WHĐ (28.12.2016) – Trong khi Giám mục của Giáo hội Anh giáo, tiến sĩ Justin Welby, kêu gọi “đại kết bằng hành động” trước nạn bạo lực tấn công các nhóm Kitô giáo thiểu số trên thế giới, Thượng phụ Kirill của Moskva nhắc đến cuộc cách mạng Bolshevik với các cuộc bách hại trong thế kỷ XX.
Năm 2017 là năm của những ngày kỷ niệm lớn: 500 năm Cuộc Cải cách Tin Lành (1517), và 100 năm Cuộc Cách mạng Bolshevik (1917) – vốn có một tác động đáng kể đến sự phát triển của Kitô giáo Đông phương. Vì thế sứ điệp Giáng sinh năm nay của hai nhà lãnh đạo tôn giáo Anh giáo và Chính thống giáo Nga cũng mang đậm nét lịch sử và thời sự liên quan đến hai sự kiện này.
Trong sứ điệp Giáng sinh gửi các Giáo hội trên toàn thế giới, Tổng giám mục Canterbury và là Giám mục của Giáo hội Anh giáo, tiến sĩ Justin Welby, đã không ngần ngại sử dụng từ “diệt chủng” để mô tả nạn bạo lực chống lại nhiều nhóm Kitô giáo thiểu số trên khắp thế giới.
Nhắc lại chuyến viếng thăm Pakistan mới đây, nơi mà các cộng đồng Kitô giáo thiểu số thường xuyên là mục tiêu của bạo lực hoặc các cuộc tấn công, nhà lãnh đạo Anh giáo thuật lại: “Khi tôi trò chuyện với những người sống sót, tôi vô cùng xúc động bởi lòng dũng cảm phi thường của họ để luôn là chứng nhân trung thành của Chúa Giêsu. Họ nói với tôi rằng: bây giờ hơn bao giờ hết, chúng tôi biết rằng Chúa Giêsu là vị Mục Tử Nhân Lành”.
Trong thế giới “hỗn loạn và bấp bênh này” Justin Welby khuyên nhủ “những ai trong chúng ta đang sống trong sự an toàn đừng làm khán giả đứng đàng xa, rút vào nơi an toàn và thoải mái trong ngôi nhà của mình nữa”, nhưng hãy “góp phần vào những hành động thiết thực để thay đổi”. Lấy lại ý tưởng của Đức giáo hoàng Phanxicô về “cuộc đại kết bằng máu”, nhà lãnh đạo Anh giáo cũng kêu gọi một cuộc “đại kết bằng hy vọng” và “đại kết bằng hành động”.
Trong năm qua, tiến sĩ Justin Welby đã đưa ra những lập trường mạnh mẽ về Brexit, về đảng dân túy UKIP, và về cuộc khủng hoảng di dân; một cách cụ thể, vị chủ nhân Điện Lambeth đã đón tiếp một số người tị nạn đến cư trú tại nhà mình.
Kỷ niệm một trăm năm Cuộc Cách mạng Bolshevik
Và một bối cảnh khác, một sắc thái khác ở phương Đông: tại Hội nghị giáo sĩ Moskva thường niên diễn ra ngày 22-12 vừa qua tại Nhà thờ chính toà Chúa Kitô Cứu Thế (bị phá hủy dưới thời Stalin và được xây dựng lại giống như trước, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ), Thượng phụ Kirill – người sẽ cử hành lễ Giáng sinh với toàn thế giới Chính Thống vào ngày 07-01-2017 – đã nói về 100 năm cuộc cách mạng 1917 như sau:
“Năm 2017 sẽ là một năm đặc biệt đối với Giáo hội của chúng ta và tất cả các nước thuộc trách nhiệm của ToàThượng Phụ Moskva về mặt giáo luật (chú thích: tức là hầu hết lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ). Năm này gắn liền với ký ức về những sự kiện đã diễn ra một thế kỷ trước, dẫn tới việc các lực lượng chính trị cực đoan lên nắm quyền, du nhập những ý thức hệ của chủ nghĩa vô thần và duy vật, kéo theo sự phá huỷ lối sống truyền thống và để lại những hậu quả khủng khiếp: một cuộc nội chiến đẫm máu, một số đông những người đồng hương của chúng ta buộc phải bỏ ra nước ngoài, những cuộc đàn áp hàng loạt của thế lực cầm quyền mới đối với những người không đồng thuận với họ”.
Nhắc đến những đàn áp phải chịu đựng trong hơn 70 năm (các tu sĩ, linh mục và giáo dân bị đi đày, nhà thờ và tu viện phải đóng cửa), nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống lớn nhất (150 triệu tín hữu, tức phân nửa của Chính thống giáo trên thế giới) đã trở lại một trong những đề tài quen thuộc – điều cũng đã được nói đến trong lễ thánh hiến ngôi nhà thờ mới của Nga tại Paris, hôm 04-12 vừa qua. Paperesson.com
“Một trong những bài học chính của thế kỷ trước là: một xã hội được xây dựng trên cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa và luật luân lý vĩnh cửu của Ngài, chắc chắn là một xã hội tự hủy diệt. Ngày nay chúng ta cần nhắc lại điều đó, vì tại nhiều quốc gia, người ta đang tìm cách xây dựng lại các mối quan hệ xã hội mà gạt bỏ tôn giáo ra ngoài”.
(Theo Samuel Lieven, La Croix)
Minh Đức