Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ Lá tại quảng trường Thánh Phêrô

0
298

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật lễ Lá hôm qua ĐTC đã chủ sự thánh lễ trước thềm đền thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có 150 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Đức Ông và 350 Linh Mục giúp ĐTC cho tín hữu  rước lễ. Đảm trách thánh ca ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn và dàn nhạc của giáo phận Roma gồm 140 ca viên cùng nhạc công, và ca đoàn 300 người trẻ.

Thánh lễ đã bắt đầu với nghi thức làm phép lá trước bút tháp giữa quảng trường thánh Phêrô với bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem khai mào cho cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Ngài. Sau đó là nghi thức rước lá với sự tham dự của 450 người trẻ, đại diện cho giáo phận Roma và các giáo phận khác.  Bài đọc một được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Anh, Tin Mừng Thương Khó được đọc và hát bằng tiếng Ý.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã nêu bật gương mặc của Chúa Giêsu Vua Cứu Thế trong hình dạng cụ thể của một người tôi tớ của Thiên Chúa và của loài người, hiện diện nơi tất cả những kẻ khổ đau vì bất cứ lý do gì trên thế giới này.  

Mở đầu bài giảng ngài nói: “Việc cử hành này có hai mùi vị, ngọt ngào và cay đắng, tươi vui và đớn đau, bởi vì trong nó chúng ta cử hành Chúa vào thành Giêrusalem được các môn đệ tung hô như là vua; đồng thời cũng được loan báo trình thuật phúc âm cuộc Khổ Nạn của Ngài. Vì thế con tim chúng ta cảm thấy sự mâu thuẫn đớn đau, và cảm nhận được trong vài phần nhỏ bé nào đó điều Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong con tim của Ngài trong ngày ấy, ngày Ngài vui mừng với các bạn mình và khóc thương trên thành Giêrusalem.

Từ 32 năm qua chiều kích tươi vui của Chúa Nhật này đã được phong phú bởi lễ của người trẻ: đó là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng tại Quảng trường này trong chốc lát nữa đây sẽ sống một lúc ngày càng cảm động hơn có các chân trời rộng mở, với việc người trẻ Cracovia trao Thánh Giá cho người trẻ Panama.

Bài Phúc Âm được công bố trước buổi rước lá (x. Mt 21,1-11) miêu tả Chúa Giêsu xuống núi Cây Dầu trên lưng con lừa con chưa có ai cỡi bao giờ. Nó nêu bật sự hăng say của các môn đệ, đi theo Thầy với các lời tung hô lễ hội. Và thật dễ tưởng tượng điều này lây lan sang các người trẻ của thành phố kết hiệp niềm vui của họ với đám rước như thế nào. Chính Chúa Giêsu thưà nhận trong sự tiếp đón tươi vui ấy một sức mạnh không thể nào ngăn chặn được do Thiên Chúa muốn, và Ngài nói với các người Pharisêu cho đó là gương mù gương xấu: “Tôi nói với các ông rằng, nếu những người này thinh lặng, thì các hòn đá này sẽ kêu lên” (Lc 19,40)”.

ĐTC nói tiếp trong bài giảng thánh lễ: “Nhưng Đức Giêsu mà theo Thánh Kinh, vào Thành Thánh trong kiểu này, không phải là một kẻ mộng mơ gieo vãi các ảo tưởng, một ngôn sứ của “thời mới”, một kẻ bán khói, trái lại Ngài là một Đức Messia được xác định, với gương mặt cụ thể của người tôi tớ, người tôi tớ của Thiên Chúa và của con người đi chịu khổ nạn. Ngài là Người Kiên Nhẫn vĩ đại của nỗi khổ đau của con người.

Như vậy cả chúng ta nữa khi mừng lễ Vua chúng ta, chúng ta nghĩ tới các khổ đau Ngài đã phải chịu trong Tuần này. Chúng ta nghĩ tới các vu khống, các lăng nhục, các cạm bẫy, sự bỏ rơi, việc kết án gian ác, các đánh đập, các đòn vọt, mạo gai… và sau cùng là thập giá cho tới khi bị đóng đanh.

Chính Chúa đã nói rõ ràng cho các môn đệ biết: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Ngài đã không bao giờ hứa danh dự và thành công. Các Phúc Âm nói rõ ràng. Ngài đã luôn luôn báo trước cho các bạn hữu Ngài rằng con đường của Ngài là con đường ấy, và chiến thắng cuối cùng phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá. Và chính điều này cũng có giá trị đối với chúng ta. Để trung thành theo Chúa Giêsu chúng ta hãy xin ơn làm điều đó không phải với lời nói, nhưng với các việc làm, và kiên nhẫn nhận chịu thập giá của chúng ta: không khước từ nó, không vất nó đi, nhưng nhìn Chúa, chấp nhận nó và vác nó mỗi ngày. Đức Giêsu, Đấng chấp nhận được tung hô, dù biết rằng tiếng kêu “đóng đinh nó vào thập giá” đang chờ đợi Ngài, không xin chúng ta chỉ chiêm ngưỡng Ngài trong các bức tranh hay trong các hình chụp, hoặc trong các video lưu hành trên mạng”.

ĐTC nhấn mạnh như sau: Không, Ngài hiện diện nơi biết bao nhiêu anh chị em ngày nay chịu khổ đau như Ngài: họ khổ đau vì một công việc như của nô lệ, họ khổ đau vì các thảm cảnh gia đình, vì tật bệnh… Họ khổ đau vì chiến tranh và khủng bố, vì các lợi lộc di chuyển vũ khí và khiến cho chúng bắt giết. Các người nam nữ bị lừa đảo, bị xúc phạm trong phẩm giá của họ, bị loại bỏ… Chúa Giêsu ở trong họ, trong từng người trong họ và với gương mặt méo mó, với tiếng nói gẫy bể xin được nhìn, được thừa nhận, được yêu thương.

Không phải là một Giêsu khác: nhưng cũng chính là Giêsu đã vào thành Giêrusalem giữa những cành lá chà là và ô liu phất phới. Đó cũng chính là Đấng đã bị đóng đanh vào thập giá và chết giữa hai tên tội phạm. Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Ngài ra: là Đức Giêsu, Vua khiêm hạ của công lý, lòng thương xót và hoà bình”.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Ba Lan, Tầu.

350 Linh Mục đã giứp ĐTC cho hơn 70.000 tín hữu rước lễ

Trưóc khi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu ĐTC đã chào mọi người hiện diện, đặc biệt những ai đã tham dự cuôc gặp gỡ quốc tế chuẩn bị cho công nghị về giới trẻ, do Bộ đặc trách  Giáo dân,  Gia đình và Sự Sống cùng tổ chức với Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài cũng trải dài lời chào này tới giới trẻ quy tụ quanh các Giám Mục sở tại cử hành Ngày Giới Trẻ trong mọi giáo phận trên toàn thế giới. Đây là một chặng khác của cuộc hành hương lớn, đã bắt đầu với thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năm ngoái đã tụ tập chúng ta tại Cracovia và triệu vời chúng ta tại Panama vào tháng giêng năm 2019.

Vì thế trong chốc lát nữa đây người trẻ Ba Lan sẽ trao Thánh Giá của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cho người trẻ Panama, được các Giám Mục và chính quyền sở tại của họ hướng dẫn.

Chúng ta hãy xin Chúa cho Thánh Giá cùng với Ảnh Đức Mẹ sự Cứu rỗi cùa dân Roma, làm cho đức tin và niềm ny vọng tăng trưởng tại những nơi chúng đi qua, bằng cách vén mở cho thấy tình yêu thương vô địch của Chúa Kitô.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Kitô hôm nay bước vào cuộc Khổ Nạn và Đức Trinh Nữ Thánh các nạn nhân của vụ khủng bố ngày thứ sáu vừa qua tại Stockholme, cũng như các nạn nhân còn đang bị thử thách bởi chiến tranh, là tai ương của nhân loại.

Và cả vụ mưu sát rất tiếc xảy ra sáng nay tại Cairo trong một nhà thờ Copte.

Với người anh em thân mến Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Hội Copte, và toàn quốc gia Ai Cập thân yêu tôi xin bẩy tỏ sự chia buồn sâu xa của tôi, tôi cầu nguyện cho các người đã chết và cho các người bị thương, tôi gần gũi vói thân nhân và toàn cộng đoàn. Xin Chúa hoán cải con tim của những người gieo kinh hoàng bạo lực, chết chóc, và cả con tim những người chế tạo và buốn bán vũ khí nữa.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi ngưòi

Linh Tiến Khải (Radio Vatican)

17757307_1240637366044308_8919408139069462604_n

17796791_1240637199377658_1852851229639948435_n

17757133_1240636512711060_2909593213963381450_n

17634848_1240637442710967_4244286380976437114_n

17757080_1240636582711053_2718370751505057561_n

17800484_1240637489377629_5044650458906553229_n

17861681_1240637349377643_6451616292212643214_n

17861851_1240636932711018_2899811475092811394_n

17883751_1240637262710985_121894984540165175_n

17883670_1240637206044324_3848079901149251416_n