ĐTC Phanxicô: Được ở với mọi người là điều thích nhất khi làm Giáo Hoàng

0
40

FrancisKids

Đức Phanxicô cầu nguyện cho Trung Quốc. Cầu nguyện mỗi ngày trước tượng Đức Mẹ Sheshan. Ngài tiết lộ chuyện này với mười lăm em từ khắp thế giới, trong buổi gặp gỡ và chiều thứ hai, 22-02, tại thính phòng Phaolô VI.

Các em nhỏ từ 8 đến 13 tuổi, đại diện các trường của Dòng Tên trên khắp thế giới cũng là trường của các em đã đặt câu hỏi cho Đức Giáo hoàng và ngài trả lời trong một quyển sách được cha Antonia Spadaro biên soạn.

Đức Phanxicô mở đầu, ‘Cha muốn nói một điều với các bé và cả những người lớn. Những câu hỏi khó nhất mà cha từng được hỏi, không phải là những câu giáo viên hỏi cha trong các kỳ thi, nhưng là những câu hỏi từ miệng các trẻ em. Bởi, trả lời cho câu hỏi của một trẻ em, thì phải hiểu thật sâu, bởi trẻ con nhìn thấy những gì căn bản và hỏi những câu thẳng thắn có cảm giác như quá sức chính chắn vậy. Do đó, với các câu hỏi, trẻ con làm cho người lớn được trưởng thành hơn.’

Mỗi em đem tặng Đức Thánh Cha một món quà, hầu hết là món ăn truyền thống từ đất nước mình, và có cả một đôi giày, một bức vẽ thánh giá, khăn choàng, trái bóng, lời mời đến Singapore và cả một chiếc cốc uống bia nữa.

pope francisVà các em bắt đầu hỏi: Bé Clara từ Ireland, hỏi Đức Phanxicô xem ngài thích điều gì nhất khi làm giáo hoàng. ‘Như cha đã nói, trẻ con hỏi những câu khó nhất mà,’ Đức Phanxicô nói, rồi tiếp tục trả lời. ‘Được ở với mọi người, được ở gần mọi người, cha thích điều này nhất, bởi khi được ở với một người cao tuổi, một đứa trẻ, một người lớn, mỗi người các con dạy cho cha biết thêm điều gì đó về cuộc đời và giúp cha sống cuộc đời. Và cũng tạo quan hệ với mọi người nữa. Khi cha ở với mọi người, cha luôn luôn học được gì đó. Và điều này rất quan trọng trong đời: khi gặp ai đó, cha tự hỏi mình thích hay không thích điểm gì, người này có điều gì để dạy cho mình nào.’ Và cũng về chủ đề này, ngài đặt ra một câu hỏi: ‘Ở cùng với mọi người hay tách biệt với mọi người, điều nào tốt hơn?’ Và sau khi các em đồng thanh, ‘Cùng nhau thì tốt hơn!’ ngài nhắc lai: ‘Để hạnh phúc trong đời, chúng ta phải xây cầu giữa mọi người.’

Bé Faith, từ Singapore, hỏi xem Đức Phanxicô yêu thích đặc biệt vị thánh nào. ‘Cha có rất nhiều thánh mà cha xem như bạn, và cha không biết cha ngưỡng mộ ai nhất. Nhưng cha là bạn của thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, thánh Inhaxiô, và thánh Phanxicô. Cha ngưỡng mộ mỗi người vì một lý do khác nhau, nhưng cả ba người đều là nhất trong lòng cha.’

Bé Natasha từ Kenya, hỏi xem làm giáo hoàng là thế nào. ‘Cha thấy bình thản,’ Đức Phanxicô trả lời, ‘Chúa cho cha ơn không bị mất bình an. Đây là ơn Chúa. Cha cảm thấy cuộc sống bây giờ đầy bình an. Cha thấy tốt, cha cảm nhận là Chúa cho cha bình an. Và cha cũng vui nữa, chẳng hạn, được gặp các con cha rất hạnh phúc. Khi cha Spadaro gợi ý chuyện này, cha nói ‘thật điên.’ Nhưng chắc chắn, cuộc gặp này có nhiều ý nghĩa, bởi cha có thể là cầu nối với mỗi một người các con.’

Alessio từ Ý, hỏi Đức Giáo hoàng xem điều gì khiến ngài chấp nhận khi được bầu lên. Đức Phanxicô nhớ lại, ‘Ngồi kế bên cha là một người bạn tuyệt vời, một người Brazil hơn 80 tuổi, hồng y Hummes. Và khi cha thấy là cha có thể được bầu, ngài bảo với cha ‘Đừng lo, Chúa Thánh Thần đang làm việc mà.’ Và khi cha được bầu, ngài ôm cha và bảo, ‘Đừng quên người nghèo.’ Ngài cho cha thấy hai sự, là Chúa Thánh Thần và cánh cửa. Nhờ đó cha tin tưởng để nhận lời làm giáo hoàng và chọn tên là Phanxicô.’

