Hai môn đệ làng Emmau – Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh – A

0
185

Hai môn đệ làng Emmau – Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh – A

CÂU HỎI GỢI Ý

1. Đâu là mục đích của thánh sử khi kể lại cách chi tiết cuộc hiện ra với hai môn đồ Emmau? Hay nói cách khác, đâu là ý nghĩa thần học của trình thuật này?

2. Có sự tương tự giữa trình thuật này với buổi hội họp Thánh Thể không?

3. Trình thuật này phải chăng chỉ là một sáng tác có tính cách thần học, một câu chuyện giả tưởng có ý nghĩa tượng trưng? Đâu là những lý chứng biện hộ tính cách lịch sử của nó?

CHÚ GIẢI

1. Đâu là mục đích thánh sử theo đuổi khi kể lại cách chi tiết cuộc hiện ra với hai môn đồ Emmau? Hình như không cùng mục đích với giai thoại kế tiếp (24, 36- 43) là cuộc hiện ra với nhóm mười một. Đoạn văn sau này nhấn mạnh nhiều đến thực tại thể lý của Đấng Phục sinh. Việc nó trưng ra nhiều dấu chỉ mà Chúa Kitô ban cho nhóm Mười một thật không có gì khó hiểu: các sứ đồ phải làm chứng việc Chúa Giêsu Kitô sống lại cho thế giới, nên người đã cho họ thấy mình vẫn sống, với nhiều tang chứng rành rành (tekmêris) ” (Cv 1, 3). Thật vậy, niềm xác tín làm cơ sở cho sứ mệnh của họ phải dựa trên nhiều chứng cứ không thể chối cãi được (đó là nghĩa chính xác của chữ tekmêrion). Các diễn từ của Phêrô và Phaolô trong Cv cũng nói lại điều ấy (Cv 10, 40- 41 ; 13, 30- 31).

Giai thoại hai môn đồ Emmau có mục tiêu khác. Ở đây Chúa Kitô không hiện ra với các chứng nhân chính thức của cuộc Phục sinh, nhưng với các môn đồ thường. Vì thế Người không mấy quan tâm đến việc làm cho họ xác tín về tính cách thể lý của Sự sống lại cho bằng là đoan chắc với họ rằng: cuộc Tử nạn chẳng làm họ vắng bóng Người đâu. Người cho thấy Người vẫn hiện diện với họ, đồng thời để cho họ hiểu trưng từ nay trở đi sự hiện diện đó sẽ thường có tính cách vô hình. Vì thế Cao điểm của trình thuật chính là giây phút họ nhận ra Chúa Kitô và giây phút Người biến mất khỏi họ, hai giây phút này liên hệ mật thiết với nhau.

Việc nhận ra Chúa Kitô lại được nối kết với cử chỉ Đấng Phục sinh bẻ bánh. Chẳng lẽ ở đấy không có điểm nào liên quan tới mầu nhiệm Thánh Thể sao? Khó mà nghi ngờ được. Nhưng trước nhất, ta hãy so sánh Lc 24, 13- 35 với giai thoại viên hoạn quan người Êthiopi, công chức của nữ hoàng Canđakê trong Cv 8, 26- 40. Cả hai cảnh đều diễn tiến theo một lược đồ giống nhau. Như hai môn đồ Emmau đang trao đổi về cuộc Tử nạn thì Chúa Giêsu đến, cũng thế, khi người Êthiopia đang đọc Is 53 thì phó tế Philipphê bắt kịp xe ông. Như Chúa Giêsu đi từ Kinh thánh để giải thích cái chết và Phục sinh của Người, thì Philipphê cũng giải thích Is 53. Sau khi bẻ bánh ở Emmau thì Chúa Gtêsu biến mất, cũng thế, sau khi rửa tội cho người êthiopia, Philipphê liền được Thánh Thần đem đi mất dạng. Một bên, việc giải thích mầu nhiệm con người Chúa Giêsu được nối kết với nhiệm tích rửa tội, bên khác, nó lại được nối kết với việc bẻ bánh, mà theo Cv 2,42, là bí tích Thánh Thể.

