VATICAN. Lúc 10h30 sáng Chúa Nhật, ngày 12.06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Quảng Trường Thánh Phê-rô nhân Ngày Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và người khuyết tật cả về thể xác lẫn tâm trí.
Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đặc biệt, tham dự thánh lễ, có hơn 20 ngàn người khuyết tật, bệnh nhân và những người săn sóc họ.
Trong lúc bài Tin Mừng được công bố, có những hoạt cảnh đi kèm, nhờ đó những người khuyết tật tâm trí có thể hiểu được.
Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:19). Trong những lời này, Thánh Tông Đồ Phao-lô đã diễn tả cách mạnh mẽ mầu nhiệm đời sống Kitô giáo, mầu nhiệm đó có thể được gom tóm trong sự năng động phục sinh về cái chết và sự sống lại được nhận lãnh ngang qua Bí Tích Thanh Tẩy. Thật vậy, khi được dìm trong nước, mỗi người chúng ta đã chết và được mai táng cùng với Đức Kitô (Rm 6:3-4), và khi trồi lên khỏi mặt nước, một sự sống mới được chiếu tỏa rạng ngời trong Chúa Thánh Thần. Sự tái sinh này ôm ấp lấy tất cả mọi chiều kích của đời sống chúng ta: kể cả bệnh tật, khổ đau và cái chết cũng được tìm thấy nơi Đức Kitô và chính ở nơi Ngài mà chúng ta đọc được ý nghĩa tối hậu cho những bệnh tật, khổ đau và chết chóc ấy. Ngày hôm nay, Ngày Năm Thánh dành cho bệnh nhân và những người mang những khuyết tật, Lời Chúa về sự tái sinh này lại có một âm vang đặc biệt cho mỗi người chúng ta.
Dù sớm hay muộn, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đối mặt – vào những thời điểm rất đau đớn – với sự yếu đuối mong manh và bệnh tật của chính chúng ta cũng như của người khác. Có bao nhiêu gương mặt khác nhau của nhân loại đã phải đón lấy kinh nhiệm này cách hết sức đặc trưng và đầy cảm xúc. Tất cả những điều ấy làm dấy lên câu hỏi bức thiết về ý nghĩa của đời sống con người. Chúng ta dường như dễ yếu lòng để chọn một giải pháp yếm thế, như thể cách giải quyết duy nhất chỉ đơn giản là kiên nhẫn chịu đựng những kinh nghiệm đau thương và cậy dựa vào sức của riêng bản thân. Hay có lẽ, chúng ta đã đặt tất cả sự tin tưởng vào khoa học, nghĩ rằng chắc chắn ở một nơi nào đó trên thế giới có một phương thuốc có khả năng chữa lành bệnh tật. Nhưng buồn thay, sự thật không phải như thế, thậm chí thần dược có tồn tại đi nữa, cũng chỉ đến được với một số người.
Bản chất con người, đã bị thương tổn vì tội lỗi, được ghi dấu bởi những giới hạn. Chúng ta đã thấy những chối bỏ, xuất hiện cách đặc biệt trong thời đại ngày hôm nay, đối với sự sống có những giới hạn thể lý nghiêm trọng. Người ta nghĩ rằng bệnh nhân hay người khuyết tật không thể hạnh phúc, vì họ không thể sống một đời sống được định hình bởi một nền văn hóa vui chơi và giải trí. Trong một thời đại khi sự chăm sóc cho thân xác của con người trở thành nỗi ám ảnh và gây ra nhiều tốn kém, bất cứ ai không hoàn hảo đều phải được che dấu đi, vì người ấy đe dọa đến hạnh phúc và sự thanh bình của một số người có đặc quyền và là sự nguy hiểm đối với những người lãnh đạo. Những người khuyết tật phải bị tránh xa, phải bị ‘cách ly’ trong những tòa nhà ‘tô vôi hào nhoáng’, hay trong những ‘ốc đảo’ của lòng mộ đạo hay của công ích xã hội, để người ta không phải giữ lại không gian cho một hữu thể sai lầm. Trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí được nói rằng tốt hơn hết là hãy loại trừ những người khuyết tật đi càng sớm càng tốt, vì họ trở thành một gánh nặng kinh tế không thể chấp nhận được trong thời buổi khủng hoảng. Nhưng thật là ảo tưởng khi con người ngày nay nhắm mắt làm ngơ trước gương mặt của bao bệnh nhân và người khuyết tật. Họ đã không hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống, là phải biết đón nhận những đau khổ và giới hạn. Thế giới sẽ không trở nên tốt hơn nếu chỉ bởi những người có vẻ ‘hoàn hảo’ bên ngoài. Thế giới chỉ trở nên tốt hơn khi tình liên đới nhân loại, việc đón nhận và tôn trọng lẫn nhau được gia tăng. Lời của Thánh Tông Đồ Phao-lô thật đúng đắn thay: ‘Những gì thế gian cho là yếu kém, Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh’(1 Cr 1:27)!
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Lc 7:36-8:3) trình bày cho chúng ta một tình huống cụ thể về sự yếu đuối. Một phụ nữ bị xem là tội lỗi, bị người khác xét xử và loại trừ, nhưng Đức Giêsu lại đón nhận và bảo vệ chị: ‘Chị đã yêu mến nhiều’ (Lc 7:47). Đó là kết luận của Đức Giêsu, Đấng đã chú ý đến những đau khổ và sự nài xin của chị. Sự dịu dàng của Đức Giêsu là dấu chỉ của tình yêu mà Thiên Chúa bày tỏ cho những ai đau khổ và bị gạt ra bên lề. Đau khổ không chỉ là về thể lý nhưng còn là tinh thần, một trong những bệnh lý thường gặp nhất hiện nay. Đó là sự đau khổ của tâm hồn; khiến người ta buồn khổ vì thiếu tình yêu mến. Khi kinh nghiệm được sự thất vọng hay bị phản bội trong những mối tương quan thân thiết, chúng ta mới nhận ra chúng ta dễ bị tổn thương và mong manh đến là dường nào. Vì thế, cám dỗ muốn trở nên tự-chấp-nhận-mình (tự-đủ-cho-chính-mình) lại phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, và chúng ta có nguy cơ đánh mất cơ hội lớn lao nhất trong đời sống: yêu bất chấp chất cả.
Hạnh phúc mà mọi người đều mong muốn có thể được diễn tả trong rất nhiều cách thức và chỉ đạt được khi chúng ta có khả năng yêu thương. Đó chính là đường lối của tình yêu, ngoài ra không còn cách nào khác. Nhưng thách đố là ai mới là người yêu thương nhất. Bao nhiêu người khuyết tật và đau khổ đã lại rộng mở tâm hồn khi họ nhận ra họ được yêu thương! Bao nhiêu tình yêu mến đã được ngự trị nơi tâm hồn chỉ đơn giản với một nụ cười dễ mến! Như thế, chính sự yếu đuối mong manh của chúng ta có thể trở thành một nguồn mạch của sự an ủi, và nâng đỡ chúng ta trong cảnh cô đơn. Đức Giêsu, trong cuộc khổ nạn, đã yêu chúng ta cho đến cùng (Ga 13:1); trên thánh giá, Ngài đã mặc khải tình yêu bằng cách hoàn toàn trao ban chính mình. Chúng ta có thể đến với Thiên Chúa với những yếu đuối, bệnh tật, đau khổ của chúng ta khi chúng ta nhận ra những đau khổ ấy mô tả gương mặt của Người Con Một Yêu Dấu bị đóng đinh trên thập giá? Những đau đớn thể xác mà Người phải chịu đi kèm với sự nhạo báng, hạ nhục và khinh miệt. Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại những điều ấy bằng lòng thương xót khi Ngài đón nhận và tha thứ tất cả: Chính bởi thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành’(Is 53:5; 1 Pr 2:24). Đức Giêsu là thầy thuốc chữa lành với phương dược tình yêu, vì Ngài đã dùng chính bản thân mình để xoa dịu những đau khổ và cứu độ chúng ta. Thiên Chúa có thể hiểu những yếu đuối của chúng ta, vì chính Ngài đã kinh nghiệm điều ấy như một người phàm thật sự (Dt 4:15).
Cách chúng ta kinh nghiệm bệnh nạn và những khuyết tật là một chỉ số tình yêu mà chúng ta đang sẵn sàng để trao ban. Cách chúng ta đối mặt với đau khổ và những giới hạn là sự đo lường tự do của chúng ta trong việc đem lại ý nghĩa cho kinh nghiệm cuộc sống nhân sinh, cả khi chúng phủ lấp chúng ta bằng sự vô nghĩa và không có ích lợi gì. Nhưng chúng ta đừng để bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy (1 Tx 3:3). Chúng ta biết rằng trong sự yếu đuối chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ (2 Cr 12:10) và được lãnh nhận ân sủng để mang lấy vào mình những gian nan thử thách của Đức Kitô vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1:24). Vì thân thể ấy, hình ảnh của chính Thiên Chúa Phục Sinh, gìn giữ những thương tích của mình, dấu vết của một cuộc chiến đấu cam go, nhưng đó là những thương tích được biến đổi mãi mãi vì tình yêu.”
Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Đức. Trong số những người giúp lễ mang lễ vật lên cho Đức Thánh Cha trong phần Dâng Lễ, cũng có một gia đình với em bé gái bị down, hay là bệnh khờ.
Hàng chục các linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước lễ.
Trước khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha thông báo rằng: “Hôm thứ 7, 11.06, ở a Vercelli, Giáo hội đã tuyên phong chân phước cho linh mục Giacomo Abbondo. Ngài sống vào khoảng thế kỷ 18, có lòng yêu mến Chúa nông nàn, hết mình dấn thân cho phần rỗi của các con chiên trong xứ đạo. Đồng thời, ở Monreale, ngày hôm nay, nữ tu Carolina Santocanale, vị sáng lập Dòng Nữ Tu Capucino Của Đức Mẹ Vô Nhiễm Lộ Đức, cũng được tuyên phong chân phước.
Trong bối cảnh Ngày Năm Thánh Dành cho các bệnh nhân, Hội Nghị Quốc Tế về chăm sóc sức khỏe cho những người nhiễm bệnh Hansen cũng đang được diễn ra ở Roma trong những ngày này. Với tâm tình biết ơn, tôi gởi lời chào thân ái đến ban tổ chức và những người tham dự hội nghị, hy vọng rằng hội nghị sẽ gặt hái được nhiều thành công trong việc chống lại bệnh phong.
Ngày hôm nay, ngày thế giới chống lạm dụng trẻ em. Xin cho các trẻ em được giải thoát khỏi những hình thức nô lệ, bách hại và lạm dụng.
Tôi cũng gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác, đã hiện diện trong buổi lễ ngày hôm nay. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và che chở cho hết thảy mọi người chúng ta.” (Radio Vatican & Phanxico.vn)
Vũ Đức Anh Phương, SJ