HÃY NÓI GIỮA BAN NGÀY- Suy niệm Chúa Nhật XII Thường niên- A

0
59

Trong bài giảng lễ ngày đăng quang (16/10/1978), Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói một câu bất hủ: “Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Ki-tô“. Lời của Thánh nhân gợi nhớ lại Lời dậy của Đức Ki-tô cách nay 21 thế kỷ: ”Vậy anh em đừng sợ người ta… Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10, 26.28). Đó là câu trong trích đoạn bài Tin Mừng hôm nay (CN XII.TN-A – Mt 10, 26-33).

Lời dậy của Đức Ki-tô về vấn đề sợ hãi đối với con người nói chung, và cách riêng đối với các môn đệ. Sợ hãi là điều làm con người nhụt chí không dám làm gì cả. Sống trên thế gian, con người gặp đủ mọi chuyện: nào thiên tai, chiến tranh, đói kém, giặc giã, khủng bố ở khắp mọi nơi. Sự hăm dọa cướp tài sản, bắt bớ làm con tin, dọa tù đầy làm biết bao người sợ hãi. Sợ hãi có thể làm tê liệt cuộc sống, hành động, suy nghĩ của con người. Tất cả những sự sợ hãi ấy đều có thể làm cho con người quên cả Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự, đang cầm quyền sinh tử của con người. Có lẽ cũng nghĩ đến vấn đề sợ hãi của Giáo dân trước ba thù, nên trong bài giảng lễ ngày đăng quang (16/10/1978), Thánh Gio-an Phao-lô II đã nói một câu bất hủ: “Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Ki-tô“.

Người tín hữu khi được làm chứng nhân cho Chúa sẽ xảy ra cảnh “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10, 21-22) và vì thế, con người sinh ra sợ hãi, không dám công khai nhận mình là môn đệ của Chúa trước cộng đoàn. Con người sống trên đời ai mà chẳng “tham sinh uý tử” (tham sống sợ chết). Biết rõ tâm trạng con người là như vậy (các môn đệ của Chúa cũng không ngoại lệ), nên Đức Ki-tô mới khuyên nhủ “đừng sợ kẻ có thể giết được thân xác chớ không thể giết được linh hồn” (Mt 10, 28).

Lời Chúa luôn vang lên giữa cộng đồng, giữa thế giới có nhiều hận thù, tranh chấp, khó khăn. Các môn đệ theo chân Chúa trong suốt hành trình truyền giáo và hành trình đức tin đã làm gương cho nhân loại về Lời Chúa. Các môn đệ, các tông đồ của Đức Giê-su khi Người còn sống vẫn mập mờ về Lời Chúa nói, họ vẫn tranh giành quyền hành, vẫn sợ kẻ thù, ngày Chúa chịu khổ hình và chết trên thập giá, họ chạy tán loạn như gà con mất mẹ, họ đóng cửa kín vì sợ người Do-thái bắt và giết họ. Nhưng khi Chúa Thánh Thần xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần đã biến đổi họ tất cả. Họ đã hiên ngang đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng, làm chứng cho Chúa phục sinh. Họ đã nhớ lời Chúa dậy: ”Anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10, 28).

Các môn đệ và các tông đồ đã minh chứng cho nhân loại thấy sự can đảm, trung tín và không sợ chết của các ngài cho Lời Chúa được tồn tại. Ngay tại đất nước Việt Nam, chỉ trong thời gian khoảng 3 thế kỷ (từ thế kỷ XVI tới đầu thế kỷ XX) đã có hơn 130.000 vị anh hùng tử vì đạo. Các ngài đã kiên cường, hiến dâng mạng sống, hiến dâng cuộc đời mình để làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu. Lời Chúa vẫn luôn hướng dẫn cho biết bao nhiêu người trên thế giới này can đảm, quảng đại và vững tin sống trọn con đường tình yêu của Chúa, để làm chứng cho Chúa, bởi vì ”Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống“ (Ga 14, 6).

Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay và đặc biệt bài Tin Mừng mời gọi mỗi người Ki-tô hữu nhìn vào thực tế cuộc sống. Sống ở trần gian, mỗi người chúng ta phải đương đầu với cuộc sống, vất vả lo cơm ăn, áo mặc. Chúng ta phải đương đầu với trăm ngàn nghịch cảnh, với những thử thách, với những vất vả gian lao trong đời sống giữ đạo và thực hành đạo. Chúng ta được mời gọi sống theo Lời Chúa ngõ hầu có đủ can đảm, có đủ lòng tin để vượt thắng tất cả những điều không phù hợp với giáo lý, với đức tin, với lẽ đạo. Chúng ta là những người có lòng tin phải sống thế nào để của cải vật chất không cản ngăn chúng ta tìm kiếm Nước Trời. Là môn đệ của Chúa, chúng ta luôn nhớ rằng kết hiệp với Chúa (”Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” – Gl 2, 20), chúng ta sẽ vượt thắng được mọi thử thách, khó khăn và không hề sợ hãi để mở lòng ra đón Đức Ki-tô.

Nói tóm lại, người Ki-tô hữu phải nhập tâm Lời dạy của Đức Ki-tô: Mạnh dạn, hiên ngang làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu độ, không sợ nhũng thế lực thù địch có thể hãm hại bằng mọi cách, kể cả việc cướp đi mạng sống của mình. Đồng thời lấy châm ngôn sống đúng với những gì Chúa hằng mong đợi. Cụ thể là “Trước khi NÓI VỀ CHÚA cho cộng đồng nghe, thì phải biết NÓI VỚI CHÚA”. Khi “Nói về Chúa” thì hãy nói giữa ban ngày, nói công khai, không úp mở, không e thẹn, ngập ngừng(“Hãy nói giữa ban ngày, đừng có sợ” – mm Mt 10, 27). Muốn được vậy thì hãy “Nói với Chúa” cách khiêm tốn và kín đáo (không khoe khoang, khua chiêng gõ mõ khi cầu nguyện). Nói rõ hơn là phải biết cầu nguyện – cầu nguyện liên lỉ –  xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng và thêm sức mạnh cùng lòng dũng cảm để thi hành trọn hảo sứ mệnh loan báo Tin Mừng đã được trao phó. Ước được như vậy.

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa củng cố lòng tin cho chúng con để chúng con luôn can đảm vượt thắng mọi sự mà hăng say làm chứng nhân cho Chúa . Ôi! “Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN XII/TN)

JM. Lam Thy ĐVD.