Một lần kia, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “ Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”( Ga 14:27) Thế mà hôm nay, Chúa lại tuyên bố với các ông: “ Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Và Ngài còn nói thêm: “ Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Chia rẽ ngay từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội: “ vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” Như thế phải chăng Chúa Giêsu xuống trần gian để ném ngọn lửa bất an chia rẽ, ném lửa thiêu hủy trái đất!
Hai đặc tính của lửa là tỏa nhiệt và phát ánh sáng. Lửa đem lại hơi ấm, xóa tan lạnh lẽo. Lửa đem lại ánh sáng, xóa tan bóng tối. Lửa đốt cháy, thanh luyện. Lửa sưởi ấm và an ủi.
Lửa Chúa ném trên mặt đất không phải là lửa án phạt hay hủy diệt, nhưng là lửa yêu thương, lửa đem đến cho con người an bình hạnh phúc.Nhưng ngọn lửa Chúa ném xuống trần gian là nguyên nhân gây cho con người chia rẽ và bất an như lời tiên báo của ông Simêon về Hài Nhi Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Itraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.” (Lc 2:34). Ngọn lửa ấy chính sứ vụ của Đấng Cứu Thế xuống trần gian, là sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô. Thay vì con người đón nhận Đấng Cứu Thế và Tin Mừng của Ngài để có sự bình an, hòa bình đích thực, thì con người lại vì đó mà trở nên chia rẽ, chống đối lẫn nhau, trở nên thù nghịch lại Thiên Chúa.
Ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy sáng lên khi Ngài trải qua phép rửa trên cây thập giá và ba ngày sau sống lại khải hoàn như lời Ngài đã nói: “ Thầy còn một phép rửa phải chịu, và Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất.”
Bóng tối chống lại ánh sáng, thù hằn ghen ghét chối bỏ bác ái và yêu thương, tự mãn kiêu căng đã phủ nhận thánh ý Thiên Chúa; người ta nổ lực tìm kiếm những thứ hòa bình giả tạo do con người tạo ra để phủ nhận hòa bình đích thực phát xuất từ lòng nhân hậu và yêu thương của Thiên Chúa. Người ta chạy theo dục vọng ích kỷ của mình đế chối bỏ thánh ý và chương trình cứu chuộc của Ngài.
Ước mong của Ngài khi ném ngọn lửa yêu thương và cứu độ là mong sao cho ngọn lửa ấy bùng lên để xóa tan bóng tối của tội lỗi, của sự hủy diệt. Thế nhưng ước mong ấy lại bị con người chống đối đi đến thù nghịch. Chúa xuống trần gian để khởi xướng một cuộc chiến tranh giữa thiện và ác, giữa con cái Thiên Chúa và con cái của ma quỷ, giữa sự sống hạnh phúc đời đời và sự hủy diệt trong tội lỗi. Số phận của tiên tri Giêrêmia trong Cựu Ước và số phận của Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, rồi đến số phận của các tông đồ sau khi Chúa Giêsu phục sinh lên Trời, đã chứng minh cho thấy số phận của những ai tin theo Chúa.
Người Kitô hữu cũng phải sẵn sàng chiến đấu vượt qua mọi trở ngại trên con đường đẫn đến Thiên Chúa. Đây không phải là một cuộc chiến đơn độc, nhưng là một cuộc chiến cùng với ngọn lửa của Chúa Thánh Thần. Hãy vững bước trong niềm tin và phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa như lời Chúa đã nói: : “ Lòng anh em đừng xao xuyến sợ hãi.”
Ngọn lửa của Chúa Giêsu ném trên mặt đất, là men ướp mặn cho đời, là ánh sáng của thế gian. Gìn giữ và làm cho nó cháy bùng lên là nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Lm Trịnh Ngọc Danh