Hoán cải và sám hối

0
199

Prayer1) Nỗ lực hướng tới sự hoán cải tâm hồn cách đặc biệt trong mùa này.

Chúng ta đang ở thời điểm đầu mùa Chay, là thời gian để sám hối và canh tân nội tâm chuẩn bị cho lễ Phục sinh. Phụng vụ của Hội Thánh không ngừng kêu mời chúng ta thanh tẩy linh hồn và bắt đầu lại.

Chúng ta đọc thấy trong Bài đọc I: Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu”. Rồi khi xức tro trên trán chúng ta, linh mục nhắc chúng ta nhớ lại những lời trong Sách Sáng Thế. “Hãy nhớ ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”.

“Hãy nhớ ngươi là bụi đất…” Hãy nhớ! Dù được nhắc nhở, đôi khi chúng ta vẫn quên điều này: không có Chúa, chúng ta chẳng là gì cả. “Không có Chúa, tất cả sự vĩ đại của con người chỉ là nhúm tro bụi, trên chiếc đĩa đặt cạnh bàn thờ trong ngày Thứ Tư lễ Tro. Đó là cái mà Hội Thánh dùng để ghi dấu trên trán chúng ta”.

Thiên Chúa muốn chúng ta từ bỏ các sự vật trần gian và quay về với Người. Người muốn chúng ta từ bỏ tội lỗi, nguyên nhân của sự già cỗi và chết chóc, và quay về dòng nước sự sống và hân hoan. “Đức Giêsu Kitô là ân sủng cao vời của toàn bộ mùa Chay. Người tự bộc lộ mình cho chúng ta trong Tin mừng với tất cả sự đơn sơ giản dị”

Hướng lòng về với Chúa, hay hoán cải, nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng vận dụng mọi phương thế để sống như Người mong đợi. Chúng ta phải tuyệt đối trung thực với bản thân. Chúng ta không được làm tôi hai chủ. Chúng ta phải yêu Chúa hết lòng hết linh hồn, và tránh xa mọi tội nhẹ cố ý. Mọi người trong chúng ta đều phải gắng sức đạt được điều này, cho dù hoàn cảnh công việc, sức khỏe, gia đình, tuổi tác thế nào.

Đức Giêsu đang mong chờ một con tim thống hối, một con tim nhận biết những yếu đuối và tội lỗi của mình và sẵn sàng giải thoát mình khỏi chúng. “Bấy giờ, các ngươi sẽ nhớ lại lối sống xấu xa và hành vi bất hảo của các ngươi…” Thiên Chúa muốn chúng ta chân thành đau buồn về các tội đã phạm, bằng việc đi xưng tội, và bằng những hành vi khổ chế và sám hối vì yêu Chúa. Đối với chúng ta, hoán cải nghĩa là tìm kiếm sự tha thứ của Thiên Chúa và nguồn sức mạnh trong bí tích Hòa Giải. Đấy là cách chúng ta bắt đầu lại và hoàn thiện mỗi ngày. Để khích lệ lòng thống hối, Hội Thánh trình bầy cho chúng ta Thánh vịnh thống hối mà vua Đavít đã thốt lên, và rất nhiều vị thánh đã dùng những lời này để cầu xin Chúa thứ tha tội lỗi:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

Dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

Đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài.

Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

Và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,Cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. (Tv 50)

Hôm nay Thiên Chúa sẽ lắng chúng ta nếu chúng ta thốt lên lời nguyện xin: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.

2) Các việc sám hối. Năng xưng tội, hãm mình, làm phúc bố thí

Lòng hoán cải thật sự được thể hiện qua cung cách xử sự của chúng ta. Chúng ta chứng tỏ mình thật sự muốn cải thiện. Qua lề lối làm việc hay học tập, chúng ta biểu lộ điều ấy ra qua cách ăn nết ở trong gia đình; dâng lên Chúa những việc hãm mình nhỏ bé làm cho cuộc sống của những người chung quanh dễ chịu hơn, và làm cho công việc của chúng ta đạt hiệu quả cao hơn. Chúng ta cũng có thể bày tỏ bằng cách dọn mình chu đáo và xưng tội thường xuyên.

Hôm nay Chúa yêu cầu nơi chúng ta một sự hãm mình đặc biệt để dâng lên Chúa với tinh thần vui vẻ: đó là ăn chay và kiêng thịt, củng cố tinh thần nhờ khổ chế thể xác và thú vui xác thịt, nâng linh hồn chúng ta lên Chúa, đẩy lùi mọi ham muốn nhục dục bằng cách cho chúng ta sức mạnh để vượt qua và kìm chế các đam mê, và khuất phục con tim để không tìm kiếm điều gì khác ngoài việc làm vui lòng Chúa trong mọi sự.

Trong mùa Chay, Hội Thánh đòi hỏi những dấu chỉ sám hối (kiêng thịt từ tuổi 14, và ăn chay trong độ tuổi từ 18 đến hết 59 tuổi), đưa chúng ta xích lại gần Chúa hơn và đổ vào linh hồn chúng ta một niềm vui đặc biệt. Hội thánh cũng yêu cầu chúng ta quảng đại làm phúc bố thí cho kẻ khó. Chúng ta sẽ làm việc này với lòng xót thương, muốn an ủi người đang thiếu thốn hay đóng góp vào việc tông đồ, tùy theo phương tiện đang có trong tay, vì lợi ích của các linh hồn. Mọi Kitô hữu đều có thể làm phúc bố thí – không chỉ người giàu có và thế lực, mà cả những ai có mức sống trung bình và ngay cả người nghèo; nhờ vậy những người không ngang bằng nhau về khả năng bố thí lại trở nên bình đẳng với nhau trong tình yêu và tình thương.

Từ bỏ của cải vật chất, hãm mình và chay tịnh thanh tẩy chúng ta sạch tội lỗi và giúp chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày. Vì ai cất công tìm Kiếm Thiên Chúa đêm ngày trong khi vẫn muốn bám víu vào sở thích và lợi thú của bản thân, sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Các việc bổn phận thường ngày của chúng ta chính là nguồn đem lại những cơ hội hãm mình: trật tự ngăn nắp, giữ đúng giờ giấc, tập trung sự chú ý và năng lực vào công việc… Thông qua mối quan hệ với người khác chúng ta sẽ tìm ra cơ hội chế ngự tính ích kỷ nơi bản thân chúng ta và giúp tạo ra một bầu khí ấm áp dễ chịu hơn quanh mình. Và việc hãm mình tốt đẹp nhất là từng vượt sự ham muốn của xác thịt, sự ham muốn của đôi mắt, và lối sống kiêu hãnh nơi những việc nho nhỏ trong suốt cả ngày. Những việc khổ chế của chúng ta phải là những việc không gây phiền nhiễu cho người khác nhưng làm cho chúng ta “duyên dáng” hơn, thông cảm hơn và cởi mở hơn trong các mối quan hệ với mọi người. Các bạn chưa được gọi là hãm mình nếu các bạn còn quá tự ái; nếu các bạn chỉ nghĩ cho mình; nếu các bạn nhục mạ người khác; nếu các bạn không biết từ bỏ những thứ không cần thiết và đôi khi cả những thứ cần thiết, nếu các bạn buồn chán vì các sự việc không diễn ra theo cách mà các bạn kỳ vọng. Trái lại, các bạn có thể dám chắc mình đã khổ chế nếu các bạn biết cách làm cho bản thân các bạn trở nên “mọi sự cho mọi người, để cứu độ mọi người” (1Cr 9,22).

Mỗi người chúng ta cần phải phác họa ra một kế hoạch cụ thể để dâng các việc hãm mình lên Chúa mỗi ngày trong suốt mùa Chay này.

3) Mùa Chay là thời gian để tiến đến gần Chúa hơn

Chúng ta không thể để cho ngày hôm nay qua đi mà không khơi dậy trong sâu thẳm linh hồn chúng ta một niềm khát khao trở về, như đứa con hoang đàng, để xích lại gần Chúa hơn. Qua Bài đọc 2 trong thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng đây là thời điểm tuyệt vời để chúng ta trở về với Thiên Chúa. “Chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu… Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”. Một lần nữa Chúa lại nói với mỗi người chúng ta tận sâu thẳm linh hồn: “Hãy trở về với Ta. Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”.

Bây giờ là lúc cuộc hoán cải trong Đức Kitô được duy trì nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa. Đó là lý do vì sao thông điệp của mùa Chay luôn luôn đầy ắp niềm vui và hy vọng, cho dù nó là một thông điệp chứa đựng tâm tình thống hối và khổ chế.

Nếu có ai trong chúng ta nhận thấy mình buồn phiền, thì người ấy cần phải nghĩ ngay rằng. “Đó là vì tôi chưa ở gần Đức Kitô cho đủ…”. Nếu có người trong chúng ta cảm thấy mình có khuynh hướng hay nóng giận, bẳn gắt, người ấy cũng phải tự nhắc nhở mình như vậy. Nếu người này la lối trách mắng về những sự việc xảy ra quanh mình, anh ta sẽ đi chệch mục tiêu; anh ta sẽ nhìn sai phương hướng. Đôi khi sự lãnh đạm hay buồn phiền là do mệt mỏi hay đau ốm… nhưng thường là do thiếu quảng đại trong khi làm điều Chúa đòi hỏi, do yếu đuối trong cuộc đấu tranh thanh luyện các giác quan, thiếu quan tâm đến tha nhân… Tóm lại, nó bắt nguồn từ tình trạng thờ ơ lãnh đạm.

Nếu chúng ta ở gần Đức Kitô, chúng ta sẽ luôn luôn tìm ra phương thuốc chữa trị thái độ thờ ơ lạnh nhạt và khôi phục lại sức mạnh để chiến thắng những khuyết điểm mà tự sức mình chúng ta không thể nào vượt qua. Khi một người tự nhủ: “Tôi không thể nào chừa bỏ tật xấu lười biếng. Tôi trơ lì mất rồi; dường như tôi không tài nào hoàn thành điều đã khởi sự, thì hôm nay người ấy nên nghĩ rằng: “Tôi phải ở gần Đức Kitô cho đủ”. Đó là lý do vì sao mỗi khi chúng ta nhận ra một khiếm khuyết, một yếu điểm trong cuộc sống của mình… chúng ta cần phải kiểm điểm ngay lập tức: “Dường như tôi chưa kiên trì: tôi chưa ở gần Đức Kitô. Tôi không vui vẻ: tôi chưa ở gần Đức Kitô. Và Đức Kitô sẽ nói: Nào! Hãy quay lại! Hãy trở về với Cha với cả tấm lòng!”

Đây là thời gian để mỗi người trong chúng ta nhận biết mình được Đức Kitô thúc đẩy. Những ai có khuynh hướng trù trừ do dự hãy biết rằng đã đến lúc phải quyết định dứt khoát. Những ai bi quan chán nản và nghĩ rằng những lỗi lầm của mình là vô phương cứu vãn hãy biết rằng thời điểm đã đến. Mùa Chay đã bắt đầu, và chúng ta hãy coi đây là thời điểm để thay đổi và hy vọng.