GIÁO HỘI LÀ QUÀ TẶNG VÀ LÀ TRUNG GIAN LÒNG THƯƠNG XÓT- Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh C

0
111

Vào ngày lễ Thánh Giuse vừa qua, Đức Thánh Cha Francis kỷ niệm ba năm nhận lãnh sứ vụ chăm sóc Giáo Hội trên ngai tòa của Simon Phêrô. Cũng dịp này, báo chí đánh giá rằng, ba năm qua, Đức Thánh Cha đã làm được nhiều việc cho Giáo Hội. Ngài thúc đẩy mọi thành phần của Giáo Hội phải đi ra đến với những vùng ven, với những người nghèo. Ngài dẫn dắt Giáo Hội bằng trực giác của con tim, vì thế, đời sống và hoạt động của Ngài đã chạm đến được trái tim của nhiều người. Báo chí cũng nhận định rằng, tình yêu thương của Đức Thánh Cha dành cho người nghèo, người đau khổ bệnh tật và các trẻ em là một tình yêu hết sức tự nhiên, phát xuất từ một tâm hồn cảm thông. Đặc biệt ngay từ đầu triều đại Giáo Hoàng, Ngài đã cho thế giới thấy rằng, Giáo Hội không phải là thành trì, cũng không phải là một tiểu thư đài các, nhưng Giáo Hội dám chấp nhận sự lấm lem vì bước đến với những người bị bỏ rơi. Qua đó, Đức Thánh Cha cũng cho thấy, Giáo Hội thực sự là quà tặng của lòng thương xót của Chúa và đồng thời là trung gian của lòng thương xót Chúa cho thế giới.

Chúa Giêsu Phục sinh đã hết lòng tin tưởng Simon Phêrô, đã trao cho ông và các tông đồ nhiệm vụ yêu thương, chăm sócđoàn chiên của Chúa. Câu chuyện Thánh Gioan kể hôm nay mang những ý nghĩa đặc biệt. Các tông đồ đã lấy lại được bình an sau lần gặp Chúa Phục sinh. Hình ảnh các ông sống với nhau và làm việc cùng với Simon cho thấy một Giáo Hội gắn bó mật thiết với Simon là thủ lãnh. Simon cũng là người khởi xướng mọi hoạt động của Giáo Hội. Ông nói với anh em : Tôi đi đánh cá đây. Các tông đồ khác đã đồng thanh đáp lại : Chúng tôi cùng đi với anh. Chi tiết này cho thấy sự hiệp nhất đồng tâm của Giáo Hội, đặc biệt là các tông đồ quanh thủ lãnh Phêrô. Việc khởi xướng của Simon : Tôi đi đánh cá, không chỉ là đi ra Biển Hồ, nhưng còn là mệnh lệnh của vị thủ lãnh, mời gọi mọi thành viên của Giáo Hội lên đường ra khơi loan báo Tin Mừng và tình yêu thương của Chúa, đem các linh hồn về cho Chúa.

Tuy nhiên, với cố gắng riêng mình, cả đêm các ông không bắt được gì, đến độ không còn gì để ăn. Lúc đó, Chúa Giêsu Phục sinh đã đứng trên bãi biển mà các ông không nhận ra. Ngài truyền cho các tông đồ : Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Các ông đã thả lưới và bắt được một mẻ cá thật lớn. Điều đó cho thấy rằng, dù không nhìn thấy Chúa, nhưng nếu các ông cứ vâng theo Lời Chúa, các ông sẽ đạt được kết quả vượt sức mong đợi của các ông. Người môn đệ được thương mến đã nhờ trực giác tình yêu nhận ra Chúa Phục sinh và nói cho Simon : Chúa đó. Chúa vẫn hiện diện, theo dõi và trợ giúp mọi hoạt động của các tông đồ, nhưng chỉ với tâm hồn của những người biết mình được yêu, thì mới nhận ra Chúa mà thôi.

Tin Mừng kể tiếp : Bước lên bờ, các ông thấy đã có sẵn than hồng và cá đang nướng ở trên và có cả bánh nữa. Điều đó cho thấy, Chúa Phục sinh hằng lo lắng cho Giáo Hội và các môn đệ của Ngài. Không phải các ông dọn bữa cho Chúa, nhưng sau một đêm vất vả, vật lộn với công việc, thì chính Chúa sẽ chuẩn bị bữa ăn cho các ông. Ngài không bao giờ để cho Giáo Hội của Ngài phải thiếu thốn khi họ làm việc cho Chúa. Sau đó, Chúa nói các ông đem cá mới lên. Chính Simon lên thuyền đưa lưới vào bờ. Lưới đầy cá lớn mà không hề rách. Giáo Hội của Chúa như chiếc lưới mở ra để thâu nhận tất cả mọi người, mọi dân tộc vào Giáo Hội. Giáo Hội luôn có dư, đủ chỗ cho hết mọi người. Chiếc lưới là Giáo Hội dù có đầy đến mấy cũng không hề rách. Đức Giêsu lại bước đến, cầm bánh trao cho các ông. Cử chỉ này chính là cử chỉ thân quen Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể. Khi lặp lại cử chỉ này, Tin Mừng cho thấy, Giáo Hội được thiết lập, được nuôi dưỡng bằng lòng thương xót và bằng chính Thánh Thể của Chúa Giêsu.