Một em bé từ Catania hỏi rất thẳng và khá là bất ngờ: ‘Cha yêu Chúa Giêsu Kitô như thế nào?’ Đức Giáo hoàng trả khiêm nhượng rằng ngài không chắc mình có được thực sự yêu mến Chúa không, nhưng luôn cố gắng để yêu Chúa. Hơn nữa, ‘những gì cha chắc chắn đó là Chúa yêu cha, về điều này thì cha chắc chắn tuyệt đối.’

Một cậu bé từ Canada, hỏi xem trước khi làm giáo hoàng, Đức Phanxicô có đạo đức như bây giờ hay không. ‘Cha già rồi,’ Đức Phanxicô tâm tình, ‘Cha tám mươi tuổi. Cuộc sống một người không phải lúc nào cũng thế này (ngài lấy ngón tay vẽ một đường thẳng) cuộc sống một con người như thế này này (ngài vẽ một đường lượn sóng) có những lúc vui vẻ, có lúc buồn, có những lúc yêu Chúa nhiều, yêu bạn bè và yêu tất cả mọi người rất nhiều. Và có những lúc không yêu mến người khác và có phản bội Chúa Giêsu một chút nữa. Có những lúc có vẻ mình thánh thiện hơn và lúc khác thì tội lỗi hơn. Cuộc sống của cha giống thế này (ngài lại vẽ đường lượn sóng) đừng sợ nếu có lúc con cảm thấy thật tệ. Đừng sợ nếu con lỡ phạm tội. Tình yêu của Chúa Giêsu lớn hơn hết mọi sự, cứ đến với Chúa và để Chúa ôm con.’

Cuối cùng, bé Yfan, từ Trung Quốc, lớn tuổi nhất nhóm, hỏi Đức Giáo hoàng xem ngài cầu nguyện bao nhiêu lần mỗi ngày, và cầu nguyện thế nào. Đức Giáo hoàng, cho biết ngài có lòng sùng kính với Đức Mẹ Sheshan và ngài cầu nguyện cho người Trung Quốc. Rồi Đức Phanxicô cho biết, ‘Cha cầu nguyện buổi sáng khi thức dậy, đọc kinh Phụng vụ của các linh mục, rồi cầu nguyện và cử hành thánh lễ, rồi cha lần hạt. Cha khuyên các con nên luôn có tràng chuỗi mân côi trong người. Cha luôn có trong túi cha này. Buổi chiều, cha chầu Thánh Thể. Đây là những giờ chính thức thường lệ. Nhưng cha cũng thích cầu nguyện cho những người mà cha gặp. Cha đã cho các con thấy chuỗi mân côi của cha, và cha sẽ tặng các con mỗi người một chuỗi, trong túi của cha còn có đàng thánh giá, và khi nhìn thấy những gì Chúa Giêsu đã chịu vì cha, vì mỗi người chúng ta, vì Ngài thương chúng ta, thì cha thấy vui, thấy khỏe hơn nhiều.’

Pope Francis children audience 4Sau buổi gặp, Đức Phanxicô có nói về đau khổ của các trẻ em. ‘Cha cảm ơn các con vì buổi gặp này, bởi với Chúa Giêsu, trẻ em là con con đường đến với Chúa Cha. Sau khi gặp các trẻ em, cha được hồi sức tươi tắn trở lại và cha cầu nguyện cho cuộc sống của các em, có khi cha thấy quá xúc động, có khi đau đớn như lúc cha thăm hỏi các em bị bệnh trong buổi tiếp kiến chung. Rồi cha lại thắc mắc, một câu hỏi mà văn hào Dostoyevsky cũng tự hỏi mình, ‘Tại sao trẻ em chịu đau khổ?’ và ngay cả giáo hoàng, có vẻ như là người biết mọi thức và có mọi quyền hành, cũng không biết làm sao để trả lời câu hỏi này. Điều duy nhất cho cha thấy ra ánh sáng, là khi nhìn lên thập giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nhìn lên bởi Chúa Giêsu chịu đau khổ cho chúng ta. Đây là câu trả lời duy nhất mà cha thấy được.’ Đức Giáo hoàng nói thông điệp này cũng dành cho cả những người lớn, và ngài thúc giục họ, ‘Hãy gần gũi với các trẻ em chịu đau khổ và hãy dạy các em cũng biết gần gũi với các em khác bị đau khổ.’

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 26-02-2016

J.B. Thái Hòa chuyển dịch