Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 17.02 đến ngày 22.02.2020

0
61

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 17.02 đến ngày 22.02.2020

17.02.2020

THỨ HAI TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Mc 8,11-13

Lời Chúa:

“Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ?” (Mc 8,12)

Câu chuyện minh họa:

Crésus vua xứ Lydie có một người con trai câm. Hoàng tử đã lớn rồi mà vẫn không nói được một tiếng nào, mặc dù đã chữa chạy đủ mọi mặt. Ai cũng cho là hoàng tử sẽ câm suốt đời.

Đến khi tỉnh Sac bị dân Ba tư chiếm được, vị hoàng tử đó đứng kề nhà vua, lúc quân xâm lăng tiến vào thành. Bỗng đâu có một tên lính không biết mặt nhà vua, tuốt gươm ra định chém ngài. Hoàng tử thấy cha bị lâm nguy, hết sức cố gắng để bảo tên lính kia chớ nên làm như vậy. Và hoàng tử bật ra được câu nói: “Hỡi tên lính, chớ có hạ sát vua Crésus!”.

Tên lính tra gươm vào vỏ rồi bỏ đi.

Hoàng tử đã nói được chỉ vì muốn cứu cha khỏi chết. Từ đó hoàng tử cũng nói bình thường như người ta.

Suy niệm:

Những người Pharisêu đã chứng kiến rất nhiều dấu lạ Đức Giêsu làm nhưng họ không tin mà lại muốn thử Người nên xin Người làm dấu lạ. Trên thập giá, họ còn đòi Chúa làm phép lạ: xuống khỏi thập giá. Như vậy, lòng tin của họ không hệ tại tin vào một Đấng nhưng muốn chứng kiến phép lạ để thỏa mãn tính lòng ước muốn trần tục. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ để chiều theo ước muốn của họ, nhưng Ngài đã sống trọn vẹn sứ mạng của mình, là thi hành ý Cha.

Mỗi ngày, có rất nhiều phép lạ xảy ra chung quanh chúng ta nhưng chúng ta có biết mở lòng để nhận ra hay không? Chúng ta muốn phép lạ xảy ra với chúng ta để chúng ta xác tín hơn hay chúng ta thử thách Thiên Chúa?

Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng vào Chúa một cách trọn vẹn không do dự.

18.02.2020

THỨ BA TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Mc 8,14-21

Lời Chúa:

“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8,15).

Câu chuyện minh họa:

Khi còn nhỏ, J.Dillinger phải ra toà vì một tội vụn vặt. Được tha về, cha mẹ dẫn anh tới trường. Một số phụ huynh khác đến làm áp lực với các thầy cô giáo: Nếu thầy để J.Dillinger ở đây, chúng tôi sẽ đem con đến trường khác. Ông thầy bối rối không biết làm thế nào cho các phụ huynh an tâm. Ông đành nói thật cho J.Dillinger nghe. Anh bỏ học, không bao giờ bước chân tới trường nữa. Ít lâu sau, anh trở thành một tội phạm nguy hiểm nhất ở Hoa Kỳ trong thập niên 30.

Suy niệm:

Chúng ta phải vượt ra ngoài thành kiến để có thể đến được với nhau. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, điều các môn đệ nghĩ đến là bánh chứ không biết hướng đến một điều cao siêu hơn là quyền uy của Chúa được tỏ lộ. Đôi khi trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta chỉ ở mãi trong sự thành công và những ơn lành của Chúa mà quên vươn tới điều thánh thiện hơn, là ca ngợi tình thương và lòng thương xót của Chúa. Đó là một thách đố của những người theo Chúa Giêsu hôm nay, khi đối diện với những khó khăn, chúng ta chỉ lo tìm cách giải quyết và quên mất Chúa là người lo liệu mọi sự.

Lạy Chúa, xin cho men tin mừng của Chúa thấm nhập vào đời sống của chúng con, để mọi việc chúng con làm đều vinh danh Chúa. 

19.02.2020

THỨ TƯ TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Mc 8,22-26

Lời Chúa:

“Người lại đặt tay trên mắt anh. Anh trông rõ và khỏi hẳn.” (Mc 8,25)

Câu chuyện minh họa:

Trong một chương trình buổi tối trên một kinh truyền hình của Hoa Kỳ, một cô gái điếm được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của một phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy thật ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh mà còn có thái độ khiêu khích trước những câu hỏi của người phóng viên. Chợt nhìn thấy trên cổ của cô một dây chuyền vàng với một cây thánh giá thật đẹp, người phóng viên thay đổi đề tài. Ông hỏi cô:

– Tôi thấy cô có đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có tôn giáo?

Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô gái điếm, có lẽ đây là vấn đề mà không bao giờ cô nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời:

– Tôi không theo đạo nào cả.

Người phóng viên hỏi dồn:

– Thế tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?

Cô gái điếm thinh lặng cúi nhìn xuống sàn nhà một hồi lâu rồi trả lời:

– Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi.

Suy niệm:

Chúa Giêsu mang đến cho anh mù ánh sáng thể lý và rồi Ngài cũng mở đôi mắt đức tin cho anh để anh thấy và tin vào quyền năng của Chúa. Nhờ ánh sáng của đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi sự và trong mọi hoàn cảnh sống. Những người biệt phái đã giam hãm mình trong bóng tối của sự nghi ngờ, nên chẳng thấy được ý nghĩa của những việc Ngài làm. Bằng tình thương và lòng thương xót, Chúa Giêsu đã ân cần chữa lành cho anh mù. Nếu mỗi người chúng ta cũng có chút tình thương tha nhân, thì chắc hẳn nhiều người sẽ thấy được lòng bao dung của Chúa qua những công việc tốt đẹp chúng ta làm cho họ.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống quảng đại hơn thay vì mang đến cho nhau đau khổ, thay vào đó mang đến cho nhau niềm vui bằng những nghĩa cử yêu thương.

20.02.2020

THỨ NĂM TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Mc 8,27-33

Lời Chúa:

“Người ta nói Thầy là ai?”. (Mc 8,27)

Câu chuyện minh họa:

Valentia mồ côi lúc mới lên 5, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Ngày ngày sau Thánh lễ, cậu phải vào các tiệm ăn để đánh giầy cho khách. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu Thánh Giá cám ơn Chúa. Tụi bạn nom thấy thế nhiều lần to nhỏ với nhau “Gạo thì không lo mà lo giữ đạo”. Valentia vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy.

Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố cho đóng vai thằng quỷ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghêng nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đỗ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Như bao nhiêu lần trước, “thằng quỷ trên sân khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quỳ gối làm dấu Thánh giá. Khán giả cười rồ lên, tưởng thằng quỷ làm hề, không ngờ Valentia cầu nguyện thật!”

Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Valentia ăn học. Đến sau, Valentia đỗ tiến sĩ lúc mới 30 tuổi.

Suy niệm:

Đức Kitô là ai đối với mỗi người chúng ta? Đó là câu hỏi mà Chúa muốn mỗi người trả lời trước mặt Chúa bằng đời sống mỗi ngày. Vì tin vào Chúa, Valentia đã không ngần ngại tuyên xưng đức tin của mình ngay trong vai diễn.

Ông Phêrô tuyên xưng đức tin của mình theo cái nhìn của ông, chứ không theo đường lối của Chúa. Vì ngay sau lời tuyên xưng đức tin, ông đã ngăn cản Chúa thực hiện chương trình cứu độ. Với sự yếu đuối của con người, chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng sẽ dễ dàng dừng lại nơi những lời tuyên xưng. Vì thế, đức tin của chúng ta cần phải có hành động, để những lời tuyên xưng ấy mang một ý nghĩa cao cả hơn. Như Phêrô đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô” và cũng đã có lần chối bỏ không biết Chúa, nhưng sau những lần ấy, ông đã chỗi dậy, sống trọn vẹn đức tin của mình hơn, và hăng say làm chứng cho Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết chỗi dậy sau mỗi lần vấp ngã, để đức tin của con thêm can trường và vững mạnh hơn, không dừng lại ở những lời nói, mà đem những lời tuyên xưng ấy vào cuộc sống của mình. 

21.02.2020

THỨ SÁU TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Mc 8,34-9,1

Lời Chúa:

“Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36)

Câu chuyện minh họa:

Phanxicô Xavie lúc còn thanh xuân quyết dồn mọi nỗ lực để phụng sự thân xác, muốn đầu tư hết tài trí, sức lực để chiếm hữu địa vị xã hội và vinh hoa thế gian.

May thay, Thiên Chúa đã gửi đến cho anh người bạn tốt, đó là thánh Inhaxiô, một người bạn lớn tuổi học cùng trường. Inhaxiô thường dùng câu lời Chúa chúng ta nghe hôm nay để nhắc bảo Phanxicô Xavie: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”

Ánh sáng của Lời Chúa đã loé lên trong tâm hồn chàng trai đầy tham vọng trần thế và đã làm xoay chuyển cuộc đời anh. Phanxicô giã từ việc theo đuổi phù du ảo ảnh đời nầy (đó là từ bỏ mình) để dấn thân không mệt mỏi vào những vùng đất xa xôi (đó là chấp nhận vác thập giá) để chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa nên đã được hạnh phúc vinh hiển muôn đời.

Suy niệm:

Hầu hết mọi người chúng ta đều dùng thời gian, công sức, tài năng… để lo cho thân xác chóng qua này, để rồi tất cả chỉ để lại hai bàn tay trắng. Hôm nay Chúa Giêsu muốn hướng con người đến một sự vững bền là tìm kiếm Nước Chúa. Những ai theo Ngài cần từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày, chấp nhận hy sinh, nhẫn nại trước những đau khổ thử thách ở đời tạm này. Ngày nay, cũng có nhiều người dấn thân vào những hy sinh trong xã hội để phục vụ cho những người phong cùi, người cô thế cô thân, bệnh tật…, vì lòng yêu mến Chúa, thật quý trọng biết bao. Mỗi chúng ta có là nơi nương tựa cho người khác những lúc họ cần không?

Lạy Chúa, xin cho con biết cảm thông với anh chị em con trong những lúc hoạn nạn, không chai lì trước những khó khăn của tha nhân, và để con ra khỏi chính mình, để sống cho Chúa và tha nhân.

22.02.2020

THỨ BẢY TUẦN 6 THƯỜNG NIÊN

Lập Tông tòa Thánh Phêrô

Mt 16,13-19

Lời Chúa:

“Người ta nói Con Người là ai?… Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. (Mt 16,13.15)

Câu chuyện minh họa:

Năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm, và họa sĩ Cô-xê (Smith Kosse) đã trưng bày một bức ảnh tựa đề: “Người bị khinh chê chối bỏ”. Họa sĩ vẽ Chúa Giêsu đứng trước nhà thờ chính tóa Thánh Phaolô, trong một khu phố đông đúc ở trung tâm Luân đôn, nhưng không một ai để ý tới Chúa. Một người đàn ông vừa đi vừa đọc báo, suýt đâm thẳng vào Chúa. Một khoa học gia bận bịu với những ống nghiệm, không nhìn lên Chúa. Một chức sắc trong hàng giáo phẩm hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, nhưng không thấy Đức Kitô. Có một nhà thần học đang hăng say thuyết minh về Đức Kitô mà không nhìn về Người. Duy chỉ có một nữ tu nhìn về Chúa, nhưng vẫn tiếp tục đi con đường của mình.

Ông Barclay (William Barclay), một học giả Kinh Thánh nổi tiếng đã bình luận về bức họa: “Những hoàn cảnh này thường xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Nếu Đức Kitô tái xuất hiện, có lẽ cũng chả ai chú ý tới. Người ta còn bận tâm về đủ thứ chuyện cao sâu hơn là việc lưu tâm tới Chúa hoặc theo dõi Lời Chúa. Chuyện đó lạ đời, nhưng lại thực sự xảy ra ngay lần Chúa xuống trần gian hai ngàn năm trước. Sau một thời gian Chúa xuất hiện rao giảng Tin Mừng Cứu độ. Người đã làm bao phép lạ sôi nổi, gây chấn động trong dân chúng, rồi Chúa hỏi các môn đệ xem người ta bảo Chúa là ai, thì mỗi người lại nói mỗi khác. Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả Phục Sinh, người nói là Êli, người khác bảo là một ngôn sứ… Tất cả nói đúng nhưng chưa đủ. Chỉ có Phêrô mới có thể nói đúng và đầy đủ về Chúa: “Thầy là Đấng Cứu Thế”.

Suy niệm:

Các tông đồ đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nên đã từ bỏ tất cả để gắn bó với Chúa, khước từ vinh quang đời này để đổi lấy sự sống bất diệt.

Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho mỗi người chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy hoàn cảnh và cuộc sống của mỗi người nữa. Những người gặp đau khổ, lâm cơn nguy kịch, già yếu bệnh tật… thì Thiên Chúa của họ là tấm phao cứu vớt cuộc đời; hay những người giữ đạo Chúa vì sợ tội thì Thiên Chúa đối với họ là một thẩm phán… Còn đối với mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu có là thần tượng, là Đấng chiếm giữ trái tim mỗi người hay không?

Lạy Chúa là cùng đích của đời con, xin cho con dám đánh đổi cuộc đời mình để sống mật thiết với Chúa trong hạnh phúc mà không ai có thể lấy mất được.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho