Tiếp kiến chung 16-12-2020: Ai không yêu thương thì không thật sự cầu nguyện’
Vatican News (16.12.2020) – Giáo hội có sứ vụ chuyển cầu cho tất cả, đặc biệt những người đau khổ, những người không biết cách cầu nguyện, hay những người lầm đường lạc lối. Và đây là nhiệm vụ đặc biệt của những người có trách nhiệm như cha mẹ, thầy cô, linh mục. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho nhau. Điều này mang lại điều tốt cho tất cả chúng ta.
Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 16/12, tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, Đức Thánh Cha trình bày về đề tài kinh nguyện chuyển cầu. Đức Thánh Cha nói rằng khi chúng ta tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện theo gương Chúa Giê-su, chúng ta không trốn tránh nhu cầu của tha nhân, nhưng để mở rộng trái tim trước những đau khổ và nước mắt của họ.
Cầu nguyện không có nghĩa là trốn tránh thực tại
Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói: Ai cầu nguyện thì không bao giờ quay lưng lại với thế giới. Nếu việc cầu nguyện không bao gồm niềm vui nỗi đau, hy vọng và sầu lo của nhân loại, nó trở thành một hoạt động “trang trí”, một thái độ hình thức, trình diễn … Tất cả chúng ta cần đời sống nội tâm: rút lui vào không gian và thời gian dành riêng cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nhưng điều này không có nghĩa là trốn tránh thực tại.
Ki-tô hữu là bánh được bẻ ra và chia sẻ
Đức Thánh Cha lưu ý điểm giống nhau giữa những người cầu nguyện cho người khác và Chúa Ki-tô trong Thánh Thể. Ngài nói: Trong cầu nguyện, Thiên Chúa “nhận lấy chúng ta, chúc lành cho chúng ta, và bẻ chúng ta ra và ban chúng ta” cho tha nhân , vì sự đói khát của tất cả mọi người. Mỗi Ki-tô hữu được kêu gọi trở thành bánh được bẻ ra và chia sẻ trong bàn tay Thiên Chúa.
Vào nơi thanh vắng để nghe tiếng Chúa tốt hơn
Đức Thánh Cha nói tiếp: Cũng như thế, những người cầu nguyện tìm kiếm sự thanh vắng và thinh lặng, không phải để không bị quấy rầy, nhưng để nghe tiếng Thiên Chúa tốt hơn. Đôi khi họ rút lui khỏi thế giới, trong bí mật của căn phòng riêng của họ, như chính Chúa Giêsu khuyên nhủ (x. Mt 6,6), nhưng dù ở đâu, họ vẫn luôn mở rộng cánh cửa lòng mình: một cánh cửa rộng mở cho những người không cầu nguyện hay không biết cầu nguyện; cho những ai không cầu nguyện gì cả nhưng mang trong mình một tiếng kêu bị bóp nghẹt, một lời khẩn cầu dấu kín; cho những người lầm đường, lạc lối…
Cầu nguyện là trở thành trái tim và tiếng nói của người không cầu nguyện
Bất cứ ai cũng có thể gõ cửa tâm hồn của người cầu nguyện và tìm thấy ở người ấy tấm lòng nhân ái, cầu nguyện cho tất cả, không loại trừ ai. Cầu nguyện là trái tim, là tiếng nói của chúng ta, và là trái tim và tiếng nói của nhiều người không biết cầu nguyện hay không cầu nguyện, hay không muốn cầu nguyện, hay không thể cầu nguyện: chúng ta là trái tim và tiếng nói của những người này hướng về Chúa Giê-su, hướng lên Chúa Cha như người chuyển cầu.
Tìm kiếm mọi sự và mọi người trong Thiên Chúa
Trong thanh vắng, chúng ta tách biệt khỏi mọi thứ và mọi người để tìm kiếm mọi thứ và mọi người trong Thiên Chúa. Như vậy người cầu nguyện cầu nguyện cho toàn thế giới, mang trên vai những đau đớn và tội lỗi. Họ cầu nguyện cho tất cả và mỗi người: như thể họ là “ăng-ten” của Thiên Chúa trên thế giới này. Nơi mỗi người nghèo gõ cửa, nơi mỗi người đánh mất ý nghĩa về mọi thứ, người cầu nguyện đều nhìn thấy gương mặt Chúa Kitô.
Chuyển cầu là khẩn cầu cho người khác
Sách Giáo lý viết: “Chuyển cầu là khẩn cầu cho người khác… là đặc tính của một tâm hồn hòa theo lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa”. Thật là tuyệt vời. Khi cầu nguyện, chúng ta hòa vào lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót đối với tội lỗi của chúng ta, thương xót chúng ta, nhưng cả đối với tất cả những người xin cầu nguyện cho họ, những người mà chúng ta muốn cầu nguyện cùng với trái tim của Thiên Chúa. Đây là cầu nguyện thật sự. “Trong thời đại của Hội Thánh, lời chuyển cầu của Ki-tô hữu tham dự vào kinh nguyện chuyển cầu của Đức Ki-tô, đây là cách diễn tả mầu nhiệm các thánh thông công” (số 2635).
Tham dự vào kinh nguyện chuyển cầu của Đức Ki-tô nghĩa là gì? Đức Thánh Cha giải thích: Khi tôi chuyển cầu hay cầu nguyện cho ai đó: bởi vì Chúa Ki-tô là Đấng chuyển cầu trước mặt Chúa Cha, cầu nguyện cho chúng ta, và Người cầu nguyện bằng cách tỏ cho Chúa Cha thấy những vết thương trên tay Người, bởi vì Chúa Giê-su hiện diện cách thể lý, với thân xác Người trước mặt Chúa Cha. Chúa Giê-su là Đấng chuyển cầu cho chúng ta và cầu nguyện là làm giống Chúa Giê-su một tí: cầu khẩn với Chúa Cha cho người khác nhân danh Chúa Giê-su.
Ai không yêu thương thì chỉ giả vờ cầu nguyện
Đức Thánh Cha nhấn mạnh liên kết giữa cầu nguyện và tình yêu thương: Cầu nguyện đơn giản là con người. Trái tim con người hướng đến việc cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện cần có tình yêu thương anh chị em. Ai không yêu anh chị em mình thì không thật sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện chỉ được thực hiện trong tinh thần yêu thương. Những người không yêu thương chỉ giả vờ cầu nguyện hoặc họ tin rằng họ đang cầu nguyện, nhưng họ không cầu nguyện vì thiếu tinh thần, đó là tình yêu.
Kinh nghiệm của con người hiện diện trong mỗi lời cầu nguyện, bởi vì dù con người có thể phạm sai lầm đến mức nào, họ cũng không bao giờ bị từ chối hoặc loại bỏ.
Khiêm nhường cầu nguyện
Đức Thánh Cha khẳng định: Khi một tín hữu, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cầu nguyện cho tội nhân, họ không lựa chọn, không đưa ra lời phán xét kết án: họ cầu nguyện cho mọi người. Và họ cũng cầu nguyện cho chính mình, và vào lúc đó họ biết rằng mình không quá khác biệt so với những người họ cầu nguyện cho: họ cảm thấy mình là người tội lỗi giữa những người tội lỗi, và họ cầu nguyện cho tất cả.
Bài học dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế luôn sống động và thời sự (x. Lc 18,9-14): chúng ta không tốt hơn ai hết, chúng ta đều là anh em trong một cộng đoàn mong manh, đau khổ và tội lỗi. Vì thế lời cầu nguyện mà chúng ta có thể dâng lên Chúa là: “Lạy Chúa, không ai là người công chính trước nhan Chúa (x. Tv 143, 2), chúng con đều là những con nợ, mỗi người có khoản nợ lớn cần phải trả; không có ai là vô tội trong mắt Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!”.
Vai trò của người cầu nguyện đối với thế
Thế giới tiếp tục tiến bước nhờ vào những người cầu nguyện, những người đã chuyển cầu, và những người hầu như không được biết đến… nhưng Chúa biết họ! Có nhiều Kitô hữu vô danh, trong những lần bị bách hại, đã có thể lặp lại lời của Chúa Giê-su: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Sứ mạng chuyển cầu của Giáo hội
Đức Thánh Cha lưu ý rằng vị Mục tử Tốt lành vẫn trung thành ngay cả khi ý thức về tội lỗi của chính dân tộc mình: Người vẫn là một người Cha ngay cả khi con cái xa cách và bỏ rơi Người. Người kiên trì phục vụ như người mục tử ngay cả đối với những người buộc Người phải vấy bẩn đôi tay; Người không đóng cửa trái tim của mình với những người đã từng làm Người đau khổ.
Do đó, Giáo Hội, trong tất cả các thành viên của mình, có sứ mệnh thực hành việc cầu thay nguyện giúp: chuyển cầu cho người khác. Điều này đặc biệt đối với những ai có vai trò trách nhiệm: cha mẹ, thầy cô, thừa tác viên có chức thành, các bề trên cộng đoàn … Giống như Abraham và Mô-sê, đôi khi họ phải “bảo vệ” những người được giao phó cho họ trước mặt Chúa. Trong thực tế, chúng ta đang nói về việc bảo vệ họ theo cái nhìn và tấm lòng của Thiên Chúa, bằng lòng nhân ái và sự dịu dàng không thể vượt thắng của Người.
Cầu nguyện cho nhau
Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với một hình ảnh ý nghĩa: Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều là những chiếc lá của cùng một cây: mỗi chiếc lá rụng đều nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót cao cả mà chúng ta phải nuôi dưỡng trong lời cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Điều này sẽ tốt cho chúng ta và cho tất cả mọi người.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi