CHÚA BIẾN HÌNH- SUy niệm Chúa nhật II mùa Chay – C

0
85

CNIIMCC012

Báo Tuổi Trẻ phát hành ngày 03/03/2004 vừa qua có đưa tin về một hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đó là hiện tượng một số người có khả năng tự phát ra ánh sáng.

Nhóm phóng viên Báo Tuổi Trẻ đã đến tận nơi để xác minh và thấy đúng như lời người ta đồn thổi. Họ đến nhà vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Te và Nguyễn Thị Lệ ở Đức Hòa và xem họ “phát sáng”.

Trước sự chứng kiến của nhiều người, khi đã tắt hết đèn, hai anh chị mặc áo vào người thì tự nhiên ở đầu và mặt phát ra ánh sáng màu đỏ nhạt rất kỳ lạ. Người ta để bút thử điện cách xa mặt họ khoảng một gang tay và bút thử điện sáng lên như khi cắm vào ổ điện. Kỳ lạ hơn nữa, hàng chục người có hiện tượng phát sáng giống như vậy ở Đức Hòa cũng như Thành Phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, đã được phóng viên đến tận nơi chứng kiến và chụp hình. Người ta đăng cả hình người đang phát sáng trên báo nữa.

Hiện tượng này được những người chuyên môn giải thích là hiện tượng “phát quang” ở nơi một số rất ít người (tỷ lệ 1/1 triệu). Theo quan điểm vật lý về bản chất sự sống, mọi sinh vật đều có sóng điện từ phát ra đã tạo ra hiện tượng này.

Trước hiện tượng “người phát sáng”, rất đông đảo người hiếu kỳ đến xem, đến nỗi chính quyền phải can thiệp để giữ an ninh trật tự.

Hiện tượng trên gợi lên quang cảnh cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi trước mặt ba Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang lúc Ngài cầu nguyện. Cũng trong cảnh uy nghi rực rỡ đó, Chúa cùng với Môisen và Êlia đàm đạo về cuộc tử nạn của Ngài. Trong ánh vinh quang chói lòa, khuôn mặt Ngài biến đổi khác thường, và áo Ngài trở nên trắng tinh sáng láng.

Vượt lên trên “một hiện tượng lạ lùng”, cuộc biến hình của Chúa Giêsu chính là một biến cố thần linh, là mầu nhiệm Hiển Dung, mầu nhiệm Chúa Giêsu hé lộ khuôn mặt vinh quang của Thiên Chúa cao cả ẩn giấu dưới dung mạo con người thấp hèn nơi Chúa Giêsu.

Vượt trên cả “sự hiếu kỳ”, các tông đồ vừa kinh hoàng, vừa cảm thấy ngây ngất hạnh phúc trước cảnh huy hoàng đó đến nỗi Phêrô muốn “cắm lều” ở lại đó mãi mãi.

Vượt lên trên sự “thay hình đổi dạng” của những hiện tượng tự nhiên, sự biến hóa trong vũ trụ, cuộc biến hình của Chúa Giêsu chính là sự biến đổi siêu nhiên.

Khởi đi từ sự biến đổi cao cả nhất, sự “biến hình vì tình yêu”: Thiên Chúa cao cả đã trở thành con người hèn mọn, để chúng ta vốn là “con cái tối tăm” trở thành “con cái ánh sáng”, nghĩa là con cái Thiên Chúa, mang hình ảnh Người.

Từ sự biến hình căn bản này, Thiên Chúa thực hiện biết bao cuộc biến đổi khác.

Bài trích Sáng Thế hôm nay thuật lại việc Thiên Chúa ký kết giao ước với Abraham, giao ước được ký kết trên những con vật được xẻ đôi. Giao ước cũ này được biến đổi để trở thành Giao ước mới được ký kết trong máu Đức Giêsu Kitô.

Môisen và Êlia có mặt để đàm đạo trong cuộc biến hình trên núi của Chúa chính là hai chứng nhân trong Cựu ước. Môisen đại diện cho Lề luật, Êlia đại diện cho các Ngôn sứ. Trong ánh quang huy hoàng, dung mạo của Môisen và Êlia được biến đổi để trở nên dung mạo mới của Tân ước. Cũng từ đó, lề luật cũ được biến đổi thành lề luật mới : Luật Của Tình Yêu. Thời Ngôn sứ đã bị vượt qua và được qui chiếu về Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Khuôn mặt Cựu ước đầy bóng tối đã được biến hình để trở thành khuôn mặt Tân ước đầy ánh sáng.

