Sống mùa chay

0
35

Bible And RosaryGiáo Hội đã lấy đoạn Phúc Âm Mt 6,1-6.16-18 để làm hành trang thiêng liêng cho con cái mình, khi khai mạc Mùa Chay Tịnh. Sau khi “xé lòng”, chúng ta được chính Đức Giêsu kêu mời thực hành ba việc hết sức cụ thể: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.

Trước khi chúng ta xắn tay áo để thực thi những việc này, chúng ta hãy ghi khắc trong tâm trí mình tinh thần của Đức Giêsu: “Hãy coi chừng, đừng phô trương công đức trước mặt người ta, để hòng được thấy; chẳng vậy, các ngươi mất công nơi Cha các ngươi, Đấng ngự trên trời.”

Bản tính loài người chúng ta hay khoe khoang, phô trương công đức, để hòng được thiên hạ nhìn thấy, ngõ hầu họ ca tụng, vinh danh mình. Tinh thần của Đức Giêsu là khiêm nhường. Chúng ta nên xác tín rằng không có việc thiện nào chúng ta làm một cách thầm lặng, khiêm nhường, “trong phòng kín”, mà Cha trên trời lại không hay biết. Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Laura Bush, đã được báo chí khen ngợi là “người phụ nữ hoàn tất mọi việc trong âm thầm.” Tôi nguyện lấy tấm gương này làm “nghệ thuật sống” cho đời mình.

BỐ THÍ

Đây là việc thứ nhất chúng ta làm. Từ “bố thí” đối với tôi nghe không được nhẹ nhàng, khiêm hạ mấy, nhưng chúng ta tạm dùng từ bình dân quen thuộc này. Đây là nghĩa cử chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu thốn vật chất. Đức Giêsu đã lên án người giàu đóng lòng mình lại, nghĩa là ích kỷ không chia cơm xẻ áo với người nghèo: “Khốn cho các ngươi, những kẻ giàu có! Vì các ngươi hiện đã có phần an ủi.”

Khi chúng ta “mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, mở trương mục tiết kiệm mình ký thác trong ngân hàng lớn, kéo dài bàn ăn nhà mình, cho các công tác từ thiện, chúng ta sẽ được Cha trên trời chúc phúc, và thưởng công. Tôi nhớ lời Thánh Phaolô: “Gieo sẻn thì gặt sẻn, gieo hậu thì gặt hậu.” Trong thực tế, người giàu có là người đã ban tặng nhiều; kẻ ích kỷ sẽ là kẻ nghèo nàn nhất thế gian.

Một điểm rất quan trọng tôi đã học được nơi Mẹ Têrêsa Calcutta, đó là khi chúng ta giúp người nghèo, chúng ta phải kính trọng và yêu mến họ, chứ không phải khi trông thấy họ đến cửa nhà mình, chúng ta nhìn họ bằng nửa con mắt để xua đuổi họ đi, hoặc ném cho họ vài đồng tiền giấy trị giá thấp nhất, bẩn thỉu, và nhàu nát, như những của bố thí, tức những của không đáng kể gì, ta vất đi, ta “thí” đi, cho người hành khất ăn xin!

Đức Giêsu dạy chúng ta khi giúp người nghèo thì “đừng thổi loa”, “tay trái đừng biết điều tay phải làm, hầu việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi là Đấng thấu suốt kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi.”

Việc tương thân tương ái, chị ngã em nâng, một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, chúng ta chia sẻ cho nhau phải có tính cao thượng, nghĩa là “bố thí mà không cầu đền đáp” của người thụ ân. Chúng ta cứ dấn thân cho đồng loại, Thượng Đế “sẽ hoàn trả lại” cho mình.

CẦU NGUYỆN

Việc thứ hai này chắc hẳn là thiết yếu nhất của các tín hữu chúng ta. Chúng ta hãy dùng những ngày Mùa Chay để kết hiệp làm một với Cha trên trời, nâng tâm hồn mình lên với Ngài. Chính nhờ sức mạnh của cầu nguyện mà Con Chiên Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian đã viên mãn công trình của Ngài.

Đức Giêsu cảnh giác chúng ta khi cầu nguyện thì “đừng lải nhải như người ngoại!” Họ lắm lời vì họ tôn thờ nhiều thần tượng, họ vái tứ phương, họ lạy khắp phía. Chúng ta hãy nhớ lời Đức Giêsu căn dặn mình rằng “đừng tưởng hễ nói nhiều thì sẽ được nhậm”. Nói ít là nói những gì? Đức Giêsu đã dạy chúng ta một mẫu kinh cốt tủy, đó là Kinh Lạy Cha.

Mỗi ngày chúng ta hãy đọc ít nhất một lần Kinh Lạy Cha với tất cả tâm hồn mình, nghĩa là vừa đọc vừa suy niệm, chứ đừng đọc như thói quen, có khi chạy nhanh như xe hơi ngoài xa lộ liên bang!

Mẹ Têrêsa Calcutta khuyên chúng ta:

“Trong Mùa Chay, chúng ta hãy tấn triển tinh thần cầu nguyện và tĩnh tâm của mình. Hãy giải thoát trí huệ chúng ta khỏi hết thảy những gì không phải là Đức Giêsu. Nếu anh chị em thấy mình khó cầu nguyện, hãy cầu xin Ngài nhiều lần: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự vào trái tim con, hãy cầu nguyện với con, hãy cầu nguyện trong con — ngõ hầu con có thể học từ nơi Ngài cách thức cầu nguyện'”.

“Khi đến lúc cầu nguyện mà chúng ta không thể cầu nguyện, chúng ta hãy làm một việc hết sức đơn giản, đó là hãy để cho Đức Giêsu cầu nguyện trong chúng ta lên cùng Chúa Cha trong thinh lặng của lòng mình. Nếu chúng ta chẳng thể nói ra lời, Ngài sẽ nói cho chúng ta. Nếu chúng ta chẳng thể cầu nguyện, Ngài sẽ cầu nguyện thay chúng ta. Vậy chúng ta hãy trao cho Ngài sự bất khả và sự trống không của mình.”

ĂN CHAY

Việc thứ ba này cũng thật quan trọng, và nó phải được thực hành theo tinh thần của Đức Giêsu: “Khi các ngươi ăn chay thì chớ sầm mặt lại như bọn giả hình (….) Còn ngươi ăn chay thì đầu hãy xức dầu, và mặt mày hãy lau rửa…”.

Việc ăn chay như vậy không phải là chuyện sầu buồn, tang chế; và người ăn chay sẽ không mang bộ mặt đưa đám vào dung nhan thật của mình!

Khi nghe từ “ăn chay” thường các tín hữu nghĩ đến việc ăn một bữa no, rồi một bữa nhẹ, theo luật chay tịnh của Giáo Hội chúng ta. Thật ra, ăn chay có một sức mạnh tâm linh lớn lao, chứ không chỉ đơn giản là việc ăn ít hơn thường ngày, như một lần kia, Đức Giêsu đã nói với các môn đồ mình: “Thứ quỉ này chỉ trừ được bằng việc ăn chay và cầu nguyện.”

Ăn chay để lòng chúng ta không còn nặng nề vì “say sưa chè chén”, như Tông đồ dân ngoại Phaolô đã huấn dụ những tay nhậu tục tử phàm phu! Ăn chay để lòng chúng ta vơi đi những tham lam, ghen tuông, và nóng giận của mình, và nhất là để nó được đổ vào tràn đầy hoa quả của Thánh Linh. (xem Ga 5:22) Ăn chay để con người chúng ta được nhẹ nhàng, thanh thoát, như cánh chim trời vút bay lên cao, như bông huệ ngoài đồng thỏa ngát hương thơm…

Khi ăn chay, trong thực tế, chúng ta sẽ dành được một số tiền, vậy phần ăn chay này chúng ta được kêu gọi tặng lại cho những người nghèo. Nếu chúng ta cất giữ nó vào “kho tàng dưới đất” của mình, việc ăn chay trở thành vô lý, vô nghĩa, vì bởi nhờ ăn chay mà chúng ta trở nên keo kiệt hơn, và ích kỷ hơn!

Nguyện xin Chúa Kitô ban cho chúng ta Mùa Chay Tịnh sung mãn thánh ân Ngài.

Lm Nguyễn Thanh Sơn

(Trích trong http://nguoitinhuu.com)