ĐTC cử hành Thánh lễ tại sân vận động Zimpeto, Mozambqiue
Sáng 6/9, sau khi thăm bệnh viện Zimpeto, Đức Thánh Cha đi xe đến sân vận động Zimpeto cách bệnh viện khoảng 4km để dâng Thánh lễ.
Sân vận động quốc gia Zimpeto nằm ở ngoại ô Maputo. Đây là một cấu trúc thể thao đa năng, nơi tổ chức bóng đá và các cuộc thi điền kinh. Sân vận động được xây dựng năm 2011 cho thế vận hội Liên Phi châu lần thứ 10, có sức chứa khoảng 42 ngàn người.
Đến sân vận động, Đức Thánh Cha đã đi xe mui trần quanh sân vận động chào các tín hữu như ngài vẫn thường làm. Khoảng 60 ngàn tín hữu, với nhiều người trong trang phục truyền thống màu sắc rực rỡ, đã đến đây từ sớm để chờ đợi giây phút được tham dự Thánh lễ với vị cha chung.
Thánh Lễ được Đức Thánh Cha cử hành bắt đầu lúc 9,30 sáng, với ý chỉ cầu nguyện cho sự phát triển các dân tộc. Cùng đồng tế với ĐTC có các HY và GM đồng hành với ĐTC và các GM Mozambique, và khoảng 150 LM.
Thánh lễ được cử hành trong niềm vui và bầu khí sinh động theo văn hóa châu Phi, với những điệu trống dân tộc, những điệu múa dân gian, những tiếng huýt sáo kiểu châu Phi. Ca đoàn phục vụ trong Thánh lễ gồm 1300 người và có nhiều vị ca trưởng hướng dẫn.
Bài Phúc Âm công bố trong Thánh Lễ được trích từ Tin Mừng Lc 6,27-38: anh em hãy có lòng nhân từ, như cha anh em trên trời là Đấng nhân từ.
Bài giảng của ĐTC
Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Đoạn Tin Mừng thánh Luca chúng ta vừa nghe được gọi là “bài giảng ở đồng bằng”. Chúa Giêsu, sau khi chọn các môn đệ và loan báo Các Mối Phúc, ngài đã thêm: “Thầy nói với anh em là những kẻ đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù” (Lc 6,27). Lời này cũng nói với chúng ta hôm nay, những người đang nghe Ngài tại sân vận động này.
Và Ngài nói điều đó cách rõ ràng, đơn sơ và quyết liệt, vạch ra một lối đi, một con đường hẹp đòi hỏi những nhân đức. Bởi vì Chúa Giêsu không phải là một người duy ý tưởng, bỏ qua thực tế; Ngài đang nói về kẻ thù cụ thể, về kẻ thù thực sự mà Ngài vừa mô tả trong Các Mối Phúc trước đó (6,22): kẻ ghét chúng ta, loại trừ chúng ta, lăng mạ và coi thường chúng ta.
Kinh nghiệm thực tế
Đức Thánh Cha lấy những ví dụ thực tế của những người nghe:
Nhiều người trong anh chị em có thể kể bằng kinh nghiệm của chính mình về những câu chuyện bạo lực, thù hận và bất hòa; một số, nơi chính da thịt của mình, và một số khác, của những người thân quen không còn sống nữa; và còn những người khác vẫn sợ rằng những vết thương trong quá khứ sẽ lặp lại và cố gắng xóa bỏ con đường hòa bình đã đi, như ở Cabo Delgado.
Chúa Giêsu không mời chúng ta yêu bằng một tình yêu trừu tượng hay lý thuyết, được viết trên bàn giấy để ra những bài diễn văn. Con đường mà Ngài chỉ ra cho chúng ta là con đường chính Ngài đã tự mình đi trước, đó là con đường Ngài yêu những kẻ phản bội, đối xử bất công với Ngài, những kẻ đã giết Ngài.
Yêu thương và làm điều tốt lành
Thật khó để nói về sự hòa giải khi những vết thương gây ra bởi rất nhiều năm bất hòa vẫn còn hở miệng. Hoặc chấp nhận lời mời gọi tha thứ không có nghĩa là bỏ qua những đau khổ hoặc xóa bỏ ký ức hay lý tưởng (Evangelii gaudium, 100). Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô mời gọi chúng ta yêu thương và làm điều tốt lành. Điều này còn hơn cả việc phớt lờ người đã làm hại chúng ta hay cố gắng tránh gặp họ. Chúa Giêsu truyền cho chúng ta tỏ ra một điều thiện hảo chủ động, trọn vẹn và phi thường đối với những người đã làm tổn thương chúng ta. Chúa Giêsu cũng không dừng lại ở đó; Ngài đòi hỏi chúng ta chúc lành và cầu nguyện cho họ. Nói cách khác, lời của chúng ta nói về họ là lời nói tốt, tạo nên sự sống chứ không phải sự chết, chúng ta gọi tên họ không phải bằng lăng mạ hay trả thù, nhưng mở đầu cho một mối quan hệ mới dẫn đến hòa bình. Đây là tiêu chuẩn cao mà Thầy đã gợi nên cho chúng ta!
Không theo “công bằng” của bạo lực
ĐTC nói tiếp: Với lời mời này, Chúa Giêsu muốn chấm dứt mãi mãi một tập tục kéo dài dai dẵng: là Kitô hữu mà vẫn sống theo luật báo thù. Người ta không thể nhìn đến tương lai, hoặc xây dựng một quốc gia, một xã hội dựa trên “công bằng” của bạo lực. Tôi không thể theo Chúa Giêsu nếu tôi sống theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”.
Không gia đình, hàng xóm, dân tộc và thậm chí một quốc gia nào có được tương lai, nếu động lực liên kết và quy tụ họ, che giấu những khác biệt giữa họ lại là thù hận và báo thù. Chúng ta không thể đồng thuận và đoàn kết để trả thù, để đối xử với kẻ gây nên bạo lực cho chúng ta như những gì họ đã làm cho chúng ta, để lên kế hoạch trả thù dưới hình thức có vẻ hợp pháp. “Vũ khí và bạo lực, thay vì mang lại giải pháp, nó tạo ra những xung đột mới và tồi tệ hơn” (sđd., 60). “Sự công bằng” của bạo lực luôn là một vòng xoáy không có lối thoát; và giá của nó phải trả là rất cao.
“Anh em muốn người ta làm điều gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy”
Nhưng có một con đường khác, bởi vì đừng quên điều cơ bản này là các dân tộc của chúng ta có quyền được hòa bình. Anh chị em có quyền được hoà bình.
Để làm cho lời mời của mình cụ thể hơn và có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, Chúa Giêsu đề xuất một quy tắc vàng đầu tiên trong tầm với của mọi người –“anh em muốn người ta làm điều gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31) – và Ngài giúp chúng ta khám phá ra điều quan trọng nhất trong lối hành xử này: yêu thương, giúp đỡ và cho vay mà không hy vọng đòi lại được.
“Anh em hãy mặc lấy tâm tình hiền hoà và nhân hậu”
Chúa Giêsu nói anh em hãy “yêu thương nhau”. Và thánh Phaolô đã dịch ra thành “anh em hãy mặc lấy tâm tình hiền hoà và nhân hậu” (x. Cl 3,12). Thế gian phớt lờ – và vẫn không biết –nhân đức thương xót, từ bi,khi giết chết hoặc bỏ rơi người tàn tật và người già, loại bỏ người thương tích và bệnh tật, và vui thích trên sự đau đớn gây ra cho động vật. Cũng thế, người ta đã không thực thi lòng nhân hậu, tốt lành, thúc đẩy chúng ta quan tâm đến những nhu cầu của những người lân cận cũng như của chính chúng ta.
Chủ động nhìn người khác bằng lòng thương xót và nhân hậu
Hoà giải và hoà bình không có nghĩa là không có những xung đột, nhưng còn phải dấn thân hằng ngày của mỗi người để chủ động nhìn người khác bằng lòng thương xót và nhân hậu, đặc biệt đối với những ai dễ bị từ chối và loại trừ. Thái độ này không phải là yếu đuối, nhưng mạnh mẽ, là thái độ của những người nam nữ khám phá ra rằng không cần phải ngược đãi, chê bai hoặc vùi dập người khác để thấy mình quan trọng; nhưng đúng hơn phải ngược lại. Thái độ này là sức mạnh ngôn sứ mà chính Chúa Giêsu Kitô đã dạy chúng ta khi Ngài muốn đồng hoá với họ (x. Mt 25,35-45) và khi cho chúng ta thấy rằng phục vụ là con đường đúng đắn.
Mozambique có một lãnh thổ trù phú về thiên nhiên và văn hoá, nhưng nghịch lý là một con số đông đang sống dưới mức nghèo khổ. Và đôi khi dường như những người tiếp cận để giúp đỡ lại có những toan tính lợi lộc khác. Thật đáng buồn khi điều này xảy ra giữa những người anh chị em trên cùng trái đất, những người để cho mình bị tha hóa. Thật hết sức nguy hiểm khi nghĩ rằng đây là cái giá phải trả cho viện trợ bên ngoài.
Hãy là những hạt giống của niềm vui và hy vọng, hòa bình và hòa giải
“Giữa anh em thì không được như vậy” (Mt 20,26; x. 26-28). Chúa Giêsu đã nói để thúc giục chúng ta đóng vai trò chính tạo nên một lối sống khác, thuộc Vương quốc của Ngài: hãy là những hạt giống của niềm vui và hy vọng, hòa bình và hòa giải, ngay tại đây và bây giờ. Những gì Thánh Linh mang đến không phải là phô trương gây bão nhưng trên hết là quan tâm đến người khác, khi chân nhận và quý mến họ như anh chị em chúng ta, đến độ cảm thấy cuộc sống và nỗi đau của họ là cuộc sống và nỗi đau của chúng ta. Đây chính là nhiệt kế tốt nhất để đánh giá bất kỳ loại ý thức hệ nào tìm cách lèo lái người nghèo và các tình huống bất công để phục vụ lợi ích chính trị hoặc cá nhân (x. Evangelii Gaudium, 199). Chỉ khi sống như thế, chúng ta mới có thể gieo mầm và trở nên khí cụ của hoà bình và hoà giải tại mọi nơi chúng ta sống.
Quyết định của Chúa Kitô
Chúng ta mong muốn hòa bình ngự trị trong trái tim và nhịp đập của dân tộc chúng ta. Chúng ta muốn một tương lai hòa bình. Chúng ta muốn “sự bình an của Chúa Kitô cư ngụ trong lòng anh em” (Cr 3,15), như Thư Thánh Phaolô đã nói. Ngài sử dụng một động từ dùng trong thể thao và đề cập đến trọng tài để quyết định những trường hợp còn nghi ngờ: “ước chi sự bình an của Chúa Kitô là trọng tài nơi trái tim anh chị em”. Nếu sự bình an của Chúa Kitô là trọng tài trong tâm hồn chúng ta, thì khi có những cảm nhận trái ngược và chúng ta không quyết định được giữa hai cảm nhận trái ngược ấy, thì chúng ta nên “chơi trò chơi” của Chúa Kitô. Đó là hãy để quyết định của Chúa Kitô giữ chúng ta trên con đường yêu, trên con đường của lòng thương xót, chọn lựa vì những người nghèo nhất, và bảo vệ thiên nhiên, trên con đường hòa bình.
Nếu Chúa Giêsu là trọng tài của những cảm xúc trái ngược trong lòng chúng ta, giữa những quyết định phức tạp của đất nước, thì Mozambique sẽ được đảm bảo một tương lai hy vọng. Từ đó, đất nước của anh chị em sẽ có thể đem hết cả tâm hồn hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng (x. Cl 3,16).
Vào cuối thánh Lễ, Đức cha Francisco Chimoio, Tổng giám Maputo đã cảm ơn Đức Thánh Cha. Ngài nói: “Trong những ngày này, chúng con không chỉ cảm nhận được niềm vui vì nhận được một lá thư nhưng là Đức Thánh Cha ở với chúng con.” Ngài cũng chia sẻ những khó khăn, ngay cả việc đổ máu, mà đất nước Mozambique đã và đang trải qua. Đức cha cảm ơn Đức Thánh Cha về những cử chỉ yêu thương và mang lại hy vọng mà Đức Thánh Cha mang đến ngang qua chuyến viếng thăm này.
Hãy giữ lấy hy vọng
ĐTC cũng cám ơn tất cả mọi người đã cộng tác để chuyến viếng thăm của ngài được trở thành sự thật. Ngài cũng đề cao sự hy sinh của họ để tham dự các cuộc gặp gỡ, đặc biệt những người không thể tham dự vì hậu quả của những trận cuồng phong hồi tháng 3 và tháng 4. Một lần nữa ngài nhắc nhở: “Anh chị em có nhiều lý do để hy vọng!… Hãy giữ lấy hy vọng, đừng để nó bị đánh mất! Và cách thế tốt nhất để gìn giữ hy vọng là hiệp nhất để tất cả các lý do của hy vọng được củng cố thêm trong một tương lai hòa giải và hòa bình ở Mozambique.
Thánh Lễ kết thúc lúc quá 11 giờ trưa. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đi xe ra phi trường Maputo cách sân vận động khoảng 17 km. Tại đây ngài từ biệt Mozambique và bắt đầu cuộc viếng thăm Madagascar.
Văn Yên SJ – Vatican