WHĐ (05.05.2017) – Theo thông lệ, sau Đại hội hay Hội nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) một tuần, Uỷ ban Thánh nhạc (UBTN) trực thuộc HĐGMVN tổ chức Hội thảo (hoặc Đại hội) Thánh nhạc. Và sau khi HĐGMVN kết thúc Hội nghị thường niên kỳ I năm 2017 hôm thứ Sáu 28-04, Hội thảo lần thứ 40 của UBTN đã diễn ra lúc 8g00 ngày thứ Ba, 02-05-2017 tại Trung Tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn-TPHCM.
Dưới sự chủ tọa của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, giám mục Ban Mê Thuột, chủ tịch UBTN và cha Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký UBTN; cùng sự hiện diện của hơn 120 hội thảo viên, Hội thảo đã diễn ra trang trọng và thu hút sự quan tâm của những người tham dự, cùng với một số vị ngoài Công giáo (tha thiết nghiên cứu về âm nhạc).
Có hai sự kiện lớn được đề cập đến trong Hội thảo này:
1. Lần đầu tiên đề tài được thuyết trình không nằm trong giới hạn của “Thánh nhạc” (của riêng nhà đạo) mà về âm nhạc nói chung, mang tính học thuật cao: Một số kiểu âm nhạc Tây phương. Kiểu: thuật ngữ được dùng trong Hiến chế Phụng vụ, số 124: “Giáo Hội không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng” và trong Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc số 125 “Giáo Hội trước sau vẫn công nhận và vui mừng tiếp nhận việc sử dụng các kiểu âm nhạc khác nhau làm trợ tá trong phụng vụ” (Không bao gồm âm nhạc phổ thông (popular music). Cách trình bày rất khúc chiết và nhiều minh họa cụ thể, sinh động khiến cho các hội thảo viên dễ dàng tiếp nhận và nắm vững được sự đa dạng và phong phú của các kiểu âm nhạc Tây phương.
Thay cho lời kết cho đề tài này, thuyết trình viên (nhạc sĩ P. Kim) xác nhận: “Mỗi kiểu âm nhạc, trong những kiểu đã được trình bày dưới ba góc nhìn, đều có những giá trị nghệ thuật riêng. Từ những quan điểm Phụng vụ và Thánh nhạc, không thể nói kiểu nào là đúng, kiểu nào là sai, mà chỉ có thể nói kiểu nào phù hợp với thời đại, với đặc tính và hoàn cảnh của mỗi dân tộc, cũng như phù hợp với nhu cầu của mỗi nghi lễ.
Về phương diện sáng tác, để có một tác phẩm hay, mỗi tác giả thường thể hiện những kiểu nhạc riêng cho mỗi tác phẩm để chúng trở nên khác biệt. Vì vậy, trong một chừng mực nào đó, có thể nói mỗi bản nhạc hay là một kiểu nhạc khác biệt. Mà để có được kiểu nhạc khác biệt phù hợp với các tiêu chuẩn Thánh nhạc, người soạn nhạc cần phải sống trong bầu khí suy niệm và cầu nguyện mỗi khi sáng tác.” (Xin xem chi tiết trong nội san Hương Trầm, số 25, trang 23-80).
2. Sự kiện thứ hai: Công bố văn kiện HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC chính thức được áp dụng cho mọi hoạt động thánh nhạc trong Phụng vụ (đã được Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng giám mục Huế, Chủ tịch HĐGMVN ký ngày 28-04-2017 trong Hội nghị Thường niên, kỳ I của HĐGMVN diễn ra tại Tòa giám mục Nha Trang.
Từ nay, văn kiện này như một quy luật phải theo để thống nhất mọi hoạt động thánh nhạc (sáng tác, sử dụng, trình bày các tác phẩm thánh nhạc, thánh ca trong Phụng vụ) sao cho phù hợp với huấn quyền.
Mọi người hân hoan tạ ơn Chúa và đón nhận văn kiện này như một hồng ân trọng đại trong năm mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Maria hiện ra tại Phatima.
Văn phòng UBTN (WHĐ)