SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN C

0
182

Tuần 25 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse MinhTHỨ HAI TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 8,16-18

HÌNH ẢNH CHIẾC ĐÈN

Dụ ngôn cái đèn kết thúc dụ ngôn người gieo giống, cốt để cho thính giả hiểu sự cần thiết phải thực hiện điều mình đã nghe. Điều này đòi hỏi chúng ta nghe Lời Chúa phải đem ra thực hành trong đời sống, biến đổi đời mình thành bài giảng Tin Mừng cho kẻ khác được biết nữa.

Dụ ngôn cái đèn trình bày cho chúng ta rằng: Lời Chúa là một hạt giống, hay một chiếc đèn, chỉ nhằm sinh hoa trái hay soi sáng. Điều này gợi ý cho chúng ta: Khi nghe Lời Chúa, đón nhận một chân lý, ta không có quyền làm thinh, một phải áp dụng chân lý đó vào cuộc sống cụ thể của mình, vì “chẳng ai đốt đèn rồi lấy cái thúng úp lên, hoặc đặt nó dưới gầm giường”. (Lc 8,16)

Cũng vậy, những chân lý mà vì hoàn cảnh, Chúa đã phải rao giảng một cách bóng bẩy bằng dụ ngôn, nên có phần nào bị che dấu, và thính giả chưa hiểu được, mà chỉ có các môn đệ được giải thích rành mạch mà thôi, thì sau này, các Ngài phải rao giảng rõ ràng, công khai cho mọi người. Điều này các Tông đồ đã thực hiện sau khi Chúa Giêsu phục sinh, và Giáo hội đang tiếp tục rao giảng qua các thời đại.

– Đèn cần có dầu để đốt. Đời sống người Kitô hữu cần phải đọc, nghe, học hỏi, suy niệm Lời Chúa để gieo rắc Lời Chúa cho người khác.

– Đèn phải để trên đế để chiếu tỏa chung quanh.

Kitô hữu, là những cây đèn của Chúa (Mt 5,14) phải sáng lên và chiếu soi cho người khác bằng cuộc sống đức tin và cuộc sống thấm nhuần tinh thần của Chúa như sống công bình, bác ái, hòa thuận yêu thương…

Hình ảnh cây đèn gợi lên hạnh kiểm mà người Kitô hữu phải có: những hành động họ làm phải được biểu lộ ra và sáng soi cho kẻ khác.

Như vậy trong Hội thánh, Lời Chúa phải được loan truyền bằng trọn cả cuộc sống của những người đã lãnh nhận Lời Chúa.

Cách biểu lộ niềm tin cụ thể trong cuộc sống là rao giảng Tin Mừng. Trực tiếp hay gián tiếp, âm thầm hay công khai, rao giảng Tin Mừng không phải là một việc làm có tính cách tự do lựa chọn, mà phải là một đòi hỏi tất yếu bao trùm toàn thể cuộc sống người Kitô hữu. Âm thầm trong những bổn phận hàng ngày, hiện diện giữa môi trường xã hội, cuộc sống vui tươi, phục vụ, bác ái, nhẫn nhục theo tinh thần Tin Mừng của người Kitô hữu, chính là lời rao giảng hùng hồn cho niềm tin. Có biết bao người đang nhìn vào cuộc sống chứng tá ấy để còn hy vọng tìm ra được một lẽ sống, một ý nghĩa cho cuộc đời: “người ta đốt đèn rồi đặt trên đế để những ai đi vào thì được thấy ánh sáng”. Chúng ta càng thực hiện Lời Chúa thì càng trở thành men trong cuộc sống. Còn nếu ta có hiểu Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì sẽ trở thành  trừu tượng và không có hiệu quả trong đời sống hàng ngày: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Một thương gia giàu có xin nhập đạo. Khi được hỏi lý do, ông đáp: “nhờ gương một công nhân của tôi. Đôi lúc tôi nổi nóng, quát tháo, nhưng anh ta không hề tỏ ra giận ghét tôi, dù tôi biết anh rất đau khổ. Có khi tôi đối xử thô bạo với anh, anh không bao giờ thốt nửa lời. Thái độ của anh làm tôi, dù là cấp trên đem lòng cảm phục. Sự thật, anh chẳng bao giờ nói với tôi về đạo, nhưng đời sống đạo của anh đã chinh phục tôi. Giờ tôi không còn nghi ngờ gì nữa, và tôi tin tưởng và hy vọng Chúa Giêsu Kitô sẽ ban cho tôi sự sống đời đời”.

Bài Tin Mừng hôm nay như là một lời cảnh giác về thái độ của chúng ta khi nghe Lời Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa ơn biết nghe, hiểu và thực thi Lời Chúa để hôm nay đời ta đầy giá trị tông đồ và mai này được lời khen thưởng của Chúa “hãy vào vui hưởng với chủ ngươi”.

THỨ BA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 8,19-21 (Mt 12,46-50; Mc 3,31-35)

GIA ĐÌNH ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA GIÊSU

Theo thánh Luca, sau khi Đức Giêsu giảng dụ ngôn người gieo giống (8,4-13) và dụ ngôn cái đèn (8,16-18) thì Đức Mẹ và mấy người bà con đến muốn gặp Chúa.

– Dựa vào mối liên hệ gia đình tự nhiên: Đức Mẹ và bà con đến thăm Chúa, Đức Giêsu đã giới thiệu về gia đình thiêng liêng, gồm những ai nghe và thực hành Lời Chúa.

Qua bài Tin Mừng này, chúng ta nhận thức rằng ngoài gia đình tự nhiên dựa trên huyết tộc chúng ta còn có gia đình thiêng liêng dựa trên nền tảng đức tin, Bí tích Thánh Tẩy và cùng có Thiên Chúa là Cha; sự liên kết chặt chẽ của các phần tử trong gia đình thiêng liêng này tùy thuộc vào sự lắng nghe và sống Lời Chúa. Người tín hữu cũng phải ý thức về sự hiệp thông và liên đới trách nhiệm với mọi Kitô hữu khác và đối với các cộng đoàn khi tham dự phụng vụ.

Thái độ và lời nói của Chúa Giêsu xem ra có vẻ lơ là với gia đình tự nhiên bà con họ hàng, nhưng thực ra Chúa Giêsu muốn nêu cao và giới thiệu mối liên hệ thiêng liêng thuộc về Nước Trời mà Đức Mẹ là mẫu gương vì Đức Mẹ đã sống hoàn toàn bằng đức tin: “Phúc cho bà vì đã tin những lời Thiên Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện”.

Nhìn vào mẫu gương Đức Mẹ sống với Thiên Chúa bằng đức tin và sống với tha nhân bằng đời sống bác ái và khiêm nhường để chúng ta noi gương bắt chước sống bổn phận người Kitô hữu của mình đối với  Thiên Chúa và đối với anh em mình.

– Chúng ta đã được đón nhận vào đại gia đình Thiên Chúa, thuộc về dòng dõi thánh dựa trên niềm tin. Vì thế, đòi buộc chúng ta sống như một thành viên trong gia đình, là luôn ý thức về tình liên đới, hiệp thông và có trách nhiệm với anh em.

– Bất cứ ai sống Lời Ngài, người đó càng kết hiệp mật thiết với Ngài… Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái Lời Ngài được chúng ta trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu ngày càng trở nên mật thiết hơn.

Dân Do Thái luôn khoe khoang tự phụ rằng tổ tiên họ là Abraham, là người được Thiên Chúa tuyển chọn và đương nhiên họ là dân được tuyển chọn, nói đúng hơn là dân riêng của Chúa. Thế nhưng, Con Thiên Chúa được sai đến với họ để thiết lập một dân riêng đích thực thì họ lại từ chối. Điều này thì Abraham tổ tiên họ đã không làm như thế.

Những người nghe Lời Thiên Chúa mà đem ra thực hành trong đời sống đó là đất tốt, là cái đèn đặt trên giá cao. Họ được thuộc về gia đình đích thực của Thiên Chúa, được tham dự và sứ mạng và đời sống của Chúa Giêsu và được hưởng ơn cứu độ của Người.

THỨ TƯ TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,1-6 (Mt 10,1-5.8)

ĐỨC KI-TÔ SAI MƯỜI HAI TÔNG ĐỒ ĐI GIẢNG

Sứ mạng:

– Các Tông đồ được tham dự vào chính sứ mạng của Thầy mình: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)

– Chúa Giêsu ban cho các ông năng lực, năng lực của chính Ngài, năng lực mà Ngài đã dùng để thực hiện các phép lạ. Ngài cũng ban cho họ quyền phép, quyền phép mà Ngài dùng để xua trừ ma quỉ.

Những chỉ dẫn cần thiết:

Để đừng vướng víu vào những nhu cầu và phương tiện vật chất và biết phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa hơn, người Tông đồ phải:

– Đừng mang gì đi đường.

– Đừng mang gậy.

– Bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.

– Đừng so đo tìm nơi ở.

Gặp trường hợp người ta không đón tiếp thì hãy “ra khỏi thành và giũ sạch bụi chân để tỏ dấu phản đối họ”. (Lc 9,5)

Tông đồ là người được tuyển chọn và sai đi. Các Tông đồ là những người đã sống với Chúa đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài ban cho các ông năng lực và quyền phép để xua trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng: khi thi hành sứ mạng, người tông đồ phải có tinh thần siêu thoát, nghĩa là phải vui vẻ và sẵn lòng từ bỏ mọi ràng buộc về trần thế để thực sự được tự do và chăm chú vào công việc tông đồ của mình. Với chỉ thị này, Chúa Giêsu đòi hỏi người Tông đồ phải có tinh thần phó thác, tin tưởng vào Chúa quan phòng: “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Chúa, rồi mọi cái khác Chúa sẽ thêm cho sau”“hãy bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo, và anh em sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo ta”. ( Lc 18,22)

Thánh Kinh đã từng cảnh cáo: “hỡi con cái loài người sao còn trìu mến của phù vân và tìm sự giả trá” (Tv 4,3); “một xứ đầy vàng bạc và vô số ngựa xe, chúng biến thành một xứ đầy ngẫu tượng” (Is 2,7); “ai đặc biệt tin tưởng vào của cải sẽ chìm đắm trong đó”(Cn 11,28; Gr 9,22). Trong ý nghĩa đó Chúa Giêsu đã gởi các môn đệ ra đi, đi tay trắng, ra đi từ bỏ, thoát ly hoàn toàn. Thánh sử Luca là người chủ trương phải từ bỏ tuyệt đối. Ngài hay dùng chữ từ bỏ hết, tất cả mọi sự, hoàn toàn…

Ngày xưa, Chúa sai các Tông đồ xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau: trí thức có, bình dân có,… tất cả họ đều được sai đi loan báo Tin Mừng. Với cả nỗ lực và lòng nhiệt thành, họ đã ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Ngày nay người tín hữu cũng được mời gọi rao giảng Lời Chúa. Có thể chúng ta không đến những nơi xa xôi, mà ở đây, bằng chính cuộc sống của mỗi người nơi môi trường học đường, gia đình làng xóm… như “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

– Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rũ rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: “Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?”

– Ông đáp: “anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây đã có mười người vấp ngã vì nó, và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã”.

Lạy Chúa, xin ở bên chúng con và bước đi cùng chúng con để chúng con đáp lại lời mời của Chúa và hăng hái dấn thân phục vụ mọi người.

THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,7-9

VUA HÊRÔĐÊ VÀ ĐỨC GIÊSU

Phản ứng của vua Hêrôđê trước dư luận về Chúa Giêsu:

Những dư luận về Chúa Giêsu:

a./ Gioan Tẩy Giả sống lại

b./ Elia xuất hiện

c./ Một tiên tri thời xưa sống lại

Phản ứng của Hêrôđê:

a./ Hơi sợ, vì nếu Gioan Tẩy Giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan.

b./ Mặt khác, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên, ông không nghĩ rằng Chúa Giêsu là Gioan, Elia hay bất cứ một tiên tri nào khác sống lại.

Tóm lại, ông phân vân, vì thế, ông tìm gặp Chúa Giêsu.

Từ trước đến nay, người ngoài Giáo hội vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy Kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế dù muốn hay không, cách sống của một Kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Trong những dòng cuối cùng của thông điệp “Hòa Bình Dưới Thế”, Đức Gioan 23 đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính phải là:

– Một mảnh sao băng chiếu sáng

– Tụ điểm của tình yêu

– Men sống động giữa anh em mình

Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống thân mật với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ để thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong bột, nhưng cũng làm dậy cả khối bột. Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu có sức thu hút, tạo chú ý, đánh động lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn.

Hêrôđê tìm cách gặp Chúa Giêsu có lẽ chỉ để giải đáp một thắc mắc và để thỏa mãn một sự tò mò. Còn mỗi Kitô phải mong muốn tìm gặp Ngài bằng chính đức tin và lòng yêu mến. Họ phải khao khát gặp Ngài, vì nơi dung nhan của Ngài phát xuất tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Và sự liên kết mật thiết với Đức Giêsu sẽ làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng trong đời sống người Kitô hữu.

Tin Mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đồng thời: “còn các con, các con bảo Thầy là ai?” mỗi người một câu trả lời nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu.

Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập, khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng.

– Giữa một xã hội lấy bon chen làm “khuôn vàng thước ngọc”, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó.

– Giữa một xã hội lấy hận thù ghen ghét làm luật sống, người Kitô hữu vẫn là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng.

– Giữa một xã hội mà nhiều người đang buông xuôi vì thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Đấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại.

Cách sống của người Kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Ki-tô.

Sống ơn gọi Kitô hữu là thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa, không có ơn Chúa, không sống kết hợp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của mình.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại câu chuyện một thiếu nữ xin gia nhập dòng “Thừa Sai Bác Ái” của Mẹ. Mẹ sai chị đến nhà “Hấp Hối”: “con hãy đi…. vì con sẽ gặp thấy Đức Giêsu trong thân thể của những người anh em khốn khổ đó”. Người thiếu nữ ra đi… một thời gian, cô trở lại với nụ cười rạng rỡ nói với Mẹ Têrêsa: “Thưa Mẹ, con đã gặp gỡ được thân thể của Chúa Giêsu”. Mẹ mới hỏi sự thể đã diễn ra thế nào, cô đáp như sau: “con vừa đến nhà “Hấp Hối” thì thấy người ta mang đến một người vừa té xuống hố sâu, mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối…. con đã đến và con đã tắm rửa băng bó vết thương cho người đó. Con biết khi làm như thế là con chạm đến thân thể Đức Kitô”.

Như thế, là Kitô hữu ta phải khát khao tìm gặp được Đức Giêsu trong những bổn phận hằng ngày.

Xin Chúa ban thêm sức mạnh, để trong cuộc sống chứng tá, chúng con luôn xác tin rằng chúng con đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa.

THỨ SÁU TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,18- 22

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ CON THIÊN CHÚA

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu:

– Trong dân chúng có 3 dư luận và cách chung dân chúng đánh giá Ngài khá cao: Ngài thuộc hàng tiên tri giảng hay, có khả năng làm phép lạ.

– Chỉ mình Phêrô do ơn soi sáng đặc biệt nên biết Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

– Tuy nhiên Phêrô vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách nghĩ thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng cứu thế oai phong hiển hách. Bởi đó, Chúa Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn chịu chết rồi mới sống lại.

Qua cách diễn tiến sự việc được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn soi sáng cho các Tông đồ biết rõ vai trò cứu thế của Ngài để họ không còn bị chao đảo trước những quan niệm khác nhau của quần chúng về bản thân Ngài.

Để chuẩn bị cho việc mạc khải này, Chúa Giêsu đã đến nơi thanh vắng cầu nguyện, xin Chúa soi sáng trí lòng các Tông Đồ ngõ hầu họ có khả năng tiếp nhận công việc cứu thế của Ngài qua con đường thương khó tử nạn và phục sinh.

Để thực hiện mạc khải này, Chúa Giêsu đã đặt ra cho các Tông Đồ hai câu hỏi:

– Câu hỏi đầu tiên liên quan đến nhận thức của đám đông dân chúng về bản thân Ngài, và câu hỏi này được đặt ra để soi sáng cho các Tông đồ thấy rõ sự mù quáng của những kẻ vẫn hằng nghe Ngài giảng dạy, nhưng chẳng hiểu gì về Ngài. Quần chúng nhìn nơi Chúa Giêsu một nhân vật phi thường, một ngôn sứ mà rồi đây sẽ làm thỏa mãn khát vọng theo kiểu trần thế của họ.

– Chính vì vậy Chúa Giêsu đặt câu hỏi thứ hai: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”Phêrô thay mặt các Tông Đồ trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Qua lời tuyên xưng này, Phêrô đã đặt Chúa Giêsu trổi vượt hẳn khi so sánh với Gioan tiền hô, với Êlia hay bất cứ một ngôn sứ thời xưa nào khác. Sau đó, Chúa Giêsu đã loan báo lần thứ nhất về cuộc thương khó tử nạn và phục sinh của Ngài.

– Chúa hỏi các Tông đồ về tinh thần của dân chúng. Chúa cũng nói với chúng ta về sự liên đới huynh đệ đối với tha nhân. Chúa đòi hỏi các môn đệ phải xác định thái độ của mình đối với Chúa. Chúa mời gọi mọi người muốn theo Chúa phải từ bỏ mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Ngài. Lời này khích lệ chúng ta trên đường theo Chúa khi gặp những gian nan thử thách.

Hằng ngày chúng ta phải đối mặt với biết bao biến cố, biết bao vấn đề của cuộc sống, chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá khi không tiếp nhận cuộc sống như ân ban, bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng giây phút cuộc sống, là giãi sáng dung nhan Chúa qua mọi hành vi của đời sống con người.

Một đoàn người vác thập giá của mình, bước đi cực nhọc dưới sức nặng của cây Thánh giá đè trên vai. Có một người vác một cây thập giá khá dài, không chịu được, ông cưa bớt một khúc.

Sau cuộc hành trình gian truân, đoàn người đã đến trước một vực thẳm. Tại đây không có cây cầu nào để sang bên kia, là nơi được sống bên Chúa và hưởng niềm vui muôn đời.

Sau một lúc do dự, không ai bảo ai mỗi người đều đặt cây thập giá của mình bắc qua vực thẳm, để vượt qua tiếp tục hành trình. Lạ lùng thay, mọi cây thập giá đều vừa khít với bề ngang của vực thẳm, chỉ riêng cây thập giá bị cưa bớt cho đỡ nặng là hụt, và người vác nó phải đứng lại bờ bên kia với niềm tuyệt vọng.

Xin Chúa cho chúng con biết lập lại mỗi ngày lời tuyên xưng của Thánh Phaolô: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa” để chúng con vững bước trên đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa.

THỨ BẢY TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Lc 9,43a- 45

CHÚA GIÊSU BÁO CUỘC THƯƠNG KHÓ LẦN THỨ HAI

– Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn chịu chết

– Ngài báo tin này “đang lúc mọi người thán phục” về những phép lạ hiển hách Ngài đã làm.

– Dù đây đã là lần thứ hai Ngài nói về điều này nhưng các ông không hiểu.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối diện với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối diện với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Đau khổ mà không có tình yêu chỉ là hỏa ngục mà thôi.

Các môn đệ ngày xưa chưa hiểu điều Chúa nói về con đường cứu độ của Chúa cho đến sau khi Chúa sống lại các ông mới hiểu. Chúng ta hôm nay đang sống trong thời Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta đã hiểu và đã sẵn sàng tinh thần thương khó mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ không? Khuynh hướng hưởng thụ ngày nay dễ làm cho con người trở nên mù tối trước những đòi hỏi của Tin Mừng, để làm cho con người trở nên tham sống sợ chết “Úy tử cầu sinh”, tìm sự dễ dãi và an toàn cho riêng mình bất chấp nghịch lại với giáo huấn của Chúa và Giáo hội.

Ngày nay người ta đã chứng kiến biết bao cảnh đời, gặp biết bao đau khổ mà lại không có tình yêu nên đã đi vào con đường cụt tìm đến cái chết, người ta kể rằng: có một ông lão, từ khi vợ mất, đã dọn đến đây ở với đứa con gái duy nhất, những mong tìm được nguồn an ủi trong những tháng ngày còn lại. Thái độ của người con gái ông, đối xử tệ với ông khiến ông có cảm tưởng rằng mình đã già lắm rồi. Đã thành lệ mỗi sáng sau khi nhận được ít tiền từ con gái, ông lại lủi thủi một mình. Phần buồn nhớ vợ, phần cô đơn, ông đâm ra nghĩ quẩn, vài ngày sau khi ông bỏ đi, người con gái nhận được giấy báo lên nhận xác ông, nghe đâu được người dân chài vớt lên.

Chúa Giêsu đã nhận đau khổ, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có đau khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.

Vào một buổi sáng tháng 7 năm 1941, tại trại tập trung Oswicim của Đức Quốc Xã, có một người tù bỏ trốn và 10 người khác đang bị xử tử thay vào đó. Trong số đó có một người kêu khóc thảm thiết vì anh còn phải gánh nặng gia đình. Giữa cảnh chết chóc tang thương ấy, cha Maximilien Maria Kolbe, linh mục dòng Phanxicô, một tù nhân gầy yếu đã can đảm tiến lên và xin chết thay cho người bạn tù đáng thương ấy.

Lạy Chúa xin cho chúng con một trái tim đừng chỉ đập những nhịp đập cho riêng mình, nhưng còn biết rung lên những khúc ca vui với niềm vui của người khác, và cũng biết đớn đau trước nỗi đau cũa bao người quanh chúng con.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho