KINH CHIỀU I – LỄ MẸ THIÊN CHÚA – TE DEUM, TẠ ƠN CUỐI NĂM 2022
Vatican News (31.12.2022) – Chiều 31/12/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa và hát kinh Te Deum, tạ ơn cuối năm 2022.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
“Người sinh hạ bởi một người phụ nữ” (Gal 4,4)
Khi thời kỳ đã mãn, Thiên Chúa trở nên người phàm. Người không đến trần gian theo kiểu ngự giá từ trời, nhưng là sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria. Không phải là người sinh ra trong một người nữ, nhưng là sinh ra bởi một người nữ. Hai điều này rất khác nhau: Thiên Chúa muốn mặc lấy máu thịt từ chính Mẹ. Người không tước lấy, nhưng Người mời gọi lời “Xin Vâng” và sự đồng thuận của Mẹ. Với Mẹ, Người khởi đầu một chuyến hành trình cưu mang chậm rãi một nhân tính được giải phóng khỏi tội lỗi, đầy ân sủng và sự chân thật, đầy tình yêu và sự trung tính. Một nhân tính tốt lành, chân thật, giống Thiên Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa, mặc dù nhân tính ấy mang lấy thân xác của nhân loại chúng ta từ máu huyết của Đức Maria. Chuyến hành trình này không thể nào không có sự tham dự và đồng thuận của Đức Mẹ, trong tự do, tự nguyện, tôn trọng, và tình yêu.
Đây chính là con đường mà Thiên Chúa đã chọn để bước vào thế giới và bước vào trong lịch sử. Đây chính là cách thế của Thiên Chúa. Đây là cách thế thiết yếu, thiết yếu như chính sự kiện đã xảy ra. Đặc tính Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, một người Mẹ Trinh Nữ, một sự Đồng Trinh có khả năng sinh hạ, chính là con đường mạc khải về sự tôn trọng tuyệt đối của Thiên Chúa dành cho tự do của chúng ta. Đấng đã tạo nên chúng ta khi không có chúng ta không muốn cứu độ chúng ta mà không có [phần tham dự của] chúng ta (cfr S. Agostino, Sermo CLXIX, 13).
Đây là cách thế Người đến để cứu độ chúng ta. Đây là con đường mà Người mời chúng ta bước theo, tiếp tục cùng với Người dệt nên một nhân loại mới, tự do, hoà giải. Đây là một phong cách, một phương thế tương quan với chính chúng ta mà từ đó có thể phát sinh vô vàn nhân đức của một sự chung sống thiện hảo và xứng đáng. Một trong những nhân đức này là sự tử tế, một phong cách sống cổ võ tình huynh đệ và tình bạn đại đồng (cfr Enc. Fratelli tutti, 222-224).
Nói về sự tử tế, trong thời khắc này tôi nghĩ đến Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI của chúng ta. Sáng hôm nay Ngài đã lìa bỏ chúng ta. Với lòng cảm mến xúc động, chúng ta nhớ đến Ngài, một con người cao cả và tử tế. Chúng ta cảm nhận từ lòng mình rất nhiều sự biết ơn: biết ơn Chúa đã ban Ngài cho Giáo Hội và cho thế giới; biết ơn Ngài vì tất cả những điều tốt đẹp Ngài đã làm, và trên tất cả là chứng tá về đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện của Ngài trong những năm cuối đời của Ngài trong nhịp sống ẩn dật. Chỉ Thiên Chúa mới biết được giá trị và sức mạnh từ lời chuyển cầu của Ngài, từ những hy sinh mà Ngài đã dâng lên Chúa vì lợi ích của Giáo Hội.
Tối nay, tôi muốn trình bày về sự tử tế như một nhân đức của đời sống xã hội, đặc biệt hướng đến giáo Phận Roma.
Sự tử tế là một thành tố quan trọng của văn hoá đối thoại. Đối thoại là điều bất khả thay thế cho một cuộc sống trong hoà bình và huynh đệ. Đối thoại không có nghĩa là luôn luôn đồng thuận với nhau, điều này vẫn thường xảy ra, nhưng dẫu vậy, chúng ta vẫn nói, vẫn nghe, vẫn cố gắng để hiểu nhau và để hướng đến sự gặp gỡ. Chúng ta hãy nghĩ xem: “thế giới này sẽ ra sao nếu không có một sự đối thoại kiên nhẫn giữa những con người quảng đại, là những người gìn giữ mối dây hiệp nhất giữa các gia đình và các cộng đoàn. Các cuộc đối thoại liên lỉ và can đảm thường không ồn ào như các cuộc bất hoà và xung đột, nhưng bằng một cách thế cẩn trọng giúp cho thế giới này ngày một trở nên tốt hơn”. Sự tử tế là một phần của đối thoại. Tử tế không chỉ là một nghi thức, cũng không phải chỉ là một nhãn hiệu theo kiểu nghi thức. Đây không phải là loại tử tế mà tôi muốn nói. Đúng hơn, tử tế là một nhân đức mà chúng ta phải nỗ lực và thực hành mỗi ngày, để đi ngược dòng đời và để làm cho xã hội của chúng ta mang đậm tính nhân văn hơn.
Ngày nay, những tổn hại gây ra do chủ nghĩa cá nhân và tiêu thụ là điều mà ai cũng thấy. Tổn hại nghiêm trọng nhất là khi những người chung quanh bị chúng ta xem như là chướng ngại cho sự bình an và tiện ích của đời sống chúng ta. Tha nhân bị coi là những kẻ làm phiền, làm quấy nhiễu, làm mất thời giờ và tâm sức, khiến chúng ta không làm được những điều mình thích. Xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ có xu hướng trở nên hung hăng, bởi vì tha nhân trở thành những kẻ cạnh tranh mà tôi phải chiến đấu. Dẫu vậy, trong lòng chính xã hội này, và cả trong những nghịch cảnh, vẫn có những người dạy cho chúng ta thấy: chúng ta vẫn có thể chọn lựa sống tử tế. Với lối sống của họ, họ trở nên những ngôi sao chiếu sáng giữa bóng đêm.
Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Galat mà chúng ta vừa nghe trong buổi phụng vụ hôm nay, nói về những hoa quả của Thánh Thần. Trong số những hoa quả được nhắc tới, chúng ta có nghe một từ Hy-lạp chrestotes (5,22). Đây là từ mà chúng ta có thể dịch là “tử tế”: Ấy là một thái độ tốt bụng, nâng đỡ và an ủi tha nhân, tránh xa mọi hình thức cay nghiệt và cứng cỏi. Ấy là một hình thức chăm sóc cho người thân cận, đặc biệt lưu tâm để không làm họ tổn thương bằng lời nói hay bằng cử chỉ; tìm cách làm nhẹ đi gánh nặng của những người khác, khích lệ, ủi an và nâng đỡ họ; không miệt thị, khinh rẻ, hay xem thường họ (cfr Fratelli tutti, 223).
Sự tử tế là một phương thuốc chống lại những bệnh tật của xã hội chúng ta: chống lại sự thô bạo, là điều không may đã thấm nhiễm như nọc độc vào trái tim con người và làm vỡ vụn những tương quan, chống lại sự bất an lo lắng là những điều vốn chỉ làm cho chúng ta tập trung vào chính mình và loại trừ tha nhân (cfr ibid., 224). Đây là những chứng bệnh trong đời sống thường ngày của chúng ta, làm cho chúng ta trở nên gây hấn và mất khả năng nói những lời tốt lành như “xin phép”, “xin lỗi”, và đặc biệt là “cám ơn”. Đến độ trên đường phố, trong những quầy tạp hoá, trong văn phòng, mỗi khi chúng ta gặp một con người tử tế, chúng ta thấy ngạc nhiên như thể được chứng kiến một phép lạ vậy; ấy là bởi vì sự tử tế chừng như đã không còn là điều bình thường nữa. Nhưng mà tạ ơn Chúa, vẫn còn đó những con người tử tế, là những người biết đặt qua một bên những bận tâm của riêng mình để lưu tâm đến những người khác, để trao tặng một nụ cười, một lời động viên, biết lắng nghe một ai đó đang cần đến một ai đó để tâm sự và được nâng đỡ.
Anh chị em thân mến,
Sống sự tử tế như một nhân đức trong đời sống cá nhân và đời sống xã hội có thể giúp ích rất nhiều người sống tốt hơn trong đời sống gia đình, cộng đoàn, xã hội. Do đó, hướng về năm mới trong thành phố Roma, tôi muốn cầu chúc cho tất cả những ai đang cư ngụ nơi này luôn lớn lên trong nhân đức này: nhân đức tử tế. Kinh nghiệm dạy rằng khi sự tử tế trở nên một lối sống, lối sống ấy có thể kiến tạo một sự chung sống lành mình, làm cho những mối tương quan xã hội mang đậm tính nhân văn, giải trừ mọi thái độ bạo lực và dửng dưng.
Chúng ta hãy nhìn lên linh ảnh Mẹ Thiên Chúa. Hôm nay và ngày mai, trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô chúng ta có thể tôn kính linh ảnh Đức Mẹ Carmine di Avigliano, ở Potenza. Chúng ta đừng quên mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho mình kinh ngạc về sự lựa chọn của Thiên Chúa, Đấng đã có thể xuất hiện trong thế giới chúng ta với hàng ngàn kiểu khác nhau với quyền năng của Người, thế nhưng Đấng ấy đã muốn được thụ thai trong cùng lòng Đức Maria, với sự tự do hoàn toàn của Mẹ. Người đã muốn được nên hình nên dạng sau chín tháng cưu mang như một trẻ sơ sinh, được sinh hạ bởi Mẹ, bởi chính một người phụ nữ. Đừng lướt qua nhanh quá. Chúng ta hãy dừng lại, hãy chiêm ngắm và suy niệm, bởi vì chính đây là điều căn cố của mầu nhiệm cứu độ. Và chúng ta hãy học lấy cách thế của Thiên Chúa, hãy học lấy sự tôn trọng tuyệt đối của Người, hãy học lấy sự tử tế của Người. Bởi lễ trong căn tính Mẹ Thiên Chúa Đồng Trinh có một con đường cho một thế giới đầy tình người hơn.
Vatican News Tiếng Việt
Nguồn: vaticannews.va/vi
#kinhchieui #lemethienchua #TeDeum