GP.KON TUM: Thánh Lễ Thánh Tổ Giáo Phận Và Ngày Hội Yao-Phu

0
105

Kontum-8.jpgĐÔI NÉT VỀ THÁNH TỔ & HỘI YAO PHU.

Cuộc đời thánh Giám mục Cuénot Thể với 32 năm phục vụ Giáo Hội Việt Nam, 26 năm trong chức vụ Giám mục, gắn liền với những trang sử đẹp nhất, giữa một giai đoạn khó khăn nhất thời bách hại. Nhiệt tâm truyền giáo của ngài như ngọn thủy triều dâng tràn đến mọi nơi. Với tài đức khéo léo, ngài đã đào tạo một đội ngũ linh mục xuất sắc và hàng ngàn thày giảng, nữ tu hăng say. Với châm ngôn “Để tín hữu vững tin, phải đào tạo những tông đồ truyền giáo”, nên dù cho bao linh mục, tu sĩ, giáo dân của ngài bị tàn sát, giáo phận Đàng Trong của ngài vẫn phát triển mạnh mẽ, đủ sức tách làm bốn giáo phận. Số linh mục, tu sĩ, tân tòng gia tăng nhanh mỗi năm, sẽ mãi mãi là bằng chứng của nhiệt tâm và tài tổ chức của ngài.

 

Stêphanô Théodore Cuénot sinh ngày 08.02.1802 tại Sous Réamont thuộc Bélieu nước Pháp. Lớn lên cậu vào chủng viện Besancon, trung tâm huấn luyện của cha Réceveur, và thụ phong linh mục ngày 24.09.1825. Tuy thế, hoài bão chính của tân linh mục là đi truyền giáo. Năm 1828, cha Cuénot xin gia nhập hội Thừa Sai Paris, và năm sau được cử đến Việt Nam. Ngày 31.5.1829, cha đến Kẻ Vĩnh, giáo phận Đàng Ngoài. Ngày 24.7, cha vào Miền Nam.

Năm 1835, Đức cha Tabert truyền chức Giám mục cho cha Thể, chọn làm phụ tá mình, và cử vị tân Giám mục cấp tốc trở về Giáo phận.

Tình hình Đạo Công Giáo tại Việt Nam lúc này bị bách hại khốc liệt, sự hiện diện của Đức cha Thể quả là niềm an ủi lớn lao cho các tín hữu. Đặt trụ sở tại Gò Thị, tỉnh Bình Định, Đức cha thấy mình không thể đi thăm hết các họ đạo được, ngài liền việt thư luân lưu gửi đến khắp nơi để cổ võ tinh thần đạo đức của giáo hữu. Từ nay tất cả các biến cố trong giáo phận : Những cuộc càn quét của quân lính, những chứng nhân bị bắt giam, những cuộc tử đạo, cho đến những thành quả tông đồ, đều được người Cha chung Giáo phận cảm thông, viết thư khen ngợi, ủy lao hay khích lệ. Nhờ đó, các Linh mục và giáo hữu đều thấy thêm can đảm…”

Những thành công lớn lao của Đức cha đã được Tòa Thánh công nhận năm 1844 khi phân chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) và Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Tiếp theo đến năm 1850, lại chia làm bốn là Nam Vang, Sài Gòn, Bắc (Huế) và Quy Nhơn. Từ đây Đức cha Thể chỉ coi sóc giáo phận Đông Đàng Trong, nhưng lại ở trong tình hình bách hại mới gay gắt hơn nhiều. Một công trình lớn lao khác của Đức cha Thể là công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số miền Thượng du, đặc biệt là dân tộc Bahnar. Chính Đức cha cử nhiều đợt người theo dõi, khích lệ và đưa ra những chỉ đạo thích hợp để anh em Thượng nhận Anh Sáng Tin Mừng.

Mặc dù luôn bị truy lùng, phải thay đổi chỗ ở liên tục, nhiều hôm Đức Cha phải ngủ ngay dưới màn trời đêm, có lúc phải vào rừng sâu hay đầm lầy, chịu đói chịu khát, chịu khí hậu thất thường và nhiều lần suýt chết trong khi thăm viếng bệnh nhân hay giải tội cho người hấp hối. Thế mà trong thời gian này, Đức Cha vẫn duy trì được mối liên lạc thường xuyên với Tòa Thánh.

Ngày 19.11.1839, Đức Cha Stêphanô Cuénot Thể đã viết cho Ban Tư Vấn Thánh Bộ Đức Tin:

“Một trong những nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là mở một con đường cho Tin Mừng đến tận

Sông Cả ở Lào, và mặc dù đã thất bại 20 lần, mới đây tôi đã thử một lần nữa. Vô phúc thay ! Lần nầy cũng không hơn gì những lần trước”.

Tù tội và rao giảng Tin Mừng

Năm 1861, chiếu chỉ “phân sáp” của vua Tự Đức làm Giáo Hội Việt Nam một phen điêu đứng. Đức cha Thể đã khuyên các thừa sai trong giáo phận đi tản vào Sài Gòn, nhưng chính ngài tình nguyện ở lại, ngài đưa ra một phương châm bất hủ : “Dù chỉ còn một thừa sai chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh thần vụ, thì nguyên việc hiện diện của vị đó đủ để nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt của tín hữu rồi”.

Từ tháng 10, Đức Cha phải bỏ Gò Thị trốn từ nhà này sang nhà khác. Ngày 24.10.1861, Ngài đang ẩn ở nhà bà Madalena Huỳnh Thị Lựu thì quân lính bao vây nhà bà…

Đức Cha và hai chú giúp lễ kịp trốn xuống hầm, nhưng vì vừa dâng lễ xong chưa kịp cất giấu đồ lễ. Vì chứng cớ ấy mà quân lính thề phá nhà, nếu không tìm thấy đạo trưởng Tây Dương. Mọi người trong nhà đều bị tra tấn, bà Lựu bị đánh đòn 17 roi. Sau hai ngày và một đêm ở dưới hầm, Đức Cha và hai chú giúp lễ khát khô cả cổ. Vả lại vì quân lính chẳng bỏ đi, nếu chưa bắt được Đức cha, nên ngài tự ra nộp mình. Vừa thấy ngài, quân lính chồm tới trói tay chân ngài lại như trói một con thú. Nhưng viên chỉ huy nhân đạo hơn, cho cởi trói và mời ngài ngồi chiếu nói truyện với ông ta.

Sau đó, Đức Cha bị nhốt trong cũi đưa về Tỉnh. Hai chú giúp lễ, bà Lựu và hai người lân cận cũng bị mang gông giải đi (sau này tất cả cùng bị xử tử tháng 12). Bà Lựu vừa cho con bú vừa ra pháp trường, rồi hôn con lần cuối trao lại cho bà ngoại. Tháng 10 năm đó, miền Trung bị lụt, nước dâng lên đến lưng, nên ngồi trong cũi chật chội, Đức cha cũng bị ngập nước. Do đó, khi đến nhà giam thì Đức cha lâm trọng bệnh. Chứng kiết lị làm sức khỏe Ngài càng đuối dần, chỉ trong vòng ba tuần lễ, cơn bệnh khắc nghiệt đã làm Đức Cha kiệt sức và thở hơi cuối cùng ngày 14.11.1861, kết thúc 32 năm Truyền giáo không một ngày bình an.

Hôm sau ngày Đức cha qua đời, bản án trảm quyết từ Huế mới đến Bình Định. Thấy ngài đã từ trần, quan Trấn thủ Bình Định không cho chém nữa, truyền đem đi chôn, những tín hữu đang bị tù xin phép mua cho Đức cha một áo quan xứng đáng, nhưng Trấn thủ không chấp thuận.

Rồi ngay sau đó, triều đình lại gửi vào một bản án truyền phải quăng xác Ngài xuống sông. Chiếu theo bản án ấy, quan Trấn thủ cho đào mồ Đức Cha lên để liệng thi hài Đức Cha xuống sông.

Mặc dù Đức cha Cuénot Thể không đổ máu vì đức tin, nhưng căn cứ vào bản án và muôn ngàn nỗi truân chuyên Ngài đã chịu vì đạo, Giáo Hội tôn kính Đức Cha với tước hiệu tử đạo.

Ngày 02.05.1909, Đức Piô X nêu danh Đức cha Stêphanô Théodore Cuénot Thể đứng đầu danh sách 20 vị tử đạo tại Việt Nam được suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. ( Nguồn daminhvn.net – trang Gx Tuy Hòa)

 Máu Ðức Cha Cuénot Thể đã đổ…

Giáo đoàn Tây Nguyên nở rộ…

Ðức Cha Cuénot Thể đảm nhận Giáo phận rộng lớn Ðàng Trong đúng vào thời điểm cấm đạo gắt gao nhất. Các phương thức cấm cách thật tinh vi, nhắm tiêu diệt từng đối tượng theo từng giai đoạn khác nhau.

Ngài điều khiển giáo phận từ hầm trú ở Gò Thị, ngài làm việc ngày đêm để nắm vững tình hình giáo phận, nhưng không thể xuất hiện công khai hoặc đi lại tự do. Dù số nhân sự ít ỏi, ngài vẫn dành cho miền truyền giáo này nhiều vị thừa sai. Ngài cũng không ngừng cổ vũ và vun trồng ơn gọi linh mục bản xứ.

Ðể đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, ngài đã xin Tòa Thánh chia nhỏ địa phận.

Kontum lúc bấy giờ thuộc Ðông Ðàng Trong, tức Giáo Phận Quy Nhơn sau này.

Trong khi miền xuôi còn bị cấm cách, thì trên Cao nguyên các làng dân tộc “đua nhau” trở lại.

Khởi đầu là làng Kon Klor (1886), tới Kon Hngo Kơtu (1887). Chỉ trong 21 năm, đã có tới 94 làng trở lại. Có năm tới 12 làng (1893), 14 làng (năm 1895) hoặc như năm 1897, ngoài 14 làng Ba Na, Xơ Ðăng xin theo đạo, còn có cả một số làng bộ tộc Ê Ðê cũng xin tòng giáo. Kết quả thật tốt đẹp. Sức người theo không kịp. ..

Trường đào tạo Yao Phu

Trước một tình hình sôi động như thế, các vị chủ chăn đã đẩy mạnh việc đào tạo nhân sự bản xứ. Ðây là giai đoạn hình thành trường đào tạo Yao Phu và hình thức Nhà Chung sau này. Ðúng như Tòa Thánh đã tiên liệu và chỉ đạo:

“Phải ưu tiên làm sao cho sớm có người bản xứ truyền đạo và phục vụ người bản xứ!”.

Ý thức tầm quan trọng của chỉ thị trên, cha J.L. Bonnard Hương quy tụ một số thanh niên dân tộc nhằm đào tạo họ thành các giáo lý viên cho các họ đạo.

Thời Cha Hương đã manh nha, nhưng công việc và chương trình này chỉ thật sự được tổ chức và đầy mạnh nhờ quyết tâm cao của cha Martial Jannin Phước.

Năm 1905, ngài xúc tiến xây dựng trường đào tạo các Yao Phu và khánh thành ngày 7-1-1908.

Cha M. Jannin Phước là vị giám đốc đầu tiên. Chính ngài đã dám nghĩ dám thực hiện mẫu người Yao Phu. Ngài là linh hồn của công trình trọng điểm này.

Năm 1911, tạp chí Hlabar Tơbang đã được phát hành để hỗ trợ cho công việc đào tạo.

 Từ trường Yao Phu, nhiều thanh niên dân tộc đã chọn đời sống tu trì…”

 ( Nguồn G.P Kon Tum & dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam  Vietnamese Missionaries in Asia )

MỪNG KÍNH THÁNH TỔ & NGÀY HỘI YAO PHU 2015

Chuẩn bị trước…

Để cho ngày lễ mừng kính Đấng Khai Sáng Miền Truyền Giáo Tây Nguyên, là Thánh Tổ của Giáo phận Kontum và cũng là ngày Yao Phu, được sốt sắng và đạt được những lợi ích thiêng liêng; từ gần một tháng trước, được sự chuẩn y của Đức Giám Mục Giáo phận, Cha Phụ trách Yao Phu – Phaolô Nguyễn Đức Hữu cùng quý Cha và quý Thầy cộng sự đã lên chương trình thật chi tiết.

Trước tiên, ngài đã xin quý Cha Xứ giúp các Yao Phu của xứ mình Tĩnh Tâm và lãnh nhận Bí tích

Hòa giải trong 03 ngày trước Lễ.

Hầu hết Yao Phu ở các Giáo Xứ đã có một ngày Tĩnh Tâm tràn đầy với những giờ hồi tâm và trầm lắng bên Chúa Giêsu Thánh Thể, những giờ học hỏi về Ơn Gọi của một Yao Phu, nhất là học hỏi về Tông Sắc “Khuôn Mặt Xót Thương ” của Đức Thánh Cha Phanxicô, để chuẩn bị bước vào “ Năm Thánh Lòng Chúa Xót Thương ” sẽ được khai mở vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 08.12.2015 sắp tới đây.

Ngày áp Lễ…

Từ trưa ngày thứ sáu, ngày 13 tháng 11 năm 2015, bầu khí Nhà Thờ Chính Tòa trở nên rộn ràng , tươi vui và bừng lên sức sống khi các Yao Phu tấp nập kéo nhau về… Không chỉ một mình họ mà còn cả những “bầu đoàn thê tử …” đi theo. Các anh chị em hân hoan không chỉ là Ngày Hội Yao Phu, mà còn hơn thế nữa, họ rất ý thức đây là Ngày Lễ Mừng Kính Thánh Tổ của Giáo Phận.

“ Mình từ Tumơrông về… còn mình ở Đăk Choong – Đăk Glei xa lắm…  Phải về mừng Lễ chứ, vì nhờ Santô Cuénot mình mới biết mình là con của Chúa…

“ Mình ở Giáo Xứ Phú Nhơn… Mình ở Giáo Xứ Thanh Bình … Mình ở Giáo Xứ Phú Túc…  Có dịp được về Nhà Thờ Chính Tòa để mừng Lễ, được đón nhận Ơn Chúa và được nhìn thấy Đức  Cha cùng các Cha và mọi người mình vui lắm!..

“ Mình vui, và sẵn sàng làm việc để Chồng đi lo việc của Giáo Xứ… Phải lo việc của Chúa trước tiên chứ!”

Trên đây là những lời chia sẻ đầy đức tin của quý Hiền Mẫu của các Yao Phu và Kǒ Khul ở cả hai Miền Gia

Lai và Kon Tum. Tạ ơn Chúa!

Sau những chào hỏi, ghi danh và nhận Tổ, các Yao Phu được mời vào nhà Thờ, ở đây Cha Đặc trách thông qua chương trình của hai ngày và dặn dò những điều cần thiết.

Đến 17giờ 30 phút, mọi người ra dùng cơm tối. Bây giờ mới là lúc mọi người đi tìm anh em quen thuộc để chuyện trò, chia sẻ sứ vụ ở Giáo Xứ của mình…

Đúng 18giờ 30 mọi người lại được mời vào Nhà Thờ để bắt đầu Giờ Thánh khai mạc.

Sau khi Cha Phaolô đặt Mình Thánh Chúa vào Mặt Nhật và đặt trên Bàn Thờ, các Yao Phu và mọi người được Cha Phêrô Nguyễn Đình Lộc, Chánh xứ Măng La, hướng dẫn Thờ lạy và Suy niệm về Ý nghĩa

Ngày Thánh Tổ Giáo Phận ; đồng thời Cha cũng giúp các Yao Phu hồi tâm, suy nghĩ về cung cách thi hành

Sứ Vụ Yao Phu của mình.

Trước Thánh Thể Chúa, các Yao Phu đã cùng nhau lặp lại “Lời nguyện quyết tâm” thật sốt sắng .

Giờ Chầu chấm dứt, mọi người hân hoan ôn hát để chuẩn bị cho Thánh Lễ sáng mai, rồi về nghỉ đêm trong những chiếc Lều đã được dựng sẵn ở phía vườn dưới. Còn nếu ai muốn bắt chước Thánh Tổ , nghỉ đêm dưới những vì sao trên những bãi cỏ ngay trong sân Nhà Thờ cũng được.

Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Tổ Cuénot.

Mặc dầu theo chương trình thì đến 5giờ 30 phút mới bắt đầu Thánh Lễ, thế nhưng từ khoảng 3 giờ sáng, mọi người đã lục tục thức dậy.Và đến 4giờ 30 phút, Nhà Thờ đã đầy kín người từ trong tràn ra các hành

lang phía ngoài và cả một phần ba phía dưới sân. Trong bầu khí nguyện cầu, kẻ quỳ, người ngồi… hầu như ai cũng cố giữ cho được những phút giây thân tình với Chúa.

Đến 5giờ 30 phút, Đoàn Yao Phu trẻ rước Đức Giám Mục Chủ Tế cùng Đức Cha Phêrô và Đức Tân Giám Mục Alôisiô cùng quý Cha Đồng Tế từ Nhà Xứ tiến vào Nhà Thờ giữa tiếng hát vang của Ca Đoàn Nhà Thờ Chính Tòa . Vì là Lễ Thánh Tổ, nên các Cha đã về đông đủ; cả một bầu trời đỏ thắm bởi Phẩm Phục Lễ Thánh tử đạo.

Sau khi bái hương kính Chúa và dâng hương tôn vinh Thánh Tổ, Đức Cha Chủ Tế tiến lên hôn chào Bàn Thờ. Khi mọi sự đã ổn định, Ngài trang trọng giới thiệu Đức Tân Giám Mục Aloisiô với Cộng Dân Chúa, và thông báo cho mọi người biết ngày Lễ Phong Chức Giám Mục sắp tới.

Thánh lễ bắt đầu trong trang nghiêm và trọng thể.

Trong bài Chía Sẻ, Đức Cha Micae đã đề cao việc Đọc Lời Chúa. Ngài đã khởi đi từ tấm gương can đảm của Bà Mẹ và bảy người Con trong Bài Đọc thứ nhất trích từ sách Maccabê để gợi ý cho mọi người biết Đọc và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống; đặc biệt là Đọc lời Chúa trong lịch sử của các Yao Phu- Kǒ Khul.

Đức Cha nói:

“ Khi Thánh Bộ Truyền Giáo gửi các Thừa Sai đi đến đâu, thì việc đầu tiên các Vị phải làm đó là tìm mọi cách để đào tạo các Thừa Sai Người Bản Địa. Và như thế, Hội Yao Phu là một Hội đúng nghĩa của Chương trình này. Nhờ sáng kiến của Đức Cha Jannin Phước mà Hội Yao Phu đã ra đời, có qui chế rõ ràng

Đây là một Hội Tông Đồ Giáo Dân đặc biệt của Cha Ông Thừa Sai để lại. Cuộc đào tạo này là một Nguồn Thừa sai chính yếu của Giáo phận tại Kon Tum đã hiện diện trọn 107 năm!

Trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn của Giáo Phận, lúc mà các Linh Mục ,Tu Sĩ không đến được với anh chị em Giáo Dân, nhất là ở những vùng sâu,vùng xa; thì dưới sự chỉ đạo vững vàng của các Yao Phu, anh chị em luôn kiên cường với Đức Tin của mình và làm chứng cho Chúa một cách oai hùng. Hơn cả thế nữa, ngoài việc chăm sóc Đức Tin cho anh em mình, các Yao Phu còn lập nên những Nhóm Loan Báo Tin Mừng cha anh em Lương dân xung quanh. ..

Đây quả thật là công việc của Chúa Thánh Thần!

Ngoài Hội Yao Phu được đào tạo tại Trường Yao Phu Cuénot hoặc tại buôn làng do linh mục địa sở tuyển chọn và huấn luyện, ở Pleiku còn có Nhóm “Kǒ Khul” lại được phát xuất từ chính nhu cầu tôn giáo do giáo dân đề cử và được bồi dưỡng giáo lý, huấn luyện đức tin tại buôn làng trong những khóa ngắn hạng.

Những anh chị em này cũng làm những công việc tương tự như Yao Phu.

Vào những thời gian khó khăn, một số anh chị em nghe Radio Philippine và đã được ơn Chúa soi sáng để biết áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống của mình và của anh em mình như thế nào. Họ đã trở thành những Tác Viên Tin Mừng cách nhiệt tình, sống động. Rồi để công việc được vững vàng, các anh chị đã cố gắng vượt khó, hy sinh thời gian tìm đến xin các Linh Mục và Tu Sĩ giúp họ học hỏi Lời Chúa, rồi đem “ Lời Chúa” ấy về cho anh em trong Bản Làng…Đây cũng chính thật là công việc của Chúa Thánh Thần! Thánh Thần quả đang hoạt động cách mạnh mẽ trong các Yao Phu và Kǒ Khul của chúng ta.

 Tạ ơn Chúa!

Trở về với thực tế Mừng Lễ Thánh Cuénot hôm nay, chúng ta cùng hết lòng tạ ơn Chúa vì Hồng Ân Đức Tin Chúa đã ban cho Cánh Đồng Truyền Giáo Tây Nguyên này qua Vị Thánh Tổ mến yêu của chúng ta.

Công việc của Chúa thật quá diệu kỳ! Để tiếp nối công trình vĩ đại này, mỗi một chúng ta cần ý thức vai trò và sứ mệnh của người Kitô hữu chúng ta. Và cùng với Giáo Phận, chúng ta phải cộng tác vào công việc đào tạo thêm các Thừa Sai. Phải làm sao để chính con trai, con gái của anh chị em sẽ trở thành những Người Phục Vụ đắc lực cho Giáo Hội và Giáo Phận của chúng ta.”

Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Tổ được tiếp tục trong sốt sắng và nguyện cầu.

Cuối Lễ, Đức Giám Mục lại nhắc mọi người nhớ đi tham dự Ngày Lễ Tấn Phong Giám Mục sắp tới.

Sau Phép Lành cuối Lễ, mọi người ra về, nhưng các Yao Phu còn ở lại sinh hoạt.

Vào lúc 8giờ 30 phút, Đức Giám Mục Giáo Phận đã gặp gỡ anh em Yao Phu.

Nhân cơ hội này, Cha Đặc Trách và quý Cha Cộng Sự đã sắp xếp để anh chị em được dâng lời Cảm Ơn Đức Cha Micae trong quá trình suốt mười ba năm Ngài đã cống hiến sức lực để phục vụ Giáo Phận trong Vai Trò Chủ Chăn, đặc biệt những ư ái và sự tín nhiệm mà Ngài đã dành cho các Yao Phu trong những tháng ngày qua.

Cũng là sự gặp gỡ như những cuộc gặp gỡ khác, nhưng sao hôm nay Chú Yao Phu Trưởng và mọi người cứ cảm thấy như có gì nghèn ngẹn trong cổ họng và có gì làm vướng mờ trên đôi mắt!

Tạ ơn Chúa đã ban Đức Cha Micae cho chúng con trong suốt mười mấy năm qua. Chúng con cầu xin

Chúa ban thêm sức lực để Ngài tiếp tục xây dựng Giáo Phận theo những cung cách mới.

Quý Cha cũng lo cho các Yao Phu được Chào Đức Cha Aloisiô.

Cuộc gặp gỡ kéo dài cũng đến gần một tiếng đồng hồ, sau đó các Yao Phu được giải lao để đến 10 giờ

Sẽ nghe Cha Tổng Đại Diện Phêrô giảng dạy về đề tài :

“ Con người Yao Phu hôm nay trong giáo xứ; trong cộng đoàn.”

Đến 12 giờ thì mọi chương trình học hỏi được khép lại.

Mọi người cùng dùng cơm trưa trước khi giải tán. Có những Yao Phu sẽ phải vượt trên trăm cây số mới về được Giáo Xứ của mình. Nhưng trên nét mặt ai cũng lộ vẻ hân hoan vì đã được cùng nhau Mừng Lễ Thánh Tổ; và hơn thế nữa, được Đức Cha và quý Cha dạy bảo, được cùng nhau chia sẻ , học hỏi kinh nghiệm giúp nhau tăng thêm sức mạnh để tiến bước trên con đường làm Môn Đệ Chúa Kitô.

Ngoài sân Nhà Thờ, người ta còn thấy nhiều Cha Xứ đang đứng đón đợi để đưa các Yao Phu của mình

về. Ôi thật cảm động , tình Cha con sao mà thắm thiết!

Tạ Ơn Chúa Trời Ba Ngôi đã ban cho Giáo Phận chúng con được Mừng Ngày Lễ Thánh Tổ

trong an bình và thánh đức.

Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục làm những việc diệu kỳ cho Giáo Phận của chúng con!

Kontum-1.jpg
Kontum-2.jpg
Kontum-3.jpg
Kontum-4.jpg
Kontum-5.jpg
Kontum-6.jpg
Kontum-7.jpg
Kontum-9.jpg
Kontum-10.jpg
Kontum-11.jpg

Kontum-15.jpg

Kontum-12.jpg
Kontum-13.jpg
Kontum-14.jpg
Kontum-16.jpg

Ban Mục Vụ Truyền Thông Giáo Phận Kon Tum

 Ghi Nhanh.

(WGP.Kon tum 16.11.2015)