Vậy phải chăng có thể kết luận rằng việc bẻ bánh ở Emmau nói cho đúng ra cũng là bí tích Thánh Thể? Một ít tác giả cổ xưa (thánh Augustin, Hiêrônimô, Bêđa) và vài nhà chú giải hiện đại (Dupont, Grundmann …) cũng đã nghĩ thế. Nhưng đa số các nhà chú giải vẫn phản đối lối giải thích có tính cách thần túy Thánh Thể đó (prat, Lebrẹton, Lagrange, Plummer, Klostermann, Valensin-huby, Schlatter, man son, Schmid, Creed …) và các lý do họ đưa ra cũng khá vững. Như chúng ta, Luca cũng biết là các môn đồ Emmau chẳng hiện diện trong bữa Tiệc ly; như thế làm sao ông có thể giả thiết là Chúa Giêsu đã làm cho họ một cử chỉ mà họ không tài nào giải thích đúng được? Ngay trong Công vụ sứ đồ, việc bẻ bánh không phải đâu đâu cũng là bí tích Thánh Thể cả: ít nhất phải loại trừ 27,35 là trường hợp có các người ngoại đạo hiện diện và cùng ăn uống (trong hoàn cảnh này, không thể nghĩ rằng Phaolô ăn một mình thôi, vì theo tập tục Do thái, người ta bẻ bánh để rồi san sẻ cho các bạn thực khách). Chống lại mấy lý chúng trên, người ta cho rằng các độc giả Hy lạp đầu tiên đọc Tin Mừng thứ ba, chỉ có thể nghĩ đến bí tích Thánh Thể khi nghe nói về việc bẻ bánh ở chương 24, vì họ không hề biết nghi thức bẻ bánh của người Do-thái trước một bữa ăn thông thường. Nhưng người ta quên rằng họ đã biết, cũng nhờ chính tin Mừng, một cuộc bẻ bánh khác do Chúa Giêsu thực hiện như cuộc bẻ bánh ở chương 24 (các cuộc bẻ bánh trong Cv là sự kiện của Giáo Hội), và là chính hình bóng của phép Thánh Thể: việc bẻ bánh trước khi hóa bánh ra nhiều (Lc 9, 16).

Nhận xét sau cùng này đưa chúng ta đến ý nghĩa thần học đích thực của giai thoại. Như việc hóa bánh ra nhiều, cử chỉ của Chúa Giêsu ở Emmau, dù không là phép Thánh Thể đúng nghĩa, cũng phải được xem như là biểu tượng của Thánh Thể vậy. Ngay cả đối với hai môn đồ, cử chỉ này mang một tính chất huyền nhiệm: bẻ bánh là việc dành cho gia chủ; thế mà Chúa Giêsu, khách của hai vị, lại thi hành phận vụ đó, và do đấy xử sự đối với họ như gia chủ mời khách ngồi bàn; Người cũng đã xử sự giống hệt đối với các đám đông khi hóa bánh ra nhiều. Một cử chỉ như thế giúp các môn đồ nhận ra Cứu Chúa của mình: “họ đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”; nhưng chỉ về sau, nhờ thực hành của Giáo Hội, họ mới có thể thấu triệt ý nghĩa biểu tượng bl tích gắn liền với việc bẻ bánh này.

Dưới con mắt thánh sử, chính ý nghĩa Thánh Thể vừa nói mới là điều thiết yếu, là điều ông muốn ta chú ý lưu tâm. Trong trình thuật này, Chúa Giêsu gợi ý cho các môn đồ đang muốn giữ Người lại (hãy lưu lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều) hiểu rằng Người không những hiện diện chắc chắn với họ cho dù từ này về sau sự hiện diện ấy sẽ thường mang tính cách vô hình (ý nghĩa thần học thứ nhất của trình thuật) mà còn hiện diện với họ từ đây trong chính bí tích Thánh Thể (ý nghĩa thần học thứ hai).

2. Nhưng cơ cấu cũng như ngữ vựng của trình thuật còn làm ta suy diễn thêm điều khác. Trước khi đến với phép Thánh Thể, con người phải tin vào Chúa Kitô. Hai môn đồ đang hoài nghi mà Chúa Giêsu theo kịp trên đường làm ta nghĩ tới các tâm hồn thiện chí đang tìm kiếm trong khắc khoải lo âu; Chúa Giêsu không vắng mặt trong nỗi khổ đau và sự kiếm tìm của họ. Trước tiên “bị ngăn ngừa không nhận diện được” Chúa Giêsu (c. 16), mắt các tông đồ cuối cùng đã mở ra” (cho) và họ nhận biết Người. Có mối liên hệ hiển nhiên giữa việc nhận biết này với ơn đức tin mà Lc thương thích diễn tả một cách tương tự: theo câu 45, Chúa Giêsu “mở trí” cho hai môn đồ hiểu Kinh Thánh; trong Cv 16,14, Thiên Chúa “mở lòng” Lyđia, cho bà chú ý vào các điều Phaolô giảng dạy và sau đó bà đã được rửa tội. Như thế, trình thuật hấp dẫn của Lc 24, 13- 35 phác họa chính tất cả tiến trình của những tâm hồn đi tắt trạng thái hoài nghi đến đức tin và từ đức tin đến các bí tích.

Ta có thể đi xa hơn nữa và thêm rằng các trình thuật như trên đã được nghĩ ra và biên soạn trong bầu khí của các cộng đoàn phụng vụ đầu tiên. Không những chi tiết của phần cuối mà cả toàn bộ trình thuật đều gợi lên một lược đồ phụng vụ: trước hết, có các bài đọc nhắc lại việc chuẩn bị Kinh Thánh và những gì Chúa Giêsu dã làm là Thánh thư và Tin Mừng đoạn người ta ngồi vào bàn và Chúa đến, rồi tâm cả ăn lấy Người. Như trong một phần tiền lễ, các môn đồ Emmau thảo luận, và Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho họ nghe; họ như  những dự tòng lãnh nhận huấn dụ đầu tiên và mở rộng lòng đón lấy đức tin. Rồi khi tâm hồn đã được bài giáo lý đầu Thánh lễ ấy chuẩn bị, họ tham dự việc bẻ bánh, Chúa trở nên hiện diện và mắt họ mở ra. Họ rước lễ thiêng hứng, vì đã gặp được Người.

3. Tuy nhiên, dù có bận tâm nêu lên ý nghĩa giáo thuyết và biểu tượng của trình thuật Luca, ta cũng không nên đi đến chỗ xem trình thuật này như một sáng tác có tính cách thần học. Xét về phương diện thực tại lịch sử, đừng hễ thấy một trình thuật có nhiều điểm trùng hợp với các chủ đề văn chương chung, thì lập tức kết luận rằng nó hoàn toàn có tính cách văn chương chứ không có nền tảng thực tại; đấy là một sai lầm mà nhiều đầu óc phiêu lưu đã phạm phải và gieo rắc trong Giáo Hội hiện nay. Thế mà, như ta sẽ thấy ngay bây giờ, có nhiều suy đoán nghiêm chỉnh biện hộ cho lịch sử tính tổng quát của trình thuật này. Trước tiên hãy xem một lý do tổng quát và tiên thiên, rồi sau đó những lý do riêng biệt.

Cách chung, tác giả Tin Mừng thứ ba đã thu lượm được nhiều tài liệu bên lề truyền thống chính thức của Giáo Hội, tức truyền thống của nhóm 12 trong các cuộc hành trình riêng, Luca đã gặp nhiều môn đồ không thuộc nhóm 12 tí nào: toàn bộ sách Công vụ sứ đồ xác nhận điều đó. Ông đã tò mò chất vấn cả các phụ nữ Galilê như  Maria, Gioanna, Suzanna chẳng hạn. Qua các cuộc đàm thoại ấy, ông cảm thấy hình như có một Tin Mừng nào đó khác với Tin Mừng của nhóm 12 (Mt và Lc): Tin Mừng của các môn đồ. Như ta biết, có nhiều môn đồ đã theo Chúa Giêsu đến Giêrusalem: họ làm thành một nhóm khác trong cộng đoàn, ở bên cạnh nhóm 12, nhóm anh em của Chúa và nhóm các phụ nữ. Ta hiểu rằng truyền thống chung, tức truyền thống nhóm 12, nhóm sứ đồ người Galilê, đã chẳng mấy quan tâm đến các môn đồ hạng hai này … Nhưng Lc không chia sẻ mối ngại ngùng của truyền thống chung, và đã biết thu thập tin tức, tài liệu. Vì ông tỏ ra xác thực, có thẩm quyền trong những nơì liên hệ tới truyền thống chung (truyền thống của nhóm 12), điều mà chúng ta có thể kiểm chứng, nên cũng phải kết luận tương tự đối với truyền thống của các môn đồ. Hầu như chắc là Lc không hề bịa đặt; ông đã tìm tài liệu từ các môn đồ Chúa Giêsu; và tại sao tài liệu này, vì khác với truyền thống của nhóm 12 và chứa đựng nhiều sự kiện hơn, lại bị khả nghi?

Riêng về trình thuật đang nghiên cứ đây, người ta có thể đưa ra một số lý lẽ khiến ta không được xem nó như một câu chuyện giả tương có tính cách biểu trưng. Các lý lẽ này giá trị không đều nhau:

a. Dĩ nhiên phải công nhận rằng Kitô giáo nguyên thủy rất thích lối biểu tượng. Nhưng làm sao cắt nghĩa được não trạng của Lc nếu cho rằng ông, người muốn viết với tư cách sử gia, lại chẳng đủ khả năng phân biệt một sự kiện có thực với một huyền thoại? Thường ta dễ chiều theo lối suy rộng về các phương pháp mà sử gia cổ vẫn dùng. Nhưng càng tiếp xúc các sử gia có, dù là vị khá hoặc dở, ta càng thấy mình không được nghĩ rằng, ngoại trừ việc ghi lại các diễn từ, phương pháp của họ hoàn toàn khác biệt phương pháp của các sử gia gần với ta hơn.

b. Trong các trình thuật liên hệ đến cuộc Phục sinh, các thánh sử hẳn cảm thấy trách nhiệm họ còn nặng nề hơn chỗ khác. Ở đây chứng từ cá nhân có một tầm quan trọng thật đặc biệt. Giáo Hội hẳn không thể chấp nhận các truyền thống có nguồn gốc mập mờ.

c. Sự kiện giai thoại Emmau liên hệ đến hai môn đồ ngoài nhóm 12 là một lý chứng bênh vực lịch sử tính của nó. Vì huyền thoại hẳn đã chọn các diễn viên quan trọng hơn. Thấy Chúa Kitô Phục sinh và cùng ăn với Người, chắc chắn không phải là một đặc ân tầm thường.

d. Rất hiếm khi các nhân vật thấp kém và các địa điểm ít tiếng tăm được Tin Mừng Nhất lãm nêu danh rõ ràng. Lúc xảy ra luật trừ, ta có thể tự hỏi phải chăng thánh sử muốn qua đó ngụ ý rằng ông đã được một chứng nhân tận mắt cung cấp cho tài liệu mà ông là người duy nhất trình bày lại cho ta.

e. Ngôn ngữ sêmita của một trình thuật chắc chắn không bảo đảm lịch sử tính. Nhưng ít nhất nó khiến ta không được nghĩ rằng trình thuật này chỉ là một sáng tác thi văn của thánh sử. Lúc viết ở c.18: duy chỉ có ông ngụ tại Giêrusalem thì lại đã không hay biết các việc xảy ra ở đó mấy ngày nay!”. Cú pháp lòng thòng này chẳng phải là không có trong Hy ngữ. Tuy nhiên, nếu không bị vướng ngôn ngữ Aram, thì có lẽ thánh sử đã viết: “ông là người duy nhất ở Giêrusalem không hay biết … “.

f. Tiếng kêu ở câu 25: “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin “, mà bề ngoài có vẻ cứng rắn nhưng kỳ thực đầy tình âu yếm, chắc tác giả đã không thể bịa đặt; vì ta nhận ra ở đó âm diệu không tài nào bắt chước của giọng nói Chúa Kitô.

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Một làng kia cách Giêrusalem sáu mươi dặm, tên là Emnmau”: địa điểm này hãy còn được tranh luận. Người ta nghĩ đó là Amwas, cách Giêrusalem độ 30km về hướng Tây. “60 dặm” là cách đọc thông thường được chấp nhận (tương ứng với 12 km); nhưng nhiều chứng từ đáng tin cậy (như bản Sinaiticus, 5 trong các thủ sao khá nhất của bản Phổ thông và 3 thủ sao của bản syri-palestin) lại đọc 160, là điều phù hợp với địa danh Amwas.

