Tiếp kiến chung 26-5-2021- Đức Thánh Cha: Lời cầu nguyện của chúng ta luôn được lắng nghe, đừng bỏ cuộc

0
19

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 26.5.2021

ĐỨC THÁNH CHA: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚNG TA
LUÔN ĐƯỢC LẮNG NGHE, ĐỪNG BỎ CUỘC

vietnamese.rvasia (26.5.2021) – Sáng thứ Tư 26/5/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 500 tín hữu hành hương tại sân thánh Damaso, trong khuôn viên dinh Tông tòa. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ mười sáu tính từ đầu năm nay.

Buổi tiếp kiến được ấn định bắt đầu lúc 9 giờ 15, nhưng gần 9 giờ, Đức Thánh Cha đã vào sân để gặp gỡ và chào thăm các tín hữu, nhất là những người đứng hai bên lối đi chính. Nhiều người mang hình ảnh hoặc sách xin ngài ký tên. Mọi người đều mang khẩu trang, trừ Đức Thánh Cha.

Tôn vinh Lời Chúa

Như thường lệ, buổi buổi tiếp kiến mở đầu với phần tôn vinh Lời Chúa. Mọi người nghe đọc một đoạn ngắn, trích từ Tin mừng theo thánh Marco (5,22-24.35-36):

“Có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay trên cháu để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. Đức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường, đến bảo: “Con gái ông chết rồi, còn làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài về việc cầu nguyện và bài thứ 35 ngài trình bày hôm 26/5 có chủ đề là: “Chắc chắn được lắng nghe”.

Bài huấn giáo

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vấn nạn chống cầu nguyện

“Có một sự phản đối mạnh mẽ chống lại việc cầu nguyện, đi từ một nhận xét mà tất cả chúng ta đều có: đó là chúng ta đã cầu nguyện, đã xin, nhưng nhiều lần dường như những kinh nguyện của chúng ta không được lắng nghe: điều mà chúng ta cầu xin – cho bản thân và cho người khác – không được đáp ứng. Và động lực thúc đẩy chúng ta cầu nguyện là cao thượng (như cầu xin cho một người bệnh được lành hoặc xin cho chiến tranh chấm dứt). Sự việc không được lắng nghe như vậy có thể thực là một cớ vấp phạm. “Thậm chí một số người ngưng cầu nguyện, vì họ nghĩ, lời khẩn cầu của họ không được lắng nghe” (SGL n. 2734). Nếu Thiên Chúa là Cha, thì tại sao Ngài không lắng nghe chúng ta? Ngài đã cam kết cho con cái những điều tốt lành mà họ xin Ngài (Mt 7.10), vậy tại sao Chúa không đáp lại những lời xin của chúng ta?”

Câu trả lời của Sách Giáo lý

Sách Giáo lý cống hiến cho chúng ta một tổng hợp tốt về vấn đề này. Sách cảnh giác chúng ta về nguy cơ không sống kinh nghiệm đức tin đích thực, nhưng biến tương quan với Thiên Chúa thành một cái gì ma thuật. Thực vậy, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta có thể gặp nguy cơ không phải chúng ta phụng sự Chúa, nhưng là đòi Ngài phải phục vụ chúng ta (n. 2735). Và khi ấy, một kinh nguyện luôn yêu sách, muốn hướng các biến cố theo kế hoạch của chúng ta, không chấp nhận những dự phóng khác với những ước muốn của chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu đã rất khôn ngoan khi đặt trên môi miệng chúng ta kinh “Lạy Cha”. Đó là một kinh nguyện chỉ có những lời cầu, như chúng ta biết, nhưng những lời cầu xin đầu tiên mà chúng ta xướng lên, tất cả đều đứng về phía Thiên Chúa. Những lời cầu ấy xin cho thánh ý Chúa đối với trần thế được thể hiện chứ không phải là dự phóng của chúng ta. Tốt hơn nên để cho Chúa làm: “Xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện” (Mt 6,9-10).

Cầu xin không đúng

Thánh Phaolô tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta không biết điều chúng ta nên xin (Rm 8,26). Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải khiêm tốn, để những lời chúng ta thực sự là kinh nguyện chứ không phải là một lời vô nghĩa mà Thiên Chúa từ khước. Ta cũng có thể cầu nguyện vì những động lực sai lầm: ví dụ để đánh bại kẻ thù trong chiến tranh, mà không tự hỏi Thiên Chúa nghĩ gì về chiến tranh. Thật là dễ viết trên lá cờ “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”; nhiều người lo lắng làm sao để Thiên Chúa đứng về phía họ, nhưng ít người bận tâm kiểm chứng xem họ có thực sự ở với Thiên Chúa hay không. Trong kinh nguyện, chính Thiên Chúa hoán cải chúng ta, chứ không phải chúng ta hoán cải Thiên Chúa.

Trả lời vấn nạn

Tuy nhiên, cớ vấp phạm vẫn còn: khi con người chân thành cầu nguyện, khi họ xin những thiện ích đáp ứng với Nước Chúa, khi một bà mẹ cầu xin cho người con bị bệnh, vậy tại sao nhiều lần Chúa có vẻ không lắng nghe? Để trả lời câu hỏi này, cần bình tĩnh suy gẫm các sách Tin mừng. Những trình thuật về cuộc đời Chúa Giêsu đầy những kinh nguyện: bao nhiêu người bị thương tích trong thân xác và tinh thần xin Chúa cho được lành mạnh; có người cầu xin Chúa cho người bạn không đi được nữa; có những cha mẹ mang các con cái bị bệnh đến cho Chúa… Tất cả đều là những kinh nghiệm đầy đau khổ. Đó là một tập thể vĩ đại cùng cầu khẩn: “Xin Chúa thương xót chúng con!”

Cách trả lời của Thiên Chúa

Chúng ta thấy rằng nhiều khi câu trả lời của Chúa Giêsu là tức khắc, trái lại trong một vài trường hợp khác câu trả lời ấy được hoãn lại một thời gian. Chúng ta hãy nghĩ đến người phụ nữ xứ Cana cầu xin Chúa Giêsu cho con gái bà: phụ nữ ấy phải nài nỉ lâu dài trước khi được lắng nghe (Mt 15.21-28). Hoặc chúng ta nghĩ đến người bất toại được bốn người bạn khiêng đến: thoạt đầu Chúa Giêsu tha tội cho người ấy và chỉ sau đó Ngài mới chữa lành thân xác (Mc 2,1-12). Vì vậy, trong vài trường hợp, giải pháp cho thảm trạng không phải là tức khắc.

Chúa chữa lành con gái ông Giairô

Về phương diện đó, đáng chú ý nhất là cuộc chữa lành con gái ông Giairô (Mc 5,21-33). Có một người cha chạy hổn hển: con gái ông bị đau và vì thế ông xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Thầy nhận lời ngay, nhưng trong khi họ đi về nhà thì xảy ra một cuộc khỏi bệnh khác, rồi có tin bé gái đã chết. Mọi sự có vẻ chấm dứt, trái lại Chúa Giêsu nói với người cha ấy: “Đừng sợ, hãy có lòng tin!” (Mc 5.36), “Hãy tiếp tục tin”: đó là niềm tin nâng đỡ kinh nguyện. Và thực vậy, Chúa Giêsu đã đánh thức bé gái ấy khỏi giấc ngủ sự chết. Nhưng trong một thời gian nào đó, ông Giairô đã phải bước đi trong tối tăm, với một tia lửa đức tin.

Kinh nghiệm của Chúa Giêsu

Cả kinh nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trong vườn Giệtsimani dường như không được lắng nghe. Chúa Con phải uống trọn chén khổ nạn. Nhưng Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương chót, vì ngày thứ ba có cuộc phục sinh: Sự Ác làm chủ trong ngày áp chót nhưng không bao giờ là chủ ngày cuối cùng. Vì điều ấy thuộc về một mình Thiên Chúa và đó là ngày trong đó tất cả những khát vọng cứu rỗi của nhân loại được mãn nguyện.

Chào thăm và nhắn nhủ

Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt chuyển ý tóm tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha, kèm theo lời chào thăm của ngài.

Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người: tháng Năm là tháng kính Đức Mẹ và ngài phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ tất cả các bà mẹ, nhất là những bà đang chờ đợi sinh con. Xin Mẹ Thiên Chúa trải rộng sự bảo vệ ân cần trên tất cả các bà mẹ và cầu xin Chúa Con cho mỗi người những ân phúc cần thiết và phúc lành cho đời sống gia đình, đời sống của bà mẹ và nghề nghiệp.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay là lễ nhớ thánh Philiphê Nêri, thường được gọi là “vị thánh vui tươi”. Ước gì niềm vui làm thanh thản, là ơn của Chúa, đồng hành và làm cho hành trình của mỗi anh chị em được phong phú. “Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy vun trồng kinh nguyện, vì chỉ nhờ đó đức tin mới được nuôi dưỡng, dưới ánh sáng đức tin tất cả có thể được hiểu và đón nhận.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.

 Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: vietnamese.rvasia

#tiepkienchung $ducthanhchatiepkienchung