Cập nhật tin Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Congo và Nam Sudan

0
4

CẬP NHẬT TIN
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
TÔNG DU
CỘNG HOÀ DÂN CHỦ CONGO VÀ NAM SUDAN

(Cập nhật lúc 08h30 ngày 01.02.2023)

_______

BẢN TIN CHIỀU NGÀY 31/01/2023

ĐỨC THÁNH CHA GẶP GỠ CHÍNH QUYỀN, XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN TẠI VƯỜN “DINH QUỐC GIA”

Ngọc Yến – Vatican News

Vatican News (31.01.2023) – Sau khi thăm hữu nghị tổng thống cộng hoà tại “Sảnh Tổng thống” Đức Thánh cha đến vườn của “Dinh Quốc gia”, cách đó 200m để gặp đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Trong diễn văn trước khoảng 1.000 người, trước hết  Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn vì sự đón tiếp dành cho ngài, và niềm vui vì được đến vùng đất xinh đẹp, rộng lớn. Ngài ví Congo như lá phổi xanh rất phong phú và đa dạng.

ĐTC đến Dinh Quốc gia

Vùng đất phì nhiêu nhưng bị chiến tranh tàn phá

Đức Thánh Cha lấy làm tiếc vì nếu vùng đất phì nhiêu như thế thì đáng lý ra người dân được hưởng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, nhưng trái lại bị chiến tranh tàn phá, Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp tục chứng kiến những cuộc xung đột và di cư cưỡng ép trong lãnh thổ, và phải chịu đựng những hình thức bóc lột khủng khiếp, không xứng đáng với con người và thụ tạo. Đất nước bao la và tràn đầy sức sống này, cơ hoành của châu Phi, bị bạo lực tấn công như thể bị đấm vào bụng, từ lâu dường như đã không còn hơi thở.

Như một người hành hương hoà giải và hoà bình

Đức Thánh Cha nói: “Khi quý vị, những người Congo, đấu tranh để bảo vệ phẩm giá và sự toàn vẹn lãnh thổ của quý vị trước những ý đồ đáng trách nhằm chia cắt đất nước, tôi đến với quý vị, nhân danh Chúa Giêsu, như một người hành hương hòa giải và hòa bình. Tôi đã rất mong muốn được ở đây và giờ đây cuối cùng tôi đã đến để mang đến với quý vị sự gần gũi, quý mến và an ủi của toàn thể Giáo hội Công giáo”.

Người dân Congo chào đón ĐTC

Quốc gia như một viên kim cương

Đức Thánh Cha lấy hình ảnh đẹp rực rỡ của kim cương để so sánh với vùng đất này. Ngài nói: “đất nước của quý vị thực sự là một viên kim cương của thụ tạo. Đồng thời, tất cả quý vị quý giá hơn bất kỳ kho báu nào được tìm thấy trên mảnh đất màu mỡ này! Tôi ở đây để ôm quý vị và để nhắc quý vị rằng quý vị là vô giá, Giáo hội và Giáo hoàng tin tưởng quý vị, tin vào tương lai của quý vị, một tương lai nằm trong tay quý vị và quý vị xứng đáng được hưởng những ân ban được dành cho quý vị, đó là sự thông minh, khôn ngoan, siêng năng.”

Ở điểm này, Đức Thánh Cha mời gọi người dân Congo can đảm đứng lên, cầm lấy viên kim cương trong tay là phẩm giá và ơn gọi để gìn giữ sự hài hòa và bình yên cho ngôi nhà đang sinh sống, để sống lại tinh thần của quốc ca: “Qua cần cù lao động, xây dựng đất nước tươi đẹp hơn xưa, trong hòa bình”.

Đức Thánh Cha giải thích: “Quý vị thân mến, kim cương thường rất hiếm, nhưng ở đây có rất nhiều. Nếu điều này đúng với sự giàu có vật chất ẩn chứa trong lòng đất, thì điều này càng đúng hơn với của cải tinh thần ở trong tâm hồn quý vị. Bởi vì chính từ tâm hồn mà hòa bình và phát triển được sinh ra, bởi vì, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, con người có khả năng thực thi công lý và tha thứ, hòa hợp và hòa giải, cam kết và kiên trì sử dụng tốt những tài năng đã nhận được. Vì thế, khi bắt đầu cuộc hành trình, tôi muốn đưa ra lời kêu gọi: Mong sao mỗi người dân Congo cảm thấy được kêu gọi thực hiện phần việc của mình! Ước mong bạo lực và hận thù không còn chỗ trong trái tim hay trên môi miệng của bất kỳ ai, bởi vì chúng là những cảm xúc vô nhân đạo và chống lại Kitô giáo, làm tê liệt sự phát triển và đưa chúng ta trở lại một quá khứ ảm đạm”.

Kêu gọi không bóc lột châu Phi

Theo Đức Thánh Cha, là một bi kịch khi những nơi này, và nói chung là toàn lục địa châu Phi, vẫn phải chịu đựng nhiều hình thức bóc lột. Sau bóc lột chính trị, một “chủ nghĩa thực dân kinh tế” cũng là tình trạng nô lệ đã đến. Hậu quả là đất nước bị cướp bóc ồ ạt này đã không được hưởng một cách xứng đáng nguồn tài nguyên phong phú của mình. Điều nghịch lý đã xảy ra là sự giàu có của đất đai lại khiến đất nước trở nên “xa lạ” đối với chính người dân của nó. Chất độc của lòng tham đã làm cho những viên kim cương bị vấy bẩn bằng máu. Đây là một bi kịch trước thế giới phát triển kinh tế thường bịt mắt, che tai và bịt miệng. Nhưng đất nước và lục địa này xứng đáng được tôn trọng và lắng nghe; xứng đáng có chỗ đứng và nhận được sự chú ý.

Ngài nói mạnh mẽ: “Không được can thiệp vào Cộng hòa Dân chủ Congo! Không được can thiệp vào châu Phi! Không được bóp nghẹt châu Phi: đó không phải là mỏ để khai thác hoặc vùng đất để cướp phá. Hãy để châu Phi là nhân vật chính cho số phận của mình! Thế giới hãy nhớ đến những thảm hoạ đã xảy ra trong nhiều thế kỷ gây thiệt hại cho người dân địa phương, và không quên đất nước và lục địa này. Châu Phi, nụ cười và niềm hy vọng của thế giới quan trọng hơn. Nếu châu Phi được nói đến thường xuyên hơn, châu lục này sẽ có trọng lượng và uy tín lớn hơn giữa các quốc gia!”

Mở con đường ngoại giao nhân văn

Để thực hiện tiến trình này, Đức Thánh Cha đề nghị mở con đường ngoại giao thực sự nhân văn, một ngoại giao của các dân tộc vì các dân tộc, không tập trung vào kiểm soát đất đai và tài nguyên, sự bành trướng và gia tăng lợi nhuận, nhưng tập trung vào việc tạo cơ hội phát triển cho mọi người. Trong trường hợp của dân tộc này, người ta có cảm tưởng trên thực tế Cộng đồng quốc tế đã cam chịu bạo lực đang nuốt chửng họ. Chúng ta không thể quen với cảnh đổ máu đã đánh dấu đất nước này trong nhiều thập kỷ, khiến hàng triệu người chết nhưng nhiều người không hề biết đến. Thế giới cần phải biết những gì đang xảy ra ở đây.

Ngài nói: “Các tiến trình hòa bình đang diễn ra, điều tôi rất khuyến khích, cần được duy trì bằng các hành động cụ thể và các cam kết cần được duy trì. Tạ ơn Chúa, có những người đang đóng góp cho lợi ích của người dân địa phương và cho sự phát triển đích thực qua các dự án hiệu quả: không chỉ là những can thiệp hỗ trợ nhưng còn là những kế hoạch phát triển toàn diện. Theo nghĩa này, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các quốc gia và các tổ chức đang cung cấp viện trợ đáng kể, hỗ trợ cuộc chiến chống nghèo đói và bệnh tật, hỗ trợ pháp quyền và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền. Tôi hy vọng họ có thể tiếp tục thực hiện những nỗ lực này một cách can đảm và trọn vẹn.”

Vẻ đẹp của kim cương đến từ nhiều mặt

Đức Thánh Cha tiếp tục bài diễn văn, trở lại với hình ảnh của viên kim cương. Khi đã được đánh bóng, vẻ đẹp của nó còn đến từ hình dáng, từ sự sắp xếp hài hòa của nhiều mặt. Tương tự như vậy, đất nước này, với di sản quý giá của sự đa nguyên, có đặc tính đa diện. Sự phong phú đó phải được bảo tồn, tránh rơi vào chủ nghĩa bộ lạc và thù địch. Một tinh thần đảng phái, ngoan cố thúc đẩy một nhóm sắc tộc hoặc cho lợi ích cá nhân, sẽ nuôi dưỡng vòng xoáy hận thù và bạo lực, gây thiệt hại cho mọi người, vì ngăn chặn “hoá học lập thể” cần thiết. Thật vậy, từ quan điểm hóa học, điều thú vị là kim cương được tạo thành từ các nguyên tử carbon đơn giản, tuy nhiên, nếu được liên kết theo cách khác, sẽ tạo thành than chì: thực tế, sự khác biệt giữa độ sáng của kim cương và độ tối của than chì đến từ cách thức các nguyên tử riêng lẻ được sắp xếp trong mạng tinh thể. Ngoài ẩn dụ, vấn đề không phải là bản chất của con người hay các nhóm sắc tộc và xã hội, nhưng là cách người ta chọn chung sống với nhau: muốn hay không muốn gặp gỡ nhau, hòa giải và bắt đầu lại đánh dấu sự khác biệt giữa bóng tối xung đột và một tương lai rạng rỡ của hòa bình và thịnh vượng.

Các tôn giáo được mời gọi đóng góp cho tương quan con người

Từ hình ảnh đẹp của kim cương đến từ mọi góc cạnh, và từ câu tục ngữ của quốc gia “Bintu bantu”, mô tả sự giàu có thực sự là con người và các mối quan hệ tốt đẹp của con người, Đức Thánh Cha mời gọi các tôn giáo đóng góp cho sự phong phú này, trong nỗ lực hàng ngày để từ bỏ mọi hình thức gây hấn, cải đạo và cưỡng bức, những phương tiện không xứng đáng với tự do của con người. Bởi vì, khi người ta cố gắng áp đặt những phương tiện đó bằng lừa dối và bạo lực, trong một nỗ lực thiếu phân định để chiêu dụ các tín đồ, họ làm thương tổn lương tâm người khác và họ quay lưng lại với Thiên Chúa chân thật, bởi vì “ở đâu có thần khí của Chúa thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17).

Những người cầm quyền được kêu gọi sống trong suốt như pha lê

Một lần nữa trở lại với hình ảnh kim cương, Đức Thánh Cha nói: “Với đặc tính trong suốt, kim cương phản chiếu ánh sáng nhận được một cách tuyệt đẹp. Tương tự như vậy, nhiều người trong quý vị đã toả sáng trong khi thực hiện vai trò của mình. Do đó, những người nắm giữ trách nhiệm dân sự và chính phủ được kêu gọi hoạt động với sự trong suốt như pha lê, sống trách nhiệm đã nhận như một phương tiện phục vụ xã hội. Quyền bính chỉ có ý nghĩa nếu nó trở thành một hình thức phục vụ. Điều rất quan trọng là thực hiện với tinh thần này, tránh sự độc tài, tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng và lòng tham tiền bạc mà tông đồ Phaolô định nghĩa là “cội rễ sinh ra mọi điều ác” (1 Tm 6,10). Đồng thời thúc đẩy các cuộc bầu cử tự do, minh bạch và đáng tin cậy, mở rộng hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, người trẻ và các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội vào các tiến trình hòa bình; tìm kiếm công ích và an ninh của người dân hơn lợi ích cá nhân hoặc nhóm; tăng cường sự hiện diện của nhà nước ở mọi nơi trên lãnh thổ; và người tị nạn và những người di tản được chăm sóc. Chúng ta đừng để mình bị thao túng, bị mua chuộc bởi những kẻ kích động bạo lực trong nước, và khai thác nó để thực hiện các giao dịch kinh doanh đáng xấu hổ. Điều này chỉ dẫn đến mất uy tín và xấu hổ, cùng với cái chết và đau khổ. Trái lại, tốt hơn cần ở gần mọi người, để xem họ sống như thế nào. Dân chúng được tin tưởng khi họ cảm thấy sự gần gũi của những người cầm quyền, không phải để tính toán hay phô trương nhưng là để phục vụ.”

Tham nhũng và bất công là bóng tối của xã hội

Đức Thánh Cha nhận xét: “Điều làm lu mờ ánh sáng sự tốt lành trong một xã hội thường là bóng tối của bất công và tham nhũng. Nhiều thế kỷ trước, Thánh Augustinô, người sinh ra ở lục địa này, đã hỏi: “Nếu công lý không được tôn trọng, thì các quốc gia là gì nếu không phải là một liên minh lớn của những tên trộm?” (De civDei, IV, 4). Thiên Chúa luôn đứng về phía những ai đói khát công lý (Mt 5,6). Chúng ta không được mệt mỏi trong việc thúc đẩy luật pháp và bình đẳng trong mọi lĩnh vực, chống lại sự không trừng phạt và thao túng luật pháp và thông tin”.

Ưu tiên giáo dục cho trẻ em

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn mời gọi những người có trách nhiệm quan tâm đến việc giáo dục các trẻ em. Bởi vì theo ngài, một viên kim cương được đưa lên từ mặt đất có giá trị, nhưng thô ráp cần được đánh bóng. Những viên kim cương quý giá nhất của Congo là những trẻ em của quốc gia này; các em cần được tiếp cận với một nền giáo dục giúp các em có thể tỏa sáng những tài năng bẩm sinh. Giáo dục là nền tảng: đó là con đường dẫn tới tương lai, con đường cần thực hiện để đạt được tự do hoàn toàn cho đất nước này và lục địa châu Phi. Điều cấp thiết là phải đầu tư vào giáo dục để chuẩn bị cho xã hội, các em được củng cố nếu được giáo dục tốt, và tự chủ chỉ khi các em nhận thức được khả năng của chính mình và có khả năng phát triển chúng với trách nhiệm và sự kiên trì. Nhưng nhiều trẻ em không được đi học. Nhiều em, thay vì nhận được một nền giáo dục tốt, lại bị bóc lột! Nhiều em bị chết, phải lao động khổ sai trong hầm mỏ. Cần phải nỗ lực hết sức để tố cáo và cuối cùng là chấm dứt tai họa lao động trẻ em. Biết bao thiếu nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội và nhân phẩm của họ bị xâm phạm! Trẻ em, trẻ nữ và tất cả những người trẻ đại diện cho niềm hy vọng cho tương lai: chúng ta đừng để niềm hy vọng đó bị dập tắt, nhưng hãy nuôi dưỡng nó bằng niềm say mê!

Tổng thống Congo chào đón ĐTC

Kết thúc ngày thứ nhất chuyến tông du

Sau khi kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha chào những người hiện diện và đến Toà Sứ Thần cách đó 750 mét để nghỉ đêm. Kết thúc ngày thứ nhất của chuyến tông du tại CHDC Congo.

Nguồn: vaticannews.va/vi

_______

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ BẮT ĐẦU CHUYẾN TÔNG DU CHDC CONGO VÀ NAM SUDAN

Văn Yên, SJ – Vatican News

Vatican News (31.01.2023) – Sau gần 7 giờ bay từ Roma, lúc 2:45 chiều giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã đến sân bay quốc tế N’djili của thủ đô Kinshasa, bắt đầu chuyến tông du tại CHDC Congo.

Tại thang máy bay, Đức Thánh Cha được Thủ tướng Sama Lukonde chào đón và hai em nhỏ tặng hoa cho ngài. Sau đó, Đức Thánh Cha và Thủ Tướng đã vào Sảnh VIP của sân bay trong Nghi thức Chào đón, tại đây ĐTC đã có cuộc trò chuyện ngắn với Thủ tướng. Sau đó, một số hồng y tháp tùng đã đến chào Thủ tướng và được Đức Thánh Cha giới thiệu.

Sau nghi thức chào đón ngắn, Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã được hộ tống đến Dinh Quốc Gia cách sân bay 25km, tại đây diễn ra Nghi thức Tiếp đón chính thức.

Khi đến Dinh Quốc Gia, Đức Thánh Cha được Tổng thống Felix Tshisekedi đón tại lối vào. Tại đây, nghi thức Tiếp đón diễn ra với nghi thức duyệt binh danh dự, chào cờ với quốc thiều của hai quốc gia Vatican và Congo, và cuối cùng là hai bên giới thiệu đoàn tuỳ tùng.

Sau khi thức tiếp đón chính thức, Đức Thánh Cha đã có cuộc thăm hữu nghị Tổng thống với cuộc gặp riêng, trao đổi quà tặng và Tổng thống giới thiệu thành viên của gia đình. Đức Thánh Cha đã tặng Tổng thống chiếc mề đay được thiết kế riêng cho chuyến tông du của ngài đến CHDC Congo và Nam Sudan, trên đó có hình ảnh chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, bay lượn trên vùng đất Châu Phi, cùng với phần trên của một cây thánh giá. Đây là lời chúc lành của Đức Thánh Cha trên những vùng đất bị chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai.

Sau cuộc gặp riêng với Tổng Thống, ĐTC đến vườn của Dinh Quốc Gia để gặp giới chức chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Nguồn: vaticannews.va/vi

_______

ĐỨC THÁNH CHA LÊN ĐƯỜNG TÔNG DU CỘNG HÒA DÂN CHỦ CONGO VÀ NAM SUDAN

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đài Chân Lý Á Châu (31.01.2023) – Sáng ngày 31 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã lên đường khởi sự chuyến tông du thứ 40 tại nước ngoài, với hai chặng dừng: trước tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo cho đến sáng ngày 03 tháng Hai, và tiếp đó là tại Nam Sudan, cho đến ngày 05 tháng Hai. Chuyến đi này lẽ ra diễn ra từ ngày 02 đến ngày 07 tháng Bảy năm ngoái, nhưng bị hoãn lại vì Đức Thánh cha bị đau đầu gối nặng.

Lên đường

Lúc 7 giờ 30 sáng ngày 31 tháng Giêng, Đức Thánh cha đã rời Nhà trọ thánh Marta ở nội thành Vatican để ra phi trường quốc tế Fiumicino cách đó 30 cây số.

Liền trước khi rời nhà này, Đức Thánh cha đã gặp và chào thăm khoảng 10 người Congo di dân và tị nạn, từ Congo Dân chủ và Nam Sudan, cùng với gia đình họ, vốn được tiếp đón trong Trung tâm tị nạn Astalli do Dòng Tên phụ trách ở Roma và được Đức Hồng y Konrad Krajewski, Bộ trưởng Bộ Bác ái của Tòa Thánh, giới thiệu với Đức Thánh cha.

Khi tới phi trường Fiumicino, Đức Thánh cha đã dừng lại cạnh đài tưởng niệm các nạn nhân Kindu, nhắc nhớ 13 không quân Ý vị sát hại ngày 11 tháng Mười Một năm 1961, tại Congo. Ngài đã cầu nguyện cho nạn nhân vụ sát hại đó và tất cả những người đã bỏ mình trong các sứ vụ nhân đạo và hòa bình.

Tại phi trường, lúc quá 8 giờ, có nghi thức tiễn biệt Đức Thánh cha một cách đơn sơ, với sự hiện diện của các vị hữu trách của sân bay này. Rồi Đức Thánh cha lên máy bay Airbus A359 của hãng Ita Airway của Ý.

Cùng đi với Đức Thánh cha, như thường lệ, có ban tham mưu của ngài, gồm Đức Hồng y Quốc vụ khanh, Pietro Parolin và vị Phụ tá là Đức Tổng giám mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Paul Gallagher, người Anh, Đức Hồng y Antonio Luis Tagle, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, người Philippines, và Đức Hồng y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, gần 30 vị khác trong đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế từ 12 quốc gia, trong đó có 2 nước Phi châu.

Máy bay cất cánh lúc 8 giờ 30 và trực chỉ phi trường quốc tế M’djili của thủ đô Kinshasa, thủ đô của Congo Dân chủ.

Vài nét về đất nước và Giáo hội Congo

Cộng hòa Dân chủ Congo rộng 2 triệu 344.000 cây số vuông, gấp 7 lần nước Việt Nam, với dân số hơn 105 triệu người thuộc 200 sắc tộc khác nhau.

Từ gần 30 năm nay, miền Đông Congo Dân chủ sống trong tình trạng khủng hoảng và trong năm qua càng gia tăng cường độ, đến độ giai đoạn chót là thành phố Goma, dự kiến trong chuyến viếng hồi tháng Bảy năm ngoái của Đức Thánh cha, đã bị hủy bỏ trong chương trình viếng thăm sắp tới đây, chủ ỵếu là vì lý do an ninh.

Goma ngày nay là biểu tượng một cuộc xung đột nội địa và liên miên, với sự can dự của 120 nhóm võ trang ở tỉnh bắc và nam Kivu, cùng với tỉnh Ituri. Trong số các lực lượng đó, có Lực lượng liên minh dân chủ (Allied Democratic Forces, Adf), một phong trào Hồi giáo gốc Uganda, hoạt động đặc biệt tại vùng Beni-Butembo, và Phong trào M23 được Rwanda láng giềng ủng hộ. Nhóm này chiếm được một vùng rộng bằng nước Bỉ, bao quanh và đe dọa Goma, thủ phủ của tỉnh Bắc Kivu. Giáo phận Goma bị chia làm đôi, vì có 32 giáo xứ thuộc vùng do lực lượng phiến quân M23 chiếm đóng.

Nhóm M23 có tổ chức và võ trang hùng hậu hơn cả quân đội chính qui Congo và cả lực lượng bảo hòa Monusco của Liên Hợp Quốc. Hoạt động của nhóm này đã làm gia tăng số thường dân bị thiệt mạng và gần 400.000 người phải di tản, theo con số của Liên Hợp Quốc, không kể con số 5 triệu 600.000 người tản cư tại nước này.

Các cuộc tấn công của nhóm M23 đang gây căng thẳng lớn giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda. Quốc gia này bị Congo tố cáo là ủng hộ các phiến quân tại đây, còn Rwanda thì tố cáo Congo trợ giúp Lực lượng dân chủ giải phóng Rwanda, một nhóm phiến quân có căn cứ tại miền bắc Kivu.

Trong bối cảnh trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước khi lên đường, Đức Hồng y Quốc vụ Parolin nhấn mạnh rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha tại Congo Dân chủ cũng như Nam Sudan nhắm giúp cổ võ ngưng các hành động bạo lực và thăng tiến hòa giải. “Cuộc viếng thăm này có thể đánh dấu một khúc quanh trong những biến cố nhiều khi bi thảm tại hai nước liên hệ… Tình trạng tại Congo đã kéo dài quá lâu: bạo lực, đối nghịch và xung đột. Vì thế, sự kiện Đức Thánh cha gặp các nạn nhân của tình trạng đó, là một cử chỉ rất có ý nghĩa, chắc chắn mang lại sự an ủi cho các nạn nhân.”

Giáo hội Công giáo Congo

Giáo hội Công giáo tại Congo thuộc vào số những Giáo hội kỳ cựu nhất tại Phi châu, nam Sahara, có từ cuối thế kỷ XV với cuộc trở lại của nhà vua và hoàng gia, nhờ các thừa sai Bồ Đào Nha vào năm 1491. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay Giáo hội tại Congo Dân chủ tiếp tục là một trong những Giáo hội sinh động nhất ở Phi châu. Số tín hữu Công giáo tiếp tục gia tăng: trong số gần 106 triệu dân cư tại đây, hiện nay vào khoảng 49% dân số toàn quốc, tức là 52 triệu 200.000 người thuộc 48 giáo phận, do 62 giám mục coi sóc, với sự cộng tác của hơn 6.100 linh mục triều và dòng. Có hơn 1.300 tu huynh và 10.500 nữ tu. Số đại chủng sinh là 4.100 thầy. Nhiều linh mục Congo đang phục vụ Giáo hội tại các nước Phi châu khác, Âu và Mỹ châu theo diện “Fidei Donum”, Hồng ân đức tin.

Một đặc điểm quan trọng của Giáo hội Công giáo Congo là sự dấn thân tích cực của giáo dân, qua nhiều hội đoàn và phong trào giáo dân, họp thành Hội đồng Tông đồ giáo dân. Gần 77.000 giáo lý viên hoạt động trong các lãnh vực khác nhau. Trong lãnh vực truyền thông, Giáo hội Congo có hơn 30 đài phát thanh, nhiều kênh truyền hình giáo phận, và sách báo Công giáo.

Mặt khác, Giáo hội Công giáo Congo cũng phải đương đầu với nhiều thách đố: nạn mê tín, phù thủy và ma thuật vẫn còn lan rộng trong cả các cộng đoàn Công giáo. Ngoài ra, những giáo phái độc lập mệnh danh là Kitô cũng đang lan tràn tại nước này. Thêm vào đó, có vấn đề làm sao phòng ngừa người trẻ đừng can dự vào các băng đảng bạo lực, và các nhóm dân quân, nhất là tại miền Đông Congo.

Đến Kinshasa

Sau gần 7 giờ bay, vượt qua 5.420 cây số, máy bay chở Đức Thánh cha đã đáp xuống Kinshasa, thành phố có hơn 15 triệu 600.000 dân cư, ở phía nam bờ sông Congo, vì bên kia bờ sông này là thành phố Brazzaville, thủ đô Cộng hòa Congo. Kinshasa được thành lập cách đây hơn 140 năm và được gọi là Léopoldville, tên của vua Léopold II của Vương quốc Bỉ. Ngày nay, thủ đô Kinshasa rộng 10.000 cây số vuông và là một trong những thành phố lớn nhất Phi châu, cùng với Cairo của Ai Cập và Lagos của Nigeria.

Về mặt Giáo hội, Tổng giáo phận Kinshasa có 7 triệu 230.000 tín hữu Công giáo trên tổng số hơn 12 triệu 250.000 dân cư. Tại đây, có 160 giáo xứ và 94 nhà thờ, 270 linh mục giáo phận và hơn 400 linh mục dòng, 1.160 tu huynh và 540 nữ tu.

Đức Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, 63 tuổi (1960), Tổng giám mục Kinshasa, thuộc dòng Capuchino và là thành viên Hội đồng Hồng y Cố vấn của Đức Thánh cha, giống như Đức Hồng y tiền nhiệm Laurent Monsengwo.

Chào thăm các ký giả đồng hành

Khi máy bay bay trên không phận sa mạc Sahara, Đức Thánh cha nói với các ký giả cùng đi rằng: “Trong lúc này chúng ta hãy nghĩ đến, trong thinh lặng và cầu nguyện cho tất cả những người đang tìm kiếm một chút an sinh, một chút tự do. Họ tiến qua sa mạc này, nhưng không thành công. Bao nhiêu người đau khổ đến được Địa Trung Hải, sau khi tiến qua sa mạc, nhưng họ bị bắt và giam trong các trại tập trung và chịu đau khổ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người ấy”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Đây là một chuyến đi đẹp, tôi đã muốn đến thành Goma, nhưng với chiến tranh ta không thể đến đó, và chỉ dừng lại ở Kinshasa, rồi Juba. Cám ơn anh chị đã đi cùng với tôi.”

Nguồn: vietnamese.rvasia.org

______

ĐỨC THÁNH CHA PHÓ THÁC CHUYẾN TÔNG DU CỘNG HÒA DÂN CHỦ CONGO VÀ NAM SUDAN CHO ĐỨC MẸ

Duy An | RVA

Đài Chân Lý Á Châu (31.01.2023) – Chiều tối ngày 30 tháng Giêng vừa qua, trước ngày lên đường thực hiện chuyến tông du nước ngoài lần thứ 40, để viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, Đức Thánh cha Phanxicô đã đến Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để cầu nguyện và phó thác chuyến tông du cho Đức Trinh nữ Maria.

Photo: Vatican News

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh cha đã cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Đức Mẹ Maria là Phần rỗi của dân thành Roma.

Theo chương trình, sáng thứ Ba, ngày 31 tháng Giêng năm 2023, Đức Thánh cha sẽ khởi hành từ Roma để thực hiện chuyến tông du trong sáu ngày, với hai chặng dừng: Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Đối với Cộng hòa Dân chủ Congo, thì đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng, kể từ khi Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm đất nước này, khi ấy được gọi là Zaire. Còn đối với Nam Sudan thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo hoàng viếng thăm quốc gia Phi châu này.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha tại hai quốc gia Phi châu này được gọi là “cuộc hành hương hòa bình”, với thông điệp là hòa giải và hy vọng.

Trong lá thư gửi cho người dân hai quốc gia nói trên, trước cuộc viếng thăm của ngài, Đức Thánh cha lưu ý rằng Cộng hòa Dân chủ Congo “đã phải chịu những khủng hoảng và xung đột trầm trọng”, đặc biệt là tại miền Đông nước này; còn Nam Sudan thì đã bị “chiến tranh tàn phá từ nhiều năm nay và đang mong mỏi chấm dứt tình trạng bạo động liên miên, khiến nhiều người phải rời bỏ quê hương, sống trong những điều kiện khó khăn cùng cực”.

Theo chương trình đã định, Đức Thánh cha viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo từ ngày 31 tháng Giêng đến sáng ngày 03 tháng Hai năm 2023. Sau đó, ngài sẽ đến thăm Nam Sudan cho đến ngày 05 tháng Hai năm 2023.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org

#tongduconggovanamsudan