Một Giám mục Việt Nam đã chọn khẩu hiệu “yêu rồi làm”. Tại sao phải yêu rồi mới làm được? Hàng ngày chúng ta buộc phải làm nhiều việc bổn phận mặc dù chẳng có yêu thích gì! Nếu chờ cho tới khi yêu rồi mới làm thì chừng nào mới bắt tay vào việc?
Khẩu hiệu “yêu rồi làm” là của đức giám mục Phú Cường. Theo luật, thì chính ngài mới có thẩm quyền giải thích chính thức khẩu hiệu mà mình đã chọn. Tuy nhiên, bởi vì đây không phải chỉ là một châm ngôn do ngài sáng chế ra nhưng đã có từ lâu đời trong lịch sử Hội thánh cho nên tôi xin được góp ý dựa theo sự giải thích của truyền thống thần học.
Câu nói “yêu rồi làm” bắt nguồn từ đâu vậy?
Đây không phải là câu nói trích từ Kinh thánh nhưng là trích từ thánh Augustinô giám mục, khi chú giải thư thánh Gioan tông đồ. Thực ra, dịch cho hết ý của thánh Augustinô không phải là chuyện đơn giản. Nếu dịch là “yêu rồi làm” thì có thể gây hiểu lầm, ra như là muốn đối chọi với “làm rồi yêu”, với những hậu quả khá tai hại. Tôi nghĩ tới một phụ nữ Ấn độ đã phát biểu tại Thượng hội đồng giám mục bàn về hôn nhân và gia đình năm 1980. Chị ta nói rằng: “Bên Âu Mỹ người ta yêu nhau rồi mới lấy nhau; và rồi khi hết yêu thì đem nhau ra toà xin ly dị. Còn bên Á châu, thì chúng tôi lấy nhau trước rồi mới yêu nhau sau. Chính vì thế mà chúng tôi đã quen nhịn nhục chịu đựng khi gặp khó khăn trong cuộc sống vợ chồng”. Dĩ nhiên là thánh Augustinô không hề nghĩ đến chuyện này. Câu nói của ngài dài hơn: Dilige, et quod vis fac (Tractatus in epistulam Johannis 7,8), và xin tạm dịch như sau: “Yêu đi, và làm điều bạn muốn”, hoặc “Cứ yêu đi, rồi làm chi cũng được”.
Nhiều cô cậu cũng bênh vực cho thánh Augustinô “cứ yêu đi rồi làm chi cũng được”: họ ăn nằm với nhau bất cần giá thú. Thánh Augustinô có nghĩ đến điều đó không?
Dĩ nhiên, những nhận xét về cuộc sống chỉ có giá trị tương đối khi đặt trong mạch văn của nó, chứ không mang giá trị tuyệt đối như là công thức toán học. Vì thế mà nếu tách ra khỏi mạch văn thì có thể giải thích hoàn toàn trái ngược với chủ ý của người nói. Trên thực tế thì không phải chỉ có các cô cậu choai choai mới thích trưng dẫn câu nói của thánh Augustinô để biện minh cho thuyết tự do luyến ái. Chúng ta còn có thể kể ra nhiều trường hợp khác nữa. Chẳng hạn như có những bác sĩ viện dẫn câu nói đó để thi hành sự phá thai, (giết những trẻ em khuyết tật để cho chúng khỏi khổ và xã hội cũng đỡ gánh nặng). Và nói chung, rất nhiều người cũng nêu cao châm ngôn của thánh Augustinô để quảng cáo cho triết thuyết “sống thoải mái”, cốt sao để chiều theo cái khoái của mình là đủ, chứ không cần đếm xỉa tới luật lệ luân lý!
Thế còn thánh Augustinô muốn nói gì?
Chúng ta có thể hiểu câu nói của thánh Augustinô theo nhiều nghĩa khác nhau, đi từ khía cạnh tâm lý sang đến khía cạnh thần học. Bắt đầu là một nhận xét hợp tâm lý: khi đã yêu thích điều gì, thì ta sẽ thấy thích thú để thi hành cho dù công việc có cam go nặng nhọc mấy đi nữa. Khi bà mẹ yêu con thì bà không ngần ngại hy sinh vì con: không những bà sẵn sàng hy sinh giấc ngủ mà còn dám hy sinh cả mạng sống! Văn chương bình dân của chúng ta cũng đã nói: “Yêu nhau chẳng quản xa gần, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng leo”.
Điều này quá rõ rồi, đâu có cần chờ thánh Augustinô nói thì ta mới biết được?
Như đã nói trên, cần đặt các câu nói trong mạch văn của nó thì mới hiểu đúng nghĩa. Câu nói “Yêu đi rồi làm chi cũng được” được trích từ những bài giảng số 8, chú giải chương 4 của thư thứ nhất thánh Gioan tông đồ, với những đoạn viết về tình yêu của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa”. Như vậy, đây là một tác phẩm thần học chứ không phải là thiên khảo luận tâm lý. Thực ra mạch văn gần của nó không phải là nhằm khảo luận về bản chất của tình yêu cho bằng giải thích động lực tình yêu thúc đẩy các hành động của chúng ta. Nói cách khác, thánh Augustinô lấy tình yêu để làm tiêu chuẩn đo lường giá trị luân lý của các hành vi. Tuy cùng làm một hành vi như nhau, nhưng nếu hành vi do động lực tình yêu thúc đẩy thì trở thành nhân đức, còn nếu không do tình yêu thúc đẩy thì trở thành xấu. Thánh Augustinô đưa ra một thí dụ trong công trình cứu độ, đó là việc trao nộp Đức Giêsu. Chúa Cha trao phó đức Giêsu và đức Giêsu trao hiến mình: cả hai đều do tình yêu thúc đẩy, vì thế mà mang lại giá trị cứu độ. Còn ông Giuđa cũng trao nộp đức Giêsu, nhưng do động lực bất chính vì thế mà bị coi là tội phản bội. Như vậy tuy cùng là một hành vi nhưng có hai giá trị khác nhau bởi vì do những động lực khác nhau thúc đẩy. Thánh Augustinô còn thêm một thí dụ khác nữa để làm sáng tỏ vấn đề, qua việc so sánh hành động của một người cha đánh đập con mình vì yêu thương muốn sửa dạy nó; và một người dưng thì lại vuốt ve thằng bé để dụ dỗ nó vào đường xấu. Thoạt tiên, chúng ta muốn trách người cha vì đã gây ra đau đớn cho đứa con, nhưng suy ra thì chúng ta cảm phục ông ta bởi vì ông nghiêm khắc với đứa con do lòng yêu thương nó. Ngược lại, kẻ dụ dỗ đứa nhỏ bằng đường mật vì muốn làm hại nó chứ không phải vì thương nó, thì là một hành vi xấu. Từ hai thí dụ kể trên thánh Augustinô đi tới kết luận như sau: “Bạn hãy yêu đi và rồi làm điều mà bạn muốn. Nếu bạn có thinh lặng thì hãy thinh lặng vì yêu; nếu bạn nói thì hãy nói vì yêu; nếu phải sửa sai thì hãy sửa vì yêu; nếu tha thì tha vì yêu. Tình yêu phải là gốc rễ trong lòng bạn, bởi vì từ gốc rễ này chỉ có thể có điều tốt mà thôi”.
Như vậy tình yêu mang lại giá trị luân lý cho các việc làm của chúng ta. Nhưng mà lúc nãy, cha có kể thí dụ một bác sĩ giết một bào thai khuyết tật vì yêu, không muốn cho nó phải khổ. Thế thì đâu có thể trách cứ ông được?
Như đã nói trên đây, các câu nhận xét về cuộc sống không có giá trị tuyệt đối như chân lý toán học. Cần phải lồng trong mạch văn của nó thì mới nhận thấy ý nghĩa và giá trị của nó. Trước đây tôi đã trưng dẫn vài tục ngữ bình dân cho thấy tình yêu mang lại sức mạnh giúp ta vượt thắng trở ngại. Nhưng đồng thời, tục ngữ bình dân cũng không thiếu những nhận xét về sự mù quáng của tình yêu, chẳng hạn như là “Yêu nhau chín bỏ làm mười”, hoặc là “Yêu nhau mọi việc chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Tạm coi đó như là điểm tích cực của tình yêu; nhưng rồi tình yêu có thể biến chuyển và vì thế sinh ra thái độ trái ngược, chẳng hạn như: “Yêu nên tốt ghét nên xấu”, hoặc “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”, “Yêu cho nhau ăn cháy, ghét nói nhau cạy nồi”.
Như vậy câu nói của thánh Augustinô chỉ có giá trị tương đối thôi phải không?
Tương đối hay tuyệt đối còn tùy theo ý nghĩa của tình yêu. Cần phải nghiên cứu những chiều kích khác nhau của tình yêu theo thần học của thánh Augustinô thì mới có thể khẳng định giá trị của câu nói: “Yêu đi rồi làm chi cũng được”. Thực ra, thánh Augustinô không thêm gì mới lạ vào giáo huấn của Tân ước. Trong Tân ước chúng ta gặp thấy nhiều đoạn văn trong đó tình yêu được đặt làm tiêu chuẩn phán đoán giá trị luân lý cho các hành vi của chúng ta. Chẳng hạn như khi Chúa Giêsu thâu gom tất cả các giới răn Thiên Chúa vào hai mối là: mến Chúa yêu người. Hoặc trong dụ ngôn về cảnh phán xét chung thẩm, ngài đã tính công phạt tội tùy theo mức độ mà chúng ta thi hành hay khước từ sự thương yêu dành cho tha nhân. Còn thánh Phaolô, trong chương 13 của thư thứ nhất gửi Côrintô đã nhấn mạnh rằng nếu ai thực hiện được tất cả mọi chuyện kinh thiên động địa mà không có thương yêu thì cũng chỉ là số không; trái lại, ai có tình yêu là có được tất cả. Thánh Augustinô thì sử dụng kiến thức tâm lý để phân biệt các loại tình yêu khác nhau. Triết học Hy-lạp đã nói tới hai thứ tình yêu rồi (eros và philia): một thứ tình yêu theo đam mê và một thứ tình yêu khách quan vô vị lợi. Tân ước thì thêm một cấp thứ ba nữa, đó là agape, tình yêu của chính Thiên Chúa trao ban. Thiên Chúa là agape, ai ở lại trong agape là ở lại trong Chúa; và khi đã ở trong Chúa thì không thể nào phạm tội được. Trái lại, tội chính là chống lại agape (1Ga 3,14).
Dựa theo các dữ kiện đó, mà thánh Augustinô đã trình bày nhiều loại tình yêu và nhiều cấp tình yêu. Không phải bất cứ tình yêu nào cũng đưa chúng ta lại gần Thiên Chúa, bởi vì có lắm thứ tình giả trá, những thứ tình chỉ nhằm thỏa mãn dục vọng ích kỷ chứ không đưa chúng ta đến kết hợp với Thiên Chúa. Tình yêu dẫn tới Thiên Chúa là tình yêu agape, tình yêu trao hiến, tình yêu ôm ấp cả kẻ thù địch bởi vì muốn hoạ lại tình yêu của chính Thiên Chúa. Để cho tình yêu không rơi vào cảnh mù quáng (yêu nên tốt, ghét nên xấu), thánh Augustinô và truyền thống thần học đã liên kết tình yêu với chân lý (nghĩa là sự thực), tình yêu chân chính, ngõ hầu không những loại trừ những thứ yêu thương giả dối mà còn hướng yêu thương đến chân lý khách quan. Chính trong viễn tượng đó mà “thương con cho roi cho vọt”: việc sử dụng roi vọt gây ra đau khổ cho con cái, nhưng đôi khi cha mẹ buộc lòng phải sử dụng vì muốn cho nó nên thân nên người; đang khi mà “cho ngọt cho bùi” thì lại có thể làm cho nó hư, chứ không phải là yêu thương thật tình.
Tóm lại: yêu rồi làm, hay làm rồi yêu?
Theo thói thường, có yêu thì mới làm. Tình yêu giúp cho việc làm trở nên dễ dàng thích thú. Tuy vậy, gặp những việc khó khăn ngại ngùng, thì chúng ta phải có can đảm đương đầu, và khi đã quen rồi thì sẽ thấy yêu. Nói đúng hơn, khi gặp những công tác khó khăn, chúng ta cần có một động lực tình yêu mạnh mẽ hơn; chứ sự hứng thú thường tình thì không đủ. Tình yêu mạnh mẽ ấy gọi là đức ái.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Nguồn: daminhvn.net