Toà Thánh và Mông Cổ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

0
13

Toà Thánh và Mông Cổ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Tại Mông Cổ, hiện nay có khoảng 1400 tín hữu Công giáo chia thành 8 giáo xứ. Đức cha Giorgio Marengo, thừa sai người Ý là Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ.

Đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Toà Thánh – Mông Cổ, và sự hiện diện của Giáo hội Công giáo trên mảnh đất của quốc gia Trung Đông Á, hôm 27/5/2022, một phái đoàn đại diện Phật giáo đã đến Vatican để thực hiện cuộc viếng thăm Toà Thánh trong hai ngày.

Trong hai ngày này, phái đoàn đã có nhiều sinh hoạt, đặc biệt là cuộc gặp gỡ với Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn và buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha.

Tại Mông Cổ, hiện nay có khoảng 1400 tín hữu Công giáo chia thành 8 giáo xứ. Đức cha Giorgio Marengo, thừa sai người Ý là Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, thủ đô Mông Cổ. Nhân dịp này, Vatican News có cuộc phỏng vấn dành cho Đức cha Giorgio Marengo.

Thưa Đức cha, có phải cuộc viếng thăm đầu tiên của phái đoàn Phật giáo Mông Cổ đến Vatican trong hai ngày ngày 27 và 28/5 là một bước tiến trong đối thoại liên tôn?

Đúng như thế, chúng tôi rất vui. Đây là kết quả làm việc của chúng tôi trong gần hai năm qua với sự cộng tác và hỗ trợ lớn của Hội đồng Toà Thánh Đối thoại Liên tôn. Thực tế, đã có những nhân vật quan trọng khác của Phật giáo Mông Cổ đến thăm Vatican, nhưng đó là những chuyến thăm không chính thức, còn lần này phái đoàn thực sự mong muốn được gặp Đức Thánh Cha. Do đó, đây là một bước quan trọng của đối thoại liên tôn, điều Giáo hội rất quan tâm ở Mông Cổ.

Cuộc viếng thăm Vatican diễn ra nhân kỷ niệm 30 năm Giáo hội Công giáo hiện diện tại quốc gia châu Á. Qua lời nói và hình ảnh, chúng ta có thể dệt một sợi chỉ xuyên suốt ba thập kỷ này như thế nào?

Đó là một cuộc phiêu lưu rất đẹp, thú vị, được hướng dẫn bởi Thánh Thần, như trong những thế kỷ đầu của Giáo hội. Chúng tôi thích hình ảnh này của một Giáo hội giống như trong sách Công vụ Tông đồ. Trên thế giới có rất ít quốc gia, trong đó các Kitô hữu trong cộng đoàn của chúng ta là thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai. Đó là một cuộc phiêu lưu của Thánh Thần và của lòng nhiệt thành truyền giáo.

Đức cố Giám mục Venceslao Padilla cùng với các anh em trong hội dòng của ngài là dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, đã sáng lập ra Giáo hội này. Sau đó, các nhà truyền giáo khác tiếp tục hoạt động loan báo Tin Mừng. Vì vậy, thập kỷ đầu tiên có đặc điểm nổi bật là sự tiên phong truyền giáo của nhà truyền giáo vĩ đại của nhóm đầu tiên này. Các nhà truyền giáo bắt đầu các hoạt động loan báo Tin Mừng sau khi chế độ cộng sản kết thúc. Thập kỷ đầu tiên được đánh dấu bằng những bước tiến nhỏ nhưng rất có ý nghĩa này, đặc biệt là trong lĩnh vực thăng tiến con người.

Thập kỷ thứ hai có thể được mô tả như là sự ra đời của các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên. Một số dân địa phương bắt đầu xin gia nhập Công giáo.

Thập kỷ thứ ba được biểu tượng bằng lễ truyền chức linh mục Mông Cổ đầu tiên, vào năm 2016. Đối với chúng tôi, hình ảnh này như một món quà tuyệt vời của Thánh Thần dành cho Giáo hội đang được khai sinh này. Cùng với linh mục này, hôm nay chúng tôi còn có thêm một linh mục bản xứ thứ hai, được phong chức vào tháng 10 năm ngoái. Vì vậy, các nhân vật chính của chuyến thăm đến Vatican trong hai ngày, tất nhiên là những người bạn Phật giáo của chúng tôi, và hai linh mục người Mông Cổ.

Đây cũng là dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Mông Cổ. Chủ đề trung tâm các quan hệ hiện nay là gì?

Các chủ đề trước hết là sự gia tăng mối quan hệ đối thoại, cộng tác tích cực. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ dẫn đến các bước cụ thể cũng giúp ích cho địa vị pháp lý của Giáo hội ở Mông Cổ, đồng thời xác nhận và tăng cường sự hợp tác lẫn nhau vốn đã luôn rất tích cực trong những năm gần đây.

Mông Cổ là một quốc gia có vị trí: phía bắc là những dãy núi cao và phía nam là những dải đất khô cằn. 30% dân số là du mục. Đâu là những thách đố mục vụ trong một khu vực có khoảng 1400 người đã được rửa tội, trên tổng dân số hơn 3 triệu người?

Tôi đã cố gắng tóm tắt những ưu tiên mục vụ trong thư tôi chia sẻ với các nhà truyền giáo và tín hữu ở Mông Cổ. Thách đố đầu tiên là giúp các tín hữu đào sâu đức tin và làm cho đức tin ngày càng gắn kết với cuộc sống hàng ngày. Điều này ngụ ý một nỗ lực rất lớn của sự quan tâm, đồng hành, của những người đã là một phần của cộng đoàn chúng tôi.

Thách đố tiếp theo đó sự hiệp thông và tình huynh đệ, giữa chúng tôi, các nhà truyền giáo của các nhiều dòng tu đang làm việc trong khu vực, và giữa các cộng đoàn Công giáo với nhau. Mặc dù ít, nhưng chúng tôi ngày càng cảm thấy cần phải hòa hợp với nhau trên những nẻo đường Tin Mừng, và sự hiệp thông cũng là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta.

Thách đố thứ ba là việc loan báo và làm chứng tá phải là đặc tính của Giáo hội địa phương này. Chúng ta không được quên rằng chúng ta không được dừng lại hay rút lui vào chính mình, bởi vì Tin Mừng phải được sống và làm chứng, ​​được thông truyền với lòng can đảm và khiêm tốn.

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn đại diện Phật giáo Mông Cổ

Liên quan đến buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha dành cho phái đoàn đại diện Phật giáo Mông Cổ, theo thông tin của Vatican News, đây là cuộc viếng thăm chính thức đầu tiên tới Vatican của một phái đoàn các vị lãnh đạo Phật giáo Mông Cổ, “một dấu hiệu hy vọng” cho một vùng đất đã có truyền thống chung sống liên tôn lâu đời. Khung cảnh buổi gặp gỡ liên quan đến việc kỷ niệm 30 năm thiết lập Phủ doãn Tông tòa, cũng như quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh của Mông Cổ với mục đích cộng tác ngày càng sâu rộng hơn để xây dựng một “xã hội hòa bình”.

Lòng biết ơn cùng với sự khuyến khích “khám phá những con đường để thúc đẩy hơn nữa đối thoại Phật giáo-Kitô giáo” là điều được được Đức Thánh Cha bày tỏ ngay trong lời chào mừng phái đoàn.

Sau đó, suy tư của Đức Thánh Cha tập trung vào các khái niệm hòa bình và bất bạo động, điều đã được Chúa Giêsu và Đức Phật xây dựng và thúc đẩy.

Đức Thánh Cha nói: “Ngày nay, hòa bình là niềm khao khát mạnh mẽ của nhân loại. Do đó, qua sự đối thoại ở tất cả các cấp độ, việc thúc đẩy văn hóa hòa bình và bất bạo động là cấp thiết. Cuộc đối thoại này phải mời tất cả mọi người từ chối bạo lực dưới mọi hình thức, trong đó có cả bạo lực đối với môi trường. Thật không may, có những người tiếp tục lạm dụng tôn giáo bằng cách sử dụng nó để biện minh cho các hành vi bạo lực và hận thù”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng, là môn đệ thực sự của Chúa Giêsu hay tín đồ của Đức Phật có nghĩa là tuân theo những đề nghị của Chúa và Đức Phật. Chúng ta có thể theo vết con đường không bạo lực đến tận thập giá, mà qua đó Người tiêu diệt sự thù ghét. Chúa rao giảng không mệt mỏi tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón nhận, tha thứ và Chúa dạy các môn đệ hãy yêu thương cả những địch thù (x Mt 5,44)

Về phần Đức Phật, Đức Thánh Cha dẫn lời của kinh Pháp cú, ngài nói: “Trong sứ điệp về bất bạo động và hòa bình Đức Phật đã dạy rằng ‘sự chiến thắng để lại một vết sẹo của hận thù, vì kẻ chiến bại phải đau khổ. Hãy từ bỏ mọi tư tưởng chiến thắng và chiến bại và hãy sống trong an bình và trong vui tươi.’ Trong một thế giới bị tàn phá bởi xung đột và chiến tranh, với tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, bám rễ sâu vào các giáo lý chúng ta, chúng ta có nhiệm vụ khơi lên trong nhân loại ý chí từ bỏ bạo lực và kiến tạo một nền văn hóa hòa bình”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm về lịch sử hòa hợp trong hoạt động đối thoại liên tôn ở Mông Cổ, đồng thời bày tỏ những suy tư của ngài về 30 năm hiện diện của Giáo hội Công giáo tại quốc gia châu Á này. Một lịch sử rất ngắn, với số lượng nhỏ, nhưng có ý nghĩa quan trọng với dấn thân thúc đẩy văn hóa gặp gỡ. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy củng cố tình bạn của chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người. Mông Cổ có một truyền thống lâu đời về sự chung sống hòa bình của các tôn giáo. Tôi hy vọng rằng lịch sử lâu đời này về sự hài hòa trong sự khác biệt có thể tiếp tục ngày nay, qua việc thực thi tôn giáo hữu hiệu và thúc đẩy các sáng kiến ​​chung vì công ích. Sự hiện diện của quý vị ở đây hôm nay tự nó là một dấu hiệu của hy vọng. Với tâm tình này, tôi mời quý vị tiếp tục đối thoại huynh đệ và quan hệ tốt đẹp với Giáo hội Công giáo ở đất nước của quý vị, vì hòa bình và hòa hợp”.

Ngọc Yến – Vatican News

nguồn: Vatican News Tiếng Việ