Tháng Các Linh Hồn, Cảm Nghĩ Về Lòng Biết Ơn

0
338

datthanh.jpg“ Một Ly Sữa” là một câu chuyện có thật diễn ra vào năm 1895 giữa Tiến sỹ Howard Kelly – một nhà vât lý – y học kiệt xuất, người đã sáng lập ra khoa ung thư tại trường Đại học John Hopkins( Hoa Kỳ) và một cô gái tốt bụng. Một ly sữa được uống lúc bụng đói đã nuôi dưỡng lòng trắc ẩn trong suốt cuộc đời Howard Kelly, và khi hóa đơn viện phí rất lớn của cô gái này phải trả khi mắc bệnh ung thư được Howard Kelly “Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa”.

Câu chuyện “ Một Ly Sữa” là một trong rất nhiều câu chuyện về lòng biết ơn hiện hữu trong một xã hội nhân văn.

  + Một sự so sánh có thể là khập khiễng:

Hiển nhiên, trong cuộc đời này, ta đã nợ các đấng sinh thành “ rất nhiều nhiều” những ly sữa ân tình, những ly sữa tình thương mà khó có nhà kinh tế nào có thể thống kê sao cho trọn vẹn. Ngoài những ly sữa dinh dưỡng, ta còn nợ các ngài những ly sữa thơm lành là những bài học về tư cách làm người, về đạo hiếu làm con… nhưng lắm khi nơi chốn chợ đời vội vã với cơm áo gạo tiền chúng ta chểnh mảng, lãng quên chức phận của mình.

 Nhạc phẩm “Trong Trái Tim Chúa” ở đoạn phiên khúc đầu viết như sau: “… Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi. Nhỏ bé thôi nhỏ bé thôi như nước mưa tan trong biến khơi. Nhỏ bé thôi nhỏ bé thôi. Trái tim con trong trái tim Người nhỏ bé thôi nhỏ bé thôi là tình con trong khối tình người…”

Vâng, cũng có thể là như vậy, ta chỉ cần một trái tim nhỏ bé thôi chứ chẳng cần tới trái tim to lớn hay vĩ đại gì cả thì thiết nghĩ, các đấng bậc sinh thành của ta sẽ vui và âu yếm mỉm cười.

 + Tháng các linh hồn – Tháng báo hiếu – Tháng tình yêu trong sự hiệp thông:

Hàng năm, Hội thánh Công giáo hoàn vũ đã dành trọn tháng 11 Dương lịch để cầu nguyện cho các linh hồn. Nếu như ngày 01 tháng 11 là thánh lễ trọng kính các Thánh nam nữ vì các ngài đã được vinh hiển nơi Nhà Chúa thì ngày 02 tháng 11 lại là thánh lễ cầu cho các linh hồn đang phải thanh luyện trong luyện hình. Do đó, hành vi đạo đức của toàn thể Giáo hôị trong tháng 11 sẽ được biểu hiện thông qua việc dâng lễ, đọc kinh cầu nguyện và thực hiện những việc làm hy sinh cho các linh hồn.

Trong tháng các linh hồn, Giáo hội luôn mời gọi mỗi người hãy kết nối sự yêu thương, kính trọng và tưởng nhớ; đặc biệt là việc dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện cho linh hồn các đấng bậc sinh thành là tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân của mỗi người đã tạ thế. Bởi lẽ, qua giáo huấn của Giáo hội thì các linh hồn cũng là những người đã một thời sống cùng với chúng ta nơi cõi trần nhưng các ngài đi trước, vì mang thân phận con người nên nhiều lúc các ngài cũng mắc phải những lỗi lầm và mang theo vào cõi chết. Thứ đến, trong Tháng các linh hồn ngoài việc đọc kinh, cầu nguyện cho các linh hồn thì việc đi viếng nghĩa trang, chỉnh trang lại những mộ phần người thân luôn là việc ưu tiên cần làm của mỗi tín hữu Công giáo. 

Bởi thế, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta hướng về Tháng các linh hồn chính là phương cách hữu hiệu để bày tỏ lòng cung kính trong tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn và lòng thành của mỗi người khi hướng về các linh hồn sẽ mặc nhiên trở nên qu‎í giá, ấm áp và mối tình thân được liên kết một cách thiêng liêng trong tình yêu bao la của Chúa.

 + Chia sẻ:

“ Đức tin không việc làm là Đức tin chết”.

Vâng, lòng biết ơn cũng không thể là lời nói nơi đầu môi chót lưỡi, hay chỉ tồn tại trong những áng văn thơ bay bổng hoặc nơi những bài tình ca da diết mà hơn hết, lòng biết ơn cần thể hiện qua những việc làm thì mặc nhiên nó mới trở nên một cách có ý nghĩa. Là người Công giáo, khi hướng về các đấng bậc sinh thành đã qua đời thì việc xin lễ cho các ngài, bằng lời kinh cầu nguyện, những bông hoa và nén hương lòng thành kính nhân Tháng các linh hồn hay những ngày giỗ có lẽ đã là quá đủ chứ không hẳn là phải cần tới những mâm cao cỗ đầy để thể hiện đẳng cấp nhân gian

Hiện nay, trong một xã hội cổ xúy quan điểm vô thần thì các giá trị đạo đức và luân thường đạo lý xuống cấp trầm trọng từng ngày. Đâu đó trong cuộc sống hay qua các phương tiện truyền thông, chúng ta được hiển thị những hành vi bất hiếu của con cái với cha mẹ, với ông bà… mà nguyên nhân đa phần bắt nguồn từ quyền lợi vật chất nhỏ nhen. Con cái bạc đãi cha mẹ, thậm chí đánh đập hay tước đi mạng sống của cha mẹ mình gây ra những cơn giật mình và bức xúc trong xã hội.

Người ta thường nói: “Trong mắt cha mẹ, con cái mãi là trẻ thơ” là cách nói mang màu sắc để tôn vinh tình thương yêu bao la, không toan tính của cha mẹ với con cái. Khi ta sống gần hay cách xa, các ngài lúc nào cũng lo lắng cho ta, kể cả khi ta khôn lớn thậm chí là khi ta đã “ già”. Thế thì tại sao ta lại không thể hiện lòng biết ơn chứ đừng nói chi đến hành vi vô ơn!?

Lạy Chúa, nhân Tháng các linh hồn, xin Chúa chỉ cho con biết đụng chạm vào lòng biết ơn với các đấng bậc sinh thành mà cuộc đời con luôn mãi mắc nợ họ những ly sữa ân tình;  xin cho con một trái tim nhỏ bé thôi nhưng đủ lớn về lòng biết ơn, để con xứng đáng được làm con Thiên Chúa cũng như tiên tổ, ông bà, cha mẹ,… của con cũng đã diễm phúc được làm con Thiên Chúa.

 Xin Chúa chỉ cho con biết dừng lại trong những toan tính vụ lợi nơi chốn nhân tình thế thái, để con có đủ quỹ thời gian cần thiết để hướng về các linh hồn tiên nhân trong Tháng các linh hồn, là tháng báo hiếu – Tháng của tình yêu trong sự hiệp thông này!

Nguyện xin Mẹ Maria – Mẹ của lòng thương xót và Thánh cả Giuse dạy dỗ để con biết noi theo khuôn mẫu gia đình Thánh gia, tuy nghèo nhưng luôn là hiện thân của tình thương yêu và hai tiếng “ Xin Vâng”;  Để con biết sống sao cho trọn đạo làm con cái với các bậc sinh thành kể cả khi các ngài còn sống hay đã qua đời.

Được như thế thì con xin thân thưa cùng Chúa, rằng: Món nợ những ly sữa ân tình của con với các bậc sinh thành sẽ luôn được trân quý chứ không bao giờ bị đánh đổ./.

            Jos. Nguyễn Mừng