Bản tin Hiệp Hành #2: Khóa họp cấp châu lục – Giáo hội Á Châu

0
14

BẢN TIN HIỆP HÀNH #2: KHÓA HỌP CẤP CHÂU LỤC – GIÁO HỘI Á CHÂU

Vatican News (01.03.2023) – Khoá họp cấp đại lục của Giáo hội Á châu chuẩn bị Thượng HĐGM đã diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 24 đến 26/2/2023, quy tụ khoảng 80 tham dự viên, trong đó có 6 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 18 Giám mục, 28 Linh mục, 4 nữ tu và 19 giáo dân; có 3 đại biểu đến từ Việt Nam. Các đại biểu đã được mời tham gia tiến trình Hiệp hành bằng phương pháp 3 bước gọi là ‘Cuộc đối thoại thiêng liêng’. Mở đầu và kết thúc mỗi phiên họp đều là giờ cầu nguyện.

Khoá họp cấp đại lục của Giáo hội Á châu chuẩn bị Thượng HĐGM đã diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, từ ngày 24 đến 26/2/2023. Các phái đoàn tham dự gồm các đại diện của 17 Hội đồng Giám mục và 2 Hội đồng Giám mục thuộc nghi lễ Đông Phương, đại diện cho 29 quốc gia thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu.

Khóa họp quy tụ khoảng 80 tham dự viên, trong đó có 6 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 18 Giám mục, 28 Linh mục, 4 nữ tu và 19 giáo dân; có 3 đại biểu đến từ Việt Nam: Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Cha Nguyễn Hai Tính (Dòng Tên) và Sơ Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, Dòng Phaolô. Có cả những chuyên viên đến từ Vatican, và dĩ nhiên, có phóng viên tại chỗ của Vatican News.

Trong 3 ngày, các tham dự viên đã làm việc theo đề cương dự thảo được soạn sẵn và để ngỏ dựa trên Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Châu lục (DCS) của Thượng Hội Đồng. Ngoài ra, các tham dự viên sẽ chia sẻ những Chủ đề xoay quanh trải nghiệm về niềm vui, về việc cùng nhau bước đi, về những tổn thương, và về lời mời gọi đón nhận những con đường mới. Đồng thời, các đại biểu cũng sẽ tập trung vào những căng thẳng đang nổi lên ở Châu Á, chẳng hạn như: việc sống tinh thần Hiệp hành, việc đưa ra quyết định, ơn gọi linh mục, giới trẻ, người nghèo, xung đột tôn giáo và giáo sĩ trị.

ĐHY Mario Grech, Tổng thư ký Ban thư ký Thượng Hội đồng giám mục, trong bài diễn văn khai mạc, đã nhắc nhở các đại biểu rằng “tất cả chúng ta đều là những người học hỏi trong tính Hiệp hành” – khuyến khích chúng ta chú ý hơn đến những tiếng nói trong Giáo hội, đặc biệt là tiếng nói của những người đang bị kích động và cả của những người “không lên tiếng”. Ngài nhấn mạnh rằng “một Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe” [điều này không bị giản lược thành một cụm từ hoa mỹ nhưng phải diễn tả sự thật đúng như vậy]. và lưu ý rằng sự thành công của tiến trình này tùy thuộc vào sự tham gia tích cực của dân Chúa và của các mục tử (cũng là thành phần của Dân Chúa). ĐHY giải thích rằng việc thực thi đúng đắn tính Hiệp hành không bao giờ đặt người dân và các mục tử vào thế cạnh tranh nhưng giữ họ trong mối tương quan liên tục, giúp cả hai chu toàn vai trò và trách nhiệm của mình. Sau đó sẽ là phần định hướng nhằm trình bày cho các tham dự viên về những chủ đề thảo luận và phân định. Bản thảo của tài liệu cuối cùng cũng sẽ được trình bày để các tham dự viên chia sẻ suy nghĩ của mình.

Đề tài thuyết trình đầu tiên là: (1) Tiến trình Hiệp hành qua sự phân định cộng đoàn. Các tham dự viên không nên giới hạn mình trong việc soạn thảo một tài liệu, nhưng thay vào đó, cần gặp gỡ, đối thoại, xây dựng các mối tương quan, phát triển như một cộng đoàn phân định và cùng nhau trải nghiệm bước đi trong Thánh Thần với tư cách là dân Chúa tại châu Á. Tiếp đó là bài thuyết trình về Linh đạo Phân địnhPhân định là một hành trình do Chúa Thánh Thần dẫn dắt, bao gồm việc buông bỏ những kế hoạch, những điều chắc chắn và chương trình của mình, để được hướng dẫn đến một cuộc sống mới bởi những chỉ dẫn không thể đoán trước của Chúa Thánh Thần. Sau đó là phần Giải thích bản đề cương dự thảo và Thảo luận nhóm.

Các đại biểu được mời gọi suy tư, trong cầu nguyện cá nhân, về 3 câu hỏi: (1) Tôi đã có trải nghiệm gì về tiến trình Hiệp hành? (2) Nhiệm vụ của chúng ta trong Đại hội này là gì? (3) Chúng ta nghĩ gì về phương pháp “Đối thoại thiêng liêng”?

Các đại biểu đã được mời tham gia tiến trình Hiệp hành bằng phương pháp 3 bước gọi là ‘Cuộc đối thoại thiêng liêng’. Bước đầu tiên, “Phát biểu ý kiến” là thời gian mà mỗi tham dự viên trong nhóm có 2 phút để nói về trải nghiệm của họ về tiến trình Hiệp hành; không có thảo luận hay can thiệp nào, tiếp theo là 2 phút thinh lặng để tiếp nhận những điều đã được chia sẻ. Bước thứ hai, “Dành chỗ cho người khác” là thời gian mà mỗi tham dự viên trong nhóm có 2 phút để nói về những gì họ được đánh động nhất từ những gì mà người khác đã nói; không có thảo luận hay can thiệp nào, và tiếp theo là 2 phút thinh lặng để nội tâm hóa những điều đã được chia sẻ. Bước thứ ba, “Cùng nhau xây dựng” là thời gian tương tác để nhận diện hoa trái của cuộc đối thoại, nhận ra sự giống nhau, những vấn đề phổ biến, sự bất đồng và tiếng nói ngôn sứ. Phương pháp này tạo không gian cho những thời khắc của ân sủng giúp nhóm tự vấn một câu hỏi cơ bản: Chúa Thánh Thần đang dẫn chúng ta đi đâu?

Mở đầu và kết thúc mỗi phiên họp đều là giờ cầu nguyện. Các nhóm đã suy tư và cầu nguyện về những câu hỏi sau: – Liệu có còn mối quan tâm hoặc vấn đề nào chưa được thảo luận đầy đủ trong phần “khoảng trống” bản thảo không? – Liệu có còn thực tế, trải nghiệm hoặc mối quan tâm nào của Châu Á nào có thể được đưa vào hoặc cải thiện trong “khoảng trống” không? Trong phiên họp thứ hai, các nhóm đã suy tư và cân nhắc về 5 ưu tiên cấp bách nhất đối với châu Á và cần được gửi tới Đại hội Thượng hội đồng vào tháng Mười sắp tới.

Khóa họp đã kết thúc vào Chúa nhật với Thánh lễ do Đức Hồng y Charles Bo, SDB, Tổng Giám mục Yangon và Chủ tịch FABC chủ sự.

Anh Huy, SJ – Vatican News

Nguồn: vaticannews.va/vi

#bantinhiephanh #khoahopcapchauluc #giaohoiachau