Sau khi ăn xong, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với Simon Phêrô : Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ? Thật hết sức bất ngờ, khi Chúa Giêsu không đặt một điều kiện nào với Simon, Ngài cũng không hề nhắc lại quá khứ của ông. Ngài muốn mời ông bước thêm một bước dài hơn, cao hơn trong hành trình theo Chúa, mà điều kiện duy nhất là lòng yêu mến. Simon đã trả lời : Thưa thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Chỉ khi có lòng yêu mến thực sự, thì người ta mới có thể đem lòng yêu mến đến cho người khác. Chúa trả lời Simon : Anh hãy chăm sóc các chiên con của Thầy. Như thế, sứ mạng của Phêrô là nhân danh Chúa Giêsu, thay mặt Chúa Giêsu để chăm sóc đoàn chiên của Chúa Giêsu, tiếp tục nối dài lòng thương xót của Chúa cho đoàn chiên.

Chúa lại hỏi Simon lần thứ hai và đến lần thứ ba : Con có yêu mến Thầy không ? Lần thứ ba được hỏi, Phêrô có vẻ buồn. Ông buồn không phải vì nghĩ rằng Thầy không tin ông, cũng không vì quá khứ của ông, nhưng vì ông nhìn thấy một sứ mạng hết sức lớn lao mà con người của ông thật giới hạn, yếu đuối. Vì vậy, ông đã hết sức khiêm tốn, không mạnh dạn như hai lần trước, ông thưa : Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Với câu trả lời này, Phêrô đã trải lòng mình ra trước mặt Chúa, mở cả tâm hồn để cho Chúa thấy một Simon yêu Chúa thật nhiều, nhưng cũng gây đau khổ cho Chúa thật nhiều, nhiệt thành nhưng cũng lại hay vấp váp. Ông tin rằng Chúa biết, Chúa thấu tỏ con người ông, Chúa biết ông cần lòng xót thương và sự nâng đỡ của Chúa.

Trước thái độ chân thành, khiêm tốn của Simon, Chúa đã đổ tràn tình yêu xuống tâm hồn ông và trao cho ông quyền : Con hãy chăm sóc các chiên của Thầy. Chúa muốn ông thay Chúa, nhân danh Chúa để yêu thương, chăm sóc cho hết mọi người. Chúa muốn mượn con người, đôi tay của ông để có thể tiếp tục đụng chạm, yêu thương, vỗ về những con chiên của Chúa. Như vậy, sứ mạng của Phêrô và của Giáo Hội rõ ràng là sứ mạnh yêu thương, là chuyển tải lòng thương xót của Chúa đến cho thế giới.

Chúa Giêsu cũng nói cho Phêrô biết về tương lai của ông. Chúa muốn Simon theo Chúa đến cùng, không chỉ khi còn trẻ mà cả khi về già, không chỉ khi còn sức lực, nhưng cả khi tóc bạc da mồi vẫn phải trung thành theo Chúa. Ông cũng phải giang tay ra như Chúa để có thể ôm hết mọi người vào lòng để yêu thương, để phục vụ.

Trước một tương lai và sứ mạng quá lớn lao, có lẽ đã làm Phêrô có phần lo sợ. Chúa Giêsu đã mời gọi ông : Hãy theo Thầy. Lời mời gọi lần này chắc chắn khác với lời mời gọi ngày xưa ở bờ hồ Tiberia. Lúc đó, các ông trẻ trung, theo Chúa, các ông mong đợi và nuôi trong mình bao nhiêu dự định theo kiểu trần gian. Lần này, trước sứ mạng thật lớn lao, ông sẽ phải giang rộng tay để yêu thương, để trao ban, chứ không còn tìm kiếm cho mình nữa. Lời mời gọi lần này đòi Phêrô phải đáp trả một cách quyết liệt và vĩnh viễn không đổi thay. Ông sẽ phải tiếp nối sứ mạng của Thầy là yêu thương không thể trì hoãn, xót thương không còn giới hạn, là bước vào con đường thập giá với Thầy.

Suy niệm Tin Mừng hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã thiết lập Giáo Hội, cho chúng ta được làm con, làm thành viên của Giáo Hội. Thiên Chúa đã không muốn để công trình yêu thương cứu chuộc của Chúa bị dừng lại, Ngài đã thiết lập nên Giáo Hội và muốn Giáo Hội trở thành quà tặng lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót Chúa được trao ban cho nhân loại như mưa trời tuôn đổ, nhưng Chúa muốn Giáo Hội trở thành dòng chảy đem lòng thương xót Chúa cho thế giới.

Là con của Giáo Hội, chúng ta được đón nhận lòng thương xót của Chúa qua sự chăm sóc của mẹ Giáo Hội, được sự dẫn dắt của Giáo Hội như người Thầy. Qua quyền cử hành Bí tích, Giáo Hội tiếp tục yêu thương và chuyển tải ân sủng của Chúa cho các con mình. Đặc biệt qua Bí tích Giải tội, Thiên Chúa đã muốn dùng Giáo Hội để nói lời yêu thương tha thứ, chỉ bảo và chữa lành tâm hồn các tín hữu, ban lòng thương xót Chúa cho con cái mình.

Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta cùng mang sứ mạng của Giáo Hội, là sứ mạng yêu thương và phục vụ, chuyển tải lòng thương xót của Chúa đến cho người chung quanh. Bắt đầu từ gia đình, chúng ta biến gia đình thành cộng đoàn của lòng thương xót Chúa qua sự yêu thương, phục vụ, cảm thông. Chúng ta còn phải thông chuyển lòng Chúa xót thương đến những người chung quanh, những người dù tin Chúa hay chưa tin, những người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị ức hiếp. Chúng ta phải bước đến với họ, đưa tay ra để nâng họ dậy, an ủi, xoa dịu đau khổ của họ, để qua việc tiếp xúc với mỗi thành viên của Giáo Hội, họ có thể đụng chạm và gặp được gương mặt xót thương của Chúa. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc