Kinh Truyền Tin lễ thánh Stêphanô tử đạo (26/12)

0
15

 

Kinh Truyền Tin lễ thánh Stêphanô tử đạo (26/12)

Trưa thứ Hai 26/12, lễ thánh Têphanô tử đạo, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin nhấn mạnh đến chứng từ của thánh Têphano, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả sự sống của ngài.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em, Mừng lễ anh chị em!

Hôm qua chúng ta đã mừng Lễ Giáng Sinh của Chúa và, để giúp chúng ta chào đón Người tốt hơn, phụng vụ kéo dài thời gian mừng lễ đến ngày 1/1: trong tám ngày. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là trong những ngày này, một số nhân vật nổi bật trong số các thánh tử đạo được tưởng nhớ. Ví dụ, hôm nay, thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo; ngày mốt là lễ Các Thánh Anh Hài, những trẻ em bị vua Hêrôđê giết vì ông sợ Chúa Giêsu chiếm ngôi (xem Mt 2,1-18). Nói chung, phụng vụ dường như muốn tách chúng ta khỏi thế giới của ánh sáng, tiệc mừng và quà tặng mà chúng ta có thể phần nào quen thuộc trong những ngày này. Tại sao?

Bởi vì Giáng sinh không phải là câu chuyện cổ tích về sự ra đời của một vị vua, mà là sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ bằng cách gánh lấy điều xấu của chúng ta: ích kỷ, tội lỗi, cái chết. Và các vị tử đạo là những người gần gũi với Chúa Giêsu nhất, thực ra từ tử đạo có nghĩa là chứng nhân: các vị tử đạo là những chứng nhân, nghĩa là những anh chị em, những người qua sự sống của mình, cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự dữ bằng lòng thương xót. Và thậm chí trong thời đại của chúng ta, các vị tử đạo cũng nhiều vô kể, hơn cả những thời đại trước. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em bị bách hại chịu tử đạo, những người làm chứng cho Chúa Kitô. Nhưng chúng ta cần tự hỏi: chúng ta, và tôi, có làm chứng cho Đức Kitô không? Và làm thế nào chúng ta có thể cải thiện điều này, làm chứng tốt hơn cho Đức Kitô? Mẫu gương của thánh Têphanô có thể giúp chúng ta.

Trước hết, Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết rằng ngài là một trong bảy phó tế được cộng đoàn Giêrusalem thánh hiến để phục vụ bàn ăn, nghĩa là để phục vụ bác ái (xem 6,1-6). Điều này có nghĩa là lời chứng đầu tiên của ngài không bằng lời nói, nhưng bằng tình yêu mà ngài phục vụ những người túng thiếu nhất. Nhưng thánh Têphanô không chỉ giới hạn trong công việc trợ giúp này. Với những người ngài gặp, ngài nói về Chúa Giêsu: ngài chia sẻ niềm tin của mình dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của các Tông đồ (xem Cv 7,1-53.56). Đây là chiều kích thứ hai trong chứng tá của ngài: đón nhận Lời Chúa và thông truyền vẻ đẹp của Lời, kể lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm thay đổi cuộc đời thế nào. Điều này quan trọng đối với thánh Têphanô đến nỗi ngài không để mình bị khiếp đảm ngay cả trước những lời đe dọa của những kẻ bách hại, ngay cả khi ngài thấy rằng mọi việc đang trở nên tồi tệ đối với mình (xem c. 54). Bái ái và loan báo, đây là Têphanô. Tuy nhiên, chứng tá cao cả nhất của ngài còn là một chứng từ khác, đó là việc biết kết hợp bác ái và loan báo với nhau. Ngài để lại cho chúng ta ngay thời điểm hấp hối, khi noi gương Chúa Giêsu tha thứ cho những kẻ giết mình (x. c. 60; Lc 23,34). Bác ái, loan báo và tha thứ.

Vậy, đây là câu trả lời của chúng ta cho câu hỏi đã đặt ra: chúng ta có thể cải thiện chứng tá của mình ngang qua lòng bác ái đối với anh em, trung thành với Lời Chúa và sự tha thứ. Bác ái, Lời Chúa, tha thứ. Chính sự tha thứ cho chúng ta biết chúng ta có thực sự thực thi bác ái đối với người khác hay không và chúng ta có sống Lời Chúa Giêsu hay không.

Sự “tha thứ” là một món quà lớn nhất, một món quà mà chúng ta có thể trao cho người khác bởi vì chúng ta đã nhận được từ Chúa Giêsu, chúng ta được Người tha thứ. Tôi tha thứ bởi vì tôi đã được tha thứ, đừng quên điều này. Mỗi chúng ta hãy nghĩ về chính khả năng tha thứ của chúng ta, trong những ngày này mà có thể chúng ta gặp, trong số nhiều người khác, với một số người mà chúng ta không hòa thuận, với những người đã làm tổn thương chúng ta, những người mà chúng ta chưa bao giờ hàn gắn mối tương quan với họ. Chúng ta cầu xin Hài Nhi Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự mới mẻ của một trái tim có khả năng tha thứ. Tất cả chúng ta cần một con tim biết tha thứ. Chúng ta xin Chúa về ân sủng này. Lạy Chúa, xin cho con biết học cách tha thứ, cố gắng cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương chúng con và thực hiện các bước mở ra và hòa giải. Xin Chúa hôm nay ban cho chúng ta hồng ân này.

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh tử đạo, giúp chúng ta lớn lên trong đức bác ái, lòng yêu mến Lời Chúa và trong sự tha thứ.

Sau Kinh Truyền Tin, một lần nữa qua các phương tiện truyền thông, Đức Thánh Cha chào thăm và chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả mọi người, ngài cầu chúc bình an cho các gia đình, trong các cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, bình an trong các phong trào và hiệp hội, hoà bình tại những nơi xung đột vì chiến tranh, đặc biệt tại Ucraina.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha nói rằng trong những ngày này ngài nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ khắp nơi, ngài không thể trả lời hết nhưng ngài nhận và diễn tả lòng biết ơn về những lời chúc mừng này, đặc biệt là về lời cầu nguyện dành cho ngài.

Mừng lễ thánh Têphanô đến tất cả mọi người và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

nguồn: Vatican News Tiếng Việt

#kinhtruyentin #kinhtruyentinvoiducthanhcha