Phỏng vấn Đc. Phêrô Nguyễn Văn Khảm về Thư Chung 2019 và việc xin phong thánh

0
27

Phỏng vấn Đc. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

về Thư Chung 2019 và việc xin phong thánh

1. Trong kỳ Đại hội vừa qua, HĐGM đã ra một Thư Chung cho 3 năm tới. Xin Đức cha chia sẻ đôi chút chuyện nội bộ, tiến trình hình thành Thư Chung như thế nào?

Trong Hội nghị tháng 4/2019 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, HĐGM đã quyết định chọn kế hoạch mục vụ cho 3 năm 2020-2022 là “Mục vụ Giới Trẻ”. HĐGM trao cho nhóm 3 giám mục việc nghiên cứu và soạn thảo Thư Chung để trình HĐGM vào dịp Đại hội vừa qua.

Trước Đại hội 1 tháng, nhóm giám mục này đã gửi bản văn cho Ban Thường vụ. Dựa trên bản văn này, Ban Thường vụ đã trao đổi ý kiến với nhau, chỉnh sửa và sắp xếp lại, để hình thành bản văn mới (có thể gọi là Tài liệu làm việc). Tiếp đó, trong Đại hội, tất cả các giám mục đã góp ý thêm dựa trên Tài liệu làm việc đó. Ban Thư ký đón nhận những góp ý, đề nghị, rồi hình thành văn bản cuối cùng là Thư Chung như chúng ta thấy hiện nay.

Đây là cách làm việc quen thuộc của HĐGMVN, cách làm mang tính tập thể và được chuẩn bị kỹ từng bước, để có thể phản ánh tầm nhìn chung của các giám mục trong HĐGM.

2. Đâu là những nét đáng quan tâm của Thư Chung?

Chắc chắn là có nhiều điều đáng quan tâm, ở đây trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn, tôi chỉ xin nêu lên vài điều.

Trước hết là chất Kinh Thánh: Thư chung có nói đến trình thuật hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35) là trình thuật truyền cảm hứng cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ. Đúng như thế, và tôi xin nói thêm, trình thuật này cũng là nguồn cảm hứng cho việc biên soạn Thư chung của HĐGMVN, vì các giám mục dựa vào trình thuật này để phác họa một nền mục vụ cho giới trẻ, nghĩa là theo gương Chúa Giêsu trong trình thuật Emmaus, làm mục vụ giới trẻ là phải quan tâm đến 3 bước: (1) đồng hành với người trẻ, (2) lắng nghe người trẻ; (3) cùng với người trẻ, phân định Thánh ý Chúa. Các giám mục cũng dựa vào trình thuật này để tâm tình với giới trẻ trong phần kết của Thư chung.

Điểm kế tiếp cần quan tâm là phải đổi mới cách nhìn về người trẻ và cách làm mục vụ giới trẻ. Đổi mới cách nhìn về người trẻ nghĩa là thay đổi cách nhìn, từ chỗ chỉ nhìn người trẻ như đối tượng mà mình phải chăm sóc và phục vụ, đến chỗ nhìn người trẻ như là chủ thể, là người đóng vai trò chính trong mục vụ giới trẻ. Vì thế cũng phải thay đổi cách làm mục vụ giới trẻ, thay vì áp đặt một chương trình có sẵn nhưng xa lạ với người trẻ, thì phải đồng hành và lắng nghe những mong muốn, thao thức, băn khoăn của người trẻ, rồi cùng với họ tìm hướng đi trong ánh sáng Lời Chúa. Công việc này dĩ nhiên đòi hỏi phải kiên trì và khiêm tốn, với động lực sâu xa là tình thương chân thành với các bạn trẻ.

Điểm nổi bật nữa muốn nêu lên là Thư chung nhấn mạnh rằng chính người trẻ phải là tông đồ cho người trẻ. Hỏi rằng người trẻ mong muốn gì, gặp những trở ngại khó khăn nào, có những thao thức băn khoăn ra sao…. Câu trả lời là từ chính người trẻ, những người cùng độ tuổi, sống trong cùng môi trường văn hóa xã hội, các bạn hiểu nhau rõ nhất. Vì thế chính người trẻ phải là tông đồ cho người trẻ. Người trẻ Công giáo vừa giống hai môn đệ Emmaus cần có Chúa Giêsu đồng hành, đồng thời người trẻ cũng được mời gọi để làm công việc của Chúa Giêsu là đồng hành với các bạn của mình trên con đường tìm ý nghĩa và giá trị cuộc sống.

3. Trong Thư Chung có nói tới một từ khá mới với giới trẻ, đó là từ “hiệp hành”. Xin Đức cha có thể giải thích thêm về từ ngữ này.

Phải chấp nhận những giới hạn trong tiếng Việt khi dịch thuật những từ trong ngôn ngữ Tây phương. Ví dụ, trong ngôn ngữ phương Tây, synod (tiếng Anh) hoặc synode (tiếng Pháp) rất gần với synodality (tiếng Anh) hoặc synodalité (tiếng Pháp). Nhưng khi dịch synode là THĐGM thế giới, còn synodality là “hiệp hành” thì chẳng thấy quan hệ gì tới nhau!

Ý nghĩa căn bản của synod và synodality là do hai từ Hi Lạp, có nghĩa là cùng chung đường đi (marcher ensemble, walking together). Dịch là “hiệp hành” để diễn tả ý nghĩa đó, và dùng từ đó cho mục vụ giới trẻ, có nghĩa là mọi thành phần Dân Chúa (gia đình, giáo xứ, linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều tham gia vào công việc mục vụ này, chứ không chỉ riêng một vài người trực tiếp làm việc.

4.Trong Biên bản làm việc của Đại hội có đề cập đến việc “bàn tiến trình xin phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte, Đức cha Francois Pallu, Đức cha Jean Cassaigne cùng các đấng tử đạo Việt Nam trong hồ sơ của Tòa Thánh”. Xin Đức cha cho biết lý do của việc này và tiến trình hiện tại ra sao?

Trong Tông thư Super Cathedram, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ra quyết định thiết lập hai Giáo phận truyền giáo đầu tiên tại Việt Nam, là Giáo phận Đàng Trong và Giáo phận Đàng Ngoài. Đức cha Lambert de la Motte là Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong (11-6-1660), và Đức cha Francois Pallu là Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo phận Đàng Ngoài (17-11-1658).

Còn Đức cha Jean Cassaigne (1895-1973) là Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Sài Gòn (1941-1955). Ngài từ nhiệm năm 1955 và sống những năm cuối đời tại Di Linh, phục vụ bà con mắc bệnh phong. Về Các Thánh Tử đạo, đã có 117 vị được tuyên thánh nhưng hồ sơ không chỉ có thế, còn rất nhiều vị tử đạo khác nữa, và chúng ta mong muốn có thêm các vị tử đạo được tuyên thánh.

HĐGM mong ước tiến hành hồ sơ phong thánh cho các ngài để (1) bày tỏ lòng biết ơn hai Giám mục Francois Pallu và Lambert de la Motte đặt nền móng cho Giáo Hội địa phương; (2) nêu cao gương bác ái, phục vụ của Đức cha Jean Cassaigne; (3) nêu cao gương chứng nhân, làm chứng cho đức tin, kể cả phải chịu đau khổ và chịu chết vì Danh Chúa.

nguồn: WHĐ