“Ông là cư dân duy nhất ở Giêrusalem”: Cách dịch này không đúng mấy vì làm ta tưởng các môn đồ xem Chúa Giêsu như là người thường trú tại Giêrusalem. Nhưng động từ Hy lạp được dùng ở đây, paroikéô, chắc hẳn có nghĩa thông thường như trong bản 70: “cư ngụ với tư  cách ngoại kiều, lưu trú như người ngoại quốc”. Các môn đồ coi Chúa Giêsu như khách hành hương đến Giêrusalem dịp Lễ Vượt qua.

“Một ngôn sứ quyền năng trong việc làm”: Các môn đồ cho tới bây giờ vẫn còn xem Chúa Giêsu như một ngôn sứ thôi.

“Nhưng với ngần ấy cơ sự, nay đã là ngày thứ ba rồi kể từ khi các việc ấy diễn ra”: Các môn đồ đã thất vọng vì Chúa Giêsu bị nhà cầm quyền Israel tuyên án tử hình thập giá. Họ cũng thất vọng vì đã ba ngày sau vụ đóng đinh rồi mà Thiên Chúa chẳng hề can thiệp gì để cứu giúp vị ngôn sứ cả.

“Khởi từ Môisen và rảo qua hết thảm các ngôn sứ “: Môisen, nghĩa là Lề luật, với các Ngôn sứ tạo thành chất liệu chủ yếu của Thánh Kinh (16, 16. 29- 31 ; 24, 44 ; Cv 24, 14 ; 28, 2) người ta đọc sánh các vị trong phụng tự ở Hội đường (Cv 13, 15).

“Người cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho họ”: Không chắc là bấy giờ Chúa Giêsu tái diễn bữa Tiệc ly. Nhưng Lc dùng ở đây một ngữ vựng có tính cách Thánh Thể (x 22, 19 và 9, 16) để cho độc giả cảm thấy rằng việc “bẻ bánh” (Cv 2, 42.46; 20,7. 11) làm họ gặp gỡ Đàng phục sinh, như trường hợp các môn đồ Emmau.

“Người đã hiện ra cho Simon”: Biến cố này được đề cập tới trong bản liệt kê cổ xưa của 1 Cr 15, 5, cũng như đã được loan báo ở 22, 31- 32, nơi người ta cũng gặp tên Simon.

“Lúc bẻ bánh”: tiếng Hy lạp cho phép ta hiểu: lúc bẻ bánh hoặc nhờ việc bẻ bánh.

KẾT LUẬN

Sự hiện diện của Đấng Phục sinh thâm nhập vào tâm thức tôn giáo, vào trong đời sống đức tin, nhờ Thánh Kinh được giải thích theo ý nghĩa sứ điệp Vượt Qua, nhờ bữa ăn Thánh Thể nung đốt tâm hồn và giúp tâm hồn nhận ra Chúa.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Tâm trạng của các môn đồ Emmau mấy ngày sau cái chết của Chúa Giêsu không phải là đặc biệt lắm. Lúc ấy cũng như bấy giờ, có nhiều người đã đặt niềm hy vọng vào Chúa hay vào Giáo Hội và họ đã thất vọng vì diễn tiến các biến cố. Họ nghĩ Chúa Kitô phải ban cho họ niềm trông cậy và bình an, Giáo Hội phải đem đến cho họ những điều vững chắc và nhiều gương mẫu thật đáng phục; thế nhưng chẳng có gì được thực hiện. Chúa không được mọi người thành tâm thiện chí nhận ra, và Giáo Hội chẳng tai tiếng thì cũng làm nhiều kẻ nản lòng …Dĩ nhiên, sự việc không bao giờ xảy ra như đã hứa và niềm hy vọng của chúng ta đôi khi như bị dối lừa.

