ĐẤNG THỎA MÃN NHỮNG KHAO KHÁT CỦA CON NGƯỜI- Suy niệm Chúa Nhật III Mùa Chay A

0
85

133201784059453Sắp xếp của phụng vụ Năm A cho chúng ta có một cái nhìn thống nhất về ơn cứu độ mà Đức Giêsu sẽ đem đến cho chúng ta trong suốt mùa Chay. Chúa Nhật thứ nhất mùa chay cho cả 3 năm phụng vụ A, B, C luôn luôn là những cơn cám dỗ của Đức Giêsu. Chúa Nhật thứ hai cũng vậy, 3 năm luôn luôn là cuộc biến hình của Đức Giêsu trên núi Tabor. Riêng các Chúa Nhật kế tiếp trong Năm A sẽ mặc khải cho chúng ta về công cuộc của Đức Giêsu. Chúa Nhật thứ III hôm nay cho chúng ta thấy Ngài là nguồn Nước Hằng Sống, nguồn nước này đem lại sự sống đích thực cho con người.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Bài Đọc I: Xh 17, 3-7

Thiên Chúa muốn cho dân của Ngài được hạnh phúc nên đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Nghĩa là Ngài muốn đưa họ đến với suối nguồn hạnh phúc đích thực. Dân cũng phấn khởi ra đi, vượt qua Biển Đỏ dưới sự dẫn dắt của Môsê để tìm đến nguồn suối ấy. Thế nhưng khi bị cơn khát thể lý nổi lên họ đã quên đi suối nguồn hạnh phúc. Họ bắt đầu kêu trách Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật chúng tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17, 3). Thiên Chúa đã thỏa mãn cơn khát của họ bằng một dấu lạ qua bàn tay Môsê: “Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống” (Xh 17, 6b). Qua đó Thiên Chúa muốn nhắc nhở cho dân rằng, có Thiên Chúa thì mọi khao khát của họ sẽ được thỏa mãn.

Tin Mừng: Ga 4, 5-42

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ  Samari là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng Gioan. Chúa Giêsu đã cố tình đi ngang qua vùng đất Samari là vùng đất của dân ngoại; đã dừng lại tại bờ giếng Giacob là nơi thỏa mãn cơn khát thể lý của người dân trong vùng, là nơi để mọi người trong vùng có thể gặp gỡ, tâm sự, chia sẻ với nhau. Điểm đặc biệt là người phụ nữ này lại đi lấy nước vào buổi trưa, thời gian nắng gay gắt, ít người đi lấy nước. Nếu như vậy thì chắc chắn chị không thể gặp gỡ, không thể chia sẻ, tâm sự với những người dân trong vùng đó. Và đó là điều cố tình của chị. Chị chỉ muốn sống cô độc trong tội lỗi của mình. Chị sợ phải đối diện với sự thật, đối diện với người khác.

Nhưng Đức Giêsu đã không để cho chị yên trong bình an giả tạo đó. Ngài đã khoấy động tâm hồn chị để những cặn bã, những dơ dáy bấy lâu nay vốn nằm yên phải trồi lên, để từ đó Ngài gạn đục, khơi trong cho tâm hồn chị. Chị định đi lấy nước, thứ nước chỉ làm thỏa mãn cơn khát vật chất, và sẽ còn khát mãi, nhưng chị đã gặp được nguồn nước làm thỏa mãn tâm hồn chị và không bao giờ khát nữa.

Từ việc gặp gỡ một anh thanh niên Do Thái, đến một tiên tri, và cuối cùng là Đức Kitô, chị đã hoàn toàn biến đổi: dám chấp nhận con người thật của mình, không cần đến thứ nước vật chất uống vào vẫn khát, và nhất là chị đã mạnh dạn loan báo tin mừng ơn cứu độ mà chị vừa nhận được. Chị đã khao khát một tình yêu và chị đã tìm gặp một tình yêu. Chính tình yêu của Đức Kitô đã làm cho chị trở thành một con người mới.

KHAO KHÁT

Ánh sáng lời Chúa hôm nay đã soi dọi để tôi nhận thấy nơi mỗi người đều có những khao khát. Tất cả những khao khát này thực ra chỉ là việc đi kiếm tìm hạnh phúc.

Đối với dân Do Thái ngày xưa, hạnh phúc đối với họ chỉ đơn giản là thức ăn, nước uống. Khi không có những điều đó họ đã kêu trách Môsê vì ông đã không thỏa mãn khao khát chính đáng của họ.

Đối với người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay, hạnh phúc của chị chỉ đơn giản là việc sống một cuộc sống bình thường bên người chồng hờ, để ngày ngày chị lầm lủi làm những công việc theo thói quen của một người nội trợ. Và biết đâu một ngày nào đó chị lại bỏ đi theo tiếng gọi tình yêu khác như chị đã từng bỏ 5 đời chồng trước, vì rõ ràng cuộc sống hiện tại vẫn chưa đem đến hạnh phúc cho chị.

Tất cả mọi người khi đến tuổi trưởng thành đều nghĩ đến việc kiếm tìm hạnh phúc. Đó là khao khát chính đáng của con người. Nhưng khổ nỗi có những người quan niệm hạnh phúc không đúng đắn, và cũng có những người tìm hạnh phúc bằng phương thế xấu.

Hạnh phúc không đúng đắn

Ông phú hộ trong Tin Mừng Lc 12, 19 đã nói: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài trong nhiều năm, Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã”. Hạnh phúc của ông phú hộ này là hài lòng với tài sản ông đang có. Tuy nhiên, ông phú hộ sẽ không có được sự nghỉ ngơi, ăn uống và vui chơi nếu: “Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20)

Có nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu 30-40 tuổi phải đầy đủ “1 vợ, 2 con, 3 lầu, 4 bánh”. Đó là hạnh phúc của họ. Tuy nhiên có nhiều người vợ chính thức, vợ dự bị, vợ để dành, vợ lớn, vợ bé, vợ vừa… cũng đâu làm họ hạnh phúc; thậm chí những ông chủ ngân hàng chẳng những 1 nhà 3 lầu màCÒN 3 nhà 9 lầu cũng phải lâm vào cảnh tù tội…

Thế cho nên quan niệm hạnh phúc một số người chưa đúng đắn.

Tìm hạnh phúc bằng phương thế xấu

Quan niệm hạnh phúc không đúng đắn đã là một sai lầm, đi tìm hạnh phúc bằng những phương thế xấu còn tệ hại hơn. Vua Đavit đã vì đam mê sắc dục mà bày mưu giết chết vị tướng giỏi và trung thành của mình để đoạt vợ của ông ta.Nhiều người vì không muốn người khác cạnh tranh buôn bán với mình nên đã mướn xã hội đen bảo kê để một mình làm vua một cõi.

Những điều đó đối với con cái thế gian, đối với những kẻ vô thần đã là xấu, huống hồ chi đối với những người có đức tin, những người đã được rửa tội, những người mang danh là Kitô. Một số người Công giáo vẫn buôn bán không có lương tâm, một số người có đạo vẫn làm ăn phi pháp, một số kitô hữu vẫn xúc phạm đến các linh mục của Chúa vì lợi ích cá nhân của họ…

CHỈ TRONG THIÊN CHÚA MÀ THÔI…

Với một quá khứ đầy dẫy những đam mê trụy lạc, những vui thú trần gian, những thỏa mãn của kiếp người…, có thể nói thánh Augustinô là người có đầy đủ mọi thứ: danh, lợi, thú. Những tưởng có thể làm cho ngài thỏa mãn? Nhưng không, vẫn còn thiếu một điều gì đó khiến ngài phải thốt lên: “Tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Đó không chỉ là khao khát của thánh Augustinô, mà còn là khao khát của con người muốn tìm kiếm hạnh phúc đích thực như lời của thánh vịnh 62: “Linh hồn con đã khao khát Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông”.

Tác giả Lam Tuyền có bài thơ nổi tiếng: “Đi tìm”:

“Tôi khao khát một mối tình, một tình yêu chỉ riêng dành cho tôi.

Để ngày tôi ngắm tôi soi, để đêm đắp áo cho người xông hương.

Để xa tôi nhớ tôi thương, để gần tôi thấy thiên đường ở bên.

Để khi trống trãi ưu phiền, ngã vào lòng bạn là tan hết sầu.

Để khi nước lớn sông sâu, được cầm tay bạn qua cầu bình yên.

Tôi đang khao khát đi tìm, một tình yêu chỉ là riêng của mình”.

Tác giả muốn nói đến chỉ tình yêu nơi Thiên Chúa mới làm thỏa mãn sự khao khát của ông.

Vâng, đúng vậy, tất cả những gì chúng ta vất vả tìm kiếm ở thế gian này mà không có tình yêu Thiên Chúa, không có sự linh thánh ở trong đó đều trở nên vô ích, thậm chí là tai hại cho chúng ta.

Đức Giêsu ngày xưa đã giúp cho người phụ nữ bên bờ giếng Giacob tìm gặp được hạnh phúc đích thực, thì ngày hôm nay chính Ngài cũng sẽ dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc đó.

Tuần rồi trên Vietcatholic News có đăng bảng tin về 2 nhân vật thành đạt đã từ bỏ công việc nhiều người mơ ước và nể phục để bước theo “một tình yêu chỉ là riêng của mình”. Người đầu tiên là cha Jaime Maldonado-Aviles, một cựu khoa học gia của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về bộ não của con người. Người thứ hai là Cha Roy Edward Campbell vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục phụ tá cho tổng giáo phận phận Washington D.C. trong tuần qua. Ngài là một người trước đây từng nắm giữ vai trò chấp hành của Ngân Hàng America với chức vụ phó chủ tịch ngân hàng quốc gia.

Cả hai nhân vật này đều có một điểm chung là thành đạt trong hai lĩnh vực nổi bật nhất của xã hội đó là khoa học gia và tài chánh ngân hàng. Hơn thế nữa họ còn có một điểm chung là khao khát một tình yêu đích thực, và họ đã tìm gặp nơi Đức Giêsu nên đã từ bỏ tất cả để dấn thân trọn vẹn cho Ngài.  

Năm Gia Đình 2017 này Giáo hội nhắc nhở các gia đình hãy biết khao khát và tìm kiếm những giá trị cao cả hơn, vì quả thực tất cả những giá trị ở thế gian này dù tốt đẹp đến mấy rồi cũng sẽ qua đi. Vì vậy mỗi người hãy cố gắng đưa giá trị linh thánh vào những sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày. Ví dụ gia đình tôi vẫn làm ăn buôn bán nhưng hãy cố gắng buôn bán cho đúng với lương tâm, và nhất là cố gắng đừng vì công việc mà bỏ lễ Chúa Nhật. Các bạn trẻ vẫn học hành, vẫn đi làm, nhưng cố gắng tránh những thú vui sa đọa, tránh những điều làm cho con người mất giá trị cả về nhân phẩm và đạo đức; hãy cố gắng làm sao để cho mình có một nền tảng đạo đức thực sự, nghĩa là biết quan tâm để tìm hiểu, học hỏi lời Chúa, đi lễ, tham gia những sinh hoạt đạo đức, biết suy nghĩ và khao khát, tìm kiếm những giá trị cao cả hơn là những giá trị thấp hèn…

Trong tất cả, dù ở vị trí nào, dù làm gì chúng ta cũng hãy đặt câu hỏi: “Điều này đã có đem lại hạnh phúc đích thực cho tôi hay không?”. Là một Kitô hữu, chúng ta phải thường xuyên xác quyết: “Chỉ nơi Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Đó là điều chúng ta tin tưởng và cầu nguyện cho nhau trong thánh lễ này.

Lm. Giuse Nguyễn