Chứng nhân hy vọng- SUy niệm Chúa nhật XIV thường niên -C
Khi chứng kiến những vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong đời sống xã hội như bạo lực, giết người, buôn lậu ma tuý, cướp bóc… chúng ta thường có cái nhìn bi quan và tìm cách phê phán, đổ trách nhiệm. Không phủ nhận và không dửng dưng trước tình trạng bạo lực xã hội ngày càng gia tăng, luân thường đạo lý ngày càng suy đồi, những vụ giết người cướp của ngày càng nhiều và càng man rợ. Tuy vậy, là những tín hữu của Chúa Kitô, trước thực tế đau lòng đó, chúng ta không chỉ phê phán, nhưng phải thắp lên ngọn nến hy vọng giữa đêm đen đầy mây mù tội lỗi, với ước mong cộng tác phần mình làm giảm thiểu những điều xấu xa. Nói cách khác, mỗi chúng ta được mời gọi sống niềm hy vọng và trở nên chứng nhân của hy vọng trong xã hội hôm nay. Đó cũng là một điểm nhấn của Lời Chúa trong Chúa nhật 14 thường niên này.
“Các người hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó”. Lời ngôn sứ này được công bố vào lúc người Do Thái còn đang lưu đầy tha phương tại Babilon. Họ đang buồn rầu, thất vọng vì phải xa quê hương xứ sở từ nhiều chục năm. Lời ngôn sứ như một tiếng hò reo vui mừng, báo tin Chúa sẽ can thiệp và sẽ giải phóng Dân Ngài. Lời ngôn sứ đem lại cho dân niềm hy vọng, như cây cỏ khô héo nay gặp nước và được hồi sinh, qua đó, họ hồi tưởng những lời Chúa đã hứa với tổ tiên họ. Ngài là Đấng trung thành, luôn nâng đỡ chở che dù họ bất tuân và ngỗ nghịch. Những hình ảnh được ngôn sứ Isaia dùng để diễn tả tình yêu thương của Chúa mới êm dịu và tuyệt vời làm sao: “Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ…”. Hình ảnh này đã đem cho người Do Thái lưu đày niềm hy vọng. Họ không còn ủ dột thất vọng. Không lâu sau đó, Thiên Chúa đã thực hiện cuộc giải phóng dân Ngài do bàn tay của Kyrus, vua Ba Tư. Dân đã được trở về quê cha đất tổ, để chung tay khôi phục Đền thờ, khôi phục truyền thống đã bị mai một.
Nếu trong Cựu ước, Thiên Chúa đã dùng cánh tay vua Kyrus nước Ba Tư để giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh lưu đày, thì đến thời Thiên Chúa đã định, Ngài sai Con Một đến trần gian để giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và hận thù. Chúa Giêsu giáng sinh là niềm vui cho cả thế giới. Nội dung những lời giảng dạy là niềm vui cho muôn người. Người đem niềm vui cho người bệnh tật, kẻ đui mù, người cùi hủi. Người đem ơn tha thứ cho các tội nhân và ban sự sống cho người đã chết.
Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ cùng cộng tác với Người đem niềm vui cho nhân loại. Con số bảy mươi hai môn đệ giúp chúng ta liên tưởng tới bảy mươi hai kỳ lão trợ tá ông Môisen trong Cựu ước, khi ông đón nhận Luật Giao ước trên núi Sinai. Cũng như ông Môisen được sai đến giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ của người Ai Cập, Chúa Giêsu được sai đến trần gian để giải phóng con người khỏi ách kìm kẹp của tội lỗi. Mọi người đều được mời gọi tham gia sứ mạng của Đấng Cứu thế, tuỳ theo địa vị và hoàn cảnh của mình.
Được sai đi để loan báo Tin Mừng, các môn đệ cũng cảm nhận được niềm vui. Các môn đệ khi trở về đã khoe với Chúa Giêsu: “Thưa Thày, nhân danh Thày, ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Thực ra là ma quỷ phải tùng phục Chúa, vì các ông giảng dạy nhân danh Chúa và chính Chúa ban cho các ông quyền năng xua trừ ma quỷ, như lời giải thích của Chúa liền sau đó. Vì vậy, Chúa nói với các ông, điều đáng vui mừng hơn, không phải là trừ được ma quỷ, mà chính là việc tên các ông được ghi danh trên trời. Đó là niềm vui trọng vẹn và tuyệt hảo. Đó cũng là phần thưởng Chúa ban cho những ai yêu mến Người.
Niềm vui mà Chúa ban cho những ai yêu mến Chúa không phải niềm vui theo quan niệm trần thế. Bởi niềm vui trần thế thì tạm thời, hữu hạn và hời hợt bên ngoài. Thánh Phaolô đã trải nghiệm bằng cả cuộc đời, để rồi ông kết luận: “Ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”. Quả thật là một nghịch lý, nếu nhìn theo con mắt người đời, nhưng đó chính là niềm hạnh phúc đích thực của vị Tông đồ. Khi đạt tới mức độ hoàn thiện như Thánh Phaolô, chẳng có gì làm chúng ta lo lắng, “Ước gì không ai làm phiền tôi nữa, vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu”.
“Giữa một đêm đen bóng tối dày đặc, thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối” – một tác giả đã viết như thế. Vâng, ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta hãy sống niềm hy vọng cho chính mình và là chứng nhân của hy vọng trong thế giới hôm nay. Khi nhiệt thành và nỗ lực loan báo niềm hy vọng, tên của chúng ta sẽ được ghi, không chỉ trên trời, mà trong chính trái tim Thiên Chúa.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên