Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ Chúa Kitô Vua tại Asti và Kinh Truyền Tin ngày 20.11.2022

0
5

Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ Chúa Kitô Vua tại Asti và Kinh Truyền Tin ngày 20.11.2022

Chiều thứ Bảy, ngày 19 tháng Mười Một vừa qua, lần đầu tiên sau hơn chín năm rưỡi làm Giáo hoàng, Đức Thánh cha Phanxicô đã đến thăm thân nhân của ngài ở làng nguyên quán của thân phụ ngài, làng Portocomaro, có 2.000 dân cư, thuộc tỉnh Asti, miền Piemonte, cách Roma khoảng 400 cây số đường chim bay, về hướng bắc. Cơ hội cho cuộc viếng thăm là dịp sinh nhật thứ 90 của của bà chị họ Carla Rabezzana. Từ làng này, ông bà nội của ngài cùng gia đình di cư sang Argentina năm 1929, và 8 năm sau thân phụ ngài là ông Giuseppe Mario Francesco Bergoglio (1908-1959) mới lập gia đình tại nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Đức Thánh cha kể: “Từ lâu tôi đã muốn trải qua một ít giờ với họ hàng tại nơi gốc gác của gia đình tôi. Trước khi trở thành giáo hoàng, tôi vẫn thường đến miền Astigiano, như thói quen: khi còn làm giám tỉnh dòng Tên ở Argentina, cũng như khi còn làm Tổng giám mục để tham dự Thượng Hội đồng Giám mục, tôi thường ghé miền Piemonte để thăm những người họ hàng của ba tôi. Chúng tôi rất gắn bó với nhau. Tôi cũng thường điện thoại cho bà chị họ Carla. Thứ Bảy, ngày 19 tháng Mười Một này, chúng tôi sẽ gặp lại nhau, cùng với năm người anh em họ khác. Điều này làm cho tôi rất vui mừng”.

Đức Thánh cha đã dành chiều thứ Bảy để viếng thăm thân nhân, sáng Chúa nhật hôm sau, 20 tháng Mười Một, ngài đã cử hành thánh lễ lúc 11 giờ tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Nữ Vương hòa bình của giáo phận Asti, có 147.000 tín hữu Công giáo.

Hiện diện trong thánh đường, có hơn 1.000 tín hữu, và khoảng 4.000 người đã tham dự thánh lễ từ bên ngoài.

Trong số các vị đồng tế với Đức Thánh cha, đặc biệt có Đức giám mục Giáo phận Asti và cha sở giáo xứ Portocomaro, và đông đảo các linh mục trong giáo phận.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, Đức Thánh cha đã quảng diễn bài Tin mừng theo thánh Luca (23,35-43), đọc trong lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ, thuật lại cảnh Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, bị những người lính cười nhạo về bảng án “Vua người Do thái” của Ngài gắn trên thập giá, trong khi những người qua đường dửng dưng nhìn. Chỉ có người trộm lành cùng bị đóng đinh với Chúa tin nhận Ngài và xin Ngài nhớ đến khi vào nước Trời.

Đức Thánh cha ghi nhận sự trái ngược giữa quan niệm chúng ta thường có về một vị vua và thực trạng của Chúa Giêsu được Tin mừng ngày lễ. Ngài nói:

Hình ảnh Chúa Kitô Vua

“Khi nhìn Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng tất cả đều trái ngược [với hình ảnh chúng ta có về vị vua]. Chúa không ngự thoải mái trên ngai vàng, nhưng bị treo trên một khổ giá; Thiên Chúa là Đấng “lật đổ những kẻ cường quyền khỏi ngai cao” (Lc 1,52), nay đang hành động như một tôi tớ bị những kẻ cường quyền treo vào thập tự; Ngài chỉ được trang điểm bằng những đinh sắt và mạo gai, bị trần trụi mọi sự nhưng giàu tình thương, từ ngai thập giá, Ngài không còn giảng dạy đám đông bằng lời nói nữa, không còn giơ tay để dạy dỗ. Nhưng Ngài làm hơn thế nữa: Ngài không chỉ tay chống lại ai, nhưng mở rộng đôi tay cho tất cả mọi người. Vua của chúng ta tự biểu lộ như thế: đôi cánh tay mở rộng. Chỉ khi nào vào trong vòng tay của Chúa, chúng ta mới hiểu rằng Thiên Chúa đi tới mức độ đó, tới sự nghịch lý của thập giá, để ôm lấy tất cả chúng ta, đón nhận cả cái chết, đau khổ, sự nghèo hèn, và mong manh yếu đuối của chúng ta. Chúa trở nên người tôi tớ để mỗi người chúng ta được cảm thấy mình là con cái…”

Thái độ chúng ta đối với Vua Vũ Trụ

Đức Thánh cha mời gọi mọi người tự đặt câu hỏi: “Vị Vua Vũ Trụ này có phải là Vua trong cuộc sống của tôi hay không? Làm sao tôi có thể tôn kính Chúa tể của mọi sự, nếu Ngài không trở thành Chúa tể đời sống tôi?”

Theo hướng đi đó, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy đón nhận tình thương của Chúa, để có thể được giải thoát khỏi sự nô lệ cái tôi, khỏi sự sợ hãi cô đơn, khỏi nghĩ rằng mình sẽ không thành công: “Anh chị em, chúng ta hãy đặt mình trước Đấng Chịu Đóng Đinh, và để cho mình được yêu thương, vì đôi cánh tay rộng mở của Chúa cũng mở ra cho chúng ta thiên đàng, như người trộm lành.”

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Bài Tin mừng hôm nay đề nghị cho chúng ta hai con đường trước mặt: đứng trước Chúa Giêsu, có người hành động như khán giả, nhưng cũng có người dấn thân, can dự. Đa số là những khán giả, nhìn Chúa từ xa xa, không tự hỏi mình có thể làm gì. Họ nói: “Nếu ông là vua thì hãy tự cứu mình đi!” (vv.35.37.39). “Hãy tự cứu mình đi!”, đó chính là điều trái ngược với điều Chúa Giêsu đang làm. Ngài không nghĩ đến mình, nhưng nghĩ đến việc cứu vớt họ. Nhưng thái độ “Hãy cứu chính mình đi” là một làn sóng lan lây sang mọi người. Đó là làm sóng lan tràn, được tỏa lan qua sự dửng dưng, vì những người ấy nói về Chúa Giêsu mà không hòa hợp một lúc nào với Chúa Giêsu. Đó là một sự lan lây dửng dưng làm chết người. Làn sóng sự án luôn lan lây như thế. Nó bắt đầu bằng sự xa cách, nhìn xem mà không làm gì, không chăm sóc, rồi chỉ nghĩ đến điều mình quan tâm, quen quay nhìn sang hướng khác. Đó cũng là một nguy cơ đối với đức tin của chúng ta, đức tin suy tàn nếu nó chỉ là một lý thuyết mà không trở thành thực hành, nếu không có sự can dự, không dấn thân.

Người trộm lành

Đối ngược với những người trên đây là người trộm lành. Đức Thánh cha nói: “Ông ta cầu xin Chúa Giêsu “xin hãy nhớ đến con” (v..42). Thế là một kẻ bất lương trở thành vị thánh đầu tiên: ông ta trở nên gần gũi với Chúa Giêsu trong giây lát và Chúa giữ ông lại bên Ngài mãi mãi. Tin mừng nói về người trộm lành cho chúng ta để mời gọi chúng ta chiến thắng sự ác bằng cách ngưng làm khán giả. Bắt đầu bằng sự tín thác, kêu cầu đích danh Thiên Chúa, như người trộm lành đã làm.

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em, ngày hôm nay Vua chúng ta ở trên thập giá nhìn chúng ta với đôi vòng tay rộng mở. Chúng ta cần chọn lựa: một là làm khán giả, hai là dấn thân can dự. Ngày hôm nay, chúng ta thấy khủng hoảng, đức tin sa sút, thiếu sự tham gia. Phải chăng chúng ta chỉ đưa ra những lý thuyết, hay là chúng ta xắn tay áo, nắm bắt cuộc sống, tiến từ thái độ tránh né, biện minh, tới thái độ cầu nguyện và phục vụ. Tất cả chúng ta biết điều gì không ổn trong xã hội, trên thế giới, và cả trong Giáo hội, nhưng rồi chúng ta làm gì? Chúng ta có dấn thân như Chúa chúng ta bị đóng đanh trên thập giá hay không, hay chúng ta im lìm bất động? Ngày hôm nay, trong khi Chúa Giêsu, bị trơ trụi trên thập giá, vén mọi tấm màn che Thiên Chúa, và phá hủy mọi hình ảnh sai trái về vương quyền của Ngài, chúng ta hãy nhìn lên Chúa để tìm được can đảm nhìn chính bản thân, đi theo những con đường tín thác và cầu khẩn, trở nên tôi tớ để hiển trị với Chúa”.

Kinh Truyền tin

Cuối thánh lễ lúc 12 giờ 20, Đức Thánh cha đọc kinh Truyền tin với mọi người. Ngài cám ơn giáo phận, tỉnh và thành phố Asti về sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ngài, cám ơn chính quyền và giáo quyền vì những chuẩn bị để cuộc viếng thăm của ngài có thể tiến hành được. Đức Thánh cha nói thêm rằng:

“Tôi đặc biệt thân ái nghĩ đến các bạn trẻ, cám ơn các bạn đã đến đây đông đảo hôm nay! Từ năm ngoái, đúng vào Lễ Chúa Kitô Vua, trong các giáo phận địa phương có cử hành Ngày Quốc tế Giới trẻ. Đề tài cho ngày này cũng là đề tài Ngày Quốc tế Giới trẻ tới đây ở Lisboa, Bồ Đào Nha, mà tôi lập lại lời mời tham dự. Đề tài đó là: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1.39). Đức Mẹ đã làm điều đó khi còn trẻ, và nói với chúng ta rằng bí quyết để tiếp tục trẻ trung là ở hai động từ này: đứng dậy và ra đi.

Đứng dậy và ra đi: không đứng yên để nghĩ đến bản thân, phí phạm cuộc đời trong việc theo đuổi các tiện nghi hoặc thời trang mới nhất, nhưng hướng lên cao, lên đường, ra khỏi những sợ hãi của mình để giơ tay ra cho người đang cần. Và ngày hôm nay, đang cần có những người trẻ thực sự dấn thân, không xu thời, không làm nô lệ cho điện thoại di động, nhưng thay đổi thế giới như Mẹ Maria, mang Chúa Giêsu cho tha nhân, chăm sóc những người khác, xây dựng những cộng đoàn huynh đệ cùng với những người khác, thực hiện những giấc mơ hòa bình!

Đức Thánh cha nói thêm rằng: Thời đại chúng ta đang sống đang chịu nạn “hạn hán hòa bình”: Chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu nơi trên thế giới đang chịu tai ương chiến tranh, đặc biệt tại Ucraina đau thương. Chúng ta hãy cố gắng và tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình! Và bây giờ chúng ta khẩn cầu Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa bình, danh hiệu của nhà thờ chính tòa đẹp đẽ này. Tôi phó thác cho Mẹ các gia đình của anh chị em, những người bệnh và mỗi người trong anh chị em, với những lo lắng và những ý nguyện anh chị em đang mang trong tâm hồn.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha đã về Tòa giám mục Asti để dùng bữa trưa và lúc 4 giờ chiều. Ngài đến sân vận động thành phố để đáp trực thăng trở về Vatican.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

nguồn: vietnamese.rvasia.org

#kinhtruyentin #dtcdanglechuakitovua