Đức Phanxicô: Cần hoàn cải con tim để thực sự trong sạch

0
30

Việc tuân giữ từng chữ các điều luật là một cái gì vô bổ, nếu nó không biến đổi trái tim và không diễn tả ra bằng các thái độ cụ thể: rộng mở cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và Lời Ngài, tìm kiếm công lý và hòa bình, cứu giúp người nghèo, người yếu đuối và bị áp bức.

PopeFrancis-30Aug2015-8.jpg

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi đọc Kiinh  Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30-8-2015

PopeFrancis-30Aug2015-2.jpg

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và vài người Pharisêu và ký lục, liên quan tới giá trị “truyền thống của người xưa” (Mc 7,3) mà Giêsu, trích lời ngôn sứ Isaia, định nghĩa là “luật của loài người” (c.7) và chúng không đuợc chiếm chỗ “giới răn của Thiên  Chúa” (c. 8). Các điều luật cũ ở đây không chỉ bao gồm các điều luật Thiên  Chúa mạc khải cho ông Môshê, mà cũng là một chuỗi các câu nói minh giải các chỉ dẫn của luật lệ Môshê nữa. Các người đối thoại áp dụng các điều lệ ấy một cách khá chi li, và trình bầy chúng như là các diễn tả lòng đạo dức đích thật. Chính vì thế họ quở trách Chúa Giêsu và các môn đệ Người là vi phạm chúng, đặc biệt là các điều luật liên quan tới việc thanh tẩy bề ngoài của thân xác. Câu trả lời của Chúa Giêsu có sức mạnh của một lời ngôn sứ: “Các ông tuân giữ truyền thống của người phàm mà lại lơ là giới răn của Thiên Chúa” (Mc 7,8). Chúng là các lời khiến cho chúng ta khâm phục vị Thầy của chúng ta: chúng ta cảm thấy rằng nơi Người có chân lý và sự khôn ngoan giải thoát chúng ta khỏi các thành kiến. Nhưng ĐTC cảnh cáo tín hữu như sau:

PopeFrancis-30Aug2015-6.jpg

Nhưng hãy coi chừng! Với các lời này Chúa Giêsu muôn cảnh báo cả chúng ta ngày nay nữa, đừng cho rằng việc tuân giữ luật lệ bề ngoài là đủ để là các kitô hữu tốt. Cũng như xưa kia đối với người Pharisêu, ngày nay đối với chúng ta cũng có nguy cơ cho mình là yên ổn rồi, hay tệ hơn nữa, coi mình là tốt lành hơn những người khác, chỉ vì tuân giữ các luật lệ, các thói quen, cả khi chúng ta không yêu tha nhân, có trái tim cứng cỏi, vênh váo và kiêu căng. Việc tuân giữ từng chữ các điều luật là một cái gì vô bổ, nếu nó không biến đổi trái tim và không diễn tả ra bằng các thái độ cụ thể: rộng mở cho cuộc gặp gỡ với Thiên  Chúa và Lời Ngài trong việc cầu nguyện, tìm kiếm công lý và hòa bình, cứu giúp người nghèo khổ, người yếu đuối và bị áp bức. Chúng ta tất cả đều biết, trong các cộng đoàn, các giáo xứ, các khu phố của chúng ta, họ làm hại biết bao cho Giáo Hội và gây gương mù gương xấu, những người nói rằng họ là tin hữu rất công giáo và thường đi nhà thờ, nhưng sáu đó trong cuộc sống thường ngày họ lơ là với gia đình, nói xấu các người khác vv… Đó là điều Chúa Giêsu lên án, bởi vì nó là một phản chứng kitô.

PopeFrancis-30Aug2015-4.jpg

Tiếp tục lời khích lệ của ngài, Chúa Giêsu tập trung chú ý trên một khiá cạnh sâu xa hơn và khẳng định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được. Nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (c. 15). Trong cách đó Người nhấn mạnh quyền tối thượng của nội tâm, nghĩa là quyền tối thượng của con tim; không phải những gì ở bên ngoài khiến cho chúng ta thánh hay không thánh, nhưng chính con tim diễn tả các ý hướng, các lựa chọn của chúng ta và uớc muốn làm tất cả mọi sự vì tình yêu Chúa. Các thái độ bề ngoài là là hậu quả của những gì chúng ta đã quyết định trong tim, chứ không phải điều ngược lại: với thái độ bề ngoài nếu trái tim không thay đổi, thì chúng ta không phải là các kitô hữu đích thực.  ĐTC quảng diễm thêm điểm này như sau:

PopeFrancis-30Aug2015-5.jpg

Ranh giới của thiện ác không đi qua bên ngoài chúng ta nhưng đúng hơn là đi qua bên trong lương tâm của chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: con tim của tôi ở đâu? Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của con ở đâu, thì trái tim của con ở đó” Kho tàng của tôi là gì? Có phải là Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài không? Khi đó con tim tốt. Hay kho tàng là một cái gì khác?

Vì thế chính con tim phải được thanh tẩy và hoán cải. Khi không có một con tim được thanh tẩy, thì cũng không thể có các bàn tay thực sự sạch sẽ và miệng lưỡi nói lên các lời chân thành của tình yêu – mọi sự đều hai mặt, một cuộc sống hai mặt – miệng lưỡi nói lên các lời của lòng thương xót và tha thứ. Điều này chỉ có con tim chân thành và được thanh tẩy mới làm được thôi.

Chúng ta hãy xin Chúa, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Thánh, ban cho chúng ta một con tim trong sạch, tự do khỏi mọi giả hình. Đó là tính từ Chúa Giêsu nói với các người Pharisêu: “giả hình”, bởi vì họ nói một điều nhưng làm một điều khác. Một con tim tự do khỏi sự giả hình, như thế chúng ta có thể sống theo tinh thần của luật lệ và đạt tới mục đích của nó là tình yêu.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu tái kêu gọi cầu nguyện cho các kitô hữu Trung Đông và xin các giới hữu trách quốc tế tìm giải pháp chấm dứt các bách hại chống kitô hữu. Ngài nói: Hôm qua tại Harissa bên Libăng, Giám Mục công giáo siro Flaviano Michele Melki, tử đạo đã được công bố là chân phước. Trong bối cảnh của một cuộc bách hại kinh khủng chống lại các kitô hữu, Đức Cha đã là người không mỏi mệt bảo vệ các quyền của dân tộc người, bằng cách khích lệ tất cả kiên vững trong đức tin. Cả ngày nay nữa, anh chị em thân mến, bên Trung Đông và tại nhiều nơi khác trên thế giới các kitô hữu cũng bị bách hại. Có nhiều người tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Ước chi việc phong chân phước cho vị Giám Mục tử đạo đổ tràn đầy trên họ sự an ủi, lòng can đảm và niềm hy vọng, nhưng cũng là sự khích lệ cho các nhà lập pháp và các người cầm quyền để cho tự do tôn giáo được tôn trọng ở bất cứ đâu. Và tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế làm cái gì đó để chấm dứt các bạo lực và đàn áp.

Rất tiếc trong những ngày qua có nhiều người di cư đã mất mạng sống trong các cuộc du hành kinh khủng. Tôi cầu nguyện cho tất cả các anh chị em đó và tôi mời anh chị em cầu nguyện cho họ. Cách riêng tôi hiệp ý với ĐHY Schoenborn hôm nay hiện diện ở đây và toàn thể Giáo Hội tại Áo, cầu nguyện cho 71 nạn nhân, trong đó có 4 trẻ em, bị chết trong một chiếc xe chở hàng trên xa lộ Budapest Vienne.  Chúng ta hãy phó thác từng nạn nhân một cho lòng thương xót của Thiên Chúa và xin Ngài trợ giúp chúng ta cộng tác hữu hiệu để ngăn cản các tội phạm này xúc phạm đến toàn gia đình nhân loại. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho tất cả các người di cư và những người đã thiệt mạng.

Tiếp đến ĐTC đã chào nhiều nhóm hành hương khác nhau, đặc biệt là các tín hữu Croazia, các hướng đạo sinh Bồ Đào Nha, giới trẻ giáo phận Vicenza, Rovato và trẻ em hai tỉnh Salzano và Arconate. Ngài chúc tất cả ngày Chúa Nhật an lành và xin mọi người đừng quên ngài trong lời cầu nguyện.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 31.08.2015)