Lòng tham

0
36

Kết quả hình ảnh cho lòng tham

Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc liên quan đến tham ô, biển lận công quỹ được đưa ra xét xử. Mức độ thiệt hại về tài sản do một số cá nhân và tập thể gây ra càng ngày càng nghiêm trọng. Nếu như đầu năm 2014, dư luận ngỡ ngàng trước mức thiệt hại do vụ một nhân viên của Ngân hàng Vietinbank là Huỳnh Thị Huyền Như là 4 ngàn tỷ đồng, thì năm nay, với vụ án Phạm Công Danh, cán bộ Ngân hàng Xây dựng, số tiền thất thoát lên tới 9 ngàn tỷ đồng. Cùng với những vụ tham ô “khủng”, chúng ta còn thấy những vụ việc liên quan đến buôn bán ma túy, đến nỗi một cụ bà 73 tuổi phải lãnh án tử hình, hay một người phụ nữ thuê người khác chặt chân tay mình để trục lợi bảo hiểm. Nguyên nhân của những vụ việc này là lòng tham của con người. Vì tiền, người ta có thể làm mọi sự, kể cả bán rẻ lương tâm. Những người này, khi ra đứng trước vành móng ngựa, đều tỏ ra hối hận, nhưng đó là sự hối hận muộn màng.

Trong khi đất nước chúng ta còn nghèo, người dân vùng sâu vùng xa còn thiếu ăn thiếu mặc và thiếu những nhu cầu cần thiết tối thiểu cho cuộc sống, thì vẫn có những cán bộ, những “công bộc’ của dân tham lam biển lận làm thất thoát số tài sản khổng lồ. Ngày 15-9-2016, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bốn cựu lãnh đạo PVC gồm: ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng) (Tin đăng trên  Vnexpress, ngày 17-9-2016).

Những tin tức trên đây được đăng cùng một thời điểm với những thông tin về hai trường hợp qua đời ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La. Người thứ nhất là chị Lò Thị Phanh (40 tuổi, ở xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, qua đời ngày 12-9) và người thứ hai là ông Sương, qua đời ngày 8-9-2016. Vì nghèo không có tiền thuê xe về quê an táng, thân nhân phải chở thi hài bó chiếu trên một chiếc xe gắn máy. Độc giả ai cũng xót xa khi đọc những tin này. Thương thay cho một kiếp người. Thân phận người nghèo đã khổ khi sống, vẫn còn khổ khi đã chết. Ước chi những người giàu có đang “ném tiền qua cửa sổ” biết nghĩ đến người nghèo và bớt đi một phần trong những chi tiêu phung phí của mình để chia sẻ với người nghèo. Những thông tin này như một cảnh báo về thực trạng xã hội của chúng ta, đó là sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo.

Lòng tham gắn liền với con người từ khi họ chào đời. Để ý sẽ thấy, khi một đứa trẻ lọt lòng mẹ, em vừa cất tiếng khóc, vừa nắm chặt bàn tay. Cất tiếng khóc vì không được thoả mãn hài lòng; nắm chặt bàn tay để thể hiện quyền lực, tham vọng. Rồi lòng tham cứ theo ngày tháng lớn lên cùng với con người. Người khôn ngoan biết cẩn trọng chừng mực trong việc sử dụng của cải và chỉ coi chúng như phương tiện; người dại dột bị của cải điều khiển lôi kéo và biến họ thành nô lệ. Bệnh tham lam ăn sâu nơi mỗi người trong cõi đời này. Có những người biết gạt bỏ tham lam, sống thanh liêm, công chính; nhưng cũng có người ngã gục trước ma lực của tiền bạc, trở thành tội phạm, dìm mình giữa vũng sâu của tội lỗi. Dante đã nói: “Kẻ nào tin rằng tiền bạc làm được mọi sự thì kẻ ấy dám làm mọi sự để có tiền bạc”.

Đức Giêsu đã lên án lòng tham của con người. Khi có người muốn đặt Chúa làm trọng tài phân xử tranh chấp tài sản thừa kế, Người đã cảnh báo: “Anh em  phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15). Quả thật, của cải tiền bạc rất cần thiết cho đời sống con người, nhưng không phải lúc nào tiền bạc cũng đem cho con người hạnh phúc. Thực tế cũng chứng minh nhiều khi tiền bạc làm cho con người đau khổ. Không thiếu những dẫn chứng cho thấy vì tiền bạc mà con người xa nhau, dẫn tới huynh đệ tương tàn.

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, người môn đệ của Chúa vừa sở hữu vật chất vừa sống tinh thần khó nghèo. Điều đó có nghĩa, vật chất không thể khuất phục và bắt người sở hữu nó trở thành nô lệ. Người biết sử dụng của cải, sẽ là người tự do. Họ không để cho của cải thống trị và điều khiển mình. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai có tinh thần khó nghèo, và Người đã sống nghèo khó thực sự để làm gương cho chúng ta.

Khi nói đến lòng tham, chúng ta nghĩ ngày đến tiền bạc. Tuy vậy, lòng tham còn thể hiện nơi những tham vọng quyền lực và nơi “cái tôi” ích kỷ của con người. Vì ích kỷ, người ta có khuynh hướng coi mình là trung tâm, là “cái rốn” của vũ trụ. Chính “cái tôi” quá lớn là nguyên nhân gây nên những rạn nứt và đổ vỡ, từ gia đình, đến cộng đoàn giáo xứ và xã hội.

Muốn chữa căn bệnh tham lam, phải khởi đi từ giáo dục lương tâm đạo đức của con người. Bởi lẽ “từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,21-23). Một khi không tin vào Chúa, không tin vào Thần Phật và bất chấp tiếng nói của lương tâm, thì không thể chữa bệnh tham lam, như một chứng bệnh trầm kha lây lan trong xã hội của chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên