Mùa Chay Thánh Thiện- Suy niệm Thứ Tư Lễ Tro
Những ngày gần Tết, hoa tươi và cây cảnh được bày bán khắp mọi nẻo đường phố thị thôn quê. Đủ mọi loại hoa kiểng, lắm màu hương sắc. Gia đình nào cũng mua hoa chưng Tết. Tôi cũng mua cây mai nhiều nụ và mấy chậu hoa hồng hoa cúc để làm đẹp phòng khách. Nâng niu, chăm sóc thật kỹ lưỡng. Mồng Bốn Tết, hoa đã héo rụng đầy phòng. Phải quét rác thôi, gom cả mai cả hồng cả cúc đi đốt. Ôi Hương sắc của hoa! Hôm qua tươi đẹp, hôm nay héo tàn rụng úa. Hôm qua “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, hôm nay quét bỏ như rác rưởi.
Mùa Chay khởi đầu với Thứ Tư Lễ Tro, nghĩ về hoa và rác như nghĩ về thân phận tro bụi của kiếp người theo lời Thánh Vịnh 102: “Đời sống con người giống như hoa cỏ.Như bông hoa nở trên cách đồng.Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi.Nơi nó mọc không còn mang vết tích”.
Đời người cũng tựa đời hoa. Khi tươi nở, hoa rực rỡ khoe sắc, hoa ngào ngạt toả hương, ai cũng yêu cũng quý. Khi ủ rũ héo tàn, hương sắc của hoa rụng úa tàn tạ, chỉ mau vứt vào thùng rác. Hôm trước nâng niu, hôm sau vứt bỏ. Một đời hoa chóng tàn phai như lời sách Giảng viên: “Phù hoa nối tiếp phù hoa, chi chi chăng nữa cũng là phù hoa” (Gv 1,2).
Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Thừa tác viên đọc “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi nguyên tổ vừa phạm tội. Giáo Hội cũng lặp lại những lời ấy trong phần xức tro để nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.
Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.
Trong lúc quân đội của Assyria do Tướng hùng hổ Holoferno chỉ huy tiến vào Israel, mọi người dân Giêrusalem, cả phụ nữ và trẻ em, phủ phục xuống đất trước Ðền Thánh và bỏ tro trên đầu, giang tay lên trời, khẩn cầu Thiên Chúa (Judit 4,11). Ông Gióp, sau khi tha thiết kêu cầu Thiên Chúa cứu mình trong cơn cực khổ, hoạn nạn, bị mọi người từ bỏ, trở về với Chúa với tất cả niềm tin tưởng và thề hứa: “Lạy Chúa, con xin rút lời than phiền, trách móc, con đau đớn bỏ tro bụi trên con” (Job 42, 6). Bị đe dọa tàn phá, sau khi nghe tiên tri Giona giảng, toàn dân thành Ninivê, từ Vua đến dân thường và cả loài vật nữa, bỏ tro trên đầu, mặc áo nhặm, xin ơn tha thứ và đã được Thiên Chúa thương đến (Jona 3,5).
Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi.
Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.
Sách Giảng Viên viết rằng :”Tất cả chỉ là phù vân“. Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.
Văn chương Việt nam khi nói tới cái gì bấp bênh, vô định, chóng tàn, thường dùng hình ảnh bọt bèo: “Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau” (Nguyễn Du).
Bọt là bong bóng nước mong manh, tan trong chốc lát. Hình ảnh bọt diễn tả cái vắn vỏi của cuộc đời. Bèo gợi lên ý tưởng về sự lênh đênh, trôi nổi, vô định :
”Lênh đênh duyên nổi phận bèo.
Tránh sao cho khỏi nước triều đầy vơi” (Ca dao).
“Bèo dạt, mây trôi đành với phận” (Chu Mạnh Trinh)
Cuộc đời làm sao mà không bi đát khi nó là phù vân, khi nó vừa là bọt chóng tan, vừa là bèo trôi nổi, dật dờ không bến ?
Cuộc đời tuy có là bèo bọt. Phận người dù phù hoa, mau chóng tàn phai trở về bụi đất. Con người bởi đất nhưng con người không bằng đất, con người có sinh khí, có hơi thở. Con người là hoạ ảnh và hình ảnh của Đấng dựng nên mình. Sự cao cả của con người là bắt nguồn từ chính Đấng là Sự Sống, Đấng Hằng Sống, con người là hình ảnh và hoạ ảnh của Đấng vô thuỷ vô chung, nên sự sống con người mang hình thái bất diệt, vượt xa các loài được tạo dựng. Lòng thương xót của Thiên Chúa không dựng nên con người, theo cái bên ngoài của Thiên Chúa, nhưng cho con người mang hoạ ảnh và hình ảnh của Người. Theo quan niệm của Nho Giáo, con người là sự tích tụ của tinh thần và khí chất nên con người có sự sáng suốt để hiểu các sự vật. Là hoạ ảnh và hình ảnh của Thiên Chúa, con người có một phẩm giá trổi vượt trên các loài được tạo dựng, con người một phần giống Thiên Chúa bởi quyền cai quản trên vạn vật và bởi con người có trí khôn, tự do.
Sứ điệp Mùa Chay năm nay với chủ đề: “Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18). Mùa chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu”, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta sống ba thực hành quen thuộc của Mùa chay: “Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6,1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.” (Sứ điệp Mùa chay 2021, dẫn nhập).
Ba thực hành đạo đức, bố thí ăn chay và cầu nguyện là ba vũ khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của mình, không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời khen tặng của Thiên Chúa (x.Mt 6,1-6).
Ăn chay và kiêng thịt, chịu tro chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của mùa chay. Kiêng bớt các tội là điều mà Thiên Chúa mong muốn. Sửa đổi tính nết để trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Bớt nói hành, nói xấu, lười biếng việc đạo đức là điều phải thực hành.
Xã hội càng duy vật và giàu có, người ta càng có khuynh hướng quên đi một số quy luật cơ bản của đời sống tinh thần. Quy luật xem ra bị lãng quên nhiều nhất chính là ăn năn sám hối, để rèn luyện ý chí hầu có thể làm chủ bản thân. Trong mọi cuộc đấu tranh, sự đấu tranh với bản thân là gay go hơn cả. Chính vì thế có một số người, sau khi đã đấu tranh thất bại với bản thân thì hoàn toàn nản chí, không còn muốn đấu tranh với chính mình nữa và thường xuyên chiều theo con người hư đốn của mình. Có những người khác, vì không bao giờ đấu tranh với chính mình, nên chỉ dành thời giờ và sức lực để đấu tranh chống tha nhân và ức hiếp người yếu thế.
Mùa Chua là mùa ăn năm sám hối. Mục đích của việc ăn năn sám hối là hãm mình. Hãm con người mình lại, hãm bớt dục vọng, hãm bớt đam mê, hãm bớt thói hư tật xấu, hãm bớt sự tham lam của cải, hãm bớt sự hung hăng gây chiến, hãm bớt lòng tự cao tự đại, hãm bớt cả những sở thích thường nhật. Sự hãm bớt như thế có một tác dụng rất lớn, nếu được thực hành thường xuyên sẽ tạo cho ta một nội lực một sức mạnh giúp ta làm chủ bản thân khi cần thiết. Ðức tính tự chủ dễ nảy sinh và phát triển nơi những con người quen hãm mình. Và chính đức tính ấy làm cho con người thực sự tự do, làm chủ bản thân, không nô lệ chính mình vào bất cứ điều gì. Thoạt nghĩ tới thì sự hãm mình có vẻ là một sự gò bó, giới hạn, cắt xén, làm cho con người không còn được tự do thoải mái. Chính vì thế mà nhiều người trong xã hội hôm nay, kể cả những người có đạo, thậm chí cả những người sống đời tu trì, không thích hãm mình, và hầu như không còn hãm mình nữa. Ðó là lý do của sự xuống dốc về đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội[i].
Giáo Hội biết rõ cứ sự thường người ta không thích hãm mình, nên thường dạy hy sinh đi đôi với sự hãm mình. Hy sinh là tự nguyện chết đi, là thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kết hợp với hiến tế thập giá của Ngài. Hy sinh làm những điều mình không thích quả thật là từ bỏ chính mình để bước theo Chúa. Hy sinh là liều mất sự sống, thì sẽ được sống, là đánh mất bản thân, thì sẽ gặp lại bản thân. Hy sinh là chết đi để được vui sống muôn đời. Hy sinh là đi con đường thập giá dẫn tới vinh quang Phục Sinh. Nếu không có động lực nào thúc đẩy thì con người rất ngại hy sinh hãm mình. Nhưng khi có động lực là tình yêu, con người có thể hy sinh dễ dàng. Hãm mình hy sinh không còn là gánh nặng, trái lại còn trở nên nhẹ nhàng cho những ai đang yêu Chúa và yêu những người khác. Chính vì thế mà hãm mình hy sinh thường đi chung với cầu nguyện. Có cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ, và dễ dàng làm chủ bản thân mình. Đời sống cầu nguyện thường được nuôi dưỡng bằng những hy sinh nho nhỏ trong đời sống thực tế mỗi ngày.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, để ăn năn sám hối để hy sinh hãm mình, nhờ đó mà canh tân bản thân mình ngày mỗi hoàn thiện hơn.
Con người là “hoa” và cũng là “rác”, nhưng với tình yêu Chúa Kitô, con người không còn là bèo bọt, không là phù hoa mà là con người của thần khí, trổ sinh những hoa quả của Thánh Linh (Gal 5,22). Một trong những hoa trái của Thánh Linh là đức ái.
Đức bác ái Kitô giáo là tình yêu đối với Thiên Chúa giáu lòng xót thương được cụ thể hóa bằng hành động yêu thương phục vụ tha nhân. Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi: “Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.” (Sứ điệp Mùa chay 2021, số 3).
Làm việc bác ái, chúng ta sẽ sống một Mùa Chay thánh thiện.
Mùa Chay thánh thiện là mùa xuân tâm hồn cho những ai sống vững vàng trong đức tin và dạt dào lòng yêu mến.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An