2. Các môn đồ Emmau và mọi ai đã trông cậy vào Chúa Giêsu mà thất vọng, là vì niềm hy vọng của họ quá trần tục, dựa trên cái nhìn nhân loại về các biến cố. Để thắng nỗi ô nhục, cớ vấp phạm gây ra do sự thất bại của Chúa Giêsu, niềm hy vọng đó phải biến thành niềm hy vọng đốt thần, đặt cơ sở trên cái nhìn của Thiên Chúa về lịch sử. Vì thế, trong cuộc đàm thoại với hai môn đồ Emmau, Chúa Giêsu đã sửa đổi nhãn giới của các vị bằng cách giúp họ hiểu rằng cái chết của Người có ý nghĩa xét về quan điểm của Thiên Chúa. Quan điềm này được diễn tả trong Thánh Kinh. Bắt đầu từ Môisen và hết thảy các ngôn sứ, Người dẫn giải cho họ các điều đã viết về Người trong toàn bộ Thánh Kinh”.

Chúng ta không rõ hai môn đồ nghe gì lúc ấy, chỉ biết vài ngày sau đó họ nói vắn tắt thế này: lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi Ngươi trò chuyện cùng ta trên đường đi đó sao? Có lẽ Chúa Giêsu đã nhắc lại cách vắn tắt và sống động toàn bộ lịch sử của tuyển dân, với bao biến cố thăng trầm, bao phen trung thành và bội phản của họ; nhắc lại những chuỗi can thiệp của Chúa mà, mỗi thế hệ, qua mọi mọi biến cố đau thương hay hạnh phúc, đã làm dấy lên nhiều ngôn sứ với nhiệm vụ khêu lại lòng trung thành nhạt phai, đã hứa ban Đấng cứu thế mà một ngày nào đó sẽ đến tái lập tất cả trong bình an và trật tự. Ta có thể nghĩ rằng người lữ khách vô danh này đã nhắc lại cho họ các thi ca về người Tôi tớ của Isaia và các Thánh vịnh, như Phêrô đã làm trong ngày lễ Ngũ tuần trước mặt người Do thái. Tắt một lời, khi gợi lại 12 thế kỷ lịch sử này, Người cho họ thấy “Đấng Messia phải chịu đau khổ đã rồi mới vào trong Vinh quang”.

Cuối cuộc chiêm niệm này, sau khi đã dấn bước đi theo, các bậc tiền tổ trong đức tin, tức là các ngôn sứ, hiền nhân, thi sĩ của Thiên Chúa toàn năng, hai môn đồ mới bắt đầu khám phá ra rằng có lẽ tất cả không đến nỗi phải thất vọng, rằng mọi sự có lẽ nằm trong trật tự, cho dù trật tự ấy khác với trật tự mà tự nhiên họ đã mong chờ. Đức tin vào Giêsu Nadarét của họ. Niềm tin của họ có lẽ đã thoát ra khỏi một thứ lý luận trần tục nào đó, thì lý luận đã giam hãm họ và đẩy họ đến chỗ thất vọng ê chề; nhưng dầu sao niềm tin ấy xem ra không phi lý nữa, mà còn có thể phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa về thế gian, cái nhìn đã được loan báo dần dần bởi các hiền nhân và các ngôn sứ trong suốt 1200 năm lịch sử.

3. Nhờ lại Thiên Chúa được khám phá trong Thánh Kinh, các môn đồ Emmau đã có một não trạng khác; họ đã mở rộng quan điểm, hay đúng hơn đã loại bỏ quan điểm của mình dể đi vào quan điểm của Thiên Chúa. Chỉ sau đấy họ mới nhận ra Chúa Giêsu. Muốn tin vào Chúa Kitô tử nạn, chiến bại và Phục sinh, thì phải chấp nhận ra khỏi cái kiểu lý luận thế nhân, để đặt mình trong kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch mà mọi phương hướng luôn luôn làm lý trí nhỏ bé của con người choáng ngợp, và để Ngài hướng dẫn. Bấy giờ mọi sự sẽ trở nên đơn giản, sẽ biện thành niềm vui. Như thánh Phêrô đã nói khi kết thúc một đoạn trong thư của ngài mà chúng ta vừa nghe lúc nãy: nhờ Chúa Kitô, anh em tin vào Thiên Chúa. Đấng đã cho Người sống lại từ cõi chết và đã ban vinh quang cho Người, ngõ hầu anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng của anh em nơi Thiên Chúa” (1Pr 1, 21).

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt