Tông sắc Aperuit Illis của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết lập Ngày Chúa Nhật Lời Chúa

0
47

Tông sắc Aperuit Illis của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết lập

Ngày Chúa Nhật Lời Chúa

1/ “Vậy Người mở trí cho họ hiểu về Kinh Thánh” (Lc 24, 25). Đó là một trong những cử chỉ đã được Chúa phục sinh hoàn thành, trước khi Người lên trời. Người đã hiện ra cho các môn đệ khi các ngài tụ họp ở cùng một nơi, Người bẻ bánh với các ngài và mở lòng các ngài hiểu về Kinh Thánh. Với những con người hoảng sợ và thất vọng này, Người tỏ cho thấy ý nghĩa của mầu nhiệm phục sinh: nghĩa là, theo dự phóng ngàn đời của Chúa Cha, Chúa Giê-su phải chịu đau khổ và phục sinh từ cõi chết để ban tặng sự hoán cải và tha thứ tội lỗi (cf. Lc 24, 26.46-47) và hứa ban Thánh Thần, Đấng sẽ ban cho các ngài sức mạnh để trở nên nhân chứng về Mầu Nhiệm cứu rỗi này (cf. Lc 24, 49).

Mối tương quan giữa Đấng Phục Sinh, cộng đoàn các tín hữu và Kinh Thánh thật là cần thiết cho căn tính của chúng ta. Nếu Chúa không dẫn chúng ta vào trong mối tương quan này, không thể nào hiểu Kinh Thánh một cách sâu xa. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng rất đúng: không có Kinh Thánh, thì những biến cố trong sứ mệnh của Chúa Giê-su và Giáo Hội của Ngài trong thế giới không thể giải thích được. Nói một cách trung thực, thánh Giê-rô-ni-mô đã viết: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (Trong Is., prologue: PL 24, 17).

2/ Trong phần kết thúc năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, tôi đã yêu cầu rằng chúng ta nghĩ đến “một chúa nhật dành riêng cho Lời Chúa, để hiểu được sự phong phú không thể tát cạn đến từ sự đối thoại bền vững của Thiên Chúa với dân Người” (Misericordia et misera, n. 7). Thánh hiến theo cách thế riêng biệt một ngày chúa nhật trong Năm phụng vụ cho Lời Chúa cho phép, trên tất cả, làm cho Giáo Hội sống lại cử chỉ của Đấng Phục Sinh, cũng mở cho chúng ta kho tàng của Lời Người để chúng ta có thể là những người loan báo về sự phong phú không thể tát cạn này trong thế giới. Theo quan điểm này, những lời dạy của thánh Ê-phrem đến trong tâm trí tôi: “Vậy, ai có khả năng hiểu tất cả sự phong phú từ một lời của Ngài, lạy Chúa? Điều mà chúng tôi hiểu về Lời Ngài thì kém hơn là điều mà chúng tôi bỏ qua, như những kẻ khát nước uống từ một nguồn suối. Những chiều kích của Lời Ngài thì dào dẫy như nhiều khuynh hướng của những người học hỏi Lời Ngài. Thiên Chúa đã tô điểm lời của mình bằng muôn vẻ đẹp, để mỗi người nghiên cứu Lời của Ngài có thể chiêm ngắm điều mà họ yêu mến. Và trong lời của mình, Ngài ẩn giấu tất cả mọi kho tàng, để mỗi người trong chúng tôi tìm thấy sự phong phú trong điều mà họ chiêm niệm (Commentaires sur le Diatessaron, 1, 18).

Vậy, qua lá thư này, tôi muốn trả lời cho nhiều đề nghị đến từ dân Chúa, để trong toàn thể Giáo Hội, chúng ta có thể cử hành chúa nhật Lời Chúa trong sự hiệp nhất của nhiều ý hướng. Từ nay, nó trở thành một thực hành cụ thể để sống những giây phút mà cộng đoàn tín hữu tập trung về giá trị quan trọng mà Lời Chúa chiếm hữu trong đời sống thường ngày. Trong những giáo hội địa phương khác nhau, nhiều sáng kiến làm cho người tín hữu tiếp xúc dễ dàng với Thánh Kinh, điều này giúp họ sống tâm tình biết ơn về một ân huệ như thế, dấn thân để sống ân huệ này trong đời sống thường ngày và có trách nhiệm làm chứng về điều đó một cách hài hòa.

Công Đồng Vatican II đã có ảnh hưởng quan trọng trong việc tái khám phá Lời Chúa qua Hiến chế tín lý Dei Verbum. Từ những trang này, luôn xứng đáng được suy gẫm và sống, gợi lên một cách rõ nét bản chất của Kinh Thánh, thông truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác (ch. II), sự linh hứng thần linh (ch. III) ôm lấy Cựu và Tân Ước (ch. IV và V) và tầm quan trọng đối với đời sống Giáo Hội (ch. VI). Để làm gia tăng giáo huấn này, năm 2008, Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã triệu tập một công nghị các giám mục về chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”, tiếp theo sau công nghị đó ngài đã công bố Tông huấn Verbum Domini, tạo nên huấn giáo quan trọng cho cộng đoàn chúng ta [1]. Trong tài liệu này, đặc tính hiệu năng của Lời Chúa được đào sâu một cách đặc biệt, khi mà trong động tác phụng vụ, nổi lên tính cách thánh thiêng riêng biệt của nó [2].

Vậy, thật là tốt rằng đừng bao giờ thiếu trong đời sống của dân Chúa mối tương quan quyết định này với Lời sống động mà Chúa không ngừng ngỏ lời với vị Hôn thê của mình, để vị hôn thê có thể tăng trưởng trong tình yêu và trong lời chứng về đức tin.

3/ Vì thế, tôi ấn định ngày chúa nhật thứ III mùa thường niên được dành riêng để cử hành, để suy tư và để công bố Lời Chúa. Vậy, Chúa nhật Lời Chúa này sẽ được định vào lúc thích hợp của giai đoạn này trong năm, khi mà chúng ta được mời gọi để củng cố những mối liên hệ với cộng đoàn do thái và cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu. Không phải chỉ là sự trùng hợp về thời gian: cử hành Chúa nhật Lời Chúa diễn tả một giá trị phổ quát, bởi vì Kinh Thánh chỉ cho những người biết lắng nghe con đường phải theo để đạt đến sự hiệp nhất đích thực và vững chắc.

Các cộng đoàn sẽ tìm thấy phương tiện để sống Chúa nhật này như một ngày trọng thể. Trong mọi trường hợp, thật là quan trọng trong cử hành thánh thể, người ta có thể đưa vào những bản văn thánh, theo cách làm cho cộng đoàn tham dự thấy rõ giá trị quy phạm của Lời Chúa. Cách đặc biệt, trong Chúa Nhật này, cần nhấn mạnh đến việc công bố Lời Chúa và thích ứng bài giảng để làm cho việc phục vụ Lời Chúa trở nên rõ ràng hơn. Trong chúa nhật này, các Giám mục có thể cử hành nghi thức cho người lãnh tác vụ đọc sách hay trao một sứ vụ tương ứng, để nhắc đến tầm quan trọng của việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ. Thực vậy, thật là căn bản để thực hiện những cố gắng cần thiết để huấn luyện một số tín hữu trở thành những người công bố thực sự của Lời Chúa với một sự chuẩn bị tương xứng, như điều đó xảy đến theo cách thức quen thuộc đối với những người giúp lễ hay những thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Cũng vậy, các linh mục ở giáo xứ có thể tìm ra hình thức tương xứng nhất để đặt cuốn Kinh Thánh, hay một trong các sách của bộ Kinh Thánh, cho toàn thể cộng đoàn, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc bản văn trong đời sống hàng ngày, để đào sâu bản văn và để cầu nguyện với Kinh Thánh, trong khi tham chiếu bằng cách thế đặc biệt theo cách đọc Lectio Divina.

4/ Việc dân Israel trở về quê hương, sau thời gian lưu đày ở Babylone, được đánh dấu một cách có ý nghĩa bằng việc đọc sách Luật. Kinh thánh tặng cho chúng ta bản văn mô tả thật cảm động về giây phút đó trong sách Nê-hê-mie. Dân chúng tụ họp ở Giê-ru-sa-lem, trên công trường Cửa Nước để nghe sách Luật. Bị phân tán do cuộc lưu đày, bây giờ họ thấy mình được quy tụ chung quanh Kinh Thánh như họ chỉ là “một người” (Ne 8, 1). Khi đọc sách thánh, dân chúng “nghe” (Ne 8, 3) trong khi biết rằng họ tìm lại được trong lời này ý nghĩa của những biến cố mà họ đã sống. Phản ứng trước việc công bố những lời này là cảm xúc và những giọt nước mắt: Esdras đọc một đoạn trong sách luật của Chúa, rồi những vị lê-vi thông dịch, giải thích ý nghĩa, và người ta có thể hiểu. Nehemie quan tổng đốc, Esdras là tư tế và ký lục, và những vị lê-vi là những người giải thích luật, nói cùng dân chúng: “Ngày hôm nay được thánh hiến cho Chúa, Thiên Chúa của anh chị em! Đừng mang tang chế, đừng khóc nữa!” Vì họ khóc suốt trong lúc nghe những lời của Lề Luật. […] Đứng buồn phiền nữa: niềm vui của Thiên Chúa là thành lũy của anh chị em!” (Ne 8, 8-10).

Những từ này chứa đựng một huấn giáo quan trọng. Kinh Thánh không thể chỉ là di sản của một số người và cũng không phải là một bộ sưu tập sách với một số đặc quyền. Trước hết, Kinh Thánh thuộc về dân được triệu tập để lắng nghe và nhận biết trong Lời này. Thường thì có nhiều khuynh hướng muốn độc quyền bản văn thánh trong khi viện dẫn nó theo một số phạm vi hay những nhóm chọn sẵn. Không thể như vậy được. Kinh Thánh là cuốn sách của dân Chúa, mà trong khi lắng nghe, họ vượt qua được sự phân tán và sự chia rẽ để tiến tới sự hiệp nhất. Lời Chúa hiệp nhất các tín hữu và làm cho họ trở thành một dân duy nhất.

5/ Trong sự hiệp nhất được tạo nên do sự lắng nghe này, các vị mục tử trước tiên có trách nhiệm lớn để giải thích và cho phép tất cả mọi người hiểu Kinh Thánh. Vì nó là cuốn sách của dân, những ai có ơn gọi trở thành thừa tác viên của Lời phải cảm nhận với sức mạnh đòi hỏi làm cho Lời Chúa có thể đi vào đời sống cộng đoàn.

Cách riêng, bài giảng mang lấy một nhiệm vụ rất đặc biệt, bởi vì nó có được “một đặc tính gần như là bí tích” (EG, n.142). Dẫn vào chiều sâu trong Lời Chúa, trong một cách nói đơn giản và phù hợp với người nghe, cũng cho phép vị linh mục làm cho khám phá “vẻ đẹp của những hình ảnh mà Thiên Chúa dùng để khuyến khích thực hành điều thiện” (Ibid.). Đó là một cơ hội mục vụ không được bỏ qua.

Thực vậy, đối với nhiều tín hữu, đó là dịp duy nhất mà họ có được để nắm bắt được vẻ đẹp của Lời Chúa và thấy Lời Chúa tham chiếu vào đời sống thường ngày của mình. Vậy, phải dành thời giờ cần thiết cho việc dọn bài giảng. Người ta không thể ứng khẩu trong việc giải thích những bản văn thánh. Đối với chúng ta, như là những người thuyết giảng, phải được yêu cầu là không vượt quá giới hạn với những bài giảng hay những lập luận xa lạ. Khi chúng ta dừng lại để chiêm niệm và cầu nguyện trên bản văn thánh, người ta có thể nói chuyện với trái tim để đụng đến trái tim của những người đang lắng nghe, để diễn tả điều căn bản được lãnh nhận và trổ sinh hoa trái. Đừng bao giờ nơi lỏng việc dành thời gian và cầu nguyện với Kinh Thánh, để nó được đón nhận “để nó thực sự là Lời của Chúa, chứ không phải là lời của người phàm” (1 Th 2, 13).

Cũng đáng ước ao rằng những giáo lý viên, qua sứ vụ mà họ đã nhận lãnh, giúp làm lớn lên trong đức tin, trong khi cảm nhận được sự cấp bách làm mới lại qua sự quen thuộc và học hỏi Kinh Thánh, cho phép họ dễ dàng thực hiện một cuộc đối thoại thực sự giữa những người đang nghe họ và Lời Chúa.

6/ Trước khi tỏ mình cho các môn đệ đóng kín trong nhà tiệc ly và mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh (cf. Lc 24, 44-45), Đấng Phục Sinh hiện ra cho hai người trong số họ trên đường từ Giê-ru-sa-lem về Emmaus (cf. Lc 24, 13-35). Bản tường thuật của thánh sử Luca ghi nhận rằng đó là ngày Phục Sinh, nghĩa là ngày chúa nhật. Hai môn đệ này tranh luận về những biến cố cuối cùng của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su. Hành trình của họ được ghi dấu bằng sự buồn bã và thất vọng về kết cục đầy thảm kịch của Chúa Giê-su. Họ đã hy vọng nơi Người trong khi xem Người như là Đấng Messie giải thoát, nhưng họ bị đặt trước tai tiếng của Đấng Chịu Đóng Đinh. Một cách kín đáo, Đấng Phục Sinh tiến lại gần và bước đi với các môn đệ, những người này không nhận ra Người (cf. c. 16). Dọc đường, Chúa hỏi họ, khi biết rằng họ không hiểu về cuộc khổ nạn và cái chết của Người; Người gọi họ là “tâm trí không hiểu biết và chậm tin” (c. 25), “và, khởi đi từ Moisen và tất cả các tiên tri, Người giải thích cho họ những điều liên quan đến Người trong toàn bộ Kinh Thánh” (c. 27). Đức Kitô là nhà chú giải tiên khởi! Không chỉ Kinh Thánh cựu ước đã đi trước điều mà Người sẽ thực hiện, nhưng chính bản thân Người cũng muốn trung thành với Lời này để làm rõ nét lịch sử cứu rỗi duy nhất tìm thấy sự thành toàn nơi Đức Kitô.

7/ Nhờ đó, cuốn sách Thánh Kinh (Bible) như là Kinh Thánh (Ecriture Sainte), nói về Đức Kitô và loan báo Người như là Đấng phải trải qua những đau khổ để bước vào trong vinh quang (cf. c. 26). Đó không phải là một phần duy nhất, nhưng toàn bộ Kinh Thánh nói về Người. Cái chết và sự sống lại của Người không thể giải thích được mà không có toàn bộ Kinh Thánh. Vì thế, một trong những lời tuyên xưng đức tin lâu đời nhất nhấn mạnh rằng: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh, và Người được chôn cất trong mộ; Người sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh, Người đã hiện ra với Phê-rô” (1 Co 15, 3-5). Bởi vì Kinh Thánh nói về Đức Kitô, chúng cho phép tin rằng sự chết và sự sống lại của Người không thuộc về chuyện thần thoại, nhưng có tính lịch sử và được tìm thấy ở trung tâm đức tin của các môn đệ của Người.

Mối liên hệ giữa Kinh Thánh và đức tin của các tín hữu thật là sâu xa. Bởi vì đức tin đến từ việc lắng nghe và việc lắng nghe được tập trung vào Lời  của Đức Kitô (cf. Rm 10, 17), lời mời gọi hiện nay là  cấp thiết và tầm quan trọng mà các tín hữu phải dành riêng cho việc lắng nghe Lời Chúa, trong cử hành phụng vụ cũng như trong lời cầu nguyện và suy tư cá nhân.

8/ Cuộc “du hành” của Đấng Phục Sinh với các môn đệ trên đường Emmaus kết thúc bằng bữa ăn. Vị du khách bí ẩn chấp nhận sự nài nỉ mà hai người bạn đường ngỏ với Người: “Hãy ở lại với chúng tôi, vì trời đã chiều và ngày sắp hết” (Lc 24, 29). Trong khi ngồi đồng bàn với họ, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Lúc đó, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người. (cf. c. 31).

Chúng ta hiểu về cảnh này, mối tương quan giữa Kinh Thánh và Thánh Thể là không thể tách rời. Công Đồng Vatican II dạy: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính Thân Thể của Chúa; Giáo Hội không ngừng, nhất là trong phụng vụ thánh, lấy bánh sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thân mình của Đức Kitô, để ban tặng cho các tín hữu” (Dei Verbum, số 21).

Việc tiếp xúc thường xuyên với Kinh Thánh và việc cử hành Thánh Thể giúp cho những người thuộc về nhóm nhận ra. Như là những tín hữu, chúng ta là một dân duy nhất bước đi trong lịch sử, ghi dấu bằng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Đấng nói với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ngày dành riêng cho Sách Thánh muốn không chỉ là “một năm một lần”, nhưng là một biến cố cho suốt cả năm, bởi vỉ chúng ta có nhu cầu cấp thiết để trở nên quen thuộc và thân mật với Kinh Thánh và với Đấng Phục Sinh, Đấng không ngừng bẻ Lời và Bánh trong cộng đoàn các tín hữu. Vì thế, chúng ta cần luôn đi vào sự tin tưởng với Kinh Thánh, nếu không thì trái tim vẫn còn lạnh và những con mắt vẫn còn đóng kín, bị ghi dấu như vô số hình thức của sự mù lòa.

Kinh Thánh và các Bí Tích không thể phân chia. Khi các bí tích được dẫn nhập và soi sáng bằng Lời, chúng được biểu lộ một cách rõ hơn như mục đích của hành trình mà chính Đức Kitô mở tâm trí và trái tim để nhận ra hành động cứu rỗi của Người. Trong bối cảnh này, cần nhớ đến lời dạy dỗ đến từ sách Khải Huyền. Điều được nói ở đây là Chúa đang đứng ở ngoài cửa và Người gõ. Nếu ai nghe tiếng Người và mở cửa, Người sẽ vào dùng bữa tối với họ (cf. 3, 20). Đức Kitô Giê-su, qua Kinh Thánh, đang gõ cửa chúng ta; nếu chúng ta nghe và mở cửa tâm trí cũng như trái tim, thì Người sẽ bước vào cuộc sống và ở lại với chúng ta.

9/ Trong thư thứ hai gởi Ti-mô-tê, giống như là bản di chúc tinh thần, thánh Phao-lô dặn dò người cộng tác trung tín của mình thường xuyên đọc Kinh Thánh. Vị Tông đồ xác tín rằng “toàn bộ Kinh Thánh được Thiên Chúa linh hứng”; được dùng để dạy dỗ, tố cáo điều xấu, điều chỉnh, giáo dục trong sự công chính” (cf. 3, 16). Lời dặn dò của thánh Phao-lô dành cho Ti-mô-tê tạo nên một nền tảng, dựa vào đó Hiến chế công đồng Dei Verbum đề cập đến chủ đề quan trọng về linh hứng trong Kinh Thánh, một nền tảng mà cách riêng những chủ đề như cùng đích cứu rỗi, chiều kích tinh thần và nguyên tắc nhập thể đối với Kinh Thánh được đặt ra.

Trước hết, trong khi nhắc lại lời dặn dò của Phao-lô dành cho Ti-mô-tê, Dei Verbum nhấn mạnh rằng “các sách Kinh Thánh dạy một cách chắc chắn, trung tín và không sai lầm chân lý mà Thiên Chúa muốn thấy đề cập đến trong các Thư thánh vì phần rỗi của chúng ta” (số 11). Bởi vì các thư này dạy về ơn cứu rỗi về đức tin trong Đức Kitô (2 Tm 3, 15), các chân lý mà nó chứa đựng phục vụ cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Sách thánh (bible) không phải là bộ sưu tập các sách lịch sử hay biên niên sử, nhưng nó hoàn toàn hướng về toàn bộ ơn cứu rỗi của con người (personne). Sự bám rễ vào lịch sử không thể chối cãi được của những sách được chứa đựng trong bản văn thánh không được làm quên đi cùng đích căn bản này: ơn cứu độ của chúng ta. Tất cả được hướng về cùng đích được ghi trong chính bản chất (nature) của Sách thánh (Bible), được soạn thảo như lịch sử ơn cứu rỗi, trong đó Thiên Chúa nói và hành động để đi đến gặp gỡ mọi người, để cứu họ khỏi sự dữ và sự chết.

Để đạt tới mục đích cứu rỗi này, Kinh Thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chuyển lời của con người được viết theo cách nhân loại thành Lời Chúa (cf. DV 12). Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh rất nền tảng. Không có sự tác động của Ngài, nguy cơ bị đóng kín trong bản văn có thể luôn là một nguy hiểm, dễ rơi vào cách giải thích quá khích (fondamentaliste) mà chúng ta phải tránh để không làm lệch lạc tính cách được linh hứng, năng động và thuộc về thánh thần mà bản văn thánh vốn có. Như vị Tông đồ nhắc lại điều này, “chữ viết giết chết, nhưng tinh thần làm cho sống” (2 Co 3, 6). Vậy, Thánh Thần làm cho Thánh Kinh biến thành Lời sống động của Thiên Chúa, được sống và thông truyền trong đức tin của dân thánh Ngài.

10/ Tác động của Chúa Thánh Thần không chỉ liên quan đến sự hình thành Kinh Thánh, nhưng cũng hành động nơi những người đặt mình lắng nghe Lời Chúa. Khẳng định của các Giáo phụ thật là quan trọng, theo đó Kinh Thánh phải “được đọc và giải thích dưới ánh sáng của cùng một Thánh Thần mà nó được viết ra” (DV 12). Với Chúa Giê-su Kitô, mạc khải của Thiên Chúa đạt đến sự thành toàn và sung mãn; tuy nhiên, Thánh Thần tiếp tục hành động của mình. Thực vậy, thật là giản lược để giới hạn tác động của Chúa Thánh Thần chỉ vào bản tính thần linh được linh hứng của Kinh Thánh và của những tác giả khác nhau. Vậy, thật là cần thiết để đặt niềm tin vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng tiếp tục thực hiện hình thức riêng biệt của Ngài về linh hứng khi Giáo Hội giảng dạy Kinh Thánh, khi Huấn quyền giải thích Kinh Thánh một cách chính thức (cf. Ibidem 10) và khi mỗi người tín hữu rút ra từ đó quy phạm thiêng liêng của mình. Theo nghĩa này, chúng ta có thể hiểu lời của Chúa Giê-su nói với các môn đệ, là những người đã khẳng định là đã hiểu ý nghĩa của các dụ ngôn, khi Ngài nói: “Vì thế, các ký lục trở nên môn đệ của Nước trời có thể so sánh với người chủ nhà biết rút ra những điều cũ, mới từ kho tàng của mình” (Mt 13, 52).

11/ Cuối cùng, Dei Verbum xác định rằng “lời Chúa, ngang qua ngôn ngữ nhân loại, đã trở nên giống như ngôn ngữ của con người, cũng giống như từ muôn đời Ngôi Lời của Cha hằng hữu, đã gánh lấy sự bất toàn của thân xác chúng ta, và trở nên giống như loài người” (số 13). Đó cũng như nói rằng sự Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa trao ban hình thức và ý nghĩa cho mối tương quan giữa Lời Chúa và ngôn ngữ con người, với những điều kiện lịch sử và văn hóa. Chính trong biến cố này mà Truyền Thống được thành hình, đây cũng là Lời Chúa (cf. Ibidem số 9). Người ta thường có nguy cơ tách riêng Kinh Thánh và Truyền Thống, mà không hiểu rằng cả hai có cùng một nguồn duy nhất là Mạc Khải. Đặc tính được viết ra của Kinh Thánh không làm suy giảm gì sự kiện nó hoàn toàn là lời sống động; cũng giống như truyền thống sống động của Giáo Hội, không ngừng thông truyền Kinh Thánh suốt nhiều thế kỷ, từ thế hệ này đến thế hệ khác, chiếm hữu cuốn sách thánh này như “luật tối thượng của đức tin” (Ibidem 21). Hơn nữa, trước khi trở thành bản văn viết, Lời Chúa đã được truyền bằng miệng và được gìn giữ sống động bằng đức tin của một dân nhận biết Lời Chúa như lịch sử và nguyên tắc về căn tính của mình giữa bao nhiêu dân tộc khác. Vậy, đức tin thuộc về kinh thánh được xây dựng trên Lời sống động và không phải trên một cuốn sách.

12/ Khi Kinh Thánh được đọc trong cùng một tinh thần mà nó đã được viết ra, nó luôn luôn mới mẻ. Cựu Ước không bao giờ cũ một khi người ta đưa nó vào trong Tân ước, bởi vì tất cả đều được biến đổi do Thánh Thần duy nhất là Đấng linh hứng cho nó. Toàn bộ bản văn thánh có được nhiệm vụ tiên tri: nó không liên quan đến tương lai, nhưng là ngày hôm nay của người được nuôi dưỡng bằng Lời này. Chính Chúa Giê-su khẳng định điều đó một cách rõ ràng lúc khởi đầu sứ vụ: “Hôm nay đã hoàn thành đoạn Kinh Thánh mà anh chị em vừa nghe” (Lc 4, 21). Kẻ được nuôi dưỡng mỗi ngày bằng Lời Chúa, cũng giống như Chúa Giê-su, làm cho mình trở thành người đồng thời với những con người mà mình gặp gỡ; nó không bị cám dỗ rơi vào những nỗi nhớ khô cằn của quá khứ, cũng như những ảo vọng không tưởng hướng về tương lai.

Kinh Thánh làm cho hoàn thành tác động tiên tri trước hết đối với người nghe nó. Nó gợi lên sự dịu dàng và cay đắng. Hãy nhớ lại lời của tiên tri Ezekiel khi Chúa mời gọi ông ta ăn cuốn sách, ông ta cho biết: “trong miệng tôi, ngọt ngào như mật” (cf. 3, 3). Chính thánh sử Gioan trên đảo Patmos đã sống lại chính kinh nghiệm mà Ezekiel đã ăn cuốn sách, nhưng ông thêm vào một vài điều đặc biệt hơn: “Trong miệng tôi, dịu dàng như mật, nhưng khi tôi đã ăn rồi, lòng tôi tràn đầy cay đắng” (Ap 10, 10).

Hiệu quả dịu dàng của Lời Chúa thúc đẩy chúng ta chia sẻ với những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời sống thường ngày để diễn tả cho họ sự chắc chắn về niềm hy vọng mà Lời Chúa chứa đựng (cf. 1 P 3, 15-16). Ngược lại, sự cay đắng thường được ban tặng khi người ta nắm giữ ở một điểm nào đó mà chúng ta khó sống lời theo một cách thế thích hợp, hay ngay cả thấy bị từ chối dụng ngón tay bởi vì nó không giữ được giá trị để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Vậy, thật là cần thiết để đừng bao giờ coi mình như quen thuộc với Lời Chúa, nhưng phải được Lời Chúa nuôi dưỡng để khám phá và sống một cách sâu xa mối tương quan của chúng ta với Chúa và với anh chị em.

13/ Một thách thức khác đến từ Kinh Thánh là thách thức liên quan đến bác ái. Lời Chúa thường xuyên nhắc nhở tình yêu thương xót của Chúa Cha, Đấng đòi hỏi con cái mình sống trong tình bác ái. Cuộc sống của Chúa Giê-su là cách diễn tả tròn đầy và hoàn hảo của tình yêu thần linh này, không giữ gì lại cho riêng mình, nhưng hoàn toàn hiến dâng cho tất cả mọi người. Trong dụ ngôn về Lazaro nghèo khó, chúng ta tìm thấy một chỉ dẫn quý giá. Khi Lazaro và người giàu có chết, người này, trong khi thấy người nghèo nằm trong lòng Abraham, xin cho mình được sai về với các anh em để cảnh báo họ phải sống tình yêu với người thân cận, để tránh phải chịu những hình phạt riêng của mình. Câu trả lời của Abraham như quất vào mặt: “Chúng có Moi-sen và các tiên tri, chúng phải nghe các ngài” (Lc 16, 29). Nghe lời Thánh Kinh để thực thi lòng thương xót: đó là một thách đố lớn trong đời sống chúng ta. Lời Chúa là thước đo mở mắt chúng ta để cho phép chúng ta ra khỏi tính cá nhân chủ nghĩa, dẫn đến sự ngạt thở và sự cằn cỗi, đồng thời mở ra con đường của chia sẻ và tình liên đới.

14/ Một trong những giai đoạn có ý nghĩa nhất trong mối tương quan giữa Chúa Giê-su và các môn đệ là trình thuật về sự Biến Hình. Chúa Giê-su lên núi để cầu nguyện với Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan. Các thánh sử nhắc lại rằng, trong khi khuôn mặt và y phục của Chúa Giê-su rực sáng, hai người đàm đạo với Người: Moi-sen và Elie, những vị nhập vai Lề Luật và các Tiên Tri, nghĩa là Thánh Kinh. Khi thấy điều này, phản ứng của Phê-rô được tràn đầy niềm vui tuyệt vời: “Thưa Thầy, chúng ta ở đây thật là tuyệt! Chúng con sẽ làm 3 lều: một cho Thầy, một cho Moi-sen, và một cho Elie” (Lc 9, 33). Vào lúc đó, một đám mây bao phủ họ và các môn đệ thấy sợ hãi.

Sự Biến Hình nhắc nhớ đến lễ lều, khi Esdras và Nehemie đọc bản văn thánh cho dân, sau khi từ lưu đày trở về. Đồng thời, nó đi trước vinh quang của Chúa Giê-su trong khi chuẩn bị cho sự tai tiếng của biến cố khổ nạn, vinh quang thần linh cũng được gợi lên bởi đám mây bao phủ các môn đệ, dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự Biến Hình này giống như sự biến hình của Kinh Thánh, vượt lên trên tất cả khi nó nuôi dưỡng đời sống các tín hữu. Như Verbum Domini nhắc nhở: “Trong khi nắm bắt về cách lý luận giữa những ý nghĩa khác nhau của Kinh Thánh, điều có tính cách quyết định là hiểu đoạn văn từ chữ viết đến tinh thần. Không phải là từ một đoạn văn tự động và tự phát, nhưng phải xuyên qua chữ viết” (số 38).

15/ Trên hành trình đón nhận Lời Chúa, Mẹ Thiên Chúa đồng hành với chúng ta. Mẹ được biết đến như Đấng được chúc phúc bởi vì Mẹ đã tin vào sự thành toàn của những điều mà Chúa đã nói với Mẹ (cf. Lc 1, 45). Sự chúc phúc của Mẹ đi trước tất cả những mối phúc được Chúa Giê-su công bố cho người nghèo, những người buồn sầu, những người khó nghèo, những người xây dựng hòa bình và những người bị bách hại, bởi vì đó là điều kiện cần thiết cho toàn bộ mối phúc khác. Chẳng có người nghèo nào được chúc phúc vì người đó nghèo; người đó trở nên kẻ nghèo, như Mẹ Maria, nếu người đó tin vào sự thành toàn của Lời Chúa. Đó là điều mà một môn đệ quan trọng và là bậc thầy về Kinh Thánh, thánh Au-gus-ti-nô nhắc nhở: “Có người ở giữa đám đông, cách riêng bị thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành, kêu lên: Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy. Và Người trả lời: phúc hơn cho những ai lắng nghe và gìn giữ Lời Chúa. Thế có nghĩa như nói rằng: mẹ tôi, mà bạn gọi là có phúc, thật là có phúc, chính xác bởi vì bà gìn giữ Lời Chúa, không phải bởi vì Ngôi Lời đã nhập thể nơi bà và đã sống giữa chúng ta, nhưng bởi vì bà gìn giữ chính Lời của Chúa, nhờ Người mà bà đã được tạo dựng, và trong bà Người đã mặc lấy xác phàm” (Comm. L’ev. De Jn, 10, 3).

Ước gì Chúa nhật Lời Chúa có thể làm lớn lên trong dân Chúa lòng sùng đạo và sự chăm chỉ quen thuộc với Thánh Kinh, như tác giả thánh đã dạy trong thời xưa “Lời này ở gần ngươi, Lời ở trong miệng ngươi và trong tim ngươi, để ngươi đem ra thực hành” (Tl 30, 14).

Công bố tại Rô-ma, bên cạnh đền thờ thánh Gioan La-tê-ra-nô, ngày 30 tháng 09 năm 2019

Trong ngày lễ kính thánh Giê-rô-ni-mô, khởi đầu hướng đến việc kỷ niệm 1.600 năm ngày qua đời của ngài.

Bản dịch của UBKT trực thuộc HĐGMVN


[1] Cf. AAS 102 (2010), 692-787.

[2] Như thế, bí tích tính của Lời có thể hiểu cách loại suy như sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu được truyền phép. Bằng cách đến bàn thờ và thông phần vào bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta thực sự thông hiệp vào Mình và Máu Chúa Kitô. Việc công bố Lời Thiên Chúa trong khi cử hành bao hàm việc nhìn nhận chính Chúa Kitô hiện diện và ngỏ lời với chúng ta để được chúng ta lắng nghe. (Verbum Domini 56).

[Quý vị có thể tìm đọc Bản dịch do Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thực hiện trên trang ktcgkpv.org]