Lời Kinh Kết Nối- Suy niệm lễ Đức Mẹ Mân Côi

0
192

Lời Kinh Kết Nối- Suy niệm lễ Đức Mẹ Mân Côi

Xã hội được xây dựng trên nhiều nền tảng. Một trong những nền tảng căn bản và quan trọng nhất là truyền thông.Truyền thông càng ngày càng có nhiều ảnh hưởng thiết thực trong cuộc sống con người và trong đời sống của Giáo Hội.Thời đại hôm nay, mạng internet được gọi là xa lộ thông tin cung cấp rất nhiều thông tin về mọi lãnh vực, cho con người mối quan hệ rộng lớn và nhiều cơ hội diễn đạt cảm xúc cũng như suy nghĩ của mình. Hòa vào mạng internet, con người trên khắp thế giới được kết nối với nhau. Hầu như ai cũng dùng điện thoại di động, đi đâu cũng có Wifi, 3G, 4G…Đến đâu cùng có kết nối.

Phụng vụ Giáo hội bước vào tháng Mân Côi kính Đức Mẹ. Từ ý tưởng truyền thông liên kết, tôi nghĩ đến: Kinh Mân Côi như điện thoại di động hòa đời người tín hữu vào mạng sự sống thiêng liêng. Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.

  1. Kết nối với Đức Maria

Kinh Kính Mừng là nối kết hai lời chào. Lời Sứ thần Gabriel chào Đức Maria trong buổi Truyền tin: “Mừng vui lên hỡi đấng đầy ơn phúc” (Lc 1,28) và  lời bà Êlisabet chào Mẹ Maria: “Em thật có phúc hơn mọi người nữ”(Lc 1,42) trong ngày thăm viếng. Phần hai là lời khẩn nài được Giáo hội thêm vào xin Đức Mẹ cầu bàu: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử Amen.

Khi lần chuỗi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta được nối kết với Đức Maria. Chiêm ngắm Mẹ chỉ là “Nữ tỳ hèn mọn”, nhưng “Chúa đã đoái thương nhìn tới”. Vì thế, “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Một thiếu nữ nhỏ bé sống ở làng quê nghèo Nadaret đã trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sứ thần Gabriel đến Nadaret chào thôn nữ Maria: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Ba tiếng “Đầy-ân-sủng” gộp lại trở thành như là tên gọi riêng của Đức Maria. Mẹ được tràn đầy ân sủng. Mẹ luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng. Không có giây phút nào mà Mẹ không có Thiên Chúa với mình. Không có giây phút nào mà Mẹ không trọn vẹn thuộc về Chúa. Không có bất cứ dấu vết tội lỗi chen vào giữa Mẹ và Thiên Chúa. Là một tâm hồn luôn luôn nghiền ngẫm Kinh thánh, chắc hẳn Đức Maria nhớ lại Lời Chúa đã dùng Ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavit xưa. Nhưng điều mà Mẹ không bao giờ nghĩ tới là mình có thể đóng vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Sau khi được Sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Maria khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, được trở nên cao trọng vì Mẹ khiêm nhường. Đức khiêm nhường dẫn Mẹ đến chỗ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.Đức Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa qua thái độ khiêm nhường và lời đáp xin vâng phát xuất từ lòng tin của Mẹ.

Đức Maria là người diễm phúc vì Mẹ đã tin như bà Êlisabet đã thốt lên : “Phúc cho em vì đã tin những lời Chúa phán”.

Đọc Kinh Mân Côi là kết nối hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người và giữa con người lên với Đức Maria, cách tự nhiên như tình mẫu tử.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thổ lộ tâm tình : “Từ thuở niên thiếu, lời kinh Kinh Mân Côi đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi… Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ…. Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó”.

  1. Kết nối với Chúa Giêsu

Điều huyền diệu làm cho chuỗi Mân Côi hữu hiệu là khi đọc, chúng ta vừa cầu nguyện vừa suy niệm. Kinh Lạy Cha dâng lên Chúa Cha, Kinh Kính Mừng dâng lên Đức Maria và Kinh Sáng Danh dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Những tâm tình suy niệm hướng về Chúa Giêsu Kitô.

Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.

Đọc Kinh Mân Côi là suy niệm các mầu nhiệm của Phúc Âm. Vì thế, Thánh Gioan Phaolô II  nói: “Kinh Mân Côi không thay thế việc đọc Kinh thánh, lectio divina; trái lại, Kinh Mân Côi giả định trước và cổ võ việc đọc Kinh thánh. Trong Kinh Mân Côi, chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn. Khi suy ngẫm về Kinh Mân Côi, chúng ta bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu vì Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đồng hành với Chúa Giêsu và cùng chịu khổ với Chúa Giêsu dưới cây thánh giá”.

Chuỗi hạt Mân Côi 200 hạt, 150 hạt, 50 hạt hay 10 hạt được dùng để đếm số Kinh Kính mừng là “…lời ca tụng Đức Kitô không ngừng. Đức Kitô được nhắc đến trong mỗi Kinh Kính Mừng cũng là Đấng được trình bày trong chuỗi các mầu nhiệm: Người là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ…” (ĐGH Phaolô VI, Rosamrum Virginis Mariae, số 18).

Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, hòa quyện trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Chuỗi Mân Côi lần lượt diễn tả:

– Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.

– Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

– Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.

– Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.

Qua Kinh Mân Côi, chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần Kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả hai trăm lần, như hai trăm đóa hoa hồng dâng kính Mẹ Maria. Đức Giáo Hoàng Piô V đã nói: “Đây là việc tôn kính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách đọc một trăm năm mươi Kinh Kính Mừng, theo con số các thánh vịnh của Đavít, chia thành từng chục kinh một với một Kinh Lạy Cha, đồng thơi suy ngắm các mầu nhiệm về toàn thể cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô”.

Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Người ta gọi chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của người bình dân. Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc Âm rút gọn của người bình dân. Cứ 10 Kinh Kính mừng lại suy gẫm về một mầu nhiệm mùa Vui, Sáng, Thương, Mừng.

  1. Kết nối với nhau

Đọc kinh Mân Côi mỗi người được kết nối với Đức Maria và với Đức Kitô, từ đó được hiệp thông với mọi tín hữu.

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Cầu nguyện với Đức Mẹ bằng lời kinh Mân Côi, chúng ta được kết nối với Chúa Giêsu là nguồn mạch ban sự sống. Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện.Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái thì phải được tháp nhập vào thân nho.Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể. Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với cội nguồn là Chúa Giêsu.

Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria.Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn huyền diệu cho con người. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.

“Với Kinh Mân Côi, tín hữu nhận biết người Ấn Độ là anh em của mình, người Châu Âu sung túc cũng nhận ra người Somali đói nghèo là chi thể của mình, người Kinh cảm nhận hơn nữa người Thượng gần gũi với mình. Tại sao ta lần hạt ở nhà thờ, gia đình, trên đường…? Tại sao ai cũng lần hạt được, từ giáo sĩ đến giáo dân, từ trí thức đến nông dân, từ em thơ đến các cụ? Thưa bởi vì Kinh Mân Côi bình đẳng phổ cập, chẳng những phù hợp với mọi người mà còn củng cố hiệp thông với mọi người. Buồn hay vui người ta đều lần hạt, đám cưới thì lần hạt xin hạnh phúc đời này, còn đám tang thì lần hạt xin hạnh phúc đời sau”. (x. Nút vòng xoay, trang 193, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối mỗi người với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria và với nhau. Đó là kinh nguyện phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “Hãy siêng năng lần hạt”. Kinh Mân Côi đưa chúng ta vào trong đại dương của Tình Yêu Thiên Chúa qua các mầu nhiệm chiêm ngắm và lời kinh lặp đi lặp lại. Kinh Mân Côi là nguồn an ủi, nguồn sức mạnh trong mọi hoàn cảnh của đời người tín hữu. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng, số 947).

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con bên tòa Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An