Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích kế hoạch Năm Thánh Thương Xót

0
30

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Ý Credere, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích kế hoạch Năm Thánh Thương Xót của ngài. Ngài nói “tôi tin đây là thời thương xót. Tất cả chúng ta đều là kẻ có tội, tất cả chúng ta đều mang nhiều gánh nặng nội tâm”.

Đức Thánh Cha nói rằng: Ý niệm Năm Thánh Thương Xót phản ảnh một chủ đề đã được các vị giáo hoàng tiền nhiệm khai triển. Ngài đặc biệt nhắc đến Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã viết Thông Điệp Dives in Misericordia và đã thiết lập Lễ Lòng Chúa Thương Xót. Đức Giáo Hoàng nói tiếp: việc nhấn mạnh tới lòng thương xót của Thiên Chúa là một “canh tân tương đối mới có gần đây” nhưng truyền thống thương xót thì vẫn đã luôn hiện hữu.

Giải thích lý do khiến ngài mở Năm Thánh Thương Xót, Đức Thánh Cha cho biết: “Thế giới cần khám phá ra rằng Thiên Chúa là Cha, rằng có lòng thương xót, rằng tàn ác không phải là đường lối, lên án cũng không phải là đường lối, vì chính Giáo Hội đôi khi cũng có phương hướng cứng rắn và sa vào cơn cám dỗ muốn theo đường hướng cứng rắn và chỉ nhấn mạnh tới luật lệ luân lý mà thôi; nhiều người, vì thế, bị loại ra ngoài”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: mọi người đều cần lòng thương xót. Ngài thú nhận: “tôi vẫn còn mắc lầm lẫn và phạm tội, và tôi xưng tội mỗi 15 hay 20 ngày”.

Theo Đức Giáo Hoàng, Năm Thánh Thương Xót có thể giúp tín hữu nhận ra “chiều kích mẫu tính của Thiên Chúa”. Ngài giải thích rằng ngài muốn nói về “sự âu yếm, rất đặc trưng nơi một bà mẹ, sự âu yếm của Thiên Chúa phát xuất từ phụ tính nội tại của Người. Thiên Chúa vừa là Cha vừa là Mẹ”.

Cuối cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ ngài sẽ làm nhiều cử chỉ công khai để nhấn mạnh tới chủ đề của Năm Thánh. Ngài cho hay: “Thứ Sáu mỗi tháng, tôi sẽ thực hiện một cử chỉ lớn” nhưng không nói rõ đó là những cử chỉ gì.

Một số trích đoạn quan trọng của cuộc phỏng vấn

Ngày 2 tháng 12, Sở Thông Tin của Tòa Thánh (VIS) có phổ biến một số trích đoạn quan trọng của cuộc phỏng vấn của tờ Credere:

Ai cũng cần lòng thương xót

“Chủ đề thương xót vốn đã được nhấn mạnh trong đời sống Giáo Hội, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Đức Gioan Phaolô II đã làm nổi bật nó với Thông Điệp Dives in Misericordia, với việc phong hiển thánh cho Chân Phúc Faustina và với việc thiết lập Lễ Lòng Chúa Thương Xót vào Tuần Tám Ngày của Phục Sinh. Theo đường hướng này, tôi cảm thấy dường như đây là ý Chúa muốn tỏ Lòng Thương Xót của Người cho nhân loại. Đây không phải là điều phát sinh từ tâm trí tôi, nhưng đúng hơn chỉ là một canh tân tương đối mới có đây đối với một truyền thống vẫn đã luôn hiện hữu… Điều hiển nhiên là thế giới ngày nay rất cần lòng thương xót và thương cảm, hay đúng hơn khả năng tương cảm (empathy). Chúng ta đã trở nên quen thuộc với tin xấu, tin ác và những tàn ác tồi tệ nhất hằng xúc phạm tới thánh danh và sự sống Thiên Chúa. Thế giới cần khám phá ra rằng Thiên Chúa là Cha, rằng có lòng thương xót, rằng tàn ác không phải là đường lối, rằng lên án cũng không phải là đường lối, vì chính Giáo Hội có lúc đã có đường hướng cứng rắn, và sa vào cơn cám dỗ muốn theo đường hướng cứng rắn và chỉ nhấn mạnh tới luật lệ luân lý mà thôi; vì thế, nhiều người bị loại ra ngoài. Ở đây, hình ảnh Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh xuất hiện trong tâm trí ta: sự thật là quá nhiều người bị thương và bị diệt!… Tôi tin rằng đây là thời của lòng thương xót. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, tất cả chúng ta đều mang nhiều gánh nặng trong nội tâm. Tôi cảm thấy Chúa Giêsu muốn mở cửa dẫn vào Trái Tim Người, Chúa Cha muốn tỏ cho ta lòng thương xót nội tại của Người, và vì lý do này, Người đã sai Thần Khí của Người xuống trên chúng ta… Đây là năm hòa giải. Một đàng, chúng ta chứng kiến việc buôn bán vũ khí… việc chém giết người vô tội một cách dã man hết sức tưởng tượng, việc bóc lột người ta, bóc lột trẻ em. Hiện đang có một hình thức phạm thánh chống lại nhân loại, vì con người vốn thánh thiêng, họ là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống. Và Chúa Cha từng nói “hãy dừng lại và đến với ta”.

Tôi là một người tội lỗi

Khi trả lời câu hỏi thứ hai về tầm quan trọng của lòng Chúa Thương Xót trong đời sống Đức Giáo Hoàng Phaxicô, người vốn liên tiếp quả quyết mình là một người tội lỗi, ngài nói: “Tôi là một người tội lỗi… Tôi chắc chắn như thế. Tôi là một người tội lỗi được Chúa đoái nhìn một cách thương xót. Như tôi đã nói với các tù nhân ở Bolivia, tôi là một người được tha thứ… Tôi vẫn còn mắc lầm lỗi và phạm tội, và tôi xưng tội mỗi 15 hay 20 ngày. Và sở dĩ tôi xưng tội là vì tôi cần cảm nhận được rằng lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn còn ở trên tôi”. Đức Phanxicô nhắc lại rằng ngài cảm nhận được cảm giác này một cách đặc biệt vào ngày 21 tháng Chín năm 1953, khi ngài thấy cần phải bước vào một nhà thờ và xưng tội với một vị linh mục mà ngài không quen biết, và từ đó, đời ngài đã thay đổi; ngài quyết định trở thành một linh mục và vị giải tội cho ngài, lúc ấy bị bệnh bạch cầu (leukaemia), đồng hành với ngài suốt một năm. Đức Giáo Hoàng cho biết “Cha qua đời vào năm sau. Sau đám an tang ngài, tôi khóc thảm thiết, cảm thấy mất mát hoàn toàn, như thể sợ Chúa bỏ rơi tôi. Đó là giây phút tôi nghĩ tới lòng thương xót của Thiên Chúa, và điều này liên hệ gắn bó với khẩu hiệu giám mục của tôi: ngày 21 tháng Chín vốn là ngày lễ kính Thánh Mátthêu, và Đấng Đáng Kính Bede, khi nói tới việc hoán cải của Thánh Mátthêu, đã nói rằng Chúa Giêsu nhìn ngài “miserando atque eligendo”, dịch theo chữ là “ thương xót và tuyển chọn” …

Khía cạnh nữ tính của Thiên Chúa

Câu hỏi thứ ba như sau: “Năm Thánh Thương Xót có phải là dịp để tái khám phá ‘mẫu tính’ của Thiên Chúa không? Liệu Giáo Hội có một khía cạnh gần như ‘nữ tính’ mà ta phải trân trọng không?”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời: “Có, chính Thiên Chúa quả quyết điều này khi Người phán trong Sách Isaiah rằng dù người mẹ có thể quên đứa con của mình đi chăng nữa, thì ‘Ta, Ta sẽ không bao giờ quên con’. Ở đây, ta thấy chiều kích nữ tính của Thiên Chúa. Không phải ai cũng hiểu khi ta nói tới mẫu tính của Thiên Chúa, nó không phải là thành phần của ngôn từ ‘bình dân’, theo nghĩa tốt của nó, và xem ra nó có vẻ là ngôn ngữ bác học; chính vì lý do này, tôi thích nói tới sự âu yếm hơn, rất đặc trưng của một bà mẹ, sự âu yếm của Thiên Chúa vốn phát xuất từ phụ tính nội tại của Người. Thiên Chúa vừa là Cha vừa là Mẹ”.

Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khám phá ra một Thiên Chúa hay thương xót và xúc cảm hơn, đầy tình âu yếm đối với nhân loại “sẽ dẫn chúng ta tới chỗ có một thái độ khoan dung, nhẫn nại và âu yếm hơn. Năm 1994, tại Thượng Hội Đồng, trong lúc họp nhóm, tôi có nói rằng điều cần là phải khởi sự một cuộc cách mạng âu yếm… và tôi tiếp tục nói rằng ngày nay cách mạng là cách mạng âu yếm, vì công lý được rút ra từ cuộc cách mạng này… Cuộc cách mạng âu yếm là điều ngày nay chúng ta phải vun xới như là hoa trái của năm thương xót: tình âu yếm của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta phải nói ‘tôi là một người xấu xa, nhưng tôi như thế nào Thiên Chúa yêu tôi như thế; nên tôi phải yêu người khác như vậy’”.

Vũ Văn An