Trong thư gửi các tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô đã khích lệ chúng ta nếu đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa Giêsu, thì Ngài sẽ “biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Ngài”. Đây chính là cuộc biến đổi nền tảng nơi con người cũ của ta để trở nên con người mới trong Đức Kitô.

Sự biến đổi ấy là “cuộc biến hình thiêng liêng” đã được Thiên Chúa thực hiện nơi nhiều người trong Giáo Hội :

Cuộc biến hình của Giakêu sau một lần nhìn thấy và gặp gỡ Chúa : từ một con người gian tham ích kỷ biến đổi thành con người quảng đại chân thành.

Cuộc biến hình của Phaolô khi bị quật ngã trên đường đi bắt bớ đạo Chúa. Trong ánh sáng chói lòa của ơn thánh, Chúa đã biến đổi Ngài thành tông đồ đắc lực của Chúa.

Cuộc biến hình của Augustinô khi nhận được ánh sáng thần linh chiếu rọi vào tâm hồn, Ngài đã được biến đổi từ một con người tội lỗi trở thành một vị thánh.

Thế nào là cuộc biến hình của mỗi người chúng ta ?

Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được biến đổi để trở thành con cái Chúa. Nhưng chúng ta còn phải tự biến đổi để trở thành “người con yêu dấu của Thiên Chúa”, như Chúa Giêsu đã là Người Con Yêu Dấu của Chúa Cha nhờ việc vâng ý Chúa Cha. Để trở thành người con yêu dấu của Chúa, ta hãy biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Cuộc “biến hình” kỳ diệu nhất là biến hình từ thập giá đến vinh quang. Trên đỉnh cao của niềm tin, Chúa Giêsu đã được biến hình từ sự chết sang sự phục sinh vinh quang. Chúng ta cũng phải chết đi cho con người cũ để được biến đổi thành con người mới, mặc lấy Đức Kitô phục sinh.

Một trong những ngôi sao sáng của điện ảnh Việt Nam là nữ diễn viên Việt Trinh.

Đã có một thời, hình ảnh của cô tràn ngập khắp nơi : trên những bức tranh quảng cáo, trên bìa sách, trên trang báo, trên lịch và thậm chí trên cả giấy gói kẹo nữa.

Việt Trinh được mệnh danh là “Cô Bé Lọ Lem” của điện ảnh Việt Nam. Bởi vì, những ngày tháng đầu tiên của sự nghiệp đóng phim là những ngày tháng gian khổ.

Năm 1990, Việt Trinh chỉ là một cô nữ sinh lớp 12 quê mùa nhút nhát ở Sông Bé.

Khởi đầu, cô được mời đóng phim “Thăng Long Đệ Nhất Kiếm”. Khi đóng vai thị nữ dâng rượu cho vua, vì run tay, cô đã làm rớt chiếc bình cổ quý giá xuống đất vỡ tan. Việt Trinh đã ôm mặt khóc nức nở vì sự thất bại đầu đời của người diễn viên.

Thế mà chỉ mấy năm sau, trong bàn tay dìu dắt của đạo diễn Lê Dân, cô đã trở thành một ngôi sao sáng rực, thành công vang dội trong và ngoài nước.

Qua đau khổ mới tới vinh quang Phục Sinh. Vì thế, mỗi hy sinh trong đời sống là một tia sáng góp phần vào vinh quang bất diệt của chúng ta mai sau.

Nhưng thật đáng tiếc, có thể có những áng mây mù sẽ che khuất ánh sáng của những ngôi sao. Như thế, cái xấu có thể biến đổi thành cái tốt, và cái tốt cũng có thể thành cái xấu.

Trong mùa chay này, xin Chúa hãy biến đổi chúng ta, thay vì bị “biến chất” trong xã hội hôm nay, ta được biến tan trong tình yêu Chúa, trở thành ánh sáng soi lối cho mọi người.

Chúng ta cũng hãy xin Chúa biến đổi đời mình, để tâm hồn nên tinh ròng và trong sáng phản chiếu dung mạo vinh quang của Chúa cho mọi người.

Logos Năm C