Phỏng vấn Tân Tổng Phục Vụ của Dòng Phanxicô

0
20

PHỎNG VẤN TÂN TỔNG PHỤC VỤ CỦA DÒNG PHANXICÔ

Cha Massimo Fusarelli, 58 tuổi, đã được bầu làm Tân Tổng Phục vụ của Dòng Anh em Hèn mọn, thường được gọi là Dòng Phanxicô, kể từ thứ Ba, ngày 13 tháng Bảy. Mặc dù bận rộn với các công việc của Tổng Tu Nghị, kết thúc vào Chủ nhật 18 tháng 7 tại Trường Cao đẳng Quốc tế San Lorenzo da Brindisi ở Roma, cha chấp nhận lời mời phỏng vấn, dành thời gian để giới thiệu mình với độc giả của báo “Quan sát viên Roma,” “L’Osservatore Romano”.

Phóng viên (PV)Thưa Cha Massimo, đây là một Tổng Tu Nghị đầy can đảm, cả vì nó diễn ra trong thời kỳ đại dịch, và trên hết là vì dấu hiệu thay đổi mà Cha dự định tiến hành cùng với các tu sĩ Phanxicô trên khắp thế giới, trong những thời điểm khó khăn và trong những biến động như này.

Cha Massimo: Đúng vậy, thế giới đang thay đổi và chúng ta cũng phải thay đổi, cần biết cách luôn đặt mình vào vị trí lắng nghe và chia sẻ: như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói, chúng ta phải biết cách đáp ứng thực tế. Thực tế gần đây, một mặt, khiến chúng ta rơi vào trạng thái đau khổ, nhưng mặt khác, nó có thể mang lại những cơ hội đổi mới. Chúng ta phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, để chúng ta có thể sáng suốt nhận ra thế giới mới đang hiện diện với chúng ta sau đại dịch. Nhiều anh em của Dòng Phan-xi-cô – ví dụ như ở Ấn Độ hoặc Brazil – đã sống và vẫn đang sống trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều người trong chúng tôi đã dấn thân để cung cấp hỗ trợ và giúp đỡ những người nghèo nhất: vi rút đã làm gia tăng các lỗ hổng vốn đã tồn tại. Nhưng trên hết, nó đưa tất cả chúng ta trở lại câu hỏi cốt yếu về sự tồn tại của chúng ta: ý nghĩa của cuộc sống, nhưng cũng là tính hữu hạn của nó, sự trống rỗng của một lối sống được đánh dấu bởi sự tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây, và sau đó là tương lai của những người trẻ tuổi, người cao tuổi bị gạt ra ngoài lề, tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái, sự gia tăng bất bình đẳng. Nói tóm lại, đây là một thời điểm quan trọng của sự tự nhận thức tập thể, trong đó chúng ta phải hiện diện và biết cách nói điều gì hữu ích. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng Tổng Tu nghị này trên hết là một thời điểm của niềm vui và tình huynh đệ được tìm lại sau nhiều tháng xa cách và bị cách ly. -Các bạn thấy đấy, trong lịch sử và truyền thống Dòng Phanxicô, Tổng Tu Nghị luôn là giây phút hạnh phúc khi anh em đoàn tụ với nhau. Vào thời Thánh Phanxicô, các anh em đã thành lập một cộng đồng lưu động và luật dòng quy định rằng họ phải gặp nhau hàng năm quanh Poverello of Assisi để đánh giá lại những nỗ lực và kết quả, những thành công cũng như thất bại, trong công việc truyền giáo của họ. Đây là một cuộc trở về nhà, với anh em. Tất nhiên, Tổng Tu nghị này cũng tuân theo các nghĩa vụ giáo luật đòi hỏi, nhưng tinh thần chung vẫn luôn là: gặp gỡ anh em và chia sẻ buồn vui với nhau trong tinh thần huynh đệ vui vẻ. Năm nay chúng tôi còn có nhiều câu chuyện để sẻ chia hơn những năm trước, bởi vì mỗi người anh em của chúng tôi sống theo một cách khác nhau trong cơn bão đại dịch này, và chúng tôi cần chia sẻ và chuyển hóa tất cả những kinh nghiệm này với nhau.

PVCha cảm thấy thế nào khi được đặt (nguyên văn là catapulted, phóng vào) vào vị trí đứng đầu của gần 12.000 anh em rải rác khắp năm châu?

– “Catapulted” là thuật ngữ chính xác, bạn thấy đấy. Khi tôi nhận ra rằng các anh em đang đổ dồn sự đồng thuận vào tôi, tôi đã vô cùng sợ hãi và cảm thấy yếu đuối vì tôi nhận ra được sự chênh lệch giữa khả năng của mình và sự trách nhiệm mà các anh em kỳ vọng ở nơi tôi. Nhưng bây giờ, cảm giác âu lo ban đầu đã nhường chỗ cho sự yên tâm rằng giới hạn của tôi có thể vượt qua nhờ nỗ lực tập thể mà anh em tôi sẽ có thể cống hiến cho tôi, bắt đầu từ những người sẽ được gọi là thành viên của hội đồng. Nhưng trên hết, tôi tin rằng tôi phải cam kết thực hành việc lắng nghe: lắng nghe thực tế đời sống và biết cách đọc nó và phân định dưới ánh sáng của Lời Chúa. Lắng nghe thực tế đời sống ngày nay là một ưu tiên tuyệt đối cho toàn thể Giáo hội, không chỉ cho các tu sĩ Phanxicô. Sau đó, tôi nghĩ đến những lời mà Đức Hồng Y Hummes đã nói thầm với Đức Thánh Cha Phanxicô vào thời điểm ngài được bầu làm giáo hoàng: “Đừng quên những người nghèo!”

PVCha đã có hoạch định về đường lối hoạt động của mình sẽ như thế nào chưa?

– Tôi nghĩ rất đơn giản rằng chúng tôi phải cởi mở hơn nữa với thế giới; và trở nên gần gũi hơn với mọi người. Không chỉ để loan báo Tin Mừng cho họ, mà còn để được họ loan báo Tin Mừng cho chính mình. Vì Thiên Chúa sống trong lịch sử của mỗi chúng ta. Chúng tôi cũng cần sự giúp đỡ của những người chúng tôi gặp trên con đường của mình. Hãy tin tôi, đây không chỉ là những lời nói suông: tôi đã nhận được biết bao nhiêu sự giúp đỡ trong đời sống đức tin của mình từ những cuộc gặp gỡ mà Chúa đã ban cho tôi: với những nạn nhân của trận động đất ở Amatrice và Accumoli, với những người nghèo ở vùng ngoại ô Roma, với những người tị nạn mà chúng tôi đã chia sẻ cuộc sống trong cộng đoàn! Tôi nghĩ rằng các tu sĩ dòng Phanxicô của chúng ta nên là những người trung thành và thuyết phục nhất với những đường hướng mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra cho chúng ta qua thông điệp Fratelli tutti, qua Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và cùng chung sống tại Abu Dhabi, và qua các huấn từ trong chuyến viếng thăm của ngài tới I-rắc. Một triều đại giáo hoàng “Dòng Phanxicô” đích thực như vậy áp đặt những trách nhiệm lớn hơn bao giờ hết. Chúng ta đừng sợ khi mở rộng cửa ra với thế giới, bởi vì chính trong thế giới, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Chính Ngài đã dạy điều đó cho chúng ta: Thiên Chúa đã đến trong thế gian và ôm lấy nó bằng tình yêu thương. Chắc chắn tôi đã học được một điều trong ngần ấy năm phục vụ Giáo Hội: đức tin được tìm thấy ở nơi người ít mong đợi nhất. Và chúng tôi được yêu cầu phải hiện diện ở những “ở đó”.

Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ (theo L’osservatore Romano)

Nguồn: dcctvn.org

#tantongphucvudongphanxico #ChaMassimoFusarelli