MUỐN THEO CHÚA, CẦN CÓ ĐIỀU KIỆN GÌ?- Suy niệm Chúa Nhật XIII Thường Niên C

0
68

Một bài hát ta thường hát hoặc đã nhiều lần nghe, đó là bài: “Chúa là Gia Nghiệp” của nhạc sư Mi Trầm, trong đó có đoạn viết: “Chúa là gia nghiệp đời con. Xin Ngài bảo toàn thân con, vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc, và chỉ nơi Chúa con tìm thấy được nguồn vui”. Qua bài hát này, gợi lại cho chúng ta tâm tình xác tín rằng: chỉ có Chúa là chỗ nương thân, chỉ có Chúa là nguồn hạnh phúc, chỉ có Chúa là Đấng cứu độ. Và, ta mong sao cho được thuộc về Chúa và được Ngài đưa ta đến bến bờ hạnh phúc.

Hôm nay thánh Luca kể lại ba mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và những người muốn theo Ngài cũng như những người Ngài muốn gọi họ. Tâm tư của Đức Giêsu cho những người muốn theo và được gọi này là đạt được hạnh phúc đích thực.

Tuy nhiên, muốn có được điều đó, hẳn phải đi trên chính con đường mà Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là con đường từ bỏ, phó thác, dứt khoát, hy sinh và đôi khi phải chấp nhận lội ngược dòng với đầy tình tiết phưu lưu.

  1. Đi theo Chúa là phải sống tinh thần phó thác tuyệt đối

Câu chuyện Tin Mừng được khởi đi từ một sự kiện: khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, bất chợt có một chàng thanh niên tình nguyện đến xin đi theo Ngài, vì thế, anh ta đã thốt lên những lời rất tâm huyết: Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Lc 9, 57). Đứng trước lời đề nghị được đi theo mình, Đức Giêsu đã không nói là thâu nhận hay không, mà chỉ thấy Ngài nói: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). .

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn đưa anh vào một lộ trình của niền tin và phó thác hoàn toàn cho sự an bài của Thiên Chúa; mặt khác, Ngài cũng muốn tiên báo cho anh về sự thiếu thốn, bấp bênh trên hành trình sứ vụ. Sự phưu lưu này không có nghĩa là làm cho anh hoang mang về con người và sứ vụ cứu độ của Ngài, mà là giúp cho anh nhận định thật rõ, để anh thấy trước được những khó khăn của sứ vụ. Khi nói cho chàng thanh niên này như vậy, Đức Giêsu muốn báo cho anh ta biết sứ vụ và cuộc sống của Ngài không giống như những vị lãnh đạo khác, mà là một Đấng Mêsia khiêm tốn, từ bỏ sang giàu, quyền lực. Sống nghèo khó và vâng lời Thiên Chúa Cha cách tuyệt đối.

Vì vậy, nếu anh thanh niên này muốn theo, thì cũng phải đón nhận cuộc sống như Ngài đã sống. Một cuộc sống mà theo lối nói của Việt Nam thì: “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.

  1. Theo Chúa là lo tìm Nước Thiên Chúa trước hết

Khác với trường hợp thứ nhất, lần này Đức Giêsu chủ động lên tiếng gọi một người thanh niên: “Anh hãy theo tôi!” (Lc 9, 59). Ngài muốn anh ta lên đường với Ngài để loan truyền Nước Thiên Chúa, để cùng Ngài sống chứng tá cho Nước Trời. Đứng trước lời mời gọi này, chàng thanh niên đã đặt ra cho Đức Giêsu một điều kiện, đó là: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc 9, 59), rồi đi theo Ngài sau. Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận, Ngài đã phủ nhận thái độ đó và coi là không xứng hợp với tinh thần tông đồ, nên Ngài đã nói: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9, 60).

Qua câu trả lời của Đức Giêsu, Ngài cho anh ta thấy rằng: thời điểm này và ngay tức khắc, anh hãy theo tôi để loan báo Triều Đại Thiên Chúa cho những người chưa biết, vì đây là sứ mạng quan trọng nhất, cấp bách, vượt lên trên mọi tình cảm tự nhiên của con người. Ngài không chấp nhận sự lần lữa và kèo nèo của một người môn đệ. Sứ mạng loan báo Tin Mừng là gian nan khốn khổ, đòi buộc phải hy sinh, phải từ bỏ, phải mau mắn… Vì thế, không thể chấp nhận một con người có thái độ trì hoãn.

  1. Muốn theo Chúa: phải có thái độ dứt khoát

Đi xa thêm một chút nữa, Đức Giêsu lại cất tiếng gọi một người khác đi theo Ngài. Khi được gọi, người thanh niên này thưa: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã” (Lc 9, 61). Người thanh niên này quả thực cũng muốn theo Chúa, nhưng anh ta muốn xin Đức Giêsu cho lui lại ít thời gian nữa, để anh ta lo giàn xếp chuyện gia đình… Vẫn một điều kiện tiên quyết mang tính quyết định, nên Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62). Qua câu nói này, Đức Giêsu nói cho người xin theo Ngài biết rằng: thái độ dứt khoát là yếu tố căn bản để trở nên môn đệ của Ngài. Theo Chúa là cần phải bỏ mọi sự, không lưỡng lự, không thể tiến thoái lưỡng nan, không chấp nhận nhập nhằng với những ràng buộc tình cảm. Muốn là người thợ cày tốt thì người cầm cày phải nhìn thẳng về phía trước để đi, nếu không thì đường cày sẽ cong queo, không thẳng hàng được. Cũng vậy, theo Chúa, phải để lại mọi sự, kể cả những gì là thân thuộc, gắn liền với cuộc sống, ngay cả những quyến luyến tình cảm của gia đình… Để đạt được Nước Trời, người môn đệ phải ưu tiên số một cho những đòi hỏi của Nước ấy.  Phải từ bỏ tất cả quá khứ, quên đi dĩ vãng (x. 1 Pr 5,8-9), và nhắm thẳng vào tương lai để ta tiến bước. Điều này quan trọng hơn cả cha mẹ, anh chị em, vợ con và ngay cả mạng sống của mình nữa.

  1. Còn chúng ta thì sao?

Khi đọc bài Tin Mừng này, hẳn mỗi người chúng ta đều đặt ra cho mình một câu hỏi: chúng ta có được Thầy Giêsu gọi không? Điều kiện của Ngài đặt ra cho chúng ta thời nay là gì?

Trước tiên, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, được tháp nhập vào dân của Chúa, được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa Cha. Vì thế, chúng ta được mời gọi từ bỏ ý riêng, chết đi cho con người cũ với những tham sân si, và mặc lấy con người mới để chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng như ngọn nến cháy sáng. Đây là ơn gọi căn bản của mỗi chúng ta.

Thứ đến, vào một thời điểm nhất định, mỗi người đều có một lựa chọn cho bậc sống của mình. Người thì xây dựng gia đình; người thì đi tu. Hai con đường. Hai ơn gọi. Nhưng đều chung một sứ vụ là loan báo Tin Mừng và đi tìm hạnh phúc đích thực.

Thật vậy, nếu là một người chồng mẫu mực; một người vợ thủy chung; một người con hiếu thảo; một đời tu trung thành, thánh thiện… Thì đây, chính là đời môn đệ tuyệt hảo khi chúng ta thuộc về Đức Giêsu và đáp lại lời mời gọi của Ngài để loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Khi sống và lựa chọn như thế, ta mới xác định căn tính và mục đích của chúng ta, và Chúa mới là gia nghiệp của ta thực sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa. Biết từ bỏ ý riêng để thánh ý Chúa được thể hiện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết nghĩ đến người khác vì phần rỗi của họ như Chúa khi xưa. Amen.

Jos.Vinc. Ngọc Biển