất để không phải nhìn thấy cái tháp là vào ngồi trong chính cái tháp đó – Tháp Eiffel là nơi tôi không thấy tháp Eiffel”.

Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ. Ngài là Chân Lý cao cả nhất, không ai có thể chối cãi được. Mặc dù người ta từ khước Ngài, nhưng Ngài vẫn còn đó, mãi mãi còn đó. Ngay cả khi người ta chối bỏ và chạy trốn Ngài, người ta vẫn ở trong vòng tay yêu thương của Ngài.

Trích Logos năm C