Hướng về Trời- Suy niệm Lời Chúa Lễ Thăng Thiên- C

0
411

Hướng về Trời- Suy niệm Lời Chúa Lễ Thăng Thiên- C

Từ nhiều năm trở lại đây, để thuận lợi cho giáo dân tham dự lễ trọng, đa số các Giáo phận chuyển dịch ngày lễ Thăng Thiên vào Chúa nhật thứ VII Phục Sinh. Tổng Giáo phận Hà Nội vẫn cử hành long trọng lễ Thăng Thiên vào thứ Năm sau Chúa nhật VI Phục sinh, vì theo truyền thống của Giáo Tỉnh miền Bắc, lễ này thuộc “Tứ Quý”: lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời và lễ các Thánh Nam Nữ. Trong bốn ngày lễ này, người tín hữu phải kiêng việc xác và tham dự thánh lễ.

Dù mừng lễ Thăng Thiên vào ngày nào, thì Phụng vụ vẫn nhắc người tín hữu hướng về Quê Trời, đồng thời cố gắng chu toàn bổn phận dưới đất. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Người về trời sau khi đã hoàn tất chương trình cứu độ. Người về với Chúa Cha, vì Người đã từ Chúa Cha mà đến. Dưới ánh sáng phục sinh, một nhãn quan mới về nhân sinh Kitô giáo đã mở ra: con người không đơn giản chỉ là “đầu đội trời, chân đạp đất”, mà họ đã thuộc về trời ngay khi họ đang sống nơi trần gian. Nói cách khác, Kitô hữu luôn hướng về trời, và đối với những người đạo đức thánh thiện, họ được nếm trước vinh quang Nước Trời ngay ở đời này. Khi suy niệm Kinh Mân côi, ở mầu nhiệm thứ hai Mùa Mừng, chúng ta xin cho được yêu mến (ái mộ) những sự trên trời, để dầu còn sống trên trần gian, một cách nào đó, chúng ta đã hưởng hạnh phúc như các thánh trên trời.

Hướng về trời không phải là một ảo tưởng hão huyền hay là một thứ “thuốc phiện mê dân”, nhưng là niềm hy vọng và niềm xác tín của Kitô hữu. Chúng ta dựa vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong Tin Mừng Thánh Gioan chương 17. Qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu vừa thân thưa với Chúa Cha, vừa thể hiện tâm tình thương mến đặc biệt đối với các môn đệ. Người xin Chúa Cha cho các môn đệ được ở với Người, vì các môn đệ – và những người kế tiếp các ngài là chính chúng ta hôm nay – là những quà tặng mà Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu. Như thế, những ai tin vào Chúa Giêsu, sẽ được ở với Người và cùng Người chiêm ngưỡng vinh quang vĩnh cửu. Vinh quang này đến từ nơi Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu cũng được đón nhận vinh quang ấy, rồi Người lại chia sẻ cho chúng ta.

Hướng về trời mở ra cho người tín hữu một chân trời hy vọng. Hy vọng là chờ đợi những điều tốt đẹp ở phía trước. Người tin Chúa biết rõ tương lai hậu vận đời mình, đó là được sống với Chúa, được chia sẻ vinh quang hạnh phúc với Ngài. Nhờ có niềm hy vọng, chúng ta vững tin ngay cả khi gặp những gian nan thử thách, với xác tín rằng, người yêu mến Chúa sẽ vượt thắng tất cả. Trong lời cầu nguyện vừa nêu ở trên, Chúa Giêsu khẳng định những ai tin vào Người sẽ được Chúa Cha yêu thương. Ở một nơi khác trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con trong tâm hồn những ai yêu mến và thực thi giáo huấn của Chúa Con “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Đây là hạnh phúc kỳ diệu. Chúa Ba Ngôi sẽ ở trong tâm hồn người công chính.

Hướng về trời cũng giúp cho người tín hữu có được những nghị lực siêu nhiên. Thế gian là bãi chiến trường, là thung lũng nước mắt, là bể khổ. Đức tin khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa hiện diện giữa bãi chiến trường ấy, vì Ngài là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn nâng đỡ trợ lực chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã kể lại chứng từ của thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo: trong lúc sắp tắt thở vì bị ném đá, ông đã nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa”. Đức tin vào đời sống vĩnh cửu đã ban cho vị tử đạo của chúng ta sức mạnh và niềm xác tín phi thường, với niềm xác tín: chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Hỡi những người Galilêa, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Lời của hai sứ thần mặc áo trắng nói với các môn đệ năm xưa lúc thày trò chia tay, cũng là lời ngỏ với chúng ta hôm nay. Mừng Chúa lên trời hướng chúng ta về quê hương vĩnh cửu, đồng thời nhắc chúng ta về bổn phận đối với quê hương trần thế. Kitô hữu không phải là người bị “bứng” khỏi cuộc sống đời này, nhưng là những người dấn thân trong mọi môi trường cuộc sống, để làm chứng cho niềm vui của Đức tin, nhất là làm chứng cho Chúa Giêsu trong khi mong đợi Người lại đến.

“Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! Đời sống Kitô hữu là sự chờ đợi liên lỉ, với tâm tình cầu nguyện và phó thác cậy trông. Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Người sẽ đến trong vinh quang vào ngày tận thế. Chúa đã hứa với chúng ta như vậy.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên