ĐỨC HỒNG Y JEAN-CLAUDE HOLLERICH:
THƯỢNG HỘI ĐỒNG KHÔNG PHẢI LÀ VATICAN III
WHĐ (22.07.2023) – Hôm 30.06 vừa qua, cùng với Đưc Hồng y Mario Grech, Tổng thư ký, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã gặp và nhận từ Đức Thánh Cha Phanxicô bản danh sách tên của 363 tham dự viên Đại hội Thượng Hội đồng sẽ khai mạc tại Roma vào ngày mồng 4. 10 tới đây.
Với tư cách là Tổng Tường trình viên, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich sẽ có vai trò quan trọng đối với Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành. Cụ thể, trong Khoá họp thứ nhất vào tháng 10. 2023, trước hết, Đức Hồng y Hollerich sẽ có bài phát biểu trước Đại hội toàn thể vào ngày mồng 05.10; tiếp đến, ngài sẽ phát biểu khi bắt đầu cuộc thảo luận về từng phần trong Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris). Ngoài ra, ngài cũng sẽ chủ trì việc soạn thảo bản văn tập hợp các thành quả của khoá họp này, và khởi động công việc cho khoá họp thứ hai vào tháng 10.2024.
Nhân dịp này, vào chiều ngày 30.06, phóng viên Gerard O’Connell đã có buổi phỏng vấn độc quyền trong hơn một giờ đồng hồ bằng tiếng Anh với Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich (ĐHY) tại trụ sở trung ương của Dòng Tên ở Rôma. Dưới đây là những điểm nổi bật của buổi phỏng vấn này.
Sự quan tâm của Đức Thánh Cha dành cho Thượng Hội đồng về hiệp hành
Khi bắt đầu buổi phỏng vấn, ĐHY cho biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi sát sao toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng. Ngài nói:
Thật vui biết bao khi thấy Đức Thánh Cha hết sức quan tâm theo dõi Thượng Hội đồng. Đức Thánh Cha đã đọc mọi thứ; ngài tham gia rất nhiều, và biết về tất cả các chi tiết.
ĐHY cũng thừa nhận rằng, đôi khi chính bản thân ngài đã lo ngại rằng tiến trình Thượng Hội đồng có thể không đi đến đâu, “nhưng rồi tôi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn chúng ta ra sao” trong 2 giai đoạn đầu tiên của tiến trình Thượng Hội đồng – giai đoạn lắng nghe ở cấp giáo phận và quốc gia (2021-22) và giai đoạn châu lục (2023).
Thật đáng kinh ngạc với những gì đã được thực hiện trong một thời gian ngắn như vậy, và tất cả những người tham gia vào tiến trình này đều cảm thấy mình là một phần của tiến trình ra sao, và còn hạnh phúc hơn nữa khi, với tư cách là người Công giáo, là Kitô hữu, họ cảm thấy hiệp thông hơn không chỉ với nhau mà còn với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Đối với tôi, đây là một dấu chỉ thực sự. Và điều này mạnh mẽ hơn những lo lắng mà tôi có lúc ban đầu.
ĐHY đã tham dự các Đại hội châu lục của Châu Âu ở Praha, của Châu Á ở Bangkok, của Châu Phi ở Addis Ababa, và của Châu Mỹ Latinh ở Bogotá. Ngài không thể tham dự Đại hội của Châu Đại Dương ở Suva, Fiji, vì trùng với Đại hội của Châu Âu. Tuy nhiên, Sơ Nathalie Becquart, X.M.C.J., phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng, và Đức Cha người Úc, Timothy Costelloe, người mà ĐHY gọi là “một trong những cộng tác viên thân cận của chúng tôi”, đã tham dự Đại hội và tường thuật cho ngài về những gì đã xảy ra. Theo ĐHY,
Tôi cảm thấy mình phải có mặt tại các Đại hội cấp Châu lục và lắng nghe dân Chúa. Điều quan trọng là phải nghe những tiếng nói khác nhau, để mang lại công lý cho mọi người; nếu không, sẽ có nguy cơ là bạn có khái niệm của riêng mình và bạn cố để thúc đẩy thông qua điều đó. Vì vậy, với tư cách là tường trình viên, bạn phải lắng nghe mọi người, lắng nghe dân Chúa và lắng nghe các châu lục khác nhau.
Suy tư về những Đại hội này, ngài cho biết:
Tôi thấy rất nhiều người trên khắp thế giới đến với nhau, cầu nguyện và bước ra với cùng một cảm nghĩ. Đối với tôi, điều đó thật tuyệt vời. Tôi -chúng tôi – có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Vì vậy, tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta trên hành trình hiệp hành này.
ĐHY đã báo cáo mọi việc với Đức Thánh Cha, và từ cuộc trao đổi với Đức Thánh Cha, ĐHY đưa ra kết luận: “Tôi nghĩ Đức Thánh Cha Phanxicô rất tự tin…. Nhưng ngài không tự tin thái quá, có nghĩa là ngài cũng nhìn thấy những khó khăn… mọi sự như đều được khuấy động lên”.
Những bước phát triển mới trong tính hiệp hành Công giáo
ĐHY đồng ý rằng Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành rất khác so với bất kỳ Thượng Hội đồng Giám mục nào khác kể từ khi Đức Phaolô VI lần đầu tiên thiết lập vào ngày 15. 09.1965, theo yêu cầu của Công đồng Vatican II (1962-1965). ĐHY nhận xét, “Đây thực là một sự phát triển, chính Đức Phaolô VI đã chỉ ra rằng có thể có sự phát triển hơn nữa trong tính hiệp hành”.
Theo ĐHY, kể từ khi Đức Phanxicô trở thành giáo hoàng, “bạn thấy một sự phát triển trong tất cả các Thượng Hội đồng” xét về các cuộc thỉnh vấn trước cuộc họp Thượng Hội đồng. Tại Thượng Hội đồng về Gia đình (2014-15), “có một số vấn đề vẫn còn rất phức tạp để mọi người hiểu được”. Đối với Thượng Hội đồng về Giới trẻ (2018), “Đã có một tiền-Thượng Hội đồng về giới trẻ, và rất nhiều điều những người trẻ nói lên đã được đưa vào tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng”. Sau đó, đối với Thượng Hội đồng về lưu vực Amazon (2019), “bạn đã có REPAM [Mạng lưới Giáo hội vùng Amazon] và một mạng lưới chuẩn bị toàn thể”. Và hiện nay, đối với Thượng Hội đồng này, “một bước nữa đã được thực hiện; đã có cả một tiến trình là một phần của Thượng Hội đồng, và Thượng Hội đồng Giám mục sẽ được tổ chức vào tháng 10.2023 và tháng 10.2024 chỉ là bước hoàn tất của toàn bộ tiến trình đó”.
Mặc dù nam nữ giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ, “những người không phải là giám mục”, sẽ tham gia Đại hội với tư cách là “thành viên” Thượng Hội đồng và có quyền bỏ phiếu cùng với các Giám mục, thì đó vẫn sẽ được gọi là một “Thượng Hội đồng Giám mục”. ĐHY giải thích rằng giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ từ các quốc gia và châu lục khác nhau hiện diện “có một chức năng đặc biệt: Họ là những chứng từ cho tiến trình hiệp hành” đã diễn ra.
“Về phần mình, các giám mục có trọn vẹn trách nhiệm mục vụ của sự phân định cuối cùng, nhưng các ngài không thể phân định rõ ràng về bất cứ điều gì. Có một phương pháp để phân định, và trước hết phải có kinh nghiệm lắng nghe trước khi phân định. Và vì vậy, những chứng từ này thực sự bảo đảm rằng Thượng Hội đồng Giám mục là một tiến trình trong tính liên tục với những gì đã xảy ra trước đó”.
Theo qui định của Đức Thánh Cha, giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ tham gia với tư cách là thành viên của Thượng Hội đồng có thể bỏ phiếu cho lần thứ nhất. Tuy nhiên, ĐHY nói rằng việc bỏ phiếu có thể không phải là một yếu tố chính trong khoá họp này của Thượng Hội đồng.
Tôi không biết liệu việc bỏ phiếu có quá quan trọng hay không, ít nhất là trong Thượng Hội đồng tháng 10 này. Chúng tôi sẽ có các bàn tròn của các nhóm ngôn ngữ nhỏ. Sẽ có nhiều chia sẻ, phân định trong Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng đây là một Thượng Hội đồng trong hai khoá họp. Vì vậy, có lẽ không cần phải biểu quyết bất cứ điều gì trong khoá họp thứ nhất này. Nhưng chúng ta sẽ thấy, vì chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi tình huống có thể xảy ra.
ĐHY giải thích rằng Thượng Hội đồng là “một sự kiện tâm linh” bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Sẽ có một buổi cầu nguyện đại kết tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 30.09, và một cuộc tĩnh tâm 3 ngày, từ ngày mồng 1 đến mồng 3.10. Trong thời gian diễn ra Đại hội từ ngày mồng 4 đến 29. 10, sẽ có một số phiên họp toàn thể và nhiều phiên họp nhóm nhỏ, và mỗi phiên họp sẽ bắt đầu với việc cầu nguyện. “Tiến trình tâm linh phải được thực hiện, bởi vì nếu không, chúng ta rất gần với cái gọi là quốc hội”.
ĐHY nói thêm:
Tôi nghĩ rằng bằng sự trải nghiệm, chúng ta cũng phải nhận thấy sự hiệp hành Công giáo điển hình sẽ khác với sự hiệp hành Chính thống và Tin lành, điều đó không có nghĩa là chúng ta muốn hạ thấp những gì họ đang làm. Sự hiệp hành Công giáo sẽ phải bao hàm tính hiệp đoàn của các giám mục; cũng sẽ phải bao hàm Quyền tối thượng của Phêrô theo truyền thống Công giáo; và dựa trên tiến trình phân định. Vì vậy, hiệp hành Công giáo rất khác, chẳng hạn như, với Giáo hội Luther của Đức, nơi một số người thậm chí còn gọi Thượng Hội đồng của họ là “nghị viện Giáo hội”. Tính hiệp hành Công giáo không phải như vậy.
Đồng thời, ngài cũng nhấn mạnh rằng:
Có những tiến trình cần phải tuân thủ. Mỗi nhóm nhỏ, mỗi bàn tròn sẽ có một điều phối viên hỗ trợ nhóm. Nhưng tôi không thể xác định trước mỗi nhóm sẽ phản ứng như thế nào vì các tham dự viên là tự do. Vì vậy, không phải là chúng tôi đã thiết kế một cách thức cụ thể, mà theo đó, các tham dự viên phải hành xử sao cho phải đưa ra một số kết luận nhất định. KHÔNG! Đó thực sự là một tiến trình mở dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và đó là những gì cần diễn ra.
Trước đây, đã có một cuộc thỉnh ý rộng rãi trước Thượng Hội đồng về vùng Amazon, nhưng cuối cùng, Đức giáo hoàng Phanxicô cảm thấy rằng chưa có sự phân định đủ về một số vấn đề trong chính Thượng Hội đồng. Là người đã tham dự Thượng Hội đồng Amazon, ĐHY kể lại rằng có một vấn đề “nhận ngay được 2/3 phiếu bầu đa số” và “Đức Thánh Cha xem ra có vẻ không được hài lòng cho lắm”. ĐHY giải thích rằng, tính hiệp hành không phải là vấn đề của “đa số phiếu” hay “sự nhất trí”, đúng hơn, Đức Thánh Cha muốn Đại hội “đạt tới một sự thuyết phục bởi một điều gì đó”.
Ngài cho biết phương pháp sẽ được áp dụng tại Đại hội tháng 10 là yếu tố then chốt giúp các thành viên Thượng Hội đồng phân định. Phương pháp này được gọi là “đối thoại trong Thánh Thần”, và đây là một trong những thành quả thu được từ các giai đoạn lắng nghe và tham gia của Thượng Hội đồng kể từ khi tiến trình bắt đầu vào tháng 10.2021.
ĐHY nhớ lại rằng “thoạt đầu, chúng ta nói về ‘đối thoại tâm linh’, nhưng hiện giờ chúng ta nói về ‘đối thoại trong Thánh Thần”. Trong tất cả các Đại hội cấp châu lục được tổ chức trực tiếp (chỉ có Đại hội cấp châu lục của Hoa Kỳ và Canada được tổ chức trực tuyến), “mọi người đã đề cập đến cách thức đối thoại mới này”. Ví dụ, tại Đại hội châu Á được tổ chức ở Bangkok, “Các đại biểu phải bỏ phiếu về các ưu tiên của bản văn cuối cùng, và họ đã bỏ phiếu theo bàn (nhóm nhỏ) sau khi chia sẻ, chứ không phải bỏ phiếu theo cá nhân”. Như ngài thừa nhận:
Làm việc theo cách này ở Châu Á dễ dàng hơn vì, về phương diện văn hóa, nhóm có tầm quan trọng hơn và các quyết định của nhóm ở đây quan trọng hơn ở châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Điều này cho thấy những điều khả thi. Mọi người đều hài lòng với điều đó. Không có ai than phiền. Mọi người đều cảm thấy rằng những gì mỗi người nói lên đều được coi trọng, ngay cả khi không có phiếu bầu cá nhân nào.
ĐHY nói rằng, phương pháp “đối thoại trong Thánh Thần” này là “hoa trái của hiệp hành”.
Đó là kết quả của trải nghiệm mà mọi người đã có được trong tiến trình Thượng Hội đồng ngay từ khi tiến trình này được bắt đầu. Phương pháp này nảy sinh như là một kết quả, như là một phần của kết quả và của việc dân Chúa có thể đi đến một số lập trường chung như thế nào.
Phân tích sâu hơn, ĐHY giải thích rằng Thượng Hội đồng tìm cách phục hồi tính hiệp hành đã tồn tại trong lịch sử trước đây của Giáo hội, nhưng phần lớn đã bị mai một. Do đó, “chúng ta muốn sự toàn vẹn của tính hiệp hành trở lại trong Giáo hội”.
Tài liệu Làm việc cho Khoá họp thứ nhất gồm 3 phiếu làm việc tương ứng liên quan đến Hiệp thông, Sứ vụ và Tham gia. Mỗi phiếu làm việc có 5 câu hỏi chính sẽ đóng vai trò hướng dẫn cuộc thảo luận trong các nhóm nhỏ. Khi mỗi câu hỏi được chia nhỏ thành các câu hỏi phụ, hầu như tất cả các chủ đề chính đã được thảo luận trong các Thượng Hội đồng trước đó trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đều có trong đó.
ĐHY giải thích rằng những câu hỏi này được đề cập lại “không phải vì chúng tôi đặt chúng ở đó, nhưng vì đó là những vấn đề đã được dân Chúa nêu ra trong các Đại hội”. Tuy nhiên, ngài không quên nhắc lại rằng Thượng Hội đồng lần này không phải là Thượng Hội đồng về những vấn đề đơn lẻ, chẳng hạn như đồng tính luyến ái hoặc phong chức cho phụ nữ; “nhưng đây là một Thượng Hội đồng về tính hiệp hành”, và các đề tài khác “chỉ xuất hiện khi chúng có liên quan đến chủ đề của Thượng Hội đồng”.
Thượng Hội đồng đang thực thi Công đồng Vatican II
Vị Tổng tường trình viên cho thấy rằng:
“Khi nhìn lại các Giáo phụ của Giáo hội, chúng ta biết rằng tính hiệp hành là một phần cốt yếu của Giáo hội. Qua dòng thời gian, tính này đã mai một rất nhiều, nhưng chưa bao giờ biến mất hoàn toàn. Tính hiệp hành luôn tồn tại trong các hội đoàn và dòng tu, v.v. Luôn luôn có các ‘animas’ (tinh thần) hiệp hành. Nhưng giờ đây, chúng ta muốn có lại tính hiệp hành trọn vẹn đó trong Giáo hội để tiếp tục lộ trình mà Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã mở ra”.
Với ngài, điều này có nghĩa là chúng ta “đang quay trở lại Công đồng Vatican II, coi trọng Công đồng Vatican II, và cố gắng thực thi Công đồng Vatican II chứ không phải là Vatican III, như một số người vẫn nói”. Thật vậy,
Công đồng Vatican II đã đưa ra tất cả các yếu tố; chúng tôi chẳng đưa ra yếu tố mới nào cả. Tất cả mọi thứ đều đã có trong Công đồng… Đúng là có nhiều sự thật riêng biệt, nhưng tất cả các sự thật đều gắn liền với con người của Đức Kitô. Chẳng hạn, bạn không thể tách rời hoàn toàn một sự thật khỏi sự mạc khải nơi con người Đức Kitô.
Tiếp cận các đề tài gây tranh cãi
ĐHY cho rằng, có lẽ “sẽ có một sự thay đổi trong cách xử lý các đề tài” và tính hiệp hành có thể là một cách thế để vượt thắng sự chia rẽ về các vấn đề gây tranh cãi.
Một tổ chức như Giáo hội Công giáo có thể đưa ra quyết định như thế nào? Chỉ từ bên trên ư, thật là rất khó. Chỉ từ bên dưới ư, hầu như là không thể. Do đó, chúng ta cần một cách thức mới để đưa ra quyết định, và tôi nghĩ rằng chúng ta cần có các khí cụ trong Thượng Hội đồng để làm việc này.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những khác biệt đều được san bằng. Ý tôi là, sẽ rất ngây thơ khi nghĩ rằng mọi người bước ra và chia sẻ những quan điểm giống nhau về tất cả các đề tài trong Giáo hội. Nhưng bạn có thể chấp nhận rằng anh chị em của bạn có quan điểm khác và bạn có thể thông cảm sâu sắc với họ”.
ĐHY cho biết là ngài đã thấy những ví dụ cụ thể về điều này trong các Đại hội Châu lục.
Theo Tài liệu Làm việc, “những vấn nạn chung” và “những căng thẳng chung” đã nổi lên trên toàn thế giới trong 2 giai đoạn đầu tiên của tiến trình Thượng Hội đồng. ĐHY nhận xét:
“Những căng thẳng có thể mang lại rất nhiều hoa trái. Nếu chúng ta sợ căng thẳng, thì hiện chúng ta chẳng thể di chuyển được nữa, bởi vì bất cứ điều gì bạn nói cũng có thể tạo thêm căng thẳng. Nhưng chúng ta phải cùng nhau bước đi như là Giáo hội. Chúng ta phải đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn Giáo hội đi về đâu? Và nếu Giáo hội di chuyển, điều đó sẽ giống như một cuộc xuất hành. Sẽ có một số khoảnh khắc rất thảm khốc, tất nhiên sẽ có những căng thẳng. Nhưng đó là một phần của con đường”.
Khi được hỏi về việc Tài liệu Làm việc nói rằng, sau khoá họp thứ nhất này, liệu có thể sẽ có nhu cầu về những suy tư thần học và thảo luận về những thay đổi trong giáo luật chăng, ĐHY nói rằng, với vị thế của ngài, ngài ngần ngại đưa ra các đề xuất về những thay đổi có thể xảy ra. Dù thế, ĐHY đã đưa ra một ví dụ về vấn đề này qua việc viện dẫn vai trò của giáo xứ và các Hội đồng mục vụ, hiện không bắt buộc theo giáo luật nhưng có thể là sẽ cần thiết trong tương lai.
“Hiện nay, trong giáo luật, đó là một kỳ vọng nhưng tôi nghĩ nó không chỉ là một kỳ vọng. Bởi vì làm sao bạn có thể là một giám mục, là mục tử của Giáo hội mà lại không có cách nào để biết người ta nghĩ gì và cảm thấy như thế nào về Giáo hội?”.
ĐHY giải thích rằng các hội đồng là một cách thế tốt để một Giám mục tiếp xúc với những viễn cảnh mà ngài có thể chưa từng nghĩ tới.
Cho đến nay, tôi là Giám mục được 12 năm. Và xung quanh bạn là một nhóm nhỏ những người ít nhiều có cùng trình độ học vấn với bạn, và ngay cả học cùng trường với bạn, và đó không phải là một cơ sở rộng lớn. Bạn cần một cơ sở rộng lớn hơn; bạn phải tìm hiểu xem mọi người nghĩ gì, ước muốn sâu xa của họ là gì.
Đồng thời, “Điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn phải hoàn thành mọi ước muốn. Đây không phải là một loại Thượng Hội đồng cổ tích”. ĐHY lưu ý rằng điều quan trọng là một giám mục phải có thể giải thích các quyết định của mình cho dân chúng.
“Bạn không thể chỉ nói rằng, tôi là ông chủ, và bạn hãy làm điều đó. Nếu người ta nói với bạn rằng: tôi không hiểu lời giải thích của bạn – vì đó là điều xảy ra tại nhiều điểm trong Giáo hội – bạn phải có khả năng giải thích theo cách mà mọi người có thể hiểu được. Nếu không, họ chẳng thể thực hiện điều đó”.
Định nghĩa về từ Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ
Khi được đề nghị giải thích về chủ đề 3 chiều của Thượng hội đồng là Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ, ngài chia sẻ vài nét chính như sau:
Trước hết, về từ Hiệp thông
Hiệp thông là gì, bởi vì khi nghe thấy từ này, người ta thường nghĩ đến việc Rước lễ (holy Communion) hoặc chia sẻ. ĐHY nhìn nhận sự khó khăn, ngài nói rằng đúng là đã có khó khăn trong việc dịch từ “hiệp thông” trong những khoá họp Thượng Hội đồng trước đó.
Ví dụ, trong tiếng Đức, từ Gemeinschaft, nghĩa là “cộng đoàn”. Bây giờ, cộng đoàn liên quan đến sự hiệp thông, nhưng nó không hoàn toàn là cùng một khái niệm. Khi nghĩ về sự hiệp thông, trước hết tôi nghĩ đến sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì vậy, trong Giáo hội, phải được thực hiện với sự hiệp thông đó. Hiệp thông liên quan đến hiệp thông với Đức Kitô.
Khi chúng ta tham dự Thánh lễ, như bạn nói, nhờ Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đặt chúng ta hiệp thông với cái chết và sự phục sinh của Con của Ngài. Vì vậy, đó không chỉ là một cách giải thích mang tính cá nhân về một bí tích. Chính đó là mầu nhiệm của Giáo hội.
Thứ đến, về từ Sứ vụ, ĐHY nói rõ:
Không có Giáo hội mà không có sứ vụ. Nếu chúng ta không có sứ vụ, thì chúng ta là một câu lạc bộ, nơi chúng ta thực hiện một số hoạt động, chẳng hạn như các hoạt động phụng vụ và hoạt động từ thiện. Nhưng chúng ta không phải là một câu lạc bộ; chúng ta có một sứ mạng từ Đức Kitô. Và chúng ta phải chu toàn sứ mạng đó. Và sứ mạng đó không chỉ được trao cho các giám mục và linh mục; mọi người đã lãnh phép Rửa đều được mời gọi sống sứ mạng của Giáo hội, đó là loan báo Đức Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết. Đó là kerygma [loan báo Tin Mừng] của Giáo hội sẽ được loan báo theo nhiều cách khác nhau.
