Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục Amazzonia

0
35

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục Amazzonia

Sau 3 tuần lễ tiến hành khẩn trương tại Vatican, Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt về miền Amazzonia đã được bế mạc trọng thể với thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại đền thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng Chúa nhật, ngày 27/10/2019. Công nghị Giám mục này có chủ đề là “Amazzonia – những con đường mới cho Giáo Hội và nền sinh thái học toàn diện”.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có 25 Hồng y, 135 Giám mục và 95 linh mục, là những vị trực tiếp tham dự Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu, trong đó 95 nữ tu và giáo dân tham dự Công nghị được dành chỗ riêng.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã dựa vào các bài đọc và nêu bật thái độ của 3 nhân vật được nhắc đến trong đó để rút ra cho các tín hữu những bài học cụ thể về cách cầu nguyện. Ngài nói: “Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta cầu nguyện qua 3 nhân vật: trong dụ ngôn của Chúa Giêsu người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện, và trong bài đọc thứ I có nói về kinh nguyện của người nghèo.

Người biệt phái

Kinh nguyện của người biệt phái bắt đầu thế này: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa”. Đó là một sự khởi đầu rất đúng, vì kinh nguyện đẹp nhất là kinh nguyện cảm tạ và ngợi khen. Nhưng ngay sau đó chúng ta thấy lý do người biệt phái cảm tạ: “vì con không giống như những người khác” (Lc 18,11). Và ông ta giải thích lý do: mỗi tuần ông ăn chay hai lần, trong khi luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần; trả thuế thập phân trên tất cả những gì ông ta có, trong khi luật chỉ buộc nộp 10% những sản phẩm quan trọng nhất (Xc. Đnl 14,22). Tóm lại, ông ta tự hào vì chu toàn tốt đẹp nhất những giới luật đặc thù. Nhưng ông quên giới luật cao trọng nhất là mến Chúa và yêu người (Xc. Mt 22,36-40). Rất tự tin về khả năng tuân giữ các giới răn, về những công trạng và nhân đức của mình, nên ông chỉ tập trung vào mình. Không có tình yêu trong đó. Nhưng cả những điều tốt đẹp nhất mà không có tình yêu, thì chẳng giúp ích gì, như thánh Phaolô đã nói (Xc. 1 Cr 13). Và không có tình yêu, thì kết quả ra sao? Thưa kết quả là, thay vì cầu nguyện, ông ta ca ngợi chính mình. Thực vậy, ông chẳng xin Chúa điều gì vì ông không cảm thấy cần hoặc bị mắc nợ, nhưng đang là chủ nợ. Ông ở trong đền thờ của Thiên Chúa, nhưng lại thi hành đạo thờ cái tôi của mình.

Người biệt phái coi rẻ tha nhân

Và ngoài Thiên Chúa, ông còn quên tha nhân, hay đúng hơn ông coi rẻ họ: nghĩa là, người khác chẳng có giá trị gì. Ông coi mình tốt lành hơn những người khác, mà ông gọi là “những người kia” (“loipoi”, Lc 18,11). Nghĩa là “những người còn lại”, những người bị gạt ra xa. Bao nhiêu lần chúng ta thấy thái độ như thế trong cuộc sống và trong lịch sử! Bao nhiêu lần những người đứng đàng trước, như người biệt phái đối với người thu thuế, người ta dựng lên những bức tường để gia tăng sự xa cách, làm cho người khác càng bị gạt bỏ. Hoặc coi người khác là những người chậm tiến và ít có giá tri, coi rẻ những truyền thống của họ, xóa bỏ lịch sử của họ, chiếm đóng lãnh thổ và tước đoạt của cải của họ. Bao nhiêu tự phụ coi mình cao trọng hơn, biến thành những cuộc đàn áp và bóc lột, cả ngày nay cũng thế! Những sai lầm quá khứ không đủ để ngưng nạn cướp bóc của người khác và gây ra những vết thương cho những anh chị em chúng ta và cho trái đất là chị chúng ta: chúng ta đã thấy điều đó trong khuôn mặt bị thương tích của miền Amazzonia. Đạo thờ cái tôi tiếp tục, giả hình với những nghi thức và “kinh nguyện” của mình, mà quên việc phụng thờ đích thực đối với Thiên Chúa, việc thờ phượng này luôn tiến qua lòng yêu thương tha nhân. Cả các tín hữu Kitô cầu nguyện và đi lễ Chúa nhật cũng theo đạo thờ cái tôi. Chúng ta có thể nhìn vào nội tâm mình và xét xem, đối với chúng ta, có ai là kẻ thấp kém, đáng gạt bỏ hay không, cho dù là bằng lời nói. Chúng ta hãy cầu xin ơn đừng coi mình cao trọng, đừng tưởng mình được mọi sự xuôi xắn, đừng có thái độ “sống chết mặc bay” và chế nhạo. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu chữa lành chúng ta khỏi tật nói xấu và than phiền về người khác, coi rẻ tha nhân: đó là những điều làm mất lòng Chúa.

Kinh nguyện của người thu thuế

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Trái lại kinh nguyện của người thu thuế giúp chúng ta hiểu điều gì làm đẹp lòng Chúa. Người thu thuế không bắt đầu bằng những công trạng của mình nhưng bằng những thiếu sót của bản thân; không bắt đầu bằng sự giàu sang của mình, nhưng bằng sự nghèo khó: không phải nghèo về kinh tế – người thu thuế giàu có và thu lợi bất chính, gây hại cho những người đồng hương – nhưng là nghèo nàn về cuộc sống, vì trong tội lỗi, ta không bao giờ có thể sống an vui. Người ấy nhìn nhận mình nghèo hèn trước mặt Thiên Chúa và Chúa lắng nghe lời cầu của họ – chỉ có bảy lời nhưng là những thái độ chân thật-. Thực vậy, trong khi người biệt phái đứng thẳng (Xc v.11), thì người thu thế đứng đàng xa và “không dám ngước mặt lên nhìn trời”, vì ông tin rằng có Trời và Trời cao trọng trong khi ông cảm thấy mình bé nhỏ. Và “ông đấm ngực” (Xc v.13), vì trong ngực có con tim. Kinh nguyện của ông nảy sinh từ con tim, trái tim trong sáng: đặt tâm hồn trước mặt Chúa, chứ không phải chỉ đặt những vẻ bề ngoài. Cầu nguyện là để cho mình được Thiên Chúa nhìn từ bên trong, không giả hình giả bộ, không biện minh cho mình. Vì thái độ đen tối và giả dối đến từ ma quỉ, còn ánh sáng và sự thật đến từ Thiên Chúa.

Các nghị phụ và nghị huynh quý mến, thật là đẹp và tôi biết ơn vì trong những tuần lễ này được đối thoại chân thành và thẳng thắn, đặt trước Thiên Chúa và anh em những cơ cực và hy vọng.

Bài học từ thái độ người thu thuế

“Ngày hôm nay, khi nhìn người thu thế, chúng ta khám phá thấy phải tái khởi hành từ đâu: từ xác tín tất cả chúng ta đều cần ơn cứu độ. Đó là bước đầu tiên của đạo thờ Thiên Chúa, Đấng là lòng thương xót đối với những người nhìn nhận mình là người lầm than. Trái lại, căn cội của mọi sai lầm tinh thần, như các đan sĩ xưa kia đã dạy, chính là sự tưởng mình là công chính. Coi mình là công chính là bỏ Thiên Chúa ra ngoài nhà dù Ngài là Đấng công chính duy nhất. Thái độ khởi hành này rất quan trọng đến độ Chúa Giêsu chứng tỏ qua một sự đối chiếu hai thái độ trái ngược, đặt trong dụ ngôn người đạo đức và sùng mộ nhất thời ấy, người biệt phái, với người tội lỗi công khai, người thu thuế. Và phán đoán được đảo ngược lại: ai tài giỏi, đạo đức, nhưng tự phụ thì thất bại; ai thất bại đau thương nhưng khiêm tốn thì được Thiên Chúa nâng cao. Nếu chúng ta chân thành nhìn vào nội tâm, chúng ta thấy nơi mình có cả hai, người thu thuế và người biệt phái. Chúng ta giống người thu thuế một ít vì là người tội lỗi, nhưng chúng ta cũng giống người biệt phái phần nào vì tự phụ, có khả năng biện minh cho bản thân, vô địch trong sự biện hộ khéo léo! Với người khác thì thái độ ấy thường thành công, nhưng với Thiên Chúa thì không. Chúng ta hãy cầu xin ơn cảm thấy mình cần lòng thương xót, nghèo hèn trong nội tâm. Để được như vậy, việc lui tới với những người nghèo cũng là điều tốt, nhắc nhở cho chúng ta mình là những người nghèo hèn, để chúng ta nhớ rằng chỉ trong bầu không khí nghèo hèn nội tâm ơn cứu độ của Thiên Chúa mới tác động.

Kinh nguyện của người nghèo

Bây giờ chúng ta đi tới kinh nguyện của người nghèo nàn. Sách Huấn Ca nói, kinh nguyện này “lên tới các tầng mây” (35,21). Trong khi kinh nguyện của người tự phụ là công chính nằm lỳ dưới đất, bị trọng lực của tính ích kỷ đè bẹp, thì kinh nguyện của người nghèo hèn bay thẳng lên tới Thiên Chúa. Cảm thức đức tin của Dân Chúa đã nhìn thấy nơi những người nghèo là “những người giữ Cửa Trời”: chính họ mở toang cho chúng ta những cánh cửa của đời sống vĩnh cửu, họ không coi mình là chủ nhân trong đời sống này, không đặt mình trước người khác, và chỉ có sự phong phú nơi Thiên Chúa. Họ là hình ảnh sinh động về lời ngôn sứ Kitô.

Kết luận của Đức Thánh Cha

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Trong Thượng Hội đồng Giám mục này chúng ta đã được ơn lắng nghe những tiếng nói của người nghèo và suy tư về cuộc sống bấp bênh của họ bị đe dọa vì những kiểu mẫu phát triển bóc lột. Nhưng chính trong tình trạng ấy, nhiều người đã chứng tỏ cho chúng ta rằng có thể nhìn thực tại một cách khác, bằng cách mở rộng vòng tay đón nhận như một hồng ân, ở trong thiên nhiên không phải như phương tiện cần khai thác, nhưng như một căn nhà cần bảo tồn, trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Ngài là người Cha và Ngài lắng nghe kinh nguyện của người bị áp bức” như sách Huấn Ca đã nói (v.16). Bao nhiêu lần, cả trong Giáo Hội, những tiếng nói của người nghèo không được lắng nghe và nhiều khi còn bị chế nhạo hoặc bị buộc phải im bặt vì gây phiền toái. Chúng hãy cầu xin ơn biết lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo: đó là tiếng kêu hy vọng của Giáo Hội. Khi biến tiếng kêu đó thành của mình, thì cả kinh nguyện của chúng ta cũng lên tới các tầng mây.

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục Amazzonia kết thúc lúc gần 11 giờ rưỡi trưa 27/10/209.

G. Trần Đức Anh, O.P.