ĐTC Phanxicô: Chúa Giêsu khóc thương cho một thế giới đã không hiểu mà còn muốn giết chết hòa bình

0
81

VATICAN. “Ngày nay, mọi nơi trên thế giới đều xảy ra chiến tranh mà dường như lại chẳng có lý do chính đáng nào cho những cuộc chiến ấy. Con người có thể tìm thấy con đường dẫn tới hòa bình với Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa đang gần kề.”

PopeFrancis-19Nov2015-1.jpg

Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng hôm nay, thứ 5 ngày 19.11, tại nhà nguyện thánh Marta.

“Đức Giêsu khóc thương.” Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng như thế. Và có thể nói, đây là một trong những bài giảng tha thiết nhất của ngài tại nhà nguyện thánh Marta.

“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu đã trông thấy thành và khóc thương. Nhưng tại sao Chúa lại khóc thương? Chính Đức Giêsu cũng đã trả lời: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.’ Như thế, Đức Giêsu khóc vì Giê-ru-sa-lem đã không hiểu được đường lối hòa bình mà lại chọn con đường của ghen ghét, hận thù, chiến tranh.

Ngay cả ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang còn khóc thương. Bởi vì chúng ta ưa thích con đường của chiến tranh, hận thù, ghen ghét. Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề, sẽ có đèn chớp sáng, sẽ có lễ hội, tiệc tùng, những cây thông trang trí đủ màu sắc, và có cả máng cỏ với hang đá … Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh. Những cuộc chiến lại tiếp tục xảy ra. Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình.

Hồi năm ngoái, chúng ta đã tưởng niệm những nạn nhân  trong chiến tranh Thế Giới Thứ Hai, vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Như Đức Biển Đức XVI nói, đó là những thảm sát không cần thiết. Ngày hôm nay, mọi nơi đều có chiến tranh, hận thù. Điều ấy khiến chúng ta phải thốt lên mà hỏi rằng: Điều gì còn sót lại sau chiến tranh? Tình trạng sống của chúng ta sẽ như thế nào?

Điều còn sót lại là sự dổ nát, hoang tàn. Hàng ngàn trẻ em không được đến trường. Vô số những người vô tội bị thiệt mạng. Hàng đống tiền rơi vào túi của những kẻ buôn bán vũ khí.

Có lần, Đức Giêsu đã nói: ‘Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.’ Quả thực, chiến tranh là một chọn lựa béo bở để làm giầu. Kinh doanh vũ khí sẽ thúc đẩy nền kinh thế phát triển, và từ đó người ta cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng Thiên Chúa sẽ nói với những người ấy rằng: Khốn cho các ngươi! Bởi vì, Chúa Giêsu chỉ nói: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình!’, còn những người gây ra chiến tranh, hận thù sẽ không được chúc phúc, và còn là những tội phạm nữa. Chiến tranh có thể được ‘biện minh’ – biện minh trong ngoặc kép – với rất nhiều lý do. Và trong thế giới ngày hôm nay đã đầy dẫy chiến tranh rồi. Đó là một cuộc chiến có tầm mức thế giới nhưng xảy ra từng phần: ở đây, ở kia, ở đó và khắp mọi nơi mà chẳng có lý do nào cả. Thiên Chúa đã khóc thương. Đức Giêsu đã khóc thương.

Trong khi những người buôn bán vũ khí đang thực hiện việc kinh doanh của họ, lại có rất nhiều người kiến tạo hòa bình tuy đơn sơ nghèo khó nhưng vẫn tiếp tục giúp đỡ con người, hết người này đến người khác, đến nỗi sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì họ. Những gì Mẹ Têrêsa Calcutta, một biểu tượng sáng ngời trong thời đại chúng ta, đã sống và đã làm là một minh chứng hùng hồn. Nhưng bằng sự giễu cợt, những người có quyền lực có thể mỉa mai rằng: ‘Bà ấy đã làm gì vậy? Tại sao lại phải đánh đổi cả mạng sống của mình để giúp đỡ những người sắp chết?’ Họ không hiểu được đường lối của hòa bình, không hiểu được những gì Mẹ Teresa đã làm.

Bởi vậy, thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng xin ơn biết khóc thương, vì thế giới này không biết đến con đường hòa bình, nhưng chỉ biết sống để gây chiến tranh, hận thù và mỉa mai những ai tận tâm kiến tạo hòa bình. Chúng ta được đòi hỏi phải hoán cải tận căn từ sâu thẳm trái tim. Bên ngưỡng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, niềm vui của chúng ta sẽ là khi thế giới tìm thấy được khả năng biết khóc thương cho tội lỗi của mình, cho những gì mà chiến tranh đã gây ra.”

(Vũ Đức Anh Phương, RadioVaticana 19.11.2014)