Chẳng hạn,
Có một kerygma trực tiếp, có ai đó dấn thân vì người tị nạn và người nghèo, có ai đó dấn thân vì môi trường, vì sáng tạo. Đó là một phần sứ vụ của Giáo hội. Đó là cách chúng ta cho thấy là chúng ta tin vào Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Và nếu Giáo hội không có sứ vụ, nếu Giáo hội trở thành một câu lạc bộ tiêu thụ mang tính bí tích, thì có điều gì đó không ổn. Và bản chất của các bí tích bị mất đi.
Cuối cùng, về từ Tham gia, ĐHY nói rằng,
Tham gia có nghĩa là sự đồng trách nhiệm của mọi người trong việc thực hiện sứ vụ của Giáo hội nhưng theo những cách thế khác nhau. “Giáo hội là một thân thể, Giáo hội lữ hành, Giáo hội đang di chuyển qua các thời đại. Tôi nghĩ điều này thật là tuyệt vời“.
Kết quả từ Thượng hội đồng sẽ là gì?
Như ĐHY đã nói trên đây rằng, có thể sẽ không có việc bỏ phiếu vào cuối khoá họp tháng 10.2023, nên câu hỏi là liệu ngài có nghĩ rằng Đại hội có thể đưa ra một tài liệu tổng hợp hay không. ĐHY trả lời rằng: “Hoặc chúng ta sẽ có thêm những câu hỏi. Đó cũng là một khả năng”.
Giữa khoá họp 2023 và khoá họp 2024 chúng ta sẽ làm gì ư? Tôi không biết nữa. Điều này sẽ phụ thuộc vào những gì Thượng Hội đồng yêu cầu, bởi vì cho đến nay chúng ta luôn có sự tuần hoàn, luôn quay trở lại các Giáo hội địa phương.
Ngài nói thêm: “Tất nhiên là tôi có nhiều ý tưởng, nhưng đôi khi những ý tưởng thậm chí còn mâu thuẫn với nhau, và với tư cách là tường trình viên, tôi phải rất thận trọng khi phát biểu bất cứ điều gì, bởi vì tôi không muốn bị cho là thao túng Thượng Hội đồng…. Tôi nghĩ rằng chính Thượng Hội đồng phải chỉ ra con đường”.
Khi được hỏi rằng, trở thành Giám mục và đồng thời được Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Tổng giám mục Luxemburg vào năm 2011, thì liệu điều gì đang thay đổi một cách căn bản đối với ĐHY với hành trình Thượng Hội đồng này. ĐHY bộc bạch:
“Chúng ta đang bước đi. Ý tôi là, Công đồng nói rằng hình ảnh của Giáo hội là dân Chúa, bước đi với Đức Kitô. Và tôi cảm thấy điều đó đang xảy ra. Chúng ta đã bắt đầu bước đi và Đức Kitô phải là trung tâm. Nếu Đức Kitô không phải là trung tâm, một số người sẽ bước sang bên phải, những người khác sẽ bước sang bên trái. Chúng ta phải làm việc cùng nhau, với Đức Kitô. Tôi cũng không sợ rằng không phải tất cả các câu hỏi đều sẽ có câu trả lời tại Thượng hội đồng. Bởi vì nếu chúng ta học được trong tiến trình này là làm thế nào để sống với những khác biệt bên trong Giáo hội khi cùng nhau bước đi, thì đó sẽ là một kết quả tuyệt vời”.
Còn với ý kiến về kiểu Giáo hội mà ngài mong đợi sẽ nổi lên trong những năm tới, trước những thay đổi lớn đang diễn ra trong thế giới ngày nay, ĐHY nói lên suy nghĩ của ngài:
“Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một Giáo hội không sợ hãi trước những thay đổi của thế giới, một Giáo hội sẽ nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, cũng như có thể phục vụ thế giới và loan báo Tin Mừng theo cách này”.
Gerard O’Connell
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: americamagazine.org (13. 07)
và (14. 07. 2023)
#thuonghoidonggiammuc