Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu ngày thứ nhất – Luôn có chỗ trong lều

0
14

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI
ĐẠI HỘI CẤP CHÂU LỤC CỦA GIÁO HỘI Á CHÂU
NGÀY THỨ NHẤT: LUÔN CÓ CHỖ TRONG LỀU

WHĐ (25.02.2023) – Sau thời gian chuẩn bị, Đại hội cấp Châu lục của Giáo hội Á châu chính thức khai mạc vào ngày 24. 02. 2023 tại trung tâm Huấn luyện Mục vụ Baan Phu Waan, Tổng giáo phận Bangkok, Thái Lan.

Ngày thứ nhất của Đại hội với chủ đề “Luôn có chỗ trong lều” bao gồm những hoạt động như sau.

  1. Thánh lễ Khai mạc Đại hội

Đức TGM Tarcisio Isao Kikuchi, SVD và đồng tế đoàn

Thánh lễ kính Chúa Thánh Thần khai mạc Đại hội do Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi, SVD, Tổng giám mục Tokyo kiêm Tổng thư ký FABC chủ tế với sự đồng tế của Đức Hồng y (ĐHY) Virgílio do Carmo da Silva SDB, Tổng giáo phận Díli, và ĐHY Louis Marie Ling Mangkhanekhoun, Giám quản Tông tòa Viên Chăn, Lào.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức TGM Kikuchi gợi lại những kinh nghiệm mục vụ của ngài khi còn là một thừa sai ở Châu Phi, nêu bật những tình huống tuyệt vọng và thờ ơ đang hủy hoại tinh thần và tâm hồn nhân loại, cũng như những tình huống của hy vọng và tình yêu – điều kỳ diệu của Ghana mà nó mang lại sự sống và niềm vui, được hình thành trong tinh thần liên đới.

Nghi thức làm phép và trao nến cho các nhóm

Thánh Lễ kết thúc với Nghi thức làm phép nến được trao cho những người điều động các nhóm để đặt trên bàn của họ. Những ngọn nến này, được thắp sáng trong cuộc thảo luận, tượng trưng cho ánh sáng của Chúa Kitô truyền cảm hứng và thúc đẩy các cuộc thảo luận suy tư về lộ trình Hiệp hành.

  1. Diễn văn Khai mạc Đại hội

ĐHY Mario Grech, Tổng thư ký THĐ đọc diễn văn khai mạc Đại hội (Hình: Vatican News)

ĐHY Mario Grech, Tổng thư ký Ban thư ký Thượng Hội đồng giám mục, trong bài diễn văn khai mạc, đã nhắc nhở các đại biểu rằng “tất cả chúng ta đều là những người học hỏi trong tính Hiệp hành” – khuyến khích chúng ta chú ý hơn đến những tiếng nói trong Giáo hội, đặc biệt là tiếng nói của những người đang bị kích động và cả của những người “không lên tiếng”. Ngài nhấn mạnh rằng “một Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe” và lưu ý rằng sự thành công của tiến trình này tùy thuộc vào sự tham gia tích cực của dân Chúa và của các mục tử (cũng là thành phần của Dân Chúa). ĐHY giải thích rằng việc thực thi đúng đắn tính Hiệp hành không bao giờ đặt người dân và các mục tử vào thế cạnh tranh nhưng giữ họ trong mối tương quan liên tục, giúp cả hai chu toàn vai trò và trách nhiệm của mình. ĐHY nói thêm, “việc tham khảo ý kiến trong các Giáo hội đã giúp dân Chúa thực hiện cách đúng đắn việc tham gia vào chức năng Ngôn sứ  của Chúa Kitô”.

Để kết luận, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe; lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng nói với Giáo hội và làm thế nào để lời khẳng định “một Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe’ không bị giản lược thành một cụm từ hoa mỹ nhưng phải diễn tả sự thật đúng như vậy. Cuối cùng, ĐHY Grech đã cầu xin Thần Khí của Chúa Phục Sinh hướng dẫn tâm trí và ban cho các đại biểu can đảm để bước đi trên lộ trình Hiệp hành, là con đường mà Chúa đang mở ra cho Giáo hội của Thiên niên kỷ thứ ba.

  1. Các đề tài Thuyết trình

(1) Tiến trình Hiệp hành qua sự phân định cộng đoàn

Tiến sĩ Christina Kheng thuyết trình về Tiến trình Hiệp hành qua sự phân định cộng đoàn (Hình: Vatican News)

Tiến sĩ Christina Kheng, thành viên Ủy ban Phương pháp luận của Thượng Hội đồng, đã minh họa tiến trình của Thượng Hội đồng cho đến nay. Bà nhấn mạnh rằng tất cả mọi người hiện diện tại Thượng Hội đồng đều là những người tham gia chứ không phải chỉ là khán giả. Bà Kheng khẳng định rằng “Mục đích của Thượng Hội đồng, và do đó, của cuộc thỉnh ý này, không phải là để tạo ra các tài liệu, mà là để ‘gieo những giấc mơ, đưa ra những lời ngôn sứ và tầm nhìn, làm trổ sinh hy vọng, khơi dậy niềm tin, hàn gắn vết thương, dệt nên các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và tạo ra sự khéo léo rạng rỡ sẽ soi sáng tâm trí, sưởi ấm trái tim, và tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay của chúng ta” (x.Tài liệu chuẩn bị số 32). Tiến sĩ Kheng cũng nói rõ rằng các tham dự viên không nên giới hạn mình trong việc soạn thảo một tài liệu, nhưng thay vào đó, cần gặp gỡ, đối thoại, xây dựng các mối tương quan, phát triển như một cộng đoàn phân định và cùng nhau trải nghiệm bước đi trong Thánh Thần với tư cách là dân Chúa tại châu Á.

(2). Linh đạo Phân định

Linh mục Anthony James Corcoran SJ, giới thiệu về Linh đạo Phân định

Thượng hội đồng là một tiến trình suy tư, nên linh mục Anthony James Corcoran SJ, Giám Quản Tông Tòa tại Kyrgyzstan đã giới thiệu về Linh đạo Phân định. Cha Anthony đã giúp các đại biểu hiểu rằng phân định là một hành trình do Chúa Thánh Thần dẫn dắt, là cái chết được theo sau bởi sự phục sinh, và phân định bao gồm việc buông bỏ những kế hoạch, những điều chắc chắn và chương trình của mình, để được hướng dẫn đến một cuộc sống mới bởi những chỉ dẫn không thể đoán trước của Chúa Thánh Thần. Trích dẫn Tông huấn Evangelii Gaudium số 51, “Thật là thích hợp để phân biệt rõ cái gì có thể là kết quả của Nước Thiên Chúa với cái gì đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa”, Cha Anthony đã đặt ra chủ đề cho các cuộc thảo luận hôm nay.

(3). Giải thích Bản Đề cương Dự thảo

Linh mục Clarence Devadass mô tả tiến trình và hành trình mà Lực lượng Đặc nhiệm Thượng Hội đồng FABC đã thực hiện để đưa ra Đề cương Dự thảo. Trong phần trình bày của mình, Cha Clarence nhấn mạnh rằng Đề cương dự thảo là một tài liệu làm việc có kết thúc mở, được soạn thảo để giúp các đại biểu cùng nhau cầu nguyện để phân định, thảo luận, và cân nhắc. Cha nêu bật 5 lĩnh vực mà bản dự thảo đề cập đến: sự cộng hưởng, căng thẳng, thực tế và sự khác biệt của châu Á, khoảng cách được xác định trong các phản ứng, và ưu tiên của các phản ứng tại châu Á. Cha cũng nhấn mạnh rằng Đề cương Dự thảo nhằm khơi dậy tiến trình nhận thức, để thành quả cuối cùng thực sự đại diện cho những giấc mơ, hy vọng, khát vọng và nỗi đau đang vang vọng Lục địa Châu Á.

  1. Thảo luận nhóm

Những vị hướng dẫn ngày làm việc thứ nhất: Bà Susan Pascoe, ĐGM Stephen Chow SJ, và Bà Joy Candelario

Những đại biểu hướng dẫn ngày làm việc thứ nhất hôm nay là Đức Giám mục Stephen Chow SJ, Giám mục Hồng Kông; Bà Susan Pascoe, thành viên Lực lượng Đặc nhiệm Châu lục của Ban thư ký Thượng Hội đồng; và Bà Joy Candelario, thành viên Đại hội Châu lục Châu Á về Tính Hiệp hành của Hội đồng Giám mục Philippines.

Các đại biểu được mời gọi suy tư, trong cầu nguyện cá nhân, về 3 câu hỏi:

– Tôi đã có trải nghiệm gì về tiến trình Hiệp hành?

– Nhiệm vụ của chúng ta trong Đại hội này là gì?

– Chúng ta nghĩ gì về phương pháp “Đối thoại tâm linh”?

Buổi chiều, các đại biểu họp theo nhóm, thảo luận và chia sẻ về những nhận xét của họ về phần đầu của Đề cương dự thảo.

Tải về tài liệu tiếng Anh ngày làm việc thứ nhất tại đây!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: bangkok.synod2023.org (24. 02. 2023)

#daihoicapchauluc #giaohoiachau #thuonghoidong