Giáo hội Phi Châu bắt đầu khoá họp chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục

0
12

Giáo hội Phi Châu bắt đầu khoá họp chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục

Khoá họp giai đoạn châu lục chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội Châu Phi đã bắt đầu tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Hơn 200 đại biểu đến từ các nước Phi Châu và Madagascar đã quy tụ để suy tư về tài liệu làm việc giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành.

Cuộc họp đầu tiên được chủ tọa bởi Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, Tổng giám mục Kinshasa, tân Chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, được gọi tắt là SECAM.

Trước đó, trong Thánh lễ, Đức cha Muadula, vị chủ tế Thánh lễ, đã nói rằng: “Ở Châu Phi, chúng ta biết rằng chúng ta phải cùng nhau bước đi như một gia đình, lắng nghe nhau. Và đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta thực hiện trong Thượng Hội đồng về tính hiệp hành này.” Những suy nghĩ và lời cầu nguyện của ngài đặc biệt hướng đến hòa bình, ổn định và hòa giải ở Nigeria, vào thời điểm nước này kết thúc một cuộc tham vấn bầu cử gây tranh cãi.

Phương pháp “đối thoại thiêng liêng”

Cha Giacomo Costa, cố vấn của Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng đã chia sẻ với các tham dự viên về ba giai đoạn của phương pháp “đối thoại thiêng liêng”: Lên tiếng chia sẻ, dành chỗ cho nhau và cùng nhau xây dựng. Cha nói: “Phương pháp này giúp chúng ta lắng nghe sự đóng góp của người khác và mở lòng mình ra cho Chúa Thánh Thần, Đấng trao cho chúng ta những cách nhìn mới về sứ mạng của Tin Mừng.” Cha nói rằng “phương pháp này nhằm mục đích tập hợp kinh nghiệm của tất cả mọi người lại với nhau để có thể tham gia vào Thượng Hội đồng về hiệp hành.”

Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân

Do đó, theo Cha Costa, trọng tâm của cuộc trò chuyện thiêng liêng là người mà bạn đang lắng nghe, là chính bạn và là những gì bạn trải nghiệm ở cấp độ thiêng liêng. Cha gợi ý: “Bước đầu tiên là bắt đầu từ việc tiếp xúc với thực tế mà chúng ta đang sống và đang ở trong đó: mọi người đều kể câu chuyện của chính mình, những gì diễn ra trong lòng họ”. Thứ hai, những người tham dự được kêu gọi “giải thích kinh nghiệm của họ dưới ánh sáng của Thánh Kinh để đi vào trọng tâm kinh nghiệm của họ”. Chúng ta chuyển từ quan điểm cá nhân sang việc thừa nhận những gì chúng ta được kêu gọi để xây dựng trong sự chia sẻ cùng nhau.

Từ “tôi” đến “chúng ta”

Giai đoạn thứ ba là được biến đổi nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh, mọi người được mời gọi trở về với cộng đoàn của mình. Theo Cha Costa, hành trình mà mỗi người tham gia hội nghị được kêu gọi thực hiện là đi từ cái “tôi” đến cái “chúng ta”, từ bối rối đến hòa hợp như đã xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần. Lúc này, mỗi người có thể quay trở về các cộng đồng của mình để chia sẻ kinh nghiệm sống.

Hồng Thủy – Vatican News

nguồn: Vatican News Tiếng Việt

#giaohoiphichau #chuanbithuonghoidonggiammuc