Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm nhà thờ Anh giáo ở Roma

0
23

Pope Francis waves to the crowd as he arrives for mass at the Basilica of St. Peter and Paul, in Philadelphia, PennsylvaniaWHĐ (21.02.2017) – Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Greg Burke, đã xác nhận rằng Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Nhà thờ “Các Thánh” của Anh giáo ở Roma vào Chúa nhật 26 tháng Hai sắp tới.

Cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng diễn ra trong bối cảnh của một chương trình Đại kết kỷ niệm 200 năm ngày Giáo hội Anh giáo cử hành phụng vụ lần đầu tiên ở Roma (27 tháng Mười 1816).

Đức giáo hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng đương nhiệm đầu tiên đến thăm một nhà thờ Anh giáo trong giáo phận Roma. Hoạt động đại kết này sẽ gồm một buổi hát Kinh Chiều của phụng vụ Anh giáo; trước đó có nghi thức làm phép bức tranh icôn “Đức Kitô Cứu Thế” do hoạ sĩ người Anh Ian Knowles thực hiện để kỷ niệm 200 năm ngày phụng vụ Anh giáo được cử hành lần đầu tiên ở Roma.

Trong cuộc viếng thăm này của Đức giáo hoàng Phanxicô, cũng sẽ diễn ra lễ kết nghĩa giữa giáo xứ “Các Thánh” của Anh giáo với giáo xứ “Các Thánh” (Ognissanti) của Công giáo. Nhà thờ Công giáo “Các Thánh” trên đường Appia, Roma, là nhà thờ tước hiệu của Đức hồng y Walter Kasper, nguyên Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu. Tại nhà thờ này, ngày 07-03-1965, vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, lần đầu tiên Thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ địa phương (tiếng Ý) do Đức giáo hoàng Phaolô VI, sau cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vatican II.

Cũng trong cuộc viếng thăm nhà thờ “Các Thánh” của Anh giáo, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ có một bài giảng và trả lời các câu hỏi của các tín hữu Anh giáo.

***

Nhận định về chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng đến ngôi nhà thờ Anh giáo này, Đức hồng y Kasper nói sự kiện này cho thấy “sự phát triển của mối quan hệ giữa Công giáo và Anh giáo” sẽ tiến thêm một bước. Sự hiện diện của Đức giáo hoàng với tư cách Giám mục Roma là “điều rất có ý nghĩa”. “Đối với tôi, đó là một sự kiện hết sức vui mừng”, sẽ giúp đẩy mạnh các mối quan hệ đại kết. Những mối quan hệ ấy không chỉ phát triển qua việc đối thoại thần học, mặc dù điều đó là quan trọng, mà còn qua những tiếp xúc cá nhân và đặc biệt là bằng cách cùng nhau cầu nguyện.

Đức hồng y Kasper nhấn mạnh rằng “chịu phép Rửa trong cùng một Chúa Giêsu Kitô” là nền tảng của phong trào đại kết. Ngày nay, mọi người Kitô hữu được rửa tội “phải sát cánh với nhau để cùng làm chứng chống lại bạo lực và khủng bố, tìm cách thăng tiến công lý và hòa bình” và biết rằng “những gì chúng ta có chung với nhau thì lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta”.

 

Minh Đức