Đức Phanxicô đến thăm Đức Bênêđictô trước mỗi chuyến đi

0
37

Trước mỗi chuyến tông du quốc tế, Đức Giáo hoàng Phanxicô đến thăm Đức Bênêđictô XVI, theo tiết lộ của một tổng giám mục cốt cán, cho biết mối quan hệ tốt đẹp giữa hai giáo hoàng, và cách Đức Phanxicô tiếp tục nhãn tượng của Đức Bênêđictô.

francis-benedictxvi.jpg

Tổng Giám mục George Gaenswein, chủ tịch Điện Giáo hoàng, vừa trả lời phỏng vấn với Kath.net hãng thông tấn Công giáo Áo.

Đức cha Gaenswein đến Freibourg để dẫn đoàn hành hương tại đền thánh Lautenbach, trong vùng Oberkirch, cũng là nơi mà đức cha nhận giáo xứ đầu tiên trong đời linh mục.

Khi được hỏi về ‘hai giáo hoàng’, đức cha Gaenswein nhấn mạnh rằng ‘chỉ có một giáo hoàng,’ rồi cho biết bản thân ngài làm việc như ‘cầu nối’ giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Bênêđictô, vừa là chủ tịch Điện Giáo hoàng vừa là thư ký riêng của Đức Bênêđictô.

‘Tôi sống với Đức Bênêđictô, tôi thường xuyên gặp ngài vào buổi ăn sáng, và các buổi tối … Nên tôi làm việc như một chiếc cầu, khi hai ngài muốn trao đổi tin nhắn, gọi điện cho nhau, hay muốn gặp nhau.’

‘Thường xuyên, Đức Giáo hoàng Phanxicô có chuyến thăm Đức Bênêđictô trước mọi chuyến công du quốc tế,’ và điều này trở thành kiểu như thông lệ như việc đến cầu nguyện ở Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.

Tổng Giám mục Gaenswein bác bỏ bất kỳ sự so sánh nào giữa Đức Bênêđictô và Đức Giáo hoàng Phanxicô, ‘Đức Giáo hoàng không phải là người kế nhiệm vị tiền nhiệm của mình, nhưng là kế vị thánh Phêrô,’ vậy nên sự khác biệt về cá tính giữa các ngài là chuyện bình thường.

‘So sánh Đức Piô XII với người kế nhiệm là Đức Gioan XXIII, thì thật như so sánh ngày với đêm. Và Đức Phaolô VI với Đức Gioan Phaolô II cũng rất khác nhau.’

Tổng Giám mục Gaenswein cũng nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô đang theo đường hướng giống như trong bài diễn văn của Đức Bênêđictô XVI tại Freibourg, tháng chín 2011.

Trong bài diễn văn đó, Đức Bênêđictô XVI nói về ‘khuynh hướng trở nên tự mãn, gắn chặt với thế gian, trở nên tự đủ và chìu theo các tiêu chuấn của thế gian, và khuynh hướng này có trong Giáo hội’. Ngài nhấn mạnh rằng, ‘không phải hiếm khi, Giáo hội xem trọng các tổ chức và thể chế hơn là ơn gọi của mình là hướng về Thiên Chúa của mình, mở ra hướng về tha nhân.’

Các vấn đề này là những chủ đề lặp đi lặp lại, trong các bài giảng của Đức Phanxicô.

Trong buổi gặp các giám mục Hàn Quốc, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh, ‘một chứng tá ngôn sứ cho Tin mừng là một thách thức đặc biệt cho Giáo hội Hàn Quốc, bởi một xã hội thịnh vượng, nhưng ngày càng thế tục hóa và duy vật hóa, dễ cám dỗ các mục tử chạy theo một lối sống và tinh thần thiên về các tiêu chuẩn thành công của trần gian, và cả quyền lực nữa, hơn là theo các tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đặt ra trong Tin mừng.’

Đức Phanxicô kế thừa cuộc tìm kiếm một Giáo hội bớt trần gian hơn, và bây giờ cuộc tìm kiếm đó đang lan tỏa khắp Giáo triều.

Tổng Giám mục Gaenswein giải thích rằng, ‘Giáo triều là một cuộc cải tổ sống động, đúng như ý nghĩa của mình. Những người ở bên trong biết Giáo triều tốt hơn những gì người ta đồn đại. Giáo triều Roma có từ xưa, không một thế kỷ nào trôi qua mà không có cải tổ cơ cấu, và điều này một phần là do các kiến nghị nội bộ, một phần là do kiến nghị bên ngoài.’

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ CAN, phanxico.vn 20.02.2016)