Hằng ngày, tôi gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau của những gia đình công giáo. Có những gia đình làm ăn thất bại, thế là họ đến xin cha Phanxicô Trương Bửu Diệp cho công việc làm ăn thuận lợi. Tôi hỏi thăm: “Anh chị có đọc kinh cầu nguyện, có đi lễ… nói chung là sống đạo tử tế không?” Họ trả lời: “Nghèo quá cha ơi, sao giữ đạo được, đợi khi nào bớt vất vả thì tụi con mới đi đạo lại”. Cũng có những người rất giàu có, họ đến đây để xin cho gia đình mình được bình an, vì dù có tiền bạc nhưng gia đình họ vẫn trục trặc. Tôi hỏi thăm cùng một câu hỏi: “Anh chị có đọc kinh cầu nguyện, có đi lễ… nói chung là sống đạo tử tế không?” Và họ trả lời “Gia đình con còn bê bối quá hà, đợi khi nào ổn định tụi con mới đi lễ lại”.
Nhưng trong thực tế chúng ta vẫn thấy nhiều người dù nghèo, dù làm mướn kiếm tiền hằng ngày vẫn đi lễ, vẫn đọc kinh lòng thương xót mỗi chiều, vẫn đến đài Đức Mẹ mỗi tối, thậm chí là làm việc bác ái rất tốt. Nhiều người giàu có, tiền bạc không thể tưởng, nhưng họ rất bình an và xem đó là chuyện nhỏ. Điều quan trọng của họ là làm sao thờ phượng Chúa cho đàng hoàng tử tế, làm sao thực thi tình bác ái một cách cụ thể.
Qua đó chúng ta thấy sống đạo không phải do có tiền hay không có tiền, giàu hay nghèo, đời sống ổn định hay không ổn định, mà do người ta biết chọn lựa điều gì, người ta thấy cùng đích cuộc đời người ta ở chỗ nào. Phụng vụ lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc nhở chúng ta đâu là giá trị thật? đâu là cùng đích cuộc đời mình?
- PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
- Bài Đọc I: Gv 1, 2;2,21-23
Sự khôn ngoan của các bậc hiền triết được ghi lại trong sách Giảng viên. Một trong những sự khôn ngoan đó là nhìn nhận giá trị thật của sự sống đời này, tác giả viết: “Phù vân nối tiếp phù vân, trần gian tất cả chỉ là phù vân”. Tác giả dẫn chứng cụ thể: có người làm lụng vất vả để thu tích của cải vật chất, nhưng khi chết cũng phải bỏ lại tất cả. Đó là phù vân. Hoặc tác giả mỉa mai những người lo thu tích tài sản: “Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng, yên trí. Đó cũng là phù vân”.
- Bài đọc II: Cl 3, 1-5.9-11
Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín nữu Côlôxê khi đã có được sự sống mới nhờ phép rửa, hãy “Biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.Thánh Phaolô đã liệt kê những thứ thuộc hạ giới: gian dâm, dâm ô, đam mê, ước muốn xấu và tham lam. Nói chung là những giá trị vật chất.
- Tin Mừng: Lc 21, 13-21
Giáo huấn trong bài Tin Mừng hôm nay xuất phát từ việc tranh giành tài sản: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Chúa Giêsu đến đâu phải để làm điều đó. Tuy nhiên không vì thế mà CG lại tỏ vẻ bực mình, ngược lại Ngài lấy sự kiện đó để giáo huấn họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
Để phần giáo huấn về việc đừng ham mê tiền của sống động hơn, Chúa Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn về ông phú hộ suốt ngày cứ lo tính toán xây nhiều kho lẫm để chứa gia tài. Chúa Giêsu gọi ông ta là “Đồ ngốc!” Tại sao vậy? Có tiền thì phải lo tìm chỗ gởi, tìm ngân hàng nào uy tín chất lượng. Cái ngốc của người phú hộ này là ông ta vui thích với tài sản của mình, tưởng nó là cùng đích của cuộc đời ông. Chúa Giêsu giả dụ: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Và đó là sự thật chứ không phải giả dụ. Vất vả lo kiếm tiền để cho cả đống, bỗng nhiệt nằm lăn ra chết, thì thử hỏi được ích gì?
Vì vậy qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay chúng ta nhận được sứ điệp gần gũi với cuộc sống thường ngày, đó là đừng ham mê tiền bạc một cách quá đáng, nhưng hãy biết khôn ngoan tìm kiếm giá trị đích thực là hạnh phúc vĩnh cửu trên trời; và nhất là hãy biết tận dụng tiền của để thực thi bác ái, chính là giá trị vĩnh cửu.
- QUAN NIỆM VỀ TIỀN CỦA
Tiền của nói riêng và vật chất nói chung không phải là điều xấu vì Thiên Chúa dựng nên mọi sự cho con người đều tốt đẹp. Tuy nhiên tiền của vật chất chính là điều chi phối đời sống người ta nhiều nhất. Chính vì vậy cần phải có quan niệm đúng đắn về tiền của vật chất, thì chúng ta mới có thể “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, kẻo chúng ta sử dụng không đúng, CG lại quở trách chúng ta là “đồ ngốc!”.
- Ân ban của Thiên Chúa
Khi hỏi thăm một số người: “Lúc này làm ăn sao rồi?” Họ trả lời: “Chúa cho chúng con cũng tàm tạm vậy!” Hoặc có người làm ăn khá hơn thì trả lời: “Chúa cho chúng con đủ xài, còn dư chút đỉnh để làm việc bác ái”. Đó là những cách nhìn đúng đắn. Tiền của vật chất là do Chúa ban. Vì là một ân ban nên Chúa ban cho ai là tùy, ban bao nhiêu là kệ. Con người không được quyền trách tại sao Chúa ban cho người kia mà không ban cho mình, không được quyền phân bì tại sao Chúa ban cho thằng kia nhiều còn tôi thì ít. Tấm gương ông Gióp trong cựu ước cho chúng ta có cái nhìn vô tư về tiền của vật chất: “Chúa ban cho Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng Chúa”; chứ không phải ban cho thì mừng, còn lấy đi thì buồn bực. Trong mọi hoàn cảnh đều chúc tụng Chúa.
- Để phục vụ con người
Khi sáng tạo con người, Thiên Chúa đã có ý định “Để con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Nghĩa là để con người có quyền sử dụng của cải vật chất, và của cải vật chất là để phục vụ con người. Chính vì vậy tiền bạc vật chất chỉ có ý nghĩa đúng đắn khi nó phục vụ con người. Còn nếu con người phục vụ cho tiền bạc của cải vật chất, hay nói cách khác để nó điều khiển con người thì vật chất đó không làm đúng bản chất, và tệ hơn là sẽ dẫn con người đến sai trái, thậm chí là tội lỗi.
- Để con người thực thi tình bác ái
Trong dụ ngôn ông phú hộ mà chúng ta vừa nghe, phải chi ông biết dùng số hoa lợi từ ruộng nương nhiều đến mức không còn chỗ chứa kia để phục vụ xã hội, phục vụ con người thì chắc chắn ông không bị CG quở trách là “đồ ngốc!”, ngược lại đó là sự khôn ngoan, là tài sản đích thực của ông, vì ông đã có một gia tài mà mối mọt, ten sét không thể nào ăn được. Nhưng bởi vì ông ích kỷ, chỉ giữ cho riêng mình, tưởng rằng đó là tài sản vĩnh viễn của mình, lấy làm vui thích về những điều đó, nên CG đã quở ông là “Đồ ngốc!”. CG đến là để phục vụ với tất cả những gì Ngài có, thậm chí là cả mạng sống của Ngài. Vì vậy con đường theo Đức Kitô cũng đòi hỏi chúng ta phải biết phục vụ với tất cả những gì mình có, mà tiền bạc vật chất là một trong những điểm chia sẻ cụ thể nhất.
III. SỬ DỤNG TIỀN CỦA
Khi biết được tiền bạc vật chất là một ân ban của Thiên Chúa, là để phục vụ con người và để con người dùng đó mà phục vụ người khác. Chúng ta hãy sử dụng tiền của vật chất sao cho đúng đắn.
Trước hết biết cám ơn Chúa về cuộc sống vật chất của mình. Những người giàu có hoặc đủ ăn thì dễ cám ơn, còn những người nghèo khổ, kiếm cơm từng ngày sẽ nói: “Khổ muốn chết mà cám ơn gì!” Tất cả đều là ân huệ của Chúa. Lao động vất vả, cuộc sống khó khăn cũng có giá trị của nó, hệ tại ở cách nhìn con người. Tôi nhớ một câu trong một bài hát nào đó: “Đời nghèo mà vui cũng như tình nghèo mà vui”. Người vui vẻ lạc quan nhìn mọi thứ rất nhẹ nhàng, đến nỗi nhạc sĩ Mặc Thế Nhân sáng tác bài hát có vẻ ngược đời “Xin Trả Tôi Về”: “Xin trả tôi về miền quê tôi nghèo khó, có đám dân lành lòng chất phác vô tư, ngày chăm lo cấy trồng đêm quần vui bên chén trà, kể chuyện một ngày qua”. Người ta mơ ước được trở lại cảnh nghèo nàn, nhưng bình an và thanh thản. Người ta mơ ước được trở lại “những ngày xưa thân ái” dù nghèo khổ để thoát khỏi cảnh nhân tình thê thái của hiện tại…
Kế đến đừng để tiền bạc làm cho mình bận tâm. Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên đã viết:“Có cũng như không dù không hay là có, chớ để âu lo cho lòng thêm vấn vương”. Hãy để tâm hồn thanh thản để tìm kiếm giá trị vĩnh cửu. Người ta ví von người kia có 3 người bạn, 2 người kia là bạn thân, người thứ 3 bình thường vậy thôi. Ngày kia ông bị bắt ra tòa, ông xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ không đi được. Người bạn thứ hai bằng lòn đi đến cửa quan nhưng không dám vào. Chỉ có người bạn thứ ba dù ông không yêu thích nhưng vẫn vào tận tòa án và biện hộ cho ông được trắng án. Người ta kết luận: Người bạn thứ nhất là tiền bạc. Khi ta chết tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta chiếc chiếu và cái hòm. Người bạn thứ hai là bà con bạn hữu, họ khóc lóc đưa tiễn ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là những việc lành ta đã làm. Chính nó dẫn chúng ta vào thiên đàng. Biết như vậy để chúng ta đừng bám víu vào tiền của, vật chất, nó sẽ bỏ rơi ta.
Sau cùng hãy cố gắng dùng tiền của vật chất để làm những việc từ thiện bác ái. Vì chính những việc lành từ những hy sinh của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc thật.
Đó là thái độ khôn ngoan mà sứ điệp lời Chúa muốn gởi đến chúng ta ngày hôm nay.
Lm Giuse